Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

THƠ TRỊNH SƠN

Nhà thơ Trịnh Sơn

             Trên bầu trời thi ca rộng lớn, bao nhiêu ngôi sao Thi ca đã chiếu sáng, còn chiếu sáng. Có những vì sao băng qua, dù chỉ một vết lấp lánh, song, tất cả vần tụ, sống động, làm sáng lên, dọi tới những thao thức, cả những góc sẫm lịch sử và đời Người. Ngoài Trời còn có những Trời khác. Ngoài Thiên hà còn những Thiên hà. Thật mừng vui trong Bầu Trời Mới đã lung linh và ngời lên những vì sao trẻ thúc đẩy Thế giới Thi ca chuyển động không ngừng. Trịnh Sơn là một trong điệp trùng ấy. Sự xuất lộ của họ vào đầu Thiên niên kỷ mới, làm chúng ta hồi hộp, chờ đợi, hy vọng và rất đáng để reo vui. Thơ Trịnh Sơn chiếu lên không gian rờ rỡ và mênh mang của Thi ca nét quyến rũ. Nét quyến rũ tinh khôi, tráng kiện, đắm mê, khắc khoải và chất chứa... Dù còn nhiều lạ lẫm, lạ lẫm cuốn hút. Nếu Thiên hà Thi ca không ngừng chuyển vận và mênh mông kia thiếu những vì sao trẻ, sẽ buồn bã biết bao!  
                                                                                                                            Hoàng Quý

















SCARLET ÁO XANH


1. NHỮNG CÂU THƠ CHÁY

Anh đã từng làm những câu thơ kiêu hãnh
Phản bác Einstein, rằng, tình yêu không tương đối

Anh đã từng làm những câu thơ bay bổng
Vén tóc xanh con gái thấy mặt trời

Anh đã từng làm những câu thơ không rơi
Thời gian vẫy vùng trong một dấu gạch nối


Ảnh sưu tấm

Ôi, những câu thơ logic và công nghệ
vén thế kỷ 21 như mở cửa một khu vườn
hàng loạt bông hoa tóc đỏ vàng phơi rốn nhảy hip hop
diệp lục thay bằng rượu ngoại và thuốc lắc
sâu róm sâu đo đột biến thành Lao, Gan, và Aids
Ôi, những câu thơ như lũ bướm sinh sản vô tính
sắc màu chọn trước bằng lập trình
đậu hờ hững chờ một cái nhấp chuột
Ôi, những câu thơ không mồ hôi không nước mắt
không khóc không cười không bắt đầu không kết thúc
Có nghĩa lý gì hỡi trường ca và tứ tuyệt tự do và lục bát
giới hạn giấc mơ trong mỏng mảnh hình hài?
Có nghĩa lý gì duy tâm duy vật hiện sinh và Freud
triết thuyết mơ hồ thay đổi được đâu vết lở bồi ký ức?
Có nghĩa lý gì hỡi sáng tạo và nghệ thuật
vẽ con người bằng nét bút thiếu hồng cầu?

Anh vò nát ngàn câu thơ đói khát
ném vào lửa
- lửa tắt
Anh xé vụn tuổi hai mươi bệnh tật
ném vào em
- em khóc
Giọt nước mắt cào vai áo bạc màu
Vành tai bèo rủ nắng lại với nhau
- Nhóm lửa

Lửa dắt anh thăm Ngã Ba Đồng Lộc
nhọc nhằn hố bom rộng gấp trăm ngàn lần thung lũng Silicon
Lửa vượt qua được mất sống còn
nghiệm chứng chân lý : Mặt trăng gần hơn Lưu Xá
Lửa đấu tranh lội suối băng rừng
giữa chiến trường hoa nở
Lửa nông trường ấm lòng thành phố
mở suối đào kênh giũ áo bụi đời
Lửa hôm nay rướm máu bàn chân đo vực thẳm
giành giật hạt mầm trong tay loài gặm nhấm
Lửa xanh um trên núi đồi xứ sở
hoa cho người - riêng mình một chiếc lá

Em bẩy đời lên và bẩy thơ lên
nghiêng nghiêng Điểm Tựa

một cánh bướm vỗ ở Brasil cho Paris mưa
một tiếng gốm vỡ giữa Bắc Kinh khiến thế giới rùng mình
một cái lắc đầu nơi Washington bắt cả vùng Trung Đông khốn khổ

người hỏi người : Đâu là điểm tựa?

không quá vọng cuồng như Archiméde
bẩy trái đất lên bằng sức vóc con người
nhưng câu nói ấy đã bẩy thiên tài lên đài bất tử

người hỏi tôi : Đâu là điểm tựa?

giấc mơ bác thợ mộc có thể là đòn bẩy
khi thế kỷ cong vênh như đòn gánh
cơm áo phù hoa nắn tôi thành chú bé gỗ mũi dài

tôi hỏi mình : Đâu là điểm tựa?

giọt ký ức không đủ tròn để lăn
con ngươi lắc lư bản sonate mệt nhoài
thôi cứ để nỗi buồn trên cao có vì sao níu giữ

Em nói : Em là Điểm Tựa!

Dẫu que diêm của Andersen có là khoảnh khắc
hy vọng còn mãi mãi
Dẫu chiếc lá cuối cùng không diệp lục
sự sống đã bắt đầu
Dẫu ao mê bùn nát đục ngầu
sen hồng vừa bước xuống
Dẫu tương lai cuống cuồng ảo tưởng
quay đầu, nghĩa là, Bờ
Dẫu bạo tàn bão thế kỷ chưa qua
niềm tin đắp phù sa mới
Dẫu cái chết từng giờ réo gọi
lưng trời một bóng trăng trôi

Anh bắt đầu làm những câu thơ gió thổi
buốt mắt người khắc khoải chong đêm

Anh bắt đầu làm những câu thơ không bóng tối
Scarlet áo xanh đêm biếc như ngày

Anh bắt đầu làm những câu thơ ban mai
mặt trời mọc lên từ đốm lửa

Đừng tưởng chỉ có ánh sáng từ lửa
tôi đã thấy
Ánh sáng chảy ra từ bàn tay thắp lửa

Trên bức tường xám ngắt thời gian
Chiếc lá cuối cùng neo sự sống
Giữa cái lạnh rát mặt đêm đông
Que diêm cuối cùng nuôi hơi ấm

Có những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
Đâu trái thị thơm tho nào cũng Cô Tấm bước ra
Đã có nhiều con sâu cắn phá
Lởm chởm buồn vỏ thế kỷ chúng ta

Bay lên
Bay lên
Hỡi kiếp người nhọc nhằn bệnh tật kia ơi
Đừng tưởng chỉ có những vì sao mới làm nên bầu trời
Khi một vì sao rơi
ấy là lúc cuộc đời
Mọc tinh khôi
Đóa hy vọng

Thơ bẩy đời lên và bẩy tôi lên
Áo em phơi Điểm Tựa
Tim em thắp lửa
Rộn ràng
Thơ
Cháy


2. HOA ĐẦU GIÓ

Có một nơi sông và suối và hồ
Hẹn nhau vòng cung con đập (1)
Sau phiên gác em rón rén vén vạt cỏ ngồi
Nghe tuổi 20 khơi dòng róc rách
Nghe ăm ắp trăng giặt áo xanh
Nghe cú kêu sương trong tiếng gió trở mình
Nghe lửa cháy thình lình 
Khô giòn đốm lá

Ảnh sưu tầm
Tuổi 20 xuôi sông ngược suối phơi lặng lẽ hồ
Còn mãi bấp bênh con đập

Bao nhiêu lần con đập biến thành con dốc
Niềm tin chơ vơ nở bông hoa bên vực
Em rướn tay hái
Mồ hôi nhảy múa lấp lánh bức xạ mặt trời
Giọt nào cũng tròn giọt nào cũng căng
Giọt nào cũng có thể là nước mắt
Giọt nào cũng có thể là máu
Thăm thẳm dục vọng ngụy trang cái chết trong lộng lẫy ảo tưởng
Dán thành những cánh diều rực rỡ và thả phất phơ không dây
Em biết
Hạnh phúc có thật
Niềm tin có thật
Tình yêu có thật
Phập phồng ngực áo xanh rạo rực một cánh buồm

Buồm ơi buồm ơi
Đâu chỉ có những tàu thuyền khổng lồ ngoài biển khơi bao la kia mới có buồm
Đâu chỉ có lá có vải có nylon mới dệt nên buồm
Đâu chỉ có những cánh tay rắn chắc thủy thủ mới lèo lái nổi buồm
Em đứng giữa đất trời quê hương thấy sóng nhảy trên thềm thế kỷ
Con đường nào cũng sóng
Con đường nào cũng sông
Con đường nào cũng biển
Buồm ở đâu buồm ở đâu nếu mỗi con thuyền đều chỉ lo tìm riêng cho mình một chỗ đậu
Đến khi nháo nhào lật chìm mới nhận ra sự hờ hững quá muộn
Sẽ còn gì sẽ mất gì nữa
Buồm của anh ơi buồm của tôi ơi
Cánh buồm nào ghé vai kéo giấc mơ bạn mình ra khỏi vũng cạn
Người ta dạy nhau yêu thương và không quên dạy nhau nghệ thuật ngoảnh mặt
Buồm của tôi ơi buồm của anh ơi
Cánh buồm nào vừa làm phao lại vừa làm sóng giữa thế giới của mình?

ảo ảnh và ngông cuồng
khi tự cho mình quyền lãng quên quá khứ
yếu ớt và ngu ngốc
khi đạp trên hiện tại mà bước qua
em đã thấy nghịch lý ngay ngã tư phố nhỏ xíu mỗi ngày đi qua
ồn ào bóng loáng xe cộ
và, nhỏ nhắn trơ trọi mấy bàn tay chìa ra
em cũng đã thấy nghịch lý trên tivi từng phút từng giờ
rầm rộ hội hè nơi này 
và, súng nổ bom rền đói khát loạn lạc nơi kia

ôi , nghịch lý lại luôn luôn có lý để tồn tại
hỗn độn thế giới thế giới hỗn độn
người ta thét gào đòi một bàn tay sắp đặt lại
một bàn tay đủ quyền năng
lấy hạnh phúc làm tấm chăn đắp che bất hạnh
lấy tiếng cười nhét vào những cái miệng chỉ chực khóc
nhưng, bàn tay nào bàn tay nào có thể làm nên điều kỳ diệu này

không,
không thể chầu chực cầu mong thượng đế
vì Ngài đã hứa Thiên Đường và Niết Bàn ở một thế giới khác
cũng không thể ngã lưng vào khoa học
mọi phát minh đều xuất phát từ con người và sẽ từ con người mà kết thúc

em đi
em đi

phố buổi sáng nhớ tiếng bánh mì rao
phố giữa trưa oi nồng mưa ngược nắng
phố hoàng hôn nhà cao tầng che mây
phố vào đêm ngác ngơ đêm vào phố

em đi
em đi

cám ơn nhé ngàn nụ cười choàng vai
cám ơn cả những đôi môi dè bỉu
em đi em đi khi chân đang còn đứng
em đi em đi lúc xe chưa kịp chạy
không nhìn lại
sau lưng có quá nhiều bàn tay vẫy

Mẹ hỏi Hoa xung phong màu gì
Chia tay giảng đường con không về quê?
Anh hỏi Hoa xung phong màu gì
Mở cửa cuộc đời em làm người xa phố?
Bạn hỏi Hoa xung phong màu gì
Mùa hạ cuối cùng còn mang theo nhành phượng đỏ?
Em hỏi Hoa xung phong màu gì
Áo cô dâu trắng hồng áo chị xanh như lá?

Nín thở vừa một niềm kiêu hãnh
(không thể trả lời chỉ bằng lời
đôi khi ngôn từ bỗng trở nên yếu ớt)
Em giấu phấn son giữa những trang Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Lấy tiếng bom Đồng Lộc làm neo giữ trăm đợt sóng ngầm
Nụ cười thắm nhọc nhằn
Ước mơ quen trở giấc
Chân con gái in chân người vỡ đất
Mười ngón hồng xinh đâu chỉ bước cho mình
Tóc cất tai bèo. Khoác ba lô. Dặm bước
Scarlet ngẩng đầu đọc thơ Phạm Tiến Duật
“…Bụi mù trời, mùa hanh
     Nước trắng khe mùa lũ
   Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ
 Em vẫn đi, đường vẫn liền đường…”(2)

Nhật ký : ngày… tháng… năm…, hiện trường
              Gió quàng áo xanh
           Nắng sần sùi bazan
       Thò tay vào bụi gai thế kỷ
    Nhặt nhạnh lại những hạt mầm khát sáng
Đồng nghiệp thân tên M phải cấp cứu phơi nhiễm

Nhật ký : ngày… tháng… năm…, cả đơn vị ăn mừng
             Tin vừa phát trên radio
           Việt Nam chính thức gia nhập WTO
         Buồm quê hương hiên ngang ra biển lớn

Nhật ký : ngày… tháng… năm …, đêm trắng
              Cồn cào thương Thị Vải bạc dòng
             Ước ao mình hóa suối rửa xanh sông

Nhật ký : ngày… tháng… năm…, cuối tuần
              Không shopping, không hẹn hò, không trang điểm
             Ngày đi dạy xóa mù khuya còn thơm mùi phấn…

Có một nơi sông và suối và hồ
Hẹn nhau vòng cung con mắt
Trong veo hay đục ngầu bình yên hay sóng giật
Một mảnh trời xanh hay lùng bùng mây tụ
Hy vọng hay buông lơi đớn đau hay hạnh phúc

Đất biết
Và tôi biết
Em mới nở
Rung rinh Hoa đầu gió


3. VUỐT MẶT MÀ NHÌN

Có tượng đài nào không in bóng xuống dưới chân mình
Về phía ngược sáng
Là vinh quang là tủi nhục là nụ cười là nước mắt
Là tay chân yêu thương là hận thù nát ruột
Là tất cả những gì thế hệ ấy đã trải qua

Ảnh sưu tấm

Đứng trong bóng ấy anh nghĩ gì
Mà đôi mắt ngó xa xăm cuối chân trời
Đứng trong bóng ấy em nghĩ gì
Mà bất chợt hương khói mọc trên vai

Người ta cứ hay nói về Trường Sơn như một quyền sở hữu
Tự do tô màu và tự do bóp méo
Vì Trường Sơn không có miệng để lên tiếng?
Hay vì mấy mươi ngàn cái miệng đã khóc đã cười đã hát cho Tổ quốc và bây giờ không còn thời gian để ba hoa tranh chấp?

Người ta lại hay nói về Trường Sa Hoàng Sa như một niềm tiếc nuối
Dù linh thiêng hùng vĩ nước non vẫn còn có thể giữ lại
Như một ngàn năm cha anh đã giữ lại
Bằng mồ hôi, nước mắt và máu
Bằng tất cả những gì có thể có

Ôi, quê hương quê hương
Ôi, đất nước đất nước

Có rất nhiều hố bom trên cung đường Trường Sơn gió ngát
Hố bom nào xanh hơn nơi ngã ba Đồng Lộc

Có mười vầng ngực trăng nhú chưa căng
Lại nhưng nhức nỗi khát khao hình chữ S

Có những bàn tay vẫy qua rơi hẹn thề ở lại
Tình yêu mọc xanh nhánh thông nhòn nhọn mưa mùa

Có tiếng cười giòn vỡ òa tiếng suối
Cuốc leng vỡ đường tim con gái vỡ ai

Người nhớ người thăm thẳm khói hương bay
Đất nhớ người tạt bụi vào thời gian vành vạnh

Có mười vầng ngực nảy mầm trong một lồng ngực
Cho tôi áp mặt xuống cỏ
Tinh khôi chấm tròn đỏ
- Việt Nam


4. BƯỚC NỮA

Một bên suối đục ngầu đá nhảy
Một bên hồ trong trẻo nước êm
Con đập nằm im
Mong manh ranh giới được mất sống còn
Mong manh khiêm nhường mong manh kiêu hãnh
Con đập lặng thinh
Mỗi ngày lấm dấu chân bò chân dê
Mỗi ngày lấm dấu chân người

Thỉnh thoảng đêm vén cỏ em ngồi
Khi những giọt mồ hôi ngày đã tan
Khi những giọt nước mắt ngày đã tràn
(chóng vánh danh vọng đẩy người ta về hai phía đập)
Guốc nhỏ phơi thuyền
Áo xanh căng buồm
Em chòng chành gió em gập ghềnh sóng
Chở giấc mơ về phía khát vọng
Chở tình người qua cơn bệnh tật
Không neo không phao
Chỉ có cỏ lau ve vuốt nỗi buồn
Cỏ lau ghim vào cô đơn

Ảnh sưu tấm

Cô đơn buông xuống hồ thành sen
Nỗi buồn xuôi suối hóa cánh đồng

Ranh giới mong manh hay mông mênh
Thiện ác một bước người
Bỏ khôn bỏ dại cho đời
Rời con đập
Em vào phiên gác

Ai không mong chân cứng đá mềm
Ai không muốn môi cười vơi tiếng khóc
Ước mơ không có mắt
Đá cứ nhọn và chân cứ toạc

Đứng lên em ơi
Bước
Bước nữa
Nuôi từng bước

Không tới được chân trời
Vẫn còn thấy chân người

Chân em vừa chân tôi



TS.

(1) Con đập tràn (Trường 3 TNXP – Phú Giáo – Bình Dương) là nơi giao nhau giữa Sông Bé, suối SamRing và Yên hồ.
(2) Trích bài thơ “Gửi em, cô TNXP” (Phạm Tiến Duật – Đức Thọ, 1968)


Nguồn: Trịnh Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2010

Không có nhận xét nào :