Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Nâng Sa Pa tràn tay

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm

Rừng ngất ngây
Núi ngất ngây
Phố nhỏ duềnh trong sương ngọc
Ngựa hồng nhịp móng trong mây
Đọc tiếp

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Tới Cấm Sơn nhớ thi sĩ Thôi Hữu

Hoàng Quý


Ảnh sưu tấm
















Một dốc
Hai dốc
Rất nhiều dốc
Bỗng gặp nắng đầy thung lũng thơm
Bản làng cuối Chạp lơ mơ rượu
Anh bỗng dưng thèm môi mắt quen
Đọc tiếp

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

ẨN SĨ & TỪ HẢI


Nhà văn - Dịch giả Hiếu Tân

Từ bữa "Thượng sơn" cùng Hiếu Tân do vợ chồng hai nhà thơ Trịnh Sơn - Võ thị Phương Thúy rủ rê, đã hẹn với nhau lên trang truyện ngắn này. Ấy thế mà cứ việc nọ việc kia. Thế là thất lễ với bạn. Bữa qua, có lẽ sốt ruột, Sơn a lô hỏi, cháu kiểm tra máy cho chú rồi, máy cổ lỗ chút nhưng còn sài tốt, sao trang vắng hoe? Chả lẽ lại bảo cám ơn ông cháu tốn công, tại chú tự dưng... bận. Đời thì nhiều cái tự dưng lắm. Sáng còn cười rổn rảng, chiều tự dưng buồn. Cái "tay tổ" bữa qua còn vênh vang tự đắc như cha thiên hạ, trưa nay có người báo tin hắn vừa ngã ngựa cái oạch, lại kèm lời rủa, dương oai tự đắc cho lắm vào. Ví dụ thế. Thế cái nào tự dưng, cái nào nhân quả? Thế là hăm hở lên trang "Ẩn sĩ & Từ Hải" của Hiếu Tân để ngẫm thêm giữa NHÂN và QUẢ, giữa vị ẨN SĨ đối diện với TỰ DƯNG...
Mấy tháng trước, trên mạng đưa tin, ở Cộng hòa Liên bang Đức, người dân bất bình để cho cái Viện Khổng Tử làm tối xầm cả một góc tráng lệ Berlin. Có tin được không? Hay là tin vịt? Xin thưa với các công dân của đất nước sinh ra rất nhiều triết gia vĩ đại cho nhân loại tít bên trời Âu, ở nước tôi, Khổng ông kễnh chỗm chệ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hiền kiệt Chu Văn An ghé đấy cho nó ra vẻ chủ quyền hữu nghị hài hòa, Từ Hải thật chết ngắc từ thời Tố Như. Các ẩn sĩ - các "Phàn" được mời nghỉ hưu lâu lắc rồi. "Phàn" nào mới nổi hăng tiết vịt thích nói cho nói cứ nói. Mà, dẫu to kèn thì cũng nửa chuột nửa dơi bèo nhèo mỡ nạc sợ bị biếm hoặc bị thiến. Cha, con họ Từ thời nay gặp Kiều thì xơi Kiều chứ chả ngu gì cưới Kiều làm vợ. Thế thì, người ta mới bảo, ở chốn này Từ Hải đương thời rặt Từ Hải đểu. Mà đã đồ đểu, nếu chết, chết nằm chứ đâu có chết đứng.
Hoàng Quý 

Hiếu Tân
         Truyện ngắn

Ảnh sưu tầm
Thuở ấy, bên cạnh Từ Hải - vị đại vương lừng lẫy oai danh, có một nhân vật kỳ tài, đáng liệt vào hàng "dị nhân": Họ Phàn, tên Cự, tự Bỉnh Cung, ngay từ thời trẻ đã nổi tiếng tài hoa, cả một vùng Liêu Đông rộng lớn không ai là không biết tiếng. Cả Thanh Tâm Tài Nhân lẫn trong Truyện Kiều đều không thấy nhắc đến nhân vật này, có lẽ vì không liên quan nhiều lắm đến câu chuyện chính. Người viết những dòng này, nhân lần giở những thư tịch cổ, thấy những chuyện về nhân vật này thì giật mình kinh hãi, thầm tự nhủ: nếu không có Phàn kia thì chắc gì Từ đã thành Từ, ngay đến thành người còn khó, huống hồ... Nay xin chép ra đây để bạn đọc xem cho vui, và vì trong nguyên bản hơi văn cổ, ý tứ sâu xa, nên xin được phiên ra lời thường thời nay, để khỏi làm mệt trí bạn đọc. 

Đọc tiếp

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

THƠ Y PHƯƠNG

Nhà thơ Y Phương

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Sinh ngày 24 - 12 - 1948 tại làng Hiếu Lễ, Trùng Khánh, Cao Bằng.
Năm 1968 ông phục vụ trong quân đội. Sau chiến tranh ông làm việc tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng. Năm 2002, ông chuyển về Hà Nội, làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện tại ông và gia đình sống tại Hà Nội.
Những tập thơ đã in: Người núi Hoa (1982), Tiếng hát tháng Giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Đàn then (1996), Ngược gió (2006), Những bài hát cho Sa (2011). Hai trường ca của ông gồm: Chín tháng  và Đò trăng. Với trường ca Chín tháng, ông đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Bài thơ Nói với con của ông được đưa vào Giáo khoa thư. Ngoài Gỉai thưởng Nhà nước, ông còn đoạt nhiều Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật khác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn.


Năm Y Phương về làm việc tại Hà Nội (2002) cũng là năm tôi lần đầu gặp ông. Hôm ấy, đang loay hoay hỏi thăm phòng làm việc của Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn Hà Đình Cẩn, một người vạm vỡ có đôi mắt "biết nói" ân cần chỉ dẫn cho tôi căn phòng trong góc của Tổng biên tập. Thấy tôi quay ra, ông bảo, vào chờ ở chỗ mình, chắc anh Cẩn về ngay thôi. Ông và gia đình khi ấy tạm ở một phòng nhỏ thuộc cơ quan Tạp chí Nhà văn 65 đường Nguyễn Du. Thế là chúng tôi chuyện trò. Cái cách tiếp xúc và sự ân cần, giản dị của ông làm cho tôi không e ngại. Khi tôi thưa tên, ông à lên vui vẻ, rồi đọc to: "No xôi no thịt thì cứ chơi liền liền đi/ Trên đầu lắc lư con ma rượu rồi, có đứa trốn ra nương, hai đứa khéo mà thành một đứa". Thơ tôi nào có ra gì mà ông thuộc. Ông bảo, ra đây là Hoàng Quý đấy, chỉ một "Ngẫu hứng qua mường" em xứng đáng đại diện cho cả một cộng đồng tộc người. Được khen thì tất nhiên ai chả thích. Tuy nhiên, đánh giá thẳng băng và có tính khích lệ của ông làm tôi bối rối. Kể từ lần gặp gỡ ấy, đến giờ, tôi được ông coi như người em. Nhiều năm làm sưu tầm Văn hóa Dân gian và lang thang vùng cao, tôi hiểu rằng, có được tình cảm ấy không vì chữ nghĩa.
Thơ Y Phương thấm đẫm dân ca Tày, đời sống Tày, bền chắc như đá núi Cao Bằng, nhẹ nhõm như mây sáng trên sông Hiến, sông Bằng và cường tráng không gian biên viễn. Nhiều bài thơ của ông có thể hát lên, có thể ngân nga. Ở nhịp, ở điệu, ở thi ảnh, thi hình,  ở cách nói, ở tình... váng vất làn sli, điệu lượn. Lối nói ví của người miền cao khi biến ảo trong thơ Y Phương luôn luôn gây ngạc nhiên, hưng phấn và thích thú. Cùng với Nông Quốc Chấn, Y Phương mang đến cho cánh đồng thơ Việt sự rực rỡ, phong nhiêu.

Trân trọng giới thiệu một chùm thơ Y Phương trong triền rừng thơ đẹp đẽ của ông! 
Hoàng Quý


     
Mùa hoa

Ảnh sưu tầm

Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.

Đọc tiếp

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Đêm tài tử

Hoàng Quý

Ảnh sưu tầm
Những tài tử giai nhân đi về đâu hết cả
Hãy tụ hội đêm nay trên sóng Ninh Kiều
Trăng như vẽ
Thuyền bồng như vẽ
So dây này
Ta cất lời yêu...
Đọc tiếp