Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

CHẾ LAN VIÊN - THƠ DI CẢO

Nhà thơ Chế Lan Viên
(1920 - 1989)

Ông tên thật là Phan ngọc Hoan, sinh ngày 20 - 10 - 1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị.
Bắt đầu sự nghiệp thi ca từ khoảng 12, 13 tuổi, năm 17 tuổi in tập thơ "Điêu tàn" gây chấn động "Như một niềm kinh dị" (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam). Sự nghiệp thi ca kỳ vĩ Chế Lan Viên gồm ba giai đoạn: Giai đoạn khởi đi  là tác phẩm "Điêu tàn" với bút pháp siêu hình. Giai đoạn từ Tháng Tám vĩ đại năm 1945 đến 1975 ông chia tay siêu hình để làm một nhà thơ sống, viết và hiến dâng cho 2 cuộc kháng chiến giải phóng và giữ nước. Và giai đoạn cuối cùng cũng vô cùng đồ sộ là "Thơ Di cảo". Ông thăng hoa như lửa và sắc nhọn như nước trong mâu thuẫn của cuộc đời và sự nghiệp ông. Ông là nhà thơ lớn nhất của thi đàn Việt thế kỷ XX.
 Cuối thu 2007, tôi được bạn hữu tặng một bản tập (photo từ những trang bản thảo đánh máy) "Di cảo thơ Chế Lan Viên" gồm 485 bài. Từ các nguồn báo chí sau đó được đọc thêm một số bài khác do Phu nhân của ông, Bà Vũ Thị Thường, tập hợp tiếp. Như vậy, có lẽ Thơ Di cảo Chế Lan Viên phải chừng gần 500 bài. Đọc hết 485 bài thơ từ nguồn được tặng của bạn hữu và đọc toàn bộ khối lượng đồ sộ Thơ Chế Lan Viên có trước Di cảo, tôi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp phức tạp và đầy trí tuệ của ông. Cũng đã có những kẻ  bất tài muốn được lưu tên bằng thứ thơ bẩn và nhũng trang viết chế giễu ti tiện nhằm vào ông. Thật thảm hại, đáng thương và nực cười. Thế giới Thi ca Chế Lan Viên mãi mãi là "Một niềm kinh dị".
Trân trọng gửi tới Quý độc giả một số bài thơ trong "Di cảo thơ Chế lan Viên"!

Hoàng Quý    


Ai Tôi!

Ảnh sưu tầm
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!

Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

(Rút trong sổ tay thơ tập 5 của tác giả)


Bánh Vẽ

Ảnh sưu tầm


Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...

Tháng 8 năm 1991


Cờ Lau Đinh Bộ Lĩnh

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu
Đánh trận giặc cờ lau
Thế mà không đâu
Gặp Thập nhị sứ quân đầu rừng cuối quận
Thành ra người dẹp loạn
Rồi làm tướng, làm vua
Lắm chuyện nhức đầu
Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không nghe hồn lau gọi nữa
Xa tiếng gió xạc xào
Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…
Chỉ nghe danh vọng ầm ào
Vinh quang xí xố
Hoa Lư ở đâu?
Hoa lau ở đâu?
Hồn lau ở đâu?
Hồn ta ở đâu?

Ảnh sưu tầm

Một thời

Những trưa hè
Nhớ thành Bình Định xưa căn nhà im phắc
Mẹ ngồi bắt chấy cho chị Ba dưới đất
Chị Tư vá may
Cha trên nhà đang giấc ngủ say
Còn tôi thả hồn lên những đầu cây
Chờ thơ về đón bắt

Ảnh sưu tầm
Khi mùi hương tuổi trẻ trở về
Là tuổi trẻ đã ra đi xa lắc
Khi con ve tuổi thơ lột xác
Là mùa ve buổi ấy đã bay vèo

Thời gian không thể hóa thành dòng sông chảy ngược
Cho ta về với những ngày
Nay mộ mẹ ở Đông Hà
                        mộ cha trên núi
Mộ chị Ba ở rừng cao su sẫm tối
Chị Tư heo hút một mình
Chỉ còn tôi - cái dây xâu các hạt xổ ra tung tóe
Lại gặp các mảnh gương đã vỡ
Thế mà mỗi trưa mùi hương còn về quấy quả
Và tiếng ve ra rả
Chẳng thương mình!

Viết khoảng năm 1987 – 1988
(Rút trong tập Các Từ)


Quên

Ảnh sưu tầm
Sẽ quên thôi, sẽ quên thôi
Dù hứa nhớ
Hạnh phúc sẽ quên, đau khổ sẽ quên
Mà chả cần uống nước sông Mê, bến Lú
Chả cần động đất, băng hà hay chấn thương đỉnh sọ
Chả cần ăn cháo bà Tiên hay Quỷ dữ
Chỉ cần uống nước thời gian
Hàng ngày hàng bữa
Rồi chúng ta quên
Quên là thạch nhũ
Cứ nhỏ từng giọt từng ngày thế đó
Mà rồi nước thành ra đá
Lòng ta lãng quên
Quên là một cánh đồng hoang
Mọc cỏ
Khó có cây gì mọc lên
Đừng khổ trước cái điều ngày mai không ai khổ cả
Vết nhức buốt sẽ thành sẹo nhỏ
Cái dằm hạnh phúc rút ra
Cũng không thành dòi bọ
Chỉ thành vết sẹo lãng quên dúm dó
Không ai thèm ngó vì rồi ta quên
Cái hôn yêu lửa nồng sẽ là đất thó
Con sông lũ lụt yêu thương
                               sẽ thành dòng
                                             trơ sỏi đá
Người ta quên
.

Không quên, cho nên nàng Tô Thị mới không làm người
Mà hóa đá
Không quên nên bà mẹ bạc đầu tóc phơ trắng xóa
Không quên nên rừng đánh mất mùi hương, thổi hoài ngọn gió
Không quên nên mùa thu hóa thành con dế nhỏ
Rì rầm trong cỏ
Đêm đêm.
.

Còn đã làm người thì anh sẽ quên
Biết rằng quên nên họ làm thơ, chép sử
Cho nên họ giữ tro tàn. Bỏ quên ngọn lửa
Họ khắc tuổi tên gửi cho vỏ cây than gỗ
Để rồi nguôi quên

1985
(Rút trong tập BỀ THÊU TRÁI)


Sẽ tuột khỏi tay anh

Ảnh sưu tầm
Rồi sẽ tuột khỏi tay anh cái mặt trời quen quá hóa nhàm
Cái cành hoa anh cầm từ nhỏ
Cái vành xe anh đánh qua những bước đường
Cái khối lửa anh thắp thành tình yêu, hạnh phúc
Sẽ tuột khỏi tay anh tiếng chim kêu mỗi sáng
Mùi hương mỗi đêm
Buổi mai chót, hay buổi chiều chót, Hay đêm khuya chót đời anh, ai biết
Nhưng sẽ có một phút chót
Tuột khỏi tay anh tất cả
Dù anh là vua thì đó là ngai vàng
Anh là kẻ ăn mày thì đó là bị gậy
Anh là chiến sĩ thì đó là viên đạn
Anh là tình nhân thì đó là mùi hương
Sẽ tuột
Anh dụng hết sức bình sinh không níu được giây tơ ấy
Bây giờ than khóc trước đi cũng chả ích gì
Nhưng không nhìn thấy nó thì không phải.

1984


Tháp cao tăng

Nhà sư gửi một nắm xương
Trong tháp cổ giữa vườn
Vào cõi Phật
Giữa cái không và cái sắc
Còn còn, mất mất
Người đi qua, để lại tháp trong vườn
Tháp lâu đời rêu phủ, cỏ chen
Tìm mãi mới ra hình con hạc
Có người bảo năm xưa tìm thấy một hoa sen
Cái phát hiện mỗi đời mỗi khác
Cái hồn của nhà sư chắc phải tìm ngoài đỉnh tháp
Nơi thẳm xanh trời, chỗ tháp vươn lên

Ảnh sưu tầm


Ta sinh giữa đời, không có bí quyết cao tăng
Đâu dám dựng thơ như tháp nhiều tầng
Tôi lại thích dựng thơ nằm giữa cỏ
Nếu có đổ thì giữa đời tháp đổ…
Chú bé vạch tìm trong gió
Cùng với dế trong vườn là gạch tháp nghìn năm.

1975


Cầm giả ca

Ảnh sưu tầm

I.
Trong hàng trăm người đến nghe cô đàn
Hình như có một con người ấy
Không đủ lụa vàng để thưởng câu hát
Nhưng có giọt lệ rưng rưng trong mắt
Con mắt thẳm sâu nhìn vào mắt cô
Cả đêm hát vui, hình như chỉ có một người ấy buồn
Bao nhiêu người cho cô vàng, chỉ người ấy cho một sự lặng im và giọt lệ…

Rồi cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong như thơ người ấy nói
Cuộc vui bên Hồ Kiếm lại diễn ra
Cô đã già rồi. Cô đã già rồi
Khéo ai bày đặt gọi cô vào đêm hát ấy
Bao nhiêu đào hát Thăng Long rực rỡ
Ô hay! Sao trong mắt người ấy chả thấy gì!
Người ấy đảo mắt tìm ai?
Chả lẽ tìm cô?!
Tìm ra rồi, người ấy không ngờ
Cô đã hóa bà già
Và người ấy mái tóc thì bạc trắng!

II.
Không phải Nguyễn thương cho cô Cầm mà Cầm thương cho Nguyễn
Bữa tiệc bên Hồ Kiếm vàng lụa dọn đi rồi
Cơ nghiệp Tây Sơn hóa ra gạch ngói
Con người ấy đi về Hồng Lĩnh hay về đâu?
Có lẽ cả thời đại còn trong đầu thơ ấy
Thế mà hôm nay bỗng hoa râm
Và bạc trắng mái đầu!

1987
(Rút trong tập CẦM TAY)


Hồi ký bên trang viết (1)

Ảnh sưu tầm
Tôi tiếp cận trang giấy ngày mười sáu tuổi
Bây giờ sáu ba
Cái trang mơ ước một đời chưa với tới
Dần xa
Tôi như người xâu sợi chỉ vào cây kim ngay trước mặt
Chỉ sắp lọt rồi, Kim bỗng lùi xa
Tôi bước lên một bước. Kim lùi thêm một bước
Ấy mà hết một cuộc đời văn học
Tính tháng ngày, nủa thế kỷ trôi qua…
.Phải đâu tôi quá nhác lười
Khi gà te te đầu thôn, gà te te cuối xóm
Tôi đã dậy, cày vào trang giấy trắng
Ngọn đèn thơ đối chọi ánh sao Mai
Khi trong tổ mẹ con chim còn ngái ngủ
Sông bên ngoài còn chậm chạp dòng trôi
Lá còn giọt sương đêm trong mắt nhỏ
Con ong thơ đã bay đi kiếm mật phía chân trời…
Biết bao đêm, trang giấy ngủ rồi, tôi thức gắng
Con vạc ăn khuya, con mối chết bên đèn
Mùi hoa bưởi lừng lên giữa trời vắng lặng…
Những gì chưa kịp nghĩ ban ngày, tôi đợi giữa lòng đêm
Tôi tỉnh dậy! Chói lòa Trang giấy trắng
Như con đường hun hút về Vô Tận
Để bơ vơ ngòi bút của tôi qua
Nhìn trang giấy biết mình hữu hạn
Ngủ đi thôi! Kìa lại sắp tiếng gà!
Nhớ buổi đầu trang giấy gọi kêu tôi
Cái quãng trống, quãng trắng, quãng vô hình cần chiếm lĩnh
Cải đỉnh tư tưởng, ngôn từ lên cao sẽ với được trời
Tôi ngỡ dễ! Lao vào trận đánh
Mẹ nói cần cơm ăn, tôi cho mẹ Trang Thơ và nhúm cỏ hái trên Trời
Ôi, tuổi trẻ ngây thơ và khờ dại
Một chút biếc ở đầu cây, tôi ngỡ đấy là tài
Sức lực bé mà ham nói điều vĩ đại!
……..

1983
(Bài thơ còn dang dở chưa viết xong)
(1): Thay lời tựa cho DI CẢO THƠ CHẾ LAN VIÊN tập 1, NXB Thuận Hóa, 1992.


Xâu kim

Ảnh sưu tầm
Cái trò chơi quái quỷ
Tay cầm kim, tay cầm sợi chỉ
Vừa chạy vừa xâu không một phút dừng
Chạy một đời rụng hết cả thanh xuân
Kim run run và chỉ rung rung
Có lúc chính là kim ngọ nguậy
Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy
Xâu vừa xong, gió tuột nửa chừng
Lỗ kim... lỗ kim trước mắt
Oan khiên oan khuất
Ta chạy một đời không dứt
Vẫn toi công!
Cây kim Mozart xâu một cách bất thần
Lý Bạch xâu như không hề nghĩ tới
Rimbaud xâu bằng thiên tài hoang dại
Nguyễn Du xâu trên đầu mái tóc hoa râm
Holderlin không xâu mà chỉ lọt...
Toàn là cách xâu của những thánh thần!
Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt
Có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực
Sao chỉ ấy, kim kia tôi vẫn phải cầm?

Mùa bệnh, 1988


Từ thế chi ca (1)

Ảnh sưu tầm
1.
Anh không ở lại yêu hoa mãi được
Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa
Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó.

2.
Anh thành một nhúm xương gio trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc.

3.
Cho dù trái đất không còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình.

4.
Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn
Chả còn anh cho họ giết
Dao sẵn rồi. họ không dễ để yên.

5.
Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ
Trong hạt sương, trong đá…
Trong những gì không phải anh

Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.

Bệnh viện Chợ Rẫy, 29 - 8 - 1988.
(1): Viết trước lúc mổ 21 ngày.


Nguồn: Từ tập DI CẢO THƠ - Tư liệu cá nhân do bạn hữu tặng