Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Diễn

Hồ Anh Thái
(truyện ngắn)


Trung tâm văn hóa Tây đặt ở ta. Đúng cách gọi sành điệu thì phải dùng từ ngoại, nó phải được phát âm là aliăng, những cái khác thì đọc là caoxồ hoặc inxơtitiutơ. Một đống ngân sách đổ ra để quyến rũ dân bản xứ, theo đúng bài mật ngọt ruồi mới đậu. Ông phó giáo sư nghệ thuật học lần đầu bước vào đây đã đọc ra cái vị ấy. Trung tâm trở thành tụ điểm của đám nouveaux riche văn hóa, còn gọi là đám giàu xổi về văn hóa. Một đám nghệ sĩ nhiều nhất là tóc là râu, được miêu tả hẳn hoi trong một câu hát là người yêu dấu không thấy đầu, kẻ cạo trọc cho thấy đầu thì là những chàng những nàng tuổi hai mươi đã kịp phá nát đời sau đó rưng rưng sám hối tìm về cội nguồn phật tính văn hóa phương Đông. Một đám trí thức mới phất bằng phèng la ngoài đánh vào trong đánh ra. Túm tụm kháo nhau những trò độc trò quái trò bợm mới nhất, những tìm tòi vạch lá tìm đường còn nóng hót hôi hổi trong giới. Nhà giàu ngoại quốc tung một nắm tiền xem đám bản xứ thò thụt tất cả những gì man man mọi mọi ma ma lanh lanh. Dùng lưỡi liếm đồng xu dưới đất lên chẳng hạn. Chổng đít lộn một vòng qua đám xu tung tóe, lúc đứng dậy đã kịp khoe trò thiện nghệ nhặt được mấy đồng. Tất cả ngay lập tức được vỗ tay bít bít lại đi lại đi, được dán nhãn nghệ thuật đương đại.
Đọc tiếp

Thơ Hoàng Quý, một hiện diện vững chãi trước những sạt, lở chữ, nghĩa hôm nay.

Du Tử Lê

Qua nhà thơ trẻ Trịnh Sơn, chúng tôi nhận được một số thi phẩm của nhà thơ Hoàng Quý. (*)

Cảm nhận đầu tiên là niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn.

Với tôi, giữa khi cõi-giới thi ca của chúng ta gần đây, càng lúc càng nhập / nhòa chân dung, nhợt nhạt cá tính thì, thơ họ Hoàng hiện ra, vạm vỡ mới và, lạ. 

Đọc tiếp

Lời tự sự của Trịnh Công Sơn


Có những ngày tuyệt vọng cùng cực. Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúm. Tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy Tuyệt Vọng đẹp như một bông hoa. 
Đọc tiếp

Khi chiến tranh đi qua

Hoàng Quý
(ảnh sưu tầm)
Gửi đồng đội cũ

Khi chiến tranh đi qua đời cha
Mỗi sợi tóc một câu chinh phụ
Khi chiến tranh đi qua đời mẹ
Nước mắt lần mòn dấu diếm trong tim
Khi chiến tranh đi qua đời em
Cây trúc tong teo chiếc lá
Khi chiến tranh đi qua ruộng vườn
Khói bom khét tận cùng gốc rạ…

Chỉ cánh chúng ta chẳng nghĩ lo nhiều
Đi vào chiến tranh như đi chợ
Cứ như không cánh ta chợ rất là buồn!
Đọc tiếp

Có một tuổi thơ tôi

Hoàng Quý


Có một tuổi thơ tôi trong ngăn ngắt xa

Chợ người thì đông, chợ mẹ thì ế

Tôi tha thủi trong khung cửa ngỏ

Trông lên huếch hoác mây trời 

(Ảnh sưu tầm)
Có một tuổi thơ tôi ở tít quê người

Đọn cói thì to, người tôi thì bé
Đọc tiếp

Chùm thơ Onga Becgon


Onga Becgon


Onga Becgon (1910-1975) là một trong các nhà thơ tiêu biểu của Thi ca Nga thế kỷ XX. Trong gia tài tặng cho nước Nga, thơ Onga Becgon-đặc biệt là thơ tình trở thành nguồn cảm hứng và có sức sống lâu bền nhất. Thơ Onga Becgon tinh tế, đa cảm, giàu lòng vị tha, nhân hậu, kiêu hãnh và đầy ý thức công dân. Những sáng tác bà viết khi Leningrat bị quân thù bao vây, phong tỏa được coi như tài sản chung vô giá. Câu thơ nổi tiếng “không ai bị lãng quên và không điều gì bị lãng quên” cũng có thể được coi như biểu tượng tâm hồn Nga, tinh thần Nga trung thực, kiêu hãnh, cao thượng và nhân hậu. 
Trân trọng gửi tới bạn đọc một chùm thơ Onga Becgon qua bản dịch của Bằng Việt.
                                                                    (Hoàng Quý)




Mùa lá rụng

Mùa thu ở Maxcova người ta thường treo những tấm biên trên các đại lộ với dòng chữ: “Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng” 

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa
Maxcova lại đã thu rồi !
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc trên đại lộ
Nhắc ai đi qua dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai đi cô độc trên đời:
Đọc tiếp

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ

Nguyễn Duy
Thơ xưa, Quỉ Cốc Tử nói rằng: “Quản Trọng đạt thời sớm. Khương Tử Nha thời muộn. Thạch Sùng giàu, Mông Chính thì bần cùng. Bành Tổ sống lâu, Nhan Uyên chết yểu. Cả sáu người đó đều nằm trong Ngũ Hành”. Nay cuộc sống nhìn từ gần, hoá ra mọi sự lố lăng nhếch nhác, mắc cười, vỡ mộng… tất thảy cũng đều là trò cười của Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ. Bài thơ này đọc thì cười ngất, nhưng cười xong thấy lạnh buốt tuỷ sống, như rơi vào cõi thái âm. Thơ Nguyễn Duy vẫn bông đùa như vậy.
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
1.

Quả đất nóng dần lên
tầng ôzôn có vấn đề gì đó
sọ dừa gặp vấn đề trì trệ
tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra



(ảnh ưu tầm)
Đọc tiếp

A KHUÊ Chắp tay quỳ

A Khuê
Thi sĩ A Khuê
Thơ A Khuê độc đáo trong thi ảnh, vu khoát trong cấu tứ, buồn thanh tú, có lúc phóng đạt mà vẫn dịu dàng. Có thể thơ ông chịu đôi chút ảnh hưởng nào đó từ hai nhà thơ ông yêu trọng và thuộc nằm lòng là Hàn Mạc Tử và Bùi Giáng. Dẫu vậy, A Khuê vẫn tạo bản sắc, giọng điệu thơ riêng, tư duy duy mỹ, lấy cảm xúc nội sinh làm thăng hoa phóng ngôn. Đã có vài bài viết về ông, về cuộc sống túng quẫn … nhưng, nhìn chung chỉ là những chú tâm khai khẩn phần hữu giới. 

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc vài bài lục bát A Khuê!
(Hoàng Quý)

Chắp tay quỳ

Chắp tay quỳ lạy cuộc đời
Đã mang ta tới cõi người tử sinh
Đọc tiếp

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Tượng đồng và lũ chim

Hồ Anh Thái
Truyện ngắn


Minh họa của Kim Duẩn

Sao lại đặt tên là Quảng Trường Đỏ cho một cái quảng trường trong Đại học Washington? Red Square hẳn hoi. Giữa thành phố Seattle.
Sáng nào đến trường, anh cũng đi qua cái quảng trường này. Xuống xe buýt, đi lên mấy bậc cầu thang là vào Quảng Trường Đỏ. Vượt qua một pho tượng đồng, ngang qua một cái quảng trường lát gạch, bước lên những bậc thang rộng thoai thoải xếp nếp như những nếp gấp đồ chơi bằng giấy origami. Hết những bậc những cấp ấy là đến thư viện trường.
Quảng Trường Đỏ. Chỉ đơn giản là vì nó lát gạch đỏ.
Năm ấy, lần thứ ba anh đến thỉnh giảng. Ngay từ đầu năm đã rộ lên cái chuyện tổng thống Clinton dan díu với cô sinh viên thực tập Monica. Ông Clinton chối quanh. Ông không biết rằng tòa đã có trong tay băng ghi âm và bằng chứng. Tòa thì biết nhưng tòa cứ lằng nhằng dẫn ông vào bẫy nói dối.
Đọc tiếp

Chỉ có thơ ca mới cứu được thơ ca

Georges Jean
Georges Jean
Chuyển ngữ: Huy Tưởng


Dưới đây, thực ra chỉ là một bài DẪN NHẬP trong tác phẩm nghiên cứu Thơ Ca (La Poésie) của Georges Jean, cuốn sách viết vào những thập niên cuối thế kỷ XX, trong đó vẫn còn có nhiều những hiện tượng thơ ca lẫn xã hội (Pháp và phương Tây, nói chung) gần gũi với những sinh hoạt văn nghệ của chúng ta ngày hôm nay.
Đọc tiếp

Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân (phần II)

Chu Văn Sơn

(tiếp theo phần I)

Cố nhiên, không phải ngay từ đầu mọi chuyện đã hoàn chỉnh đến thế. Có thể thấy tư tưởng của anh ngày càng định hình cùng hai bước ngoặt lớn. Lần thứ nhất: đối mặt với thực tại chiến tranh. Trước khi vào lính, cũng như bao người khác, Duy còn "trong suốt giữa hai bờ hư thực", nghĩa là cả tin và ngây thơ giữa cõi thực và cõi hư, mà hư lại nhiều hơn thực. 
Hoàng Cầm (ngồi) và Nguyễn Duy
Thực tại tàn khốc của chiến tranh với "bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất / đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền / Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết / bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn", đã thẳng tay ném Duy về hiện thực. Cái hiện thực của kiếp thảo dân: "Khi tôi biết thương bà thì đã muộn / bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi". Và lần thứ hai đối mặt với thực tại sau chiến tranh khi thấy "tầng ôzôn có vấn đề gì đó". Một lần nữa, anh lại thấy "Bụi thần thánh nhấp nhánh rơi", và nhất quyết đem "trả cho sao một chút trời xa xăm", còn riêng phần mình thì hoàn toàn "bình tâm làm hạt bụi người mà bay". Nghĩa là anh mới thấu suốt cái vạn đại của thảo dân, cái vĩ đại của rạ rơm, cái trong veo của cát bụi
Đọc tiếp

Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân (phần I)

Chu Văn Sơn



(Mấy suy nghĩ về thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy)
Ký họa nhà thơ Nguyễn Duy

I.
Gần đây, cứ thấy giữa đô thị bỗng mọc lên những nhà gianh, nhà sàn, nhà rông với tranh tre, nứa lá, gỗ lạt thô mộc. Người ta bỗng thích của đồng rừng, đồng bãi. Những thứ như lươn cua ốc ếch, kỳ đà kỳ nhông, rau bí rau lang... thành đặc sản tuốt. Đến nỗi người quê có thể kiêu hãnh mà định nghĩa: những thứ nhà quê chán ăn, ra phố lập tức thành đặc sản. Cái tầm tầm quê kiểng bỗng lên ngôi, bỗng thời thượng. Đã đến thời chân quê được chấn hưng chăng?
Đọc tiếp

TRỊNH THANH SƠN: Hoàng Quý - Một người thơ tài năng và lãng tử

Trịnh Thanh Sơn viết chân dung văn học như đang trò chuyện, đang được nâng ly rượu với người … Đừng tìm ở đây một lối phê bình lạnh lùng, tự cao tự đại với giọng phán quan, như con gà trống cứ ngỡ mặt trời mọc lên là nhờ tiếng gáy của mình. Cũng đừng tìm ở đây sự nghiêm cẩn của nhà khảo cứu hay phục chế di tích…Hãy lắng nghe không phải sự khải minh mà là tiếng đập của trái tim và nỗi buồn người…
                                                                            (Vũ Duy Thông)
        
1. Lần trước, khi viết bài phê bình tập thơ “Ngang qua cánh đồng”, tôi chưa gặp, chưa biết Hoàng Quý là ai. Nhà văn Hà Đình Cẩn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn gặp tôi, trao cho tôi tập thơ của Hoàng Quý - một tập thơ dày dặn, in rất đẹp - và bảo: “Ông đọc tập thơ này xem, thơ của thằng em, tôi thấy rất được. Ông chưa biết nó đâu, nếu gặp, ông sẽ thích ngay. Nếu ông thấy được, viết cho tôi một bài, in trên Tạp chí Nhà văn !”


Tôi cầm “Ngang qua cánh đồng” về nhà, đọc cả tuần mới xong, vì tập thơ dày, những 101 bài, và vì có những bài thơ phải đọc đi đọc lại hai, ba lần mới thấy hết cái hay của nó. Cảm nhận đầu tiên của tôi là, đây là thơ của một thi sĩ thứ thiệt, một thi sĩ cường tráng, có thể đi lâu dài với thơ. Và tôi đã viết một bài giới thiệu ngắn in trên Tạp chí Nhà văn, như lời hẹn với nhà văn Hà Đình Cẩn.
Sau khi bài viết in ra, nhiều người gặp tôi hỏi: “Này, Hoàng Quý là tay nào mà ông viết bài khen ghê thế ?”
Đọc tiếp

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Giọt thu tôi đếm

Hoàng Quý
(Ảnh sưu tầm)
Một lá rơi
Hai lá rơi
Tôi ngồi đếm lá thu trôi lặng thầm
Một bàn chân
Mấy bàn chân
Cỏ thiên thu cỏ, chân trầm bụi đi
Đời người loáng chớp thiên di
Mây thì ước lệ. Đất thì chiêm bao
Thu như hơi rượu hồng đào
Em dâng tôi một hôm nào rất xa
Một thu
Và một thu... và
Tôi ngồi lắng giọt thu sa dịu dàng...

2005

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Tự tình

Hoàng Quý


Những cơn mưa chưa chạm mặt
Đất khô xót cả bầu trời
Hồ cạn có bông sen nở
Không buồn tàn phai

Lại đám mây đen ứ trong tâm tưởng
Ta tìm gì sau rũ rượi mồ hôi
Tìm hoài mà chả biết !
Em gái cười ta, cười mãi không thôi...
(Ảnh sưu tầm)











Cuối đồng từng đám rạ cháy
Đom đóm mở đèn rong chơi
Cây gạo trong chiều chạng vạng 
Cháy... một đài hoa lên trời !

1997

Mắt biếc

Hoàng Quý

1.
Tôi ru em ngủ
Trăng vừa mới nhen
Con đường rất quen
Sao tìm chẳng thấy
Tôi ru em ngủ
Đường xưa quên lối
Em đừng trách tôi
Cầm mùa trăng này thắp sáng lên tay
Cầm bằng sang ngày, ngày như kỷ niệm
Nắm tay em gầy
Chiều xanh ngơ ngác
Chiều như mắt biếc
Em dành đợi tôi !

2.
Tôi ru em ngủ
Sao vừa sáng lên
Con thuyền cố hương
Nghiêng buồm đợi ai
Tôi ru em ngủ
Đường ve rung tiếng
Em còn nhớ chăng
Một ngày vô thường xót buốt trên tay
Tìm lại con đường, đường xa vời vợi
Nắm tay em gầy
Chiều xanh ngơ ngác
Chiều như mắt biếc
Em dành đợi tôi !...

Cầu Đắc Roong, 2003


(Ảnh sưu tầm)

Có những lúc

Hoàng Quý


Có những lúc
Lòng khô đá
Con chim bay, bay qua khung ngỏ
Hót một tiếng không

(ảnh sưu tầm)
Có những lúc
Gió
Và mưa
Dội xiết ở bên lòng
Thèm một câu đầm đìa lá cỏ
Em, ồ em! Em có biết chăng
Nỗi câu thúc áo cơm buồn bã

Em, con chim nhỏ của tôi cánh không ngơi nghỉ
Một đời chiu chít bên tôi
Có những lúc
Tôi bỏ mặc tiếng chim
Rồi thiếp ngủ
Mơ cơn mơ ích kỷ, quên đời...

Nhưng, dẫu thế hỡi chim yêu quý
Em vẫn đi về chở nắng cho tôi!

14/3/2007

Chợt nhớ Sông Cầu

Hoàng Quý
Hoàng hôn sông Cầu (ảnh sưu tầm)

Chợt nhớ một ngày xa lắc
Đi qua miền ấy Sông Cầu
Sương muối chiều đông ánh ướt
Bến thuyền ngây ngất hoa lau

Chợt nhớ ngày xa ấy mưa
Hạt bay khi tỏ khi mờ
Có chiếc thuyền đi vội vã
Để thương để nhớ lên bờ
Đọc tiếp

Tự khúc

Hoàng Quý
(ảnh sưu tầm)
Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới
Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời
Tôi đã ngắm, đã tìm và đắm đuối
Trong hoang mang những Cánh - Đồng - Người

Những cánh đồng ngổn ngang và xanh tươi
Ông đã cày, cha đã cày, ta đã cày rồi con ta cày xới nữa
Gieo xuống những gì gặt hái những gì
Đọc tiếp

Nhìn từ xa... Tổ quốc!

Nguyễn Duy



Ðối diện ngọn đèn 
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng


Đêm bắc bán cầu vần vụ trắng 
nơm nớp ai rình sau lưng ta 

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà 
xa vắng 
núi và sông 
và vết rạn địa tầng 

Nhắm mắt lại mà nhìn 
thăm thẳm 
yêu và đau 
quằn quại bi hùng 

Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng 
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ
Đọc tiếp

Bụi, và cát, và hương quyến rũ


Thi sỹ A Khuê qua nét vẽ của họa sỹ Đỗ Duy Ngọc
Hoàng Quý

1. Vào một đêm mùa đông cuối tháng Chạp năm 2001, trong một khách sạn nhỏ ở Hà Nội, tôi, hoạ sĩ - nhà thơ Nguyễn Trần Thái và thi sĩ Trần Quốc Thực tề tựu trò chuyện.Cái đêm cuối chạp ấy rét như cả năm dồn tụ và vón cục những tê buốt lại. Chỉ Nguyễn Trần Thái là đã ngà ngà, lơ mơ ngủ và vùi gần kín đầu trong chiếc chăn bông không lấy gì làm dày dặn. Trần Quốc Thực so ro và chậm rãi đọc cho tôi nghe vài bài thơ trong tập Tháp Cúc, tập thơ in sau đó ít năm. Đang mạch lạc, bỗng anh thoắt dừng, bất ngờ hỏi: Hoàng Quý có đọc nhiều thơ của những tác giả miền Nam viết trước 1975 không?
Đọc tiếp

Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập


Quảng trường Ba Đình ngày Việt Nam tuyên bố độc lập 2-9-1945
Phùng Quán


Dưới đầu đề “Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập”, bài này được nhà văn Phùng Quán viết cách đây đúng một năm. Tác giả đã gửi ngay cho báo Văn Nghệ, nhưng cho đến đến nay vẫn chưa thấy đăng. 

Diễn Đàn công bố tài liệu này, trước hết vì giá trị văn học của một bài kí thống thiết. Đó cũng là một chứng từ lịch sử quan trọng về ngày Tuyên ngôn Độc Lập 2.9.1945. 

Tài liệu này còn mang một ý nghĩa sâu sắc: Nguyễn Hữu Đang (sinh năm 1912) được coi là người đứng đầu phong trào Nhân văn-Giai phẩm, còn Phùng Quán là thành viên trẻ tuổi nhất của phong trào này. Cả hai đã kiên quyết không chịu “đấm ngực nhận tội” và càng không chịu tố cáo người khác.
Đọc tiếp

NGUYỄN HỮU ĐANG - Số phận chứa một phần lịch sử


Ông Nguyễn Hữu Đang thời trẻ
Nguyễn Thượng Thành

Hôm nay kỷ niệm đúng 100 năm ngày sinh cụ Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913 -15/8/2013), một nhà báo có lương tâm, một trong những thành viên sáng lập Hội truyền Bá Quốc ngữ và là người chỉ huy dựng lễ đài độc lập cho ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.

Nguyễn Hữu Đang là người không chịu dùng tài năng của mình để bẻ cong ngòi bút và không chịu uốn thấp nhân cách để làm những điều đingược lại với lương tâm. Nguyễn Hữu Đang tham gia Phong trào Nhân văn - Giai Phẩm và sau đó, mặc dù bị đe dọa khủng bố, nhưng với bản chất thẳng thắn cương nghị của mình, ông nhất quyết không chịu “đấm ngực nhận tội” và đặc biệt ông nhất định không bao giờ đứng ra tố cáo những anh em văn nghệ sĩ khác. Cái giá cho sự nghĩa khí này là ông phải chịu sự đàn áp và trả thù tàn bạo với mức án 15 năm giam cầm ở Hà Giang. Trước khi bị bắt, Nguyễn Hữu Đang cũng đã phải chịu những đòn đánh ác hiểm, cay nghiệt bằng nhiều bài báo của các “dư luận viên” của Đảng hồi đó. Dưới đây là một đoạn trong bài “Con đường phản cách mạng của Nguyễn Hữu Đang” của tác giả Hồng Vân, đăng trên tạp chí Văn Nghệ số 12, tháng 5 năm 1958:
“Nguyễn Hữu Đang tên bất học vô thuật này, nhảy vào văn nghệ với thủ đoạn của một tên khiêu khích, cũng chẳng tài giỏi gì hơn là cóp nhặt một số luận điệu, một số danh từ của những phần tử cơ hội chủ nghĩa đã ném ra, xuyên tạc những chính sách văn nghệ đúng đắn của Lên-nin, của Đảng cộng sản Trung Quốc, để tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng ta trên văn nghệ…”
Đọc tiếp

Chuyện giải tỏa cho ông NGUYỄN HỮU ĐANG

Thái Kế Toại

Khi ông Đang ra tù năm 1973 ông vẫn còn bị quản chế 5 năm. Theo tiền lệ thời gian đó Bộ Công an phải nuôi ông mỗi tháng 15 đồng, cũng tạm đủ ăn. Sau đời sống khó khăn số tiền đó không đủ nuôi ông, công an Thái Bình xin thêm, Bộ giải quyết cho 50 đồng nhưng hàng tháng phải cho người trực tiếp lên đơn vị tôi lĩnh về.
Bắt đầu đổi mới, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên xem xét xử lý vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Đang đứng đầu từ phía trái
Đọc tiếp

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức

Hoàng Quý

Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức
Những câu thơ cay đắng nhất
Mang rất nhiều rủi ro

(Ảnh sưu tầm)

Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ
Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa
Đạn găm đầy hình hài
Nỗi đau không nói được

Bông cúc ta từng hái ở mùa thu
Khô xác gần 30 năm trong ba lô cóc cũ
Ta cầm lại trên tay như cầm lửa chiến tranh
Chả vàng được cho ai - Hoa cúc!
Đọc tiếp

Sông cũ

Hoàng Quý
Và...
Nước chảy mãi về phía biển
Những dòng sông không nghỉ bao giờ
Trăng non thế!
Trăng tơ non thế
(ảnh sưu tầm)
Rót đôi bờ lênh loáng cả phù sa...

Ta đã thề không thèm day dứt
Sao đêm nay nước vỗ lên buồn
Những bãi phù sa mênh mang diều sáo
Bồi hồi mắt chớp lên ta!

Ta đã gặp những dòng sông câm lặng
Gìm trong sâu hút buồn vui
Đã ngược thác, đã trôi về biển
Đi hết ngày
Lại hoàng hôn thôi!

Ta đã gặp những miền phố mộng
Những Luy lâu meo mốc rêu phong
Đã hội họp những Chợ - Phiên - Thiện - Ác
Sao lại nhớ về
Nhớ một dòng sông?

Nước cứ chảy mãi về phía biển
Những dòng sông không ngủ bao giờ
Trăng non thế!
Trăng tơ non thế...
Và...


1997

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Một chiều chuồn chuồn bay

Hoàng Quý
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
(Tục ngữ)
Kính tặng anh Vân Long

Ngẫu nhiên có một chiều nay
Một trời sương, nắng, heo may bồn chồn
Triền lau lơ láo cánh chuồn
Người chưa quay gót để buồn cho ta
Phía người giăng trắng mưa sa
Nơi ta trông đợi nắng òa trong cây
Người mang hơi lửa theo tay
Trời đầy hương cốm loay hoay cánh chuồn
(ảnh sưu tầm)

Vút lên cao sợ nắng dồn
Chao xuống thấp sợ mưa tuôn sụt sùi
Hay bay ... bay lưng lửng thôi !
Bay lưng lửng lại sợ trời âm u
Người ơi ! Người tít xa mù
Chiều nay lên xuống hoang vu cánh chuồn

Nắng đã tắt, bồng bênh sương
Đầy trời thảng thốt cánh chuồn phiêu du !

1996