Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

THƠ TRỊNH THANH SƠN

Trịnh Thanh Sơn
(1948 - 2007)


"Bây giờ, xương thịt người ấy đã chìm khuất dưới ba thước đất, hồn vía người ấy đã cô đơn đâu đó cùng bạt ngàn trăng sao nhưng tinh huyết người ấy còn đây, những câu thơ, lời văn gan ruột một đời... tấm lòng người viết đó là cốt lõi của mọi thành công, là cái còn lại sau khi nhiều thứ đã mất".

(Vũ Duy Thông)


Bà tôi


(Ảnh sưu tầm)




Trong giấc mơ tôi ẩn hiện bóng Bà
Cắp rổ cá khoai dọc bờ sông vắng
Bước chầm chậm, thời gian trĩu nặng
Đã làm cong lưng Bà!
Trong giấc mơ tôi ẩn hiện bóng Bà
Chiếc cối giã trầu xoay đủng đỉnh

Bà ru tôi chuyện Phạm Công - Cúc Hoa
Mùi trầu thơm rơi vào giấc ngủ...
Trong giấc mơ tôi ẩn hiện bóng Bà
Những ngày tháng sao mà khủng khiếp
Anh hàng xóm răng đen mắt toét
Rủ tôi đi "đả đảo" Bà tôi
Trèo lên cây bàng vạch lá
Nhìn xuống sân đình tôi khóc gọi: Bà ơi!
Bà tôi tóc bạc da mồi
Đứng chôn chân trước "vành móng ngựa"
Vành móng ngựa quây bằng tre nứa
Bóng Bà nghiêng xô lệch cả hoàng hôn!
Khoai sắn cõng tôi qua mùa đông buồn
Cơm rau má Bà giành phần rau má
Bưng bát cơm nước mắt rơi lã chã
Mắt tôi đỏ hoe cho đến tận bây giờ!
Tận bây giờ...
Bà vẫn thường về an ủi những câu thơ!

                                          1995


Gửi mẹ

Những đứa trẻ lang thang lơ đễnh dại khờ
Trên đường đời bước lầy, bước thụt
Một chiếc lá rời cành lòng cũng buồn ngơ ngác
Con chỉ nhặt cho mình cái đốm sáng của hoàng hôn!
Con chỉ nhặt cho mình nào có gì hơn
Niềm hạnh phúc mong manh như chiếc lá
Trái đất này quá nhiều giông tố
Mẹ đừng buồn khi chợt nhớ về con!
Mẹ đừng buồn mẹ nhé mỗi hoàng hôn
Dẫu sống bao năm con vẫn là đứa trẻ lên ba trong mắt mẹ
Trước lở bồi cuộc đời dâu bể
Con chỉ nhặt cho mình cái đốm sáng của hoàng hôn!
Ánh mắt mẹ lo buồn sẽ nặng trĩu lòng con
Chiều nay nữa mẹ ngồi bên bậu cửa
Dáng kiên nhẫn đăm đăm nhìn ra ngõ
Ngỡ lát nữa thôi con trai mẹ sẽ về...
Đã qua xuân, hoa bưởi rụng bên hè
Cây gạo đỏ cuối trời như đuốc lửa
Con chẳng thể còn phân vân chọn lựa
Lại lên đường, lại hăm hở, lại đi...
(Ảnh sưu tầm)
Mẹ cứ tin rồi con sẽ trở về
Một buổi sáng tinh mơ con gõ cửa
Chú chim khách trước nhà còn ngái ngủ
Vội bay lên hoan hỉ báo tin mừng!
Mẹ sẽ cười và nước mắt rưng rưng
Gương mặt mẹ sáng bừng như lửa thắp
Cuối đời mẹ một mặt trời lại mọc
Bởi yêu tin chưa nguội tắt bao giờ!

                 Thái Nguyên, 12.9.1970



Hoa mướp

Dù vẫn biết tình yêu không vĩnh viễn
Em đi rồi ngày tháng cứ chung chiêng
Chợt nhớ nhung rồi bỗng chợt ưu phiền
Lơ đãng bước trên đường thu lá đỏ...
Em vẫn đấy nhưng đâu còn em nữa
Sông như mê ngơ ngác chảy bên trời
Đời hạn hẹp mà mình mơ mộng quá
Hoa mướp vàng hoa mướp nở bên tôi!

Ảnh sưu tầm)
1986


Nhớ

Vắng em ngày rộng quá
Mây ngổn ngang trước nhà
(Ảnh sưu tầm)

Mong nhớ là gì thế
Mà bồn chồn vào ra
Chỉ mình anh với gió
Gió vô tình thoảng qua...
Lại đã chiều rồi đấy
Lá táo vàng bên hè
Rồi một trời sao hiện
Ngôi nào cho riêng ta?
Đường lũ lượt người qua
Càng nhìn càng lạ lẫm
Chỉ vắng một em thôi
Phố phường thành quá rộng
Tờ lịch ngày em đến
Vẫn còn nguyên trên tường
Mùa thu dường nán lại
Với ai người cô đơn
Mong nhớ là gì thế
Chén rượu còn trên tay
Cứ ngỡ mình đã uống
Cứ ngỡ mình đã say!

                         1984


Sao các người tham lam quá thế
                                                            Gửi bạn bè tôi

Sao các người tham lam quá thế?
Mỗi cây cầu các người nuốt trôi hàng trăm tỷ
Mỗi ngôi nhà các người bỏ túi hàng trăm tấn xi măng
Mỗi dự án các người chia nhau hàng trăm héc ta đất
Bao cánh đồng phì nhiêu đang biến thành xi măng cốt thép
Những cánh cò lượn vòng ngẩn ngơ...


(Ảnh sưu tầm)

Sao các người tham lam quá thế?
Vì sao rừng U Minh đùng đùng bốc cháy?
Rừng Tánh Linh đang chảy máu ngày ngày...
Các người nuốt chửng những cánh đồng
Các người uống cạn khô sông suối
Thiêu trụi những cánh rừng nhiệt đới
Chim thú bơ vơ không còn nơi ẩn nấp
Lũ lượt nhảy vào bàn tiệc khắp nơi...
Những cánh đồng Quảng Nam, Nghệ An khô nỏ
Lúa không thì con gái, mạ hóa thành rơm tươi...

Sao các người lại tham lam quá thế?
Tiền ở đâu gửi vào các ngân hàng Pháp và Thụy Sĩ
Tiền ở đâu cho con các người du học ở Anh, ở Pháp và ở Mỹ
Khi khắp các miền quê xơ xác
Còn bao đứa trẻ bơ vơ chưa được tới trường!
Các em đi học về, đò chìm chết đuối!
Còn bao mẹ già, những người Mẹ anh hùng... bữa no, bữa đói
Chất độc màu da cam đang gặm mòn đồng đội các người, con cháu các người trong máu trong xương

Sao các người tham lam quá thế?
Hôm qua các người xỉa ra mấy đồng tiền bẩn vênh vang tình nghĩa
Hôm nay báo đăng các người ăn cắp cả trăm nghìn tỷ
Những đồng tiền bẩn kia có nghĩa tình gì
Hay chỉ là những viên đá lát đường cho các người đi?

Sao các người tham lam quá thế?
Những chiếc phong bì đựng đầy đola đã bán linh hồn các người cho quỷ
Những khách sạn, xe hơi,những điền trang đã biến thành quan tài, những bãi tha ma chôn xác mặt trời
Đêm đêm vang lên tiếng hú rùng rợn của loài thú dữ
Tiếng cười sằng sặc của những bóng ma mang khuôn mặt người!

Sao các người tham lam quá thế?
Các người đánh cắp ban mai con trẻ
Các người đánh cắp hoàng hôn cụ già
Các người đánh cắp tình yêu đôi lứa
Đánh cắp luôn cả nguồn cảm hứng thi ca...

2007


Thương CaPi


(Ảnh sưu tầm)
Chú em rể đem cho tôi con chó lai Becgiê, tôi đặt tên cho nó là CaPi. CaPi để nhớ Không Gia Đình của Hectô Malô và để nhớ thương thầy tôi là Huỳnh Lý! CaPi đã sống với vợ chồng tôi từ ngày chúng tôi lưu lạc ra Hà Nội! CaPi thành người trong cuộc, thành nhân vật thứ năm không thể vắng xa! Sáng sáng vợ tôi gánh cháo ra khỏi nhà, CaPi thường đưa tiễn. Bà nội, bà ngoại mỗi năm ra thăm một lần CaPi ôm ghì mừng rỡ. Bà ngoại xưng "Bà" với CaPi, mỗi khi ra về bà vuốt đầu xoa lưng CaPi và bảo: Bà về đây! CaPi ở lại ngoan trông nhà cho cậu!".

Chú em rể tôi chỉ nuôi CaPi nửa tháng rồi đem CaPi cho tôi, mỗi khi chú đến thăm nhà, CaPi chồm lên mừng rỡ quấn quít như chó gặp chủ, trông mà phát ghen!

CaPi sủa rất to giọng trầm như nghệ sỹ, nhưng chưa đớp ai bao giờ. Nhà thơ Hữu Loan mỗi lần đến thăm thường bảo: Con chó nhà cậu rất khôn, tất tớ bẩn nó lôi ra ngoài chậu giặt! Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Văn Thông, nhà viết kịch Nguyễn Anh Biên, nhà thơ Phùng Quán, nhà thơ Vũ Duy Thông... mỗi lần đến chơi coi CaPi như bè bạn. Chỉ gọi "CaPi! CaPi!" Nó liền sủa lên những tiếng chào mừng!

Năm Mậu Dần này CaPi có chửa, chừng như sắp tới ngày sinh, CaPi cẩn trọng dịu dàng như người đàn bà mang thai đang toan vượt cạn.

Sáng nay, ngày 17 tháng 2 (tức 21 tháng Giêng, Âm lịch) vào lúc 4 giờ 15 phút, CaPi bị Con Người đầu độc! Trong vật vã đớn đau CaPi gọi cả nhà thức dậy, nhìn khắp lượt chúng tôi bằng ánh mắt đau thương rồi tru lên nức nở! CaPi ơi! Bả của con người độc lắm, làm thế nào để cứu được CaPi?! Tôi thõng thượt buông tay, đứng như trời trồng giữa sân giương mắt nhìn CaPi giãy chết!

Ôi Con Người - đồng loại của ta tài thật, đã biết chọn kẻ thù là Con Chó nhà tôi!

                                                     Hà Nội, 21 tháng Giêng Mậu Dần


Gửi Nha Trang
                      Tặng P. D. T.

Ta - kẻ lãng du lang bạt một đời - bỗng một ngày theo gót chân ai lạc vào vườn địa đàng ăn trái cấm
Ngoảnh trông trời đã chiều rồi!
Ta muốn ôm lấy chiều hôn lên đôi mắt kính
Vuốt mái tóc mềm còn vương mùi ban mai...
Cũng bởi biển Nha Trang cứ quánh xanh như tảng thạch khổng lồ
Ngỡ có thể sắn ra từng miếng được
Em lặng gói những miếng biển hình tam giác
Hớt hải giữa nắng nôi lo ta lỡ giờ tầu.


(Ảnh sưu tấm)

Nha Trang ùa vào ta đột ngột buổi trưa
Mà đủ cả nắng mưa ngày xưa xa khuất
Xé một mảnh trưa nay giấu vào ký ức
Ngày mai chưa ai ghép được dáng hình...
Ba giờ sáng
Tầu hú còi trườn qua dốc Lết
Tiếng còi thốt một lời giã biệt
Giờ này sóng đã ngủ vùi
Sau lưng, Nha Trang đành xa xôi...
Nha Trang
Nốt ruồi son bên ngực phải
Mai xa rồi ta còn nhớ mãi
Nốt ruồi son buồn
Bên ngực phải
Nha Trang!


Trăng mấy mặt


(Ảnh sưu tầm)

Có nỗi buồn không biết ném vào đâu
Có lời yêu không tiêu hóa nổi
Nước mắt chôn vào đêm tối
Nụ cười phơi giữa đám đông!
Bia rượu tràn ly nói cười hể hả
Ngỡ cuộc đời toàn những hân hoan
Khuya một đèn trước nghìn trang sách
Thấy đời người nhiều quá lo toan!
Sao vậy chứ?
Vầng trăng kia mấy mặt?
Nửa mặt vui che khuất nửa mặt buồn
Người không hiểu người còn day dứt
Biết mặt nào chăn gối lạnh lùng hơn?

4. 2004


Biển vắng

Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng
Xin đừng dõi chi chân trời
Anh ngồi im chìm chiếc bóng
Chén này biển với mình thôi!
Một cộng với một thành đôi
Anh cộng cô đơn thành biển
Nắng tắt mà người không đến
Anh ngồi rót biển vào chai.


(Ảnh sưu tầm)











Sầm Sơn, 1976

Nhắn Gửi

Chúng tôi những người lính đã chết
Không thể yêu như các bạn đang yêu
Không thể mong dẫu một lần cuối nữa
Nhìn mây bay lang bạt trong chiều
Chúng tôi những người lính đã chết
Không thể bước qua ngưỡng cửa nhà mình
Và mẹ tôi nhìn buồng cau mới trổ
Không dám nghĩ về cô gái nhà bên
Chúng tôi những người lính đã chết
Không thể đèo xe đưa vợ tới nhà hộ sinh
Không xót xa khi tóc mình chớm bạc
Vì tóc tôi mãi cứ còn xanh
Chúng tôi những người lính đã chết
Nhưng mọi điều còn có thể xẩy ra
Chỉ mong sao không còn ai cầm súng
Chạy dọc những chiến hào chúng tôi từng qua...

(Ảnh sưu tầm)
1975

Nguồn: Trịnh Thanh Sơn (Toàn tập). NXB Hội Nhà văn, 2012 

Không có nhận xét nào :