Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

CHẾ LAN VIÊN - THƠ DI CẢO

Nhà thơ Chế Lan Viên
(1920 - 1989)

Ông tên thật là Phan ngọc Hoan, sinh ngày 20 - 10 - 1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị.
Bắt đầu sự nghiệp thi ca từ khoảng 12, 13 tuổi, năm 17 tuổi in tập thơ "Điêu tàn" gây chấn động "Như một niềm kinh dị" (Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam). Sự nghiệp thi ca kỳ vĩ Chế Lan Viên gồm ba giai đoạn: Giai đoạn khởi đi  là tác phẩm "Điêu tàn" với bút pháp siêu hình. Giai đoạn từ Tháng Tám vĩ đại năm 1945 đến 1975 ông chia tay siêu hình để làm một nhà thơ sống, viết và hiến dâng cho 2 cuộc kháng chiến giải phóng và giữ nước. Và giai đoạn cuối cùng cũng vô cùng đồ sộ là "Thơ Di cảo". Ông thăng hoa như lửa và sắc nhọn như nước trong mâu thuẫn của cuộc đời và sự nghiệp ông. Ông là nhà thơ lớn nhất của thi đàn Việt thế kỷ XX.
 Cuối thu 2007, tôi được bạn hữu tặng một bản tập (photo từ những trang bản thảo đánh máy) "Di cảo thơ Chế Lan Viên" gồm 485 bài. Từ các nguồn báo chí sau đó được đọc thêm một số bài khác do Phu nhân của ông, Bà Vũ Thị Thường, tập hợp tiếp. Như vậy, có lẽ Thơ Di cảo Chế Lan Viên phải chừng gần 500 bài. Đọc hết 485 bài thơ từ nguồn được tặng của bạn hữu và đọc toàn bộ khối lượng đồ sộ Thơ Chế Lan Viên có trước Di cảo, tôi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp phức tạp và đầy trí tuệ của ông. Cũng đã có những kẻ  bất tài muốn được lưu tên bằng thứ thơ bẩn và nhũng trang viết chế giễu ti tiện nhằm vào ông. Thật thảm hại, đáng thương và nực cười. Thế giới Thi ca Chế Lan Viên mãi mãi là "Một niềm kinh dị".
Trân trọng gửi tới Quý độc giả một số bài thơ trong "Di cảo thơ Chế lan Viên"!

Hoàng Quý    


Ai Tôi!

Ảnh sưu tầm
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Đọc tiếp

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Khúc hát thảo nguyên

Hoàng Quý

Ảnh sưu tấm
Chiều tím lên!
Chiều rất quen!
Con chim đợi chút nắng mềm lướt đi
Thảo nguyên nhắn gọi điều gì
Một người tiễn
Một người đi
Một người...
Ngày mai người phía xanh trời
Cỏ lau ngơ ngác hát lời héo hon
Chợt lạnh tê
Chợt hoàng hôn
Con chim tha sợi nắng buồn vút bay!...

Mộc Châu, 2003

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Viết ở Loa Thành

Hoàng Quý

1.

Đất nước tôi
Đất nước ngày tôi sống
Trong hoa kia có run rảy máu hồng
Hoa đã trổ rất nhiều mê mải
Máu vón bầm trên khắp núi sông

Ảnh sưu tầm



Đất nước chọn Sơn Tinh lập Thánh
Đắp núi
Ngăn dòng
Kịch chiến ThủyTinh
Ngực thở Thái Bình Dương gió lộng
Lưng vồng thế đứng Thần Nông
Đọc tiếp

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Chợt cúc

Hoàng Quý


Sáng nay
Một bông cúc vừa nở
Chả biết nó thuộc giống cúc gì
Quên hỏi người cho cúc
Đọc tiếp

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Giả trang

Hoàng Quý

Ảnh sưu tầm

Giả trang!
Giả trang!
Anh giả trang
Tôi giả trang
Trùng điệp giả trang
Đời đôi lúc cợt đùa cái giống người kiêu mạn
Tôi thật với đời
Đời lại giả trang...

Đọc tiếp

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

BÀI NÓI CỦA TƯỚNG LƯU Á CHÂU



DẪN:

Bạn tôi, một nhà thơ trẻ rất tài năng gọi điện, bảo: Trên thanh ngang, chú có thích thêm hay sửa mục vụ nào không, hôm nay mạng không phập phù... Tôi mừng quá. Đổi ngay cái Ba Phi Thư Quán thành Câu Chuyện Chủ Nhật, nha. Nhà thơ trẻ tưởng tôi chập cheng. Xưa nay có thấy chú kế hoạch rồi bỏ bao giờ đâu. Ới giời, đến vĩ mô to mấy lần voi còn thay cái roạch, đổi tên mục ấy thành tên khác, chuyện nhỏ, hỉ. Sợ nhà thơ truy nguyên, tôi vội giải thích, Ba Phi tất nhiên ông cố chúng ta, nhưng tớ rất kém tính hài hước. Ở quê tớ có cái làng Văn Lang Cả Làng Nói Phét, cũng có ý thi tuyển rồi khăn tráp vài bữa, nhỡ đâu nó cấp cho cái bằng Tiến sĩ, bằng đểu cũng được, cho nó vẻ vênh, cho nó bằng anh bằng ông. Thôi được. Chiều chú vậy. Thế là mục vụ này chả biết nó làm ra răng, đánh nhoáy cái, xong. Thế ra, chúng nó trẻ, chả riêng gì thơ, chúng nó hay tất tần tật.

Tuần qua là cái tuần rất nhức xương nhức nhĩ. Chuyện chị thơ 1  xém ồn ào, lại chuyện chị thơ 2 cứ tóe loe cả lên. Đang váng vất, đùng cái, phiên Quốc hội họp ngày 22/ 10 hút cử tri như nam châm. Bác Bộ trưởng Vinh thẳng thắn khúc triết thiết tha, đề nghị Quốc hội xem xét vì ngân sách chỉ còn 45000 tỷ, nói nôm như Đẻ em ở quê, là xực nốt vắt nước mũi ra trả nợ à. Thế là rừng rực, thế là tế thế kinh bang, thế là tầm nhìn, thế là hiến kế hiệp một hiệp hai biện pháp cấp cứu. Nhưng trước khi có kế, phải tìm cái tổ con cọp. Ông Biểu Sài - Goòng hùng dũng :"Chúng ta vay toàn tiền "đực" không đẻ ra được tiền". Tôi băn khoăn ông chơi chữ quá. Ơ hay! Vay tiền "đực" tốt chứ sao không. Nhưng phải cho tiền "đực" hủ hóa với dân, hủ hóa với những doanh nghiệp làm ăn có lãi. Nếu đã "cho" thì đừng bắt dùng bao cao su. Chứ cứ cho tiền "đực" hủ hóa với quan tham, thì sinh quái thai chứ còn gì nữa. Ông Biểu bức xúc: "Cắt hết đi, đừng biến việc đi nước ngoài du lịch thành nghiên cứu, học tập để Nhà nước trả tiền, cắt cái đó thì có tiền để tăng lương". Ới giời ơi! Thì ra bao lâu họp lên họp xuống, đá dọc đẩy ngang lương CBCNV, rồi người hưởng lương hưu... không tăng được vì thế này à. Quý hóa quá. Minh bạch quá. Ông Biểu ơi! Về Viện Ngôn ngữ nhé. Ông Biểu ơi! Về Hội Nhà văn nhé. Chúng em Quốc doanh hẳn hoi, chúng em cứ tự sướng  chỉ có chúng em mới là nhà văn, nhá, thiên hạ toàn nhà... viết văn. Ông về, Chủ tịch Thỉnh lập thêm cái cơ quan cấp 2, gọi là "Nhà 'táy"máy sản xuất chữ" cho nó đi tắt đón đầu công nghiệp hóa văn chương. Tuyệt quá!

Đọc tiếp

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Ông sinh năm 1957. Quê Hà Tây ( nay là Hà Nội).
Tác phẩm chính: Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Những người lính của làng (1996), Thơ Nguyễn Quang Thiều (1997), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca của những con chim đêm (2000). Ngoài ra, ông đã in 5 tập truyện, 2 tiểu thuyết và một số các tùy bút, bút ký, rất nhiều bài thuộc thể loại báo chí...
Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tiêu biểu đương đại với bút pháp hiện đại, mới, một giọng điệu rất riêng, đặc trưng Nguyễn Quang Thiều. Ông có thể trình bày bằng thơ ngay cả những điều tưởng chừng khó diễn đạt. Tính ước lệ trong thơ ông luôn luôn chuyển động. Thi ảnh lớp chồng lên lớp mà vẫn khúc triết, sáng rõ và cuốn hút. Ông thoát ra khỏi những tư duy trực quan, duy mỹ mà các nhà thơ cùng thế hệ ông hầu hết chưa thoát ra. Các yếu tố thuộc các bút pháp tượng trưng, siêu thực, ấn tương, kể cả cổ điển, kết hợp trong thơ ông hài hòa đến khó tin. Những bài thơ của ông có cấu trúc vững chãi mà tràn đầy cảm xúc . Câu và ngữ pháp trong nhiều bài thơ của ông được chủ động sắp xếp khác, làm cho câu thơ lạ đi và mới. Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều hơi "Tây". Tôi không nghĩ thế. Cấu trúc câu và cách nói chỉ là chiếc áo. Tâm hồn và thi ảnh trong thơ Nguyễn Quang Thiều là nhuần Việt. Sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều khi trái ngược, thậm chí có bài viết diễu nhại một cách hằn học. Chúng ta bị tư duy tiểu nông cuốn đi, trơn truội, gia trưởng, kiêu ngạo và bảo thủ ngay cả trong quan niệm thi ca. Thơ của hôm nay không thể mãi như hôm qua. Mọi tinh hoa của người đi trước không vì một lẽ gì bị chối bỏ. Nó đã hoàn thành kỷ nguyên của nó. Và như thế, không thể vì nó đã từng rực rỡ, thì, các nhà thơ Kỷ nguyên siêu công nghệ trở thành đối tượng của những quán tính. Họ, mà trong đó tiêu biểu là Nguyễn Quang Thiều đã và đang gieo những mùa vụ mới. Những mùa bội thu tất nhiên không thể chỉ một Nguyễn Quang Thiều. Thế - Hệ - Thơ - Mới đang chuyển động không gì cưỡng lại được và ngày một hùng hậu. Nguyễn Quang Thiều nằm trong những tiên phong, đã và đang vạch lên vòm trời thi ca những con đường mới với những luồng sinh khí mới.

Hoàng Quý   

Bóng tối

Ảnh sưu tầm


Bóng tối nuốt chửng dòng chảy mọi con sông
Tôi sợ hãi bởi ý nghĩ này
Chúng ta mang cảm giác bị xóa mất
khỏi thế gian trong sự lãng quên
Đọc tiếp

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

THƠ TUYẾT NGA

Nhà thơ Tuyết Nga
Tên đầy đủ: Nguyễn Thị Tuyết Nga. Năm sinh, 1960. Quê, Nghệ An
Những tác phẩm của chị: Viết trước tuổi bình minh (thơ - 1992), Ảo giác (thơ - 2002), Hạt dẻ thứ tư (thơ - 2008)

"Khả năng liên tưởng trong thơ Tuyết Nga rất phong phú. Chị có tài gắn kết những nhân vật phong phú rất xa nhau, rất khác biệt nhau, thậm chí nhiều khi đối lập nhau để tạo nên những giá trị độc đáo. Giữa những con chữ trong thơ Tuyết Nga thường có nhiều khoảng trống rộng lớn, nhiều khoảng nghĩ rộng lớn"
Đinh Nam Khương
(Tạp chí sông Hương - số 198 - tháng 8/2009)

Bản nháp
Ảnh sưu tầm
Ánh mắt của đại ngàn vạn tuổi vách đá thâm u ánh lửa cháy rừng
Vòm ngực của cánh đồng vô tận tiếng hú dài hoang lạnh hoàng hôn
Cánh tay những vòng ôm của sóng đáy vực sâu nhòa lẫn những chân trời
Anh
Bản nháp của tình yêu một sớm
Đọc tiếp

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Giã biệt mùa thu

Hoàng Quý
Ảnh sưu tầm
Đã tàn cây
Đã tái lạnh da người
Củi chất đầy hồn đốt hoài không nháng lửa
Giã biệt mùa thu
Một câu hát buồn
Trong điệu thức trầm luân tiếng gió

Đọc tiếp

Có một chiều vàng và một chiều mưa

Hoàng Quý
Ảnh sưu tầm
Có một chiều vàng đi qua ngang ta
Nắng trút vào cây thở hơi ra lá
Chiều cô liêu nắng vò võ
Nắng lênh loang nắng hếnh lên vàng

Đọc tiếp

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

DƯƠNG NGHIỄM MẬU


Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh năm 1936 tại Mậu Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông viết đoản văn, bút ký ngay từ khi còn học trung học. Năm 1962 chủ trương Tạp chí Văn nghệ với Lý Hoàng Phong. Ông viết cho các tờ: Sáng tạo, Thế kỷ, Tia sáng, Văn, Văn học, Bách khoa, Giao điểm, Chính văn, Sóng thần, Giữ thơm quê Mẹ. Tác phẩm chính của ông khoảng 13 tập truyện ngắn, 8 tập truyện dài. Ông hiện sống bằng nghề vẽ tranh sơn dầu tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh).
Văn chương Dương Nghiễm Mậu nội soi sâu hút những vết thương, những thân phận thường không dễ nhận thấy, bị khỏa lấp, tan chảy đâu đó, không mấy được để tâm, những kiếp vật vờ, bị rẻ rúng,  phần lớn không hình hài. Nhưng, dưới mũi dao phẫu tinh vi, lạnh, độc đáo, rất tài hoa Dương Nghiễm Mậu. từng số phận (nhân vật truyện) hiện lên ngỡ ngàng, chóng mặt, như đúp phim quay chậm, cận hình. Đọc tác phẩm Dương Nghiễm Mậu được truyền nối những day dứt của ông trước đám rối, rêu rác và  khoảng bi thảm lịch sử hành hạ kiếp người. Lịch sử phần hân hoan thường được vẽ tô tươi tốt như cây đời, như thi ca. Nhưng, phía sau  bóng trùm che đậy, có thể gặp những kiếp người biến dạng như thú vật. Lịch sử có thể ít nhiều bị tô trát, son phấn, nhưng sự thật lịch sử không thể vùi kín, bưng bít. Văn chương Dương Nghiễm Mậu soi tới những khối rỗng, những tiếng câm, những không gian lơ lửng không dễ gọi thành tên. Ông muốn sự thật thức tỉnh, những số phận người trong ngột - ngạt - nhược - tiểu cần được hiện diện đúng như lịch sử kinh hoàng của nó
.
Hoàng Quý   


Những chuột
             Truyện Ngắn 


Lão Chệt ngồi trong bóng tối ngó ra, lão mở lớn đôi mắt tưởng như đã kèm nhèm nhưng thật ra còn tinh tường lắm. Từng đám cỏ động nhanh từng vệt rồi lại biệt tăm. Tiếng kêu của đám chuột đang từ chỗ này sang chỗ khác rủ nhau đi kiếm mồi, mùi cua nướng lão Chệt còn ngửi thấy thơm phức chứ riêng gì đàn chuột, giá như một lúc khác, với những con cua nướng đó, thêm vào vài xị đế chắc đã làm lão say sưa quên hết sự đời. Nhưng bây giờ thì không được, chỉ một tiếng động nhẹ lão cũng tránh, nuốt một chút nước bọt lão cũng thận trọng chứ đâu dám nghĩ đến chuyện nhai từng chiếc lũ, chiếc chân giòn tan trong hàm răng chắc chắn này. Gió tây bắc thổi nhè nhẹ, mùi cua tỏa theo. Tiếng chuột kêu mỗi lúc một nhiều :
Đọc tiếp

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

THƠ PHẠM NGỌC CẢNH

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh
(1934 - 2014)

Ông sinh năm 1934, quê Hà Tĩnh, từng có thời gian lấy bút danh Vũ Ngàn Chi. 13 tuổi(1947) vào Vệ quốc đoàn. Cả hai cuộc chiến lớn ông tham gia bắt đầu từ chú liên lạc, rồi làm diễn viên, hồi ấy gọi là văn công. Ông làm thơ, viết kịch bản , viết thuyết minh... Được giao việc gì ông làm việc nấy, đầy lòng yêu và trách nhiệm.
Nhớ một lần ông cùng các anh: Ngô văn Phú, Hữu Thỉnh, Phạm tiến Duật, Nguyễn Bùi Vợi, Hà Đình Cẩn lên Việt Trì. Khi ấy tôi mới kết thúc việc sưu tầm, phục dựng các bài bản đánh trống đồng cổ từ mường về chừng hai năm, sống rất tự do. Ăn cơm, lĩnh lương thì Hội Văn nghệ. Làm việc thì nửa biên tập, nửa ất ơ cho Phòng Văn nghệ lại thuộc Ty Văn hóa. Đêm nghỉ lại, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh bảo, anh có bài thơ "Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu", làm lâu rồi, nhưng người ta bảo đọc chơi thì được, chứ in thì ngại. Những ngày tháng ấy rất kỳ quái. Hễ viết viếc gì cũng phải xem có vấn đề vu vơ nào không. Thơ, thơ hay, mà đọc cho nhau nghe thì thào, dè chừng, như đám làm bạc giả. Tôi bảo, để em in. Ông bảo, nó vu cho cậu tuyên truyền làm nản lòng người lính đang đánh nhau với Tàu thì bỏ mẹ. Bài thơ in trên Tạp chí Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú, chả thấy ma nào hạch hỏi gì. Mấy cậu công an bên phòng An ninh chính trị giáp hàng kẽm gai hai Ty sang chơi, bảo tôi, số này, bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh hay nhất. Người lính đi suốt mấy cuộc chiến giữ nước xin được một đêm, ngủ dưới bóng các Vua Tổ và mơ cái thời Vua còn được dân kính vì biết chia ngọt sẻ bùi với thảo dân, với sĩ tốt thì "ngại có vấn đề " là thế nào. Anh Khanh Trưởng phòng Văn nghệ khi ấy bảo tôi, cậu biên tập cái bài của anh Cảnh được khen quá. Hồi ấy tôi trẻ, còn hăng tiết lắm, được nhời, mũi cứ phập phồng y như mình là tác giả. Sau này, tôi từ Vũng Tàu ra làm thuê sơn bảo dưỡng bồn bể xăng dầu ở Đức Giang, cứ rảnh rỗi thì bon lên Khu tập thể Gỗ cầu Đuống chơi với ông, ông rất chiều. Lên chơi khách khí không ở lại ăn vài chén cơm, ông giận đùng đùng. Ông là người yêu bạn.
Ông đã đi xa, rất xa, đi lặng lẽ vào cõi người hiền. Cõi người hiền chắc chả phải đọc thơ thì thào, chả phải in thơ tù mù. Giờ lần giở lại 12 tập thơ, 3 tập bút ký ông tặng, tôi rất nhớ ông. Nhớ một nhà thơ đọc thơ như lên đồng. Và nhớ hơn, nhớ một tấm lòng, nhớ một con Người!
Hoàng Quý    
  

Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu


Đền Thượng Nghĩa Lĩnh - Ảnh sưu tầm
Thôi đừng hỏi vi sao nữa
đêm nay giấc ngủ mới mơ màng
đừng goị tán lá cọ về che cái tứ
đất quê mà, xin cho thơ lang thang
Đọc tiếp

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Thơ Nguyễn Bình Phương

Nhà văn - Thi sĩ Nguyễn Bình Phương

Sinh 1965. Quê Thái Nguyên. Sự nghiệp văn chương khởi đi năm 21 tuổi (1986).
Sự xuất hiện của Nguyễn Bình Phương trên văn đàn lập tức ấn tượng. Những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004)... gây tiếng vang, và không ít tranh cãi. Đó thực sự là hạnh phúc cho người sáng tạo.
Còn một Nguyễn Bình Phương thứ hai song hành trong Người Văn, đó là Thơ. Thơ Nguyễn Bình Phương ấn tượng, độc đáo không thua kém văn xuôi. Một bút pháp tài hoa cộng sinh giữa chút ít bán siêu thực, nhiều hơn là tượng trưng. Thi ảnh biến ảo, bất ngờ, những liên tưởng đột ngột, khoảng không cận siêu thực được kéo gần tưởng có thể nắm lấy, nhẹ nhõm, mỏng mảnh và mơ hồ, những khoảng lặng âm vang, một ma lực quyến rũ, một khoảng mênh mang cả trên và dưới chữ cho tưởng tượng. Hiện thực huyền ảo không chỉ riêng trong văn xuôi, nó còn uyên ảo và lóa sáng trong thơ Nguyễn Bình Phương.

Hoàng Quý     


Đêm ngà ngà
         (Từ nhà Trung Trung Đỉnh về)

Ảnh sưu tầm
Nhìn thật kỹ hàng cây thành đỏ
Màu đỏ giăng trập trùng ngang trời

Sáng trong bóng tối
Một đôi mắt mèo
Một ngày không ai
Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo
Đọc tiếp

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Truyện ngắn Văn Thành Lê

Nhà văn Văn Thành Lê

Sinh năm 1986, Văn Thành Lê thuộc đội ngũ những nhà văn rất trẻ. Với họ, cuộc chiến tàn nhẫn, máu xương, chết chóc đã lùi xa. Ở họ, là một cuộc chiến khác, cuộc chiến với chính họ, cuộc chiến trước ngoại cảnh đa diện mạo, nhưng, cũng vừa như vữa ra, rất "Không biết đâu mà lần", như cái tên tập truyện dài của chính Lê vậy. Văn Thành Lê tốt nghiệp Khoa Sinh,  ĐHSP Huế. Năm tháng hậu chiến thiếu thốn chồng chất, rồi vỡ òa cuộc đảo lộn mang tên "Đổi mới".  Con đường Đổi mà hầu như không Mới cũng dường đang "Không biết đâu mà lần", nó cuốn Lê, và tất cả, vào những cơn xoáy rất khó gọi tên. Dạy học. Nghỉ dạy. Rồi nhờ văn chương lại có việc, văn chương chí ít một lần giúp Văn Thành Lê cởi cái nút thắt. Nhưng văn chương mạt, lại rẻ hơn bèo. Chỉ ý chí, say mê và tự trọng giúp Lê từ 2008 - 2015 hoàn thành 8 tập sách, trở thành một cái tên được nhớ trong đội ngũ những nhà văn trẻ.
     Các truyện của Văn Thành Lê luôn đậm đặc chi tiết, nhiều chi tiết đắt, sống động, Một lối kể, một cách kể lôi cuốn, nhiều lớp, chi li mà không rối. Các nhân vật của Lê là quá khứ hoặc hiện tại kề bên, nơi anh và họ sống cùng , nơi anh vui buồn cùng,  ấm lạnh cùng, nhẫn nhịn, mỏng phận như cánh lá, tưởng chỉ thoảng cơn gió bạo cũng có thể vầy vò, xướp táp. Các nhân vật trong văn Văn Thành Lê đều đáng yêu như những hy vọng nhiều ngây thơ của chính nhân vật, dẫu cuộc sống (của họ) éo le, đôi khi chả ra gì, phần nhiều là là, chạm đáy. Văn Thành Lê sử dụng đắc dụng lối kể pha chút trào lộng nhỏ nhẹ, dễ chịu khi tạo xương thịt hình hài hồn cốt các nhân vật. Những đối thoại ngắn, hoạt. Những chấm phá nội tâm, vài nhát phác ngoại cảnh v.v.. tập hợp thành màu sắc, thành sinh khí đặc trưng Văn Thành Lê. Tuy nhiên, để nhân vật có thể ám ảnh, găm lại đến khó  quên có khi cần một thay đổi, đột phá, một chút mạo hiểm, một cách kể nhiều lạnh lùng, một chuẩn bị kỹ càng và dài hơi hơn chăng? Tính tình hiền hòa và dễ "chịu trận" của Lê chả biết liệu có là một trở ngại!
 Đọc tác phẩm của nhiều cây bút trẻ, của Văn Thành Lê, tôi thoáng nhớ bài tứ tuyệt của cố thi sĩ  Ngô Quân Miện: "Bạn bè tặng sách cao như núi/ Tôi tựa lưng vào hứng gió tươi/ Câu thơ mình viết như tro bụi/ Biết lấy gì đây tạ lại người". Họ, đội ngũ đông đảo các nhà văn thế hệ mới, mạnh mẽ, tự tin , trẻ trung, sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng, những trào lưu mới, đang rạo rực một cuộc canh tân, đang đưa đến cơn gió văn chương tươi rói, đa thanh. Đã hiện diện, đã có thể nhận diện những nhà văn trong đội ngũ rất trẻ có thể đi xa. Trong số ấy, có Văn Thành Lê.

Hoàng Quý


Hạ huyệt an toàn
                      Truyện Ngắn

Can chết. Chết đúng đầu năm âm lịch mới ác chứ. Đời đểu thật. Khoảnh khắc ấy pháo hoa khoe rợp trời. Dân tình nô nức xuân phấn khích Tết. Thế mà Can chết. Chết không kịp ngáp. Chết trần chết truồng. Chết ngẩn chết ngơ. Chết không nửa tiếng ú ớ. Sáng ra mọi người mới hay. Tin lan nhanh hơn dịch virus tả.
Đọc tiếp

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Thơ Trương Nam Hương

Nhà thơ Trương Nam Hương

Nhà thơ Trương Nam Hương sinh năm 1963, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cha anh là người con của Huế, quê hương hò mái đẩy, mái nhì, của nam bình, nam ai day dứt, đắm đuối. Còn mẹ anh là con gái Bắc Ninh, nơi sinh ra những làn điệu dân ca quan họ bất tử.
Trương Nam Hương là nhà thơ thành danh sớm. Có thể, chất Huế và Kinh Bắc của các bậc sinh thành là mạch nguồn thắp ấm trong thơ anh. Thơ Trương Nam Hương roi rói cảm xúc, thi điệu nhẹ, thanh, giầu thi ảnh, duy tình. Vốn như tính cách nhà thơ, lịch duyệt và nhỏ nhẹ.

Hoàng Quý    

Màu Huế


Ảnh sưu tầm
Anh vịn màu rêu Huế để yêu em
Trước thành quách bao đời em cứ trẻ
Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể
Anh mượn vành nón Huế... buổi về thăm
Anh vịn lên mưa nắng những thăng trầm
Những cơn bão của vần xoay thế cuộc
Vững như núi, Huế lại đằm như nước
Vạt áo dài mây trắng xuống thi ca
Anh vịn lên còn mất những ngày xa
Những uẩn khúc trong điệu hò mẹ hát
Những đèo dốc trong đời cha bất trắc
Mắt Huế nhìn thăm thẳm tới ngày xưa
Anh vịn lên tròn khuyết tuổi em chờ
Đỡ chống chếnh câu thơ buồn xa Huế
Đỡ côi cút tiếng mái chèo khuya lẻ
Anh mượn màu nắng Huế để thương em!

Đọc tiếp

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Trở lại sông Vàng

Hoàng Quý
Ảnh sưu tầm
Cứ thế, bao năm đi biền biệt
Chiều nay trở lại với sông Vàng
Sông đấy
Vàng đâu
Tìm mỏi mãi
Một chiều sóng sánh
Trời mang mang...

Đọc tiếp

Ảo ảnh

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm

Ta ra đi, đồng bãi của ta, sông nhỏ của ta, con tu hú đắn đo mùa vải quả. Cây gạo nhọc nhằn đợi phút đông qua. Những chiếc thuyền mỏng manh không ai tiễn đưa. Những cánh buồm day trở. Sóng nước phù vân. Dòng mở đóng lở bồi tan tụ

Đọc tiếp

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Nguyễn Thị Hoàng

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

Bà sinh năm 1939 tại Huế. Nhiều năm dạy học. Bắt đầu viết, 1966. Tiểu thuyết "Vòng tay học trò" được in lần đầu trên Tạp chí Bách Khoa, đăng nhiều kỳ. Thiên tiểu thuyết lẫy lừng bùng nổ những cuộc tranh cãi, hai năm sau, được in thành sách. Theo suy nghĩ riêng tôi, bà là nữ nhà văn lớn nhất, một tiểu thuyết gia với bút pháp hiện sinh đặc sắc nhất trong đội ngũ những nữ nhà văn Việt Nam hiện đại Thế kỷ XX.
Nhờ Internet, tôi được đọc 14 tác phẩm văn xuôi và một phần, 2 tập thơ của bà. Và, cũng nhờ phát minh vĩ đại này, tôi đến được cánh rừng dị thảo bị ném không thương tiếc cả đá và gai độc, vào cả cuộc đời và tác phẩm của bà. Những kẻ độc đoán, bệnh hoạn và đạo đức giả thì chẳng kể làm gì. Nhưng, không thiếu những tên tuổi cổ cồn, cà - vạt cũng dạy dỗ, kết án bà, kết án " Vòng tay học trò" như một thứ dâm văn, làm bại hoại gia phong,  rằng "nó" thách đố và tuyên chiến đạo đức xã hội, thách thức không hổ thẹn giáo lý Đông phương. Nếu xét từ bình diện tiến hóa, thật khổ thân bà. Cái xã hội nhoe nhoét thứ luận lý vốn xác Nho, óc Nho, Trí những cầu học đòi Âu hóa, thì, bà bị la ó cũng dễ hiểu thôi. Thế nhưng, "Vòng tay học trò" lại được tái bản nhiều nhất. Vì các nhà buôn chữ thấy tác phẩm của bà giúp họ hái ra tiền? Đó chỉ là một nhẽ. Cái lẽ lớn hơn là tác phẩm của bà, và bà, dám xông thẳng vào đề tài gai góc: Bản - Năng - Con và Tiến - Hóa - Người. Than ôi! cuộc tranh đấu giữa hai nửa bản ngã thật khó khăn và hệ lụy biết bao!
Ngài mũ cao áo thụng ngành giáo dục mua dâm. Vị uy quyền lệch đất cỡ quan đầu tỉnh dắt vợ người ta vào nhà nghỉ mây mưa, quả tang, thì phân bua chỉ là tâm sự chứ đã mút mát gì. Tôi đoan chắc, những vị kia, (và chẳng riêng những vị kia), vẫn thơn thớt rao giảng chính trực, đạo đức v.v.. và v.v. Và, tôi cũng đoan chắc, cái ngữ ấy mà đọc "Vòng tay học trò" sẽ đấu tố bà, đòi dóc da lóc thịt bà hung hăng nhất. Trong cái thế giới ngợm người người ngợm rất nhiều trắng trợn, rất nhiều ô trọc, thì được đọc lại văn chương của bà, cũng là được nhìn thẳng, rồi ngẫm ngợi sâu hơn cái thuộc tính "Con" trong cái vỏ Người của loài ta, phải không?
Thưa bà! Những tác phẩm của bà - không chỉ "Vòng tay học trò", sẽ sống rất lâu, rất dài lâu trong xung đột bể dâu Tiến - Hóa - Người!

Hoàng Quý  
  

CÁNH CỬA ĐEN
                                 Truyện ngắn

Ảnh sưu tầm
Một con dao bén ngọt lóc nhẹ trái tim ra khỏi lồng ngực, một cơn gió lạnh toát cuốn tròn toàn thân, dìm xuống vùng nước xoáy sâu hun hút, những chiếc đinh vít nhọn hoắt đâm sâu vào thái dương, hai tay hai chân cóng tê lạnh ngắt, tôi tỉnh dậy trên bàn rộng, giữa những đống giấy rách nát, những cây cọ bê bết màu, những ống thuốc loang lổ, những mảnh vải trắng tả tơi, những khung gỗ gãy nát, những mảnh chai vỡ vụn, những vệt tàn thuốc nhớp nháp, toàn thể những thứ đó dính bê bết vào áo quần đẫm ướt mồ hôi, mồ hôi, như một phát tiết cuối cùng của cơn đau suốt đêm, suốt những tháng năm vực thẳm, những ngày dài tha ma, đã ứa ra, như một loài máu trắng, từ những vết thương vô hình khắp cùng thân thể tôi, khắp cùng kẽ da chân tóc, đầu những ngón tay ngón chân, khắp, khắp cả những mảng thịt da lạnh ngắt không còn cảm giác, và thứ đầu tiên tôi nhìn thấy ở ngoài đời gởi đến sau một đêm ác mộng mê man, đêm săn đuổi không ngừng ảo ảnh đã vút bay khỏi tầm tay với trong cơn chiêm bao bùi ngùi không nguôi, là màu trời trắng xoá trôi qua khe cửa, khoảng không gian bé bỏng và cuối cùng bỏ ngỏ cho tôi còn chút tương giao âm thầm với cuộc đời vây bọc xung quanh, buổi sáng đã đến đúng giờ hẹn hò, đánh thức tôi dậy, như thường lệ, nhưng sao lại đánh thức tôi dậy không để cho tôi yên, không để cho tôi mê man, sao ngày lại đến tình cờ, cay nghiệt, mở bét hai con mắt tôi ra, lôi thốc chùm ý thức nhức nhối ra khỏi cơn mộng mị ngập chìm, không để cho tôi quên, sao những tiếng chân người lại qua ngoài ấy, sao những tiếng sóng xé rào rào dâng lên ngoài bờ đường xa, sao có tiếng trẻ con khóc cười trong xóm, sao tiếng nhạc vang vang một bài hát cũ ưu phiền, sao tiếng những người đàn bà đi chợ gọi nhau, sao tiếng chim hót lên đầu cành lá mới, sao nắng bắt đầu nhảy múa trên ngọn cây, và trời mở ra mông lung cao tít trong hồn tôi đã đáy huyệt chôn vùi. Mà thời gian không gian nào thế. Buổi sáng hay buổi chiều, buổi trưa hay nửa đêm. Tôi ở đâu. Tôi còn gì. Không, tôi không còn gì hết, không còn gì ngoài thứ máu trắng ứa lên từ những vết thương vô hình. Lạy van em, em yêu dấu, em đâu rồi hãy đến. Anh tỉnh ra rồi. Và ngó thấy rồi, tất cả những mảnh vỡ. Những khoảng trống. Những không gian xa tắp. Những sai lỡ. Những mất hút dấu tích, và bặt tăm hình bóng. Lạy van em, quỳ trên gai trên lửa trên bất cứ cực hình đau đớn nào, khóc bằng thứ máu trắng đó và lạy van em đâu rồi hãy đến, đâu rồi hãy về, một phút giây thôi, một thấp thoáng thôi, rồi anh trả con chim trắng về trời cao, rồi anh nằm xuống yên vui địa ngục. Nỡ nào tàn ác thế. Tôi là một kẻ điên si. Một kẻ tham lam ngu muội, thương yêu và đòi hỏi quá nhiều, cái gì cũng quá nhiều nên tràn đổ cả. Lạy van em, lạy van em. Tôi còn có lời nào, tôi còn có cái gì. Chẳng cái gì cả. Có cái gì xung quanh không, có cái gì trong lòng không. Không, không, em đã mang đi theo hết, đời sống, sinh khí, tất cả, như mặt biển đã rút về cơn thủy triều chiều hôm cho bãi hoang vu không còn một dấu chân, không còn một cọng cỏ. Tôi thèm bóp dẹp đầu trong hai tay, phải rồi, bóp dẹp đầu tôi trong hai tay điên cho em thấy niềm ăn năn của tôi. Và phá phách hết căn phòng này, cái nhà này, tất cả những gì tôi đã ngu si miệt mài gầy dựng, những ngày tháng dưới bóng hư không, bỏ quên tôi, bỏ quên em, bỏ quên hạnh phúc gần gũi thân yêu của mỗi đời người chỉ đến một lần, chỉ có một lần. Nhưng ích gì. Con sông đã mênh mông hai bờ rồi và chẳng có cầu qua. Tôi làm gì tôi ra sao, ở đây cũng chẳng còn ai thấy chẳng còn ai biết ai hay nữa. Chỉ một mảnh trời thì lạnh lẽo, xa xôi và câm nín chừng nào. Tôi lạy van vô ích, gọi kêu vô ích. Có ai nghe đâu. Có gắn hàn gì được đâu. Nhưng tôi có làm gì đáng tội. Tội của tôi là ngu dốt. Người nào cũng ngu dốt cả, bởi khi nằm xuống buông tay không ai bằng lòng đời mình, phải hối tiếc một cái gì, phải ăn năn một điều gì, và tuyệt vọng cho đến chết bởi đã ngu dốt làm hỏng đời mình, đánh rơi hạnh phúc tìm thấy, và không có cách gì để sống lại đời mình một lần thứ hai. Ngu dốt bởi cơ hội nào, hạnh phúc nào, tình yêu nào cũng là cuối cùng cả, cũng đến và đi mất không trở lại hai lần bao giờ, mà vẫn lơ đãng, vẫn vô tình, vẫn lười biếng không nắm giữ, không nuôi dưỡng không nâng niu. Lạy van em. Nhưng em đã ra khỏi đời tôi bao xa. Không, hãy còn đâu đó, không thể nào vượt ra khỏi vòng săn đuổi tận tụy của tôi đâu, cứ đi, cứ trốn, tôi sẽ hụt hơi đuổi theo, sẽ hụt hơi đợi chờ, còn ba mươi năm năm mươi năm, còn một đời dài thê thảm để mong chờ. 

Đọc tiếp

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Thơ lục bát Đinh Nam Khương

Nhà thơ Đinh Nam Khương

"Lục bát của Đinh Nam Khương phập phồng một tiết điệu, chả giống với ai, chả so với ai, họa chăng phảng phất giọng đồng dao của mấy gã mục đồng... Cách chọn đề tài, cách lập tứ, chọn chữ, chọn câu của Đinh Nam Khương bề ngoài tưởng như vô tâm, nhưng thực ra không phải thế. Lục bát Đinh Nam Khương thấm đẫm vị ca dao truyền thống nhưng vẫn lấp lánh vẻ hiện đại, đó là nhờ ở một cách nhìn hiện đại, một tâm thế... Anh hát nhiều hơn ngẫm ngợi đăm chiêu, anh tin tưởng nhiều hơn hốt hoảng. Ngay cả với bản thân, anh cũng biết tự lượng để bình tĩnh sống, biết tự giễu để yêu đời, yêu người hơn. Đinh Nam Khương không hoang tưởng vào tài năng của mình đã đành, anh cũng không làm cho ai phải lâm vào hoang tưởng".
Trịnh Thanh Sơn

Lá rụng cuối trời xa

Hình như ở phía cuối trời
Chiều đang xao xác có người nhớ ta?
Lá rơi tận phía trời xa
Thế mà xao động như là đâu đây?...


Đọc tiếp

Vũ Hữu Định, còn nhiều điều để nhớ

Nhà thơ Vũ Hữu Định
(1942 - 1981)
Ông tên thật: Lê Quang Trung, sinh 1942 tại Thừa Thiên - Huế. Mất quá sớm, khi mới 40 tuổi, độ tuổi có thể làm được nhiều việc nhất cho Thơ. Ông chịu đựng một đời sống đói nghèo. Sống, trong phần lớn không gian của cuộc chiến tàn nhẫn, giết chóc, băng hoại. Vỏn vẹn 6 năm không còn lo thon thót đạn bom, thì thiếu thốn, cùng quẫn vẫn tìm ông vây bủa. Hình như, với ông, chỉ Thơ mới có thể giúp ông có được những giấc chiêm bao giải thoát, giải thoát nỗi buồn Người, giải thoát đời bôn lưu cùng những tuyệt vọng.
Đọc Vũ Hữu Định, tôi bị lớp sóng buồn ông vây bọc. Tôi thấy ông đã chất cuộc đời mình dọc hành trình vô định mà hành trang duy nhất ông có, là Thơ. 45 bài thơ là gia tài ông gửi lại dương gian. Cũng có thể, một thi sĩ giang hồ phóng khoáng như ông, sẽ còn đâu đó những bài thơ thất lạc. Mà dẫu có thế, chắc cũng chỉ một vài. Đã nhiều bài viết viện dẫn tên bài thơ: "Còn một chút gì để nhớ" để chia sẻ rằng, thơ ông để lại cõi người một chút lưu hương. Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ, với Vũ Hữu Định, chỉ riêng thơ thôi, còn nhiều điều để nhớ!
Hoàng Quý

Còn một chút gì để nhớ

Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương


Đọc tiếp

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Mang theo mùa đông

Hoàng Quý
                  Tặng anh Trần Quang Chung

Khi ta đi
Mùa đông theo đi
Trong hành trang vương chiếc lá khô
Có con bướm giật mình rung cánh
Tiếc mùa đông lượn mãi về

Đọc tiếp

CHUYỆN XỨ MITHMAN



Hiếu Tân
           Truyện ngắn



Ngày xửa ngày xưa có một ông vua..

Những câu chuyện cổ thường bắt đầu như thế. Nhân vật hàng đầu: một ông vua. Nhân vật hàng thứ hai: Hoàng tử và công chúa. Nhân vật hàng thứ ba: vân vân và vân vân...

Ảnh sưu tầm
Câu chuyện này cũng xưa như trái đất, bởi vậy, nhân vật chính của nó ắt hẳn là một ông vua. Thật vậy, bạn đã từng nghe tiếng hoàng đế Templer lừng danh chưa? Chưa à? Thế thì lạ thật đấy. Danh tiếng và vinh quang của ngài, còn ai là không biết? Hoàng đế Templer cai trị vương quốc Mithman, xứ sở huyền thoại, nằm cách kinh thành Alexandria khoảng 700 dặm. Khỏi phải nói đó là một xứ sở thanh bình: dân chúng ở đấy một ngày không được múa hát ca ngợi đức vua anh minh của mình thì họ phát ốm, còn nếu cấm họ cả tháng, thì họ phát điên. Bởi thế, nào ai dám cấm họ? Toàn bộ kho từ ngữ mỹ miều của tiếng mẹ đẻ, họ đã vét cạn để tôn xưng vị hoàng đế của mình, chưa đủ, họ còn mượn thêm tiếng của nhiều dân tộc khác: Makedonia, Hy Lạp…Có lần một viên cận thần còn dám so sánh vua Templer với chính Apollon! Chuyện đến tai Apollon, vị thần ôn hoà này bèn nổi trận lôi đình sai một sứ giả của mình, một nhà tiên tri, đóng vai ông lão hát rong lần đến xứ sở Mithman thực thi mật lệnh.

Đọc tiếp

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

THƠ NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến
(1952 - 2014)


Mùa khô 1971, tôi và Nguyễn Đình Chiến gặp nhau ở bìa một cánh rừng thuộc vùng An - Long - Veng (Lào). Chiến hỏi: Đi tìm nước à? Dùng tạm một ít vậy! Anh san cho tôi non nửa bidon nước. Mùa khô rừng Lào, nước quý như máu. Chúng tôi thành bạn của nhau, lại là đồng hương, tôi Tam Thanh, anh Đoan Hùng (Thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh của anh mãi sau này mới nhập về Yên Bái), đều người xứ cọ. 10 năm sau, Chiến từ mặt trận Hà Giang về, ở lại Việt Trì với tôi một đêm, hốc hác và đăm chiêu, chiếc ba lô cóc bê bết đất, bụi. Chiến đọc cho tôi nghe bản nháp bài thơ "Gặp lại các em". Cả 3 cuộc chiến tranh: Chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Chiến đều có mặt, trực diện. Đường văn Nguyễn Đình Chiến gửi lại trong các tập: Hoàng hôn nhớ, Tạm biệt nước Nga, Vầng trăng trên tuyết và Nguyễn Đình Chiến - Thơ và Chân dung văn học. Anh được trao nhiều giải thưởng thơ, bút ký và ký sự chiến tranh. Nguyễn Đình Chiến mất đột ngột ngày 30/1/2014, trùng 30 tết, bên đường, trong một ngày mưa rét. Một nhà thơ tài năng, một nhà thơ duy cảm, một nhà thơ lãng tử và tử tế ra đi. Trường ca Điện Biên Phủ còn dang dở, dang dở như cuộc đời duy cảm của chính Nguyễn Đình Chiến!
Hoàng Quý 
Rừng Lào

Chóp đỉnh Phu Tăng (Lào) -Ảnh sưu tầm
Chiều chầm chậm về trên tầng săng lẻ
Lá rì rào sau mỗi đợt chim kêu
Tôi như kẻ hành hương giờ lặng lẽ
Thả suy tư theo ngọn khói Vân Kiều

Đây biên giới chao ôi màu nắng Việt!
Gửi theo chim lớp lớp tới rừng Lào
Thương ai đó giữa rừng đi mải miết
Ngọn le vàng như phất nắng lên cao

Đọc tiếp

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Điều ước của ông lão cắt tóc

                   Truyện ngắn của Hoàng Quý
           
Ảnh sưu tầm

1.

Ông lão có vẻ buồn.

- Thật xúi quẩy, già nửa buổi sáng vẫn không có cái đầu nào mà cắt. Giá có mấy cu con nói chuyện thì sướng. Ông lão lầm bầm.

Cái lũ trẻ con trong thị trấn mà lão âu yếm gọi là mấy cu con, sáng sáng đều phải đi học thầy giáo Phát, trừ chủ nhật. Hồi chưa phải đi sơ tán, đôi khi cũng có đứa trốn học. Mà đã trốn học, thì hầu như lại quanh quéo chờ cho hết buổi ở quán của lão tới lúc lũ trò bạn tan học về, hòa ngay vào, cứ như là nó cũng chăm ngoan lắm. Vào những khi có một, hai đứa như vậy, lão vừa thích lại vừa không thích. Thích, vì quẩn quanh lão cũng có tiếng con trẻ. Không thích, vì lão cảm thấy là tại lão hay chuyện, dẫu chỉ là chuyện nọ dọ chuyện kia ngày nảo ngày nào, chúng khoái, mà trốn học cũng không chừng.
Đọc tiếp

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

MAI THẢO

Nhà văn Mai Thảo
(!927 - 1998)

Tôi đã đọc Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải từ rất lâu. Đêm qua, tôi đọc Tháng Giêng cỏ non của ông. Chả riêng tôi đọc ông, tất nhiên như thế. Bây giờ mới tháng Mười. Mùa đông còn trước mặt. Mùa đông nào chả dài. Nhưng mọi cuộc đoàn viên , dù gì, cũng mong là có hậu. Kẻ thù ở ngay kia, nỉ hảo thơn thớt, chúng ta đâu có không nhận ra, không ai không nhận ra. Tổ quốc nhỏ bé của chúng ta, chí ít cũng có tới 2000 năm nhiều phen binh lửa. Dằng dặc 2000 năm ấy, thử hỏi bao nhiêu chia ly? Nhưng Tổ quốc không của riêng ai. Tổ quốc là của chung, Đất nước ông bà là của tất cả chúng ta. Để Tổ quốc trường tồn cần nhiều thứ lắm. Tổ quốc cần mọi cuộc đoàn viên, ngay ở đây, trong lòng của Mẹ. Như Sạng của ông, như chị Sạng, như cô "Năm Sà - Goòng" và tất cả những đứa con máu đỏ da vàng của họ.
Tôi thắp nén nhang này trước Tháng Giêng cỏ non. Và chúc cho mọi cuộc trùng phùng!

Hoàng Quý


Tháng Giêng cỏ non
Truyện ngắn

Ảnh sưu tầm

Cách đây 18 năm, Sạng bỏ quê hương, một thôn xóm bé nhỏ miền duyên hải Bắc Việt, vào Nam kỳ. Chuyến đi của anh Sạng ngày ấy như một chuyến đi phát vãng biệt xứ và anh Sạng lúc xa lìa bóng tre làng cũ lên đường vào đất Nam kỳ xa xôi, anh đã cầm bằng là sẽ gửi nắm xương trên một mảnh đất nào ở xứ lạ. Anh Sạng đi làm phu đồn điền cao su.
Đọc tiếp

Ơ Thờ Ơ

Nhà thơ Đỗ Trung Lai

Sáng chủ nhật, nhà thơ gọi điện. Này, tập Ơ Thờ Ơ anh gửi cho chú chưa. Yêu quá. In từ 2013, sáng hôm kia hỏi xưng xưng. Thế anh tưởng hôm ở Lũng Cú đọc qua tê lê phôn cho chú  "Đá ở Đồng Văn" , về , in xong anh gửi cho chú đầu tiên. Quý hóa quá. Lại còn gửi đầu tiên. Đỗ thi sĩ vẫn đáng yêu thế. Lại nhớ, Rằm Tháng Giêng 2009 có yêu cầu ra đọc thơ Văn Miếu, chiều trước rằm bưng tráp phết hồ cho thi sĩ và phu nhân dán tem các Pa nô triển lãm thơ Đỗ, Đỗ thi sĩ phấn khởi, được ông em và thiếp yêu hầu chữ hai bên, tự dưng, sướng!
Sáng nay, thứ Ba, Ơ Thờ Ơ đến tận cửa. Lại kèm nặng trịch tập 100 nhà thơ Đường bìa cứng, com lê hẳn hoi. Thế thì giận Thi anh thế nào được. Bèn lảy ra dăm bài cho bõ... "ghét"!

Hoàng Quý

Đỗ Trung Lai

Mùa thu uống rượu bên hồ Thiền Quang


Ảnh sưu tầm
Thiền Quang xanh dưới thấp
Da trời xanh trên cao
Thu phân rồi đấy nhỉ?
Người xưa giờ ra sao?

Ngày ấy như hè vậy
Ta yêu nhau ồn ào
Hôn như là chớp giật
Vừa xa đã cồn cào

Đọc tiếp

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

ĐỨA BÉ

Nhà thơ Trịnh Sơn

Năm ấy, cuối 2008,  còn thu nhưng trời đã phong giá, tôi đưa hài cốt Nhạc phụ tôi về Nghĩa trang liệt sĩ Bà Rịa Vũng Tàu. Trong toa xe giường nằm mà Phạm Thanh Khương chăm lo cho tôi có 3 cháu gái sinh viên về Đà Nẵng. Các cháu tranh luận rất sôi nổi những bài thơ gì đó của một tác giả nào đó, rất trái ngược, nhưng hào hứng và quyết liệt. Đi trên một ngày đường, các cháu trở thành bạn đường thân tình. Cho tôi xem mấy bài thơ các cháu chép được từ nguồn nào không rõ, tôi bị những bài thơ tức khắc thôi miên. Trịnh Sơn. Bà Rịa Vũng Tàu. Cuối bài thơ ghi rất rõ.
Tôi tìm Trịnh Sơn trên nửa năm. Cùng một tỉnh cư trú, tỉnh nhỏ mà tìm nhau khó thế, Thì ra, Trịnh Sơn cũng nhiều lần tìm tôi, mà chưa nắm được bàn tay. Thế rồi, cơ duyên. Chúng tôi đọc thơ cho nhau nghe, kể về tuổi trẻ cho nhau nghe... trong cái ô ban công tí hon nhà tôi.
Tôi được Sơn tin cậy gửi 15 bài thơ của anh. Tôi gửi nhanh qua Email cho anh Hà Đình Cẩn cùng vài dòng ngắn. Năm ấy, anh Cẩn và Văn Chinh đang chăm lo thử nghiệm Website vanvn.net của Hội Nhà văn. Chỉ một ngày đêm từ lúc nhận được Email, Thơ Trịnh Sơn nóng ngay trên Website Hội. Hàng trăm cuộc điện thoại gọi tôi. Trịnh Sơn là ai? Ông biết gì về hắn? Trẻ, hay tuổi cánh ta? Có bao nhiêu thơ Trịnh Sơn gửi cho mình, mình là... còn nhớ chứ! Tôi bảo, sinh 1982. Rằm tháng Giêng 2009, Trịnh Sơn đọc thơ trên sân thơ trẻ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. 2010, NXB Hội Nhà văn in tập thơ vỏn vẹn hai từ trên bìa sách: TRỊNH SƠN.
Có nhà thơ viết vội, nhơn nhơn về Trịnh Sơn như thể một phát hiện, một sở hữu. Thật tội nghiệp. Chúng ta sinh ra trong một đất nước lạ lùng. Người ta bá cổ vỗ vai bả lả với Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông vừa đột ngột nằm xuống. Người ta viết về Văn Cao như họ chơi với ông từ thuở mót lúa chăn trâu. Nhà thơ Trịnh Sơn đang ở đây, ở đây, từ thủa nào không rõ, đĩnh đạc, như khối phún thạch, rừng rực. Agusto Monterroso viết một truyện ngắn  vẻn vẹn một dòng: " Tỉnh dậy, con khủng long vẫn còn đó". Tôi mạo muội vay mượn ông nói rằng: Thơ tỉnh dậy, Trịnh Sơn và Thế hệ Trịnh Sơn đã ở đó!
Hoàng Quý
           


Trinh Sơn


Ảnh sưu tầm

Dài quá
Đêm lắc lư tôi không yên
Cảm nhận rõ ràng thân xác mình chòng chành chiếc võng
Nghiêng ngã
Ngã nghiêng
Tâm hồn là đứa bé mút tay đòi mẹ
Có thể lật nhào bất cứ lúc nào

Đọc tiếp

Đọc "Đêm nghe gió qua vườn", thao thức, ngẫm suy

Nhà báo - Nhạc sỹ Nguyễn Chính

Nhà báo - Nhạc sỹ Nguyễn Chính. Tên khai sinh: Nguyễn Văn Chính. Nguyên quán: Phú Thọ. Hiện sống và làm việc tại Nha Trang. Ông là hội viên Hội Nhà báo và hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Nguyên Trưởng đại diện Báo Đại Đoàn kết, Báo Văn nghệ các tỉnh nam Trung Bộ.
Nhà báo - Nhạc sỹ Nguyễn Chính nổi tiếng với thể loại phóng sự và chính luận. Nhiều phóng sự của ông được chọn lọc in trong "Thập kỷ bài báo hay"(NXB Thanh niên, 1999). Đặc biệt, loạt bài "Hành trình giải oan" đoạt Giải A Báo chí Toàn quốc, 1994. Về văn học, ông đã in các tập: Hoa và cỏ dại (tập Truyện ký), Đôi mắt rồng (tập Truyện ngắn), Giọt nắng (Thơ). Ông viết nhiều ca khúc, và đặc biệt là Hợp xướng Hoàng Sa - Trường Sa.
Trong Preface cùng Quý độc giả khi đăng lời bình của Tuệ Minh hai ngày trước, bài viết này là bài thứ ba cho bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn". Còn nhiều lời bình và bài viết của nhiều tác giả, nhiều bạn đọc với bài thơ, song, xin phép được tạm dừng lại để các bài vở trong chuyên mục khác lên trang. Khi có dịp thuận tiện, các lời bình, các bài viết như đã nói trên, sẽ phục vụ bạn đọc.

Ngày hôm nay, trang Blog nhỏ của tôi đã chính thức tròn một tháng tuổi. Trước đó trong 8 ngày, kể từ bài thơ "Một chiều chuồn chuồn bay" lên trang đầu tiên, 25/8/2015, là 8 ngày thử nghiệm dành cho việc thiết kế các mục vụ. Blog vui mừng và cảm động với trên 5000 lượt bạn đọc blog trực tiếp và hàng chục nghìn lượt bạn đọc qua liên kết facebook, Google +. Cũng trong tháng thôi nôi, trang văn nhỏ bé của tôi luôn luôn được sự khích lệ từ các anh, chị: Hà Đình Cẩn, Thái Thăng Long, Hiếu Tân, Vân Long, Vũ Duy Thông, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Nhuận Hồng Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Chính, Nguyễn Cường, Nguyễn Đức Hà, Nguyễn Đức Hòa, Lưu Đình Hùng, Trần Ngọc Trác, Phạm Tiến, Nguyễn Đạo, Trần Vân Hạc, Phạm Thuận Thành, Phùng Chí Dũng, Mỹ Thủy, Trịnh Sơn, Võ Thị Thanh Thúy, Ánh Huỳnh ... và hàng trăm tác giả, bạn văn khác. Hàng trăm Email, nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của bạn đọc gần, xa, bạn đọc là người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc, là khích lệ động viên lớn đối với cá nhân tôi.
Xin chân thành cảm ơn Quý bạn đọc!
Xin chân thành cảm ơn các tác giả, các bạn văn!
Hy vọng nhận được những lời chỉ bảo, bài vở, những sáng tác mới và góp ý!
Trân trọng!
Hoàng Quý

Nguyễn Chính


Đêm, thao thức nghe qua vườn gió thổi. Vườn, úa vàng cuối Thu, bơ thờ lá , khẳng khiu cành trơ trọi. Ừ nhỉ! giời đã chuyển mùa. Ừ nhỉ! quá nửa đời người , tuổi ngoài sáu mươi, đã quá “lục tuần” rồi. Thời gian bóng câu tăm cá, bồi hồi nhớ về một thời “Lá đỏ” vời xa… Tôi đã man mác buồn như vậy, khi đọc bài thơ này của Hoàng Quý:

Đọc tiếp

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Gửi Kim thi sĩ

Hoàng Quý
                   Tặng anh Kim Dũng



Hạc còn bay qua trời ấy không
Hạc còn kêu bạc trong đêm trăng
Trăng thì ướt, mà anh như hạc
Độc hành xuyên qua trời mênh mông...

Đọc tiếp

Trần Hoàng Vy bình "Đêm nghe gió qua vườn" trên vuthanhhoa.net và những trao đổi của bạn đọc

Nhà thơ Trần Hoàng Vy

Nhà thơ Trần Hoàng Vy, tên khai sinh: Trần Vĩnh. Quê Bình Sơn, Quảng Ngãi. Hiện sống và làm việc tại Gò Dầu, Tây Ninh. Ông là tác giả của các tập sách: Ca dao mẹ, Ngủ giữa vườn chim, Miền thơ ấu, Thơ gửi tuổi 17, Chuyện cổ tích gửi cho bé Sao, Đồi cỏ hát, Thằng Thu đảo nhím, Mùa nấm mới, Bóng nhớ, Chớp mắt rồi cười, Tự khúc +, Cầm nhặt tri âm.
Ngày 13/11/2012 trang vuthanhhoa.net đăng lời bình của nhà thơ Trần Hoàng Vy với bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn". Nhiều ý kiến, trao đổi, hoặc cảm xúc của bạn văn và bạn đọc sau lời bình.
Trân trọng gửi tới Quý độc giả!
Hoàng Quý


Đêm nghe gió qua vườn
                       HOÀNG QUÝ

Ảnh sưu tầm

Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai

Đêm nghe gió qua vườn
Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã
Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?

Đọc tiếp

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Có những buổi sáng

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm

Một buổi sáng ta giật mình thức dậy
Con chích chòe hót váng cả bình minh
Mày thương nhớ lá vừa rụng xuống
Hay hân hoan vì quả chín trên cành?

Đọc tiếp

Tuệ Minh và Đêm nghe gió qua vườn


Nhà văn-Nhà phê bình Tuệ Minh
Sau khi bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn" lên trang, tôi nhận được rất nhiều điện thoại, email của cả bạn đọc và bạn văn bày tỏ ý kiến và cảm xúc về bài thơ này. Đáp ứng yêu cầu cùa Quý độc giả, xin được chọn đăng lần lượt 2 bài bình (lời bình) và 1 bài viết của các tác giả: Tuệ Minh, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Chính - trong số nhiều bài viết, nhiều lời bình đối với bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn" của tôi. 
Trân trọng cảm ơn các tác giả và Quý bạn đọc!
                                                                                                                         Hoàng Quý
                                                                                                                                                                 
                                                                                                                               
                                                                              
ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY
Đêm nghe gió qua vườn 
                       HOÀNG QUÝ


Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai
Đọc tiếp

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Đêm nghe gió qua vườn

Hoàng Quý



Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai
Đọc tiếp