Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

LỌT SÀNG XUỐNG NIA

Hồ Anh Thái
Truyện ngắn

Ảnh sưu tầm
Chưa hề có ai nhìn thấy Nàng Thơ hữu hình, chỉ biết đấy là một tuyệt thế giai nhân. Nữ thi sĩ thì dễ gặp, chưa gặp ngoài đời thì chỉ việc mở ti vi, hơi bị sẵn, phục vụ tận nhà. Chuyên mục bảy bước làm thơ, đi bảy bước phải làm cho được một bài thơ, nữ thi sĩ nào cũng chỉ cần ba bước. Nhanh hơn, tài hơn, đẹp hơn.

Nhanh hơn tài hơn thì công nhận. Đẹp hơn? Cái khoản này phải để nghiên cứu và xem xét. Đấy là lời của ông chánh văn phòng hội văn nghệ. Làm cái công việc chẳng văn nghệ tí nào ở một cơ quan văn nghệ, ngày nào ông chả gặp cả gặp trăm nhà thơ. Trong một trăm ấy có bảy mươi nhà thơ nữ. Đúng tỉ lệ. Mỗi ngày ông quét cái nhìn lên bảy mươi nữ thi sĩ. Không phải là bảy mươi Nàng Thơ, đó là bảy mươi cô đồng thơ.
Cô đồng. Nữ thi sĩ đẹp nhất là người đã khuất bóng. Người đẹp thứ nhì đang ngồi trước mặt ông đây, ngày nào nàng cũng lượn lờ văn phòng, nàng đang đâm đơn xin vào hội nhà văn. Ông chánh rên hờ hờ trong bụng, bà thi sĩ đẹp ơi, bà đẹp thì bà đã chết, bà để lại cho thế gian những cô đồng như thế này. Nàng nào làm được thơ cũng dáng vẻ bơ vơ phờ phạc. Giời hành. Một thứ cô đồng bị cô hồn nhập vào rồi cô hồn dứt khoát không chịu tách ra. Một xác hai hồn. Hồn vía đơ đơ của chính mình chung chạ với cái cô hồn man man nhập vào mình.

Cái cô hồn ấy là ảo ảnh, như cái khu nhạc nước mà một người sắp chết khát thấy hiện ra trên sa mạc. Như cái nhan sắc mà một cô cá sấu tưởng là mình có. Như cái tài năng mà một người biết ghép vần tưởng là mình có. Ghép vần. Nữ thi sĩ đưa đơn cho ông chánh mà nói rằng mười tuổi nàng bắt đầu có thơ đăng báo tường ở lớp, mười một tuổi lên báo tường cấp trường, mười hai cấp đường, mười ba cấp phường, mười bốn báo thiếu niên hoa học trò. Kể từ ấy bố nàng coi nàng như siêu nhân, như người dơi người nhện. Nàng không thuộc thơ mình mà bố nàng thuộc. Ngồi đâu ông cũng đọc thơ con. Gặp ai ông cũng đọc thơ con. Ông đang công ăn việc làm đàng hoàng ở một công ty liên doanh bỗng chốc ra đường thất nghiệp. Nguyên nhân sâu xa là kể từ khi con gái làm thơ ông tự dưng không tập trung được vào việc nào nữa. Nguyên nhân trực tiếp là ông xộc vào văn phòng tổng giám đốc Tây líu lo xin đọc thơ con gái cho sếp nghe. Sếp xua tay nâu nâu nâu nông nông nông nhét nhét nhét, tao có biết tiếng Việt đâu mà nghe thơ. Nhưng mà thưa xớ thưa sếp, thơ là ngôn ngữ không biên giới, là nghệ thuật toàn nhân loại, nó có lối đi riêng vào tâm hồn con người không phân biệt quốc tịch, không cần hiểu thơ mà chỉ cần nghe vần điệu thơ nhạc thơ trong ngôn ngữ nguyên bản, tiếng Việt lại giàu thanh giàu điệu giàu nhạc cảm. Không đợi sếp chối tiếp, ông đọc liền mấy bài. Đọc xong thấy sếp Tây trắng bệch ra lặng hẳn đi. Sắc diện của người quá rung cảm quá tái tê xúc động.

Hôm sau ông bố nàng nhận được quyết định nghỉ việc.

Từ ấy bố nàng trở thành người đọc thơ tự do. Tự do ở đây không có nghĩa là thứ thơ không vần không hàng lối không đầu đuôi. Tự do ở đây tức là từ ấy ông là người đọc thơ không thuộc biên chế cơ quan xí nghiệp nào. Tự do ở đây nghĩa là ông bắt đầu du ngoạn qua các xới chọi gà chọi trâu đọc thơ bán thơ, ông né phải sang viết thêm ca khúc, tạt trái sang bình luận bóng đá trên ti vi. Ông hiến thân trọn vẹn cho cõi hoang tưởng.

Còn nàng, mười lăm tuổi đăng được thơ trên báo, đánh đu được với Nàng Thơ thì các nàng toán học, vật lý, ngoại ngữ đồng loạt bỏ nàng đi bằng hết. Mắt nàng bỗng dại đi đờ ra mờ xa hoang vắng. Đầu óc nàng bỗng mông lung mê man chẳng tư duy được điều gì rõ ra điều gì. Đến thi tốt nghiệp môn lịch sử nàng cắn bút thay vào đó một trường ca ai oán, trách móc nền giáo dục đánh bẫy học sinh bằng những con số niên đại, những sự kiện, những danh nhân. Phần thứ hai của trường ca, nàng ca tụng truyền thống thơ ca của một đất nước thơ ca, nàng quả quyết tất cả các danh nhân trong lịch sử dù thuộc lĩnh vực nào xa lạ với thơ thì cũng đều là các nhà thơ. Nhà thơ theo nghĩa đen.

Nàng xuất trình cho ông chánh xem bản phôtô bài thi tốt nghiệp bằng thơ ấy. Ông chánh lại gật gù mà rằng cái danh truyền thống thơ ca đang hại muôn người. Một nhà khoa học làm thơ, một sĩ quan làm thơ, một doanh nhân làm thơ, đáng ra họ không chỉ dừng ở mức ấy, họ sẽ thực sự kiệt xuất tầm thế giới cơ, nếu sớm biết tỉnh táo xua đuổi được cái Nàng Thơ mông lung ra khỏi đầu óc mình. Nhưng mà dân xứ mình dễ bằng lòng với cái danh con con quẩn quanh trong xứ mình.

Nói đến thế thì ông chánh mới nghĩ ra cách xua đuổi cô đồng thơ ngày nào cũng đến ám quẻ. Ông chỉ cho cô sang phòng nhà thơ nổi danh phụ trách công tác hội viên.

*

Ảnh sưu tầm
Ông nhà thơ tiếng thơm phưng phức mấy chục năm qua, giờ móm hết, biếu gì ông cũng không ăn. Ông trịch thượng gọi nàng là mày xưng tao. Con kia, thơ phú làm cái khỉ gì, đấy là chỗ trốn của bọn lười học lười lao động mà lại thích nổi danh. Mày học hành thế nào, không bao giờ tiên tiến à, mày làm ăn thế nào, không bao giờ xuất sắc à, đấy, tao nói cấm có sai. Ông móm, lại ham nói, nước bọt cứ sùi ra hai bên mép như nòng nọc. Ông móm, thành ra có cho cái gì ông cũng chẳng xơi. Bù lại, chẳng xơi của ai cái gì, thành ra ông có quyền chửi thơ người này thối thơ người kia khắm. Cả hội viên lẫn mon men hội viên ai cũng kinh, thấy ông từ xa là tất cả thành thợ lặn.

Cô đồng thơ lại quay về phòng ông chánh. Trở về trông cô phờ phạc hơn lúc đi. Ông nhà thơ nổi danh chê thơ chê tài cô còn hơn giời hành.

Ông chánh lại xua cô đi bằng cách chỉ cho cô sang phòng ông nhà thơ kém danh phụ trách sáng tác. Ông Sáng Tác có mẹo của ông. Mẹo để tránh sự quấy phá của dân thơ phú. Bài hiệu quả nhất là gặp ai cũng khen. Tuyệt vời, ôi tuyệt vời. Xuýt xoa ngậm ô mai với bất kỳ ai. Cô vừa bước vào phòng ông, ông phủ đầu ngay, anh đã đọc thơ cô, tuyệt vời ôi tuyệt vời. Một nàng khác theo vào ngay, ông lại bảo anh đã đọc thơ em, tuyệt vời ôi tuyệt vời.

Cô biết ngay mình đã thua. Ông Sáng Tác gọi cô là cô trong khi gọi con kia là em. Con kia vừa dầy vừa ngắn, mặt như cái mâm đồng, trên mâm đồng có hai con cuốn chiếu bò xếch là hai con mắt, nhưng bù trừ trông nó ngồn ngộn như bữa đại tiệc đồ ăn sẵn. Ông Sáng Tác lại không móm. Con ấy ngúng nguẩy, hênô đaninh lại nhầm rồi, em làm thơ đâu nào, em dịch thơ ấy chứ, dịch thơ là phải có ngoại ngữ, phải trên bọn nằm ngửa ăn sẵn một bậc. Nó cứ chiu chiu gọi ông là hani với lại đaninh, tiếng Anh úng lún đúng giọng đồng chiêm trũng.

Cả đôi cắp nhau đi ngay, bỏ lại cô đồng thơ trơ trọi trong văn phòng. Đang mùa xét kết nạp hội viên. Thành hội viên chả có quyền lợi gì đáng giá, nhưng huyễn tưởng rằng mình được chính thức công nhận là nhà văn thứ thiệt. Ông Sáng Tác dẫn nữ dịch giả đi giới thiệu với các bậc xét kết nạp mới bay từ Trung từ Nam ra. Nữ dịch giả bảo cứ chỉ cho em biết họ ở khách sạn nào em sẽ tự đến. Ông Sáng Tác hoảng, chỉ cho em, em đến phòng các ông ấy, một trai một gái trong phòng ai lường được sự cố. Ông lại không muốn tình yêu này là của cả làng ta. Ông khăng khăng đưa em đến gặp từng người, kè kè giám sát nhất cử nhất động không cho em manh động. Được cái em khéo. Em đưa ông A đi siêu thị giày tặng ông đôi giày xịn. Em đưa bà B đi siêu thị mêtơrô tặng quà bạc triệu. Em đưa chú C đi gặp đại diện nước ngoài, lại phiên dịch hênô gâu gâu giúp chú xin học bổng cho con đi nước ngoài. Em thuê một chuyến xe đưa cả A cả B cả C cả Đ đi tham quan một huyện miền núi của thủ đô, thăm mỏi cẳng một cái phủ tân cổ giao duyên miền ngược xuôi câu kết, phủ có đủ đình làng nhà sàn tháp Thiên Mụ lùn. Vậy là các vị có chầu có chén có chơi. Đủ vành đủ vẻ. Chuyến này các vị không bỏ phiếu cho em thành nhà văn thì em cào cho nát mặt.

Các vị được bồng bế suốt mùa kết nạp ấy. Ngày nào đêm nào cũng rầm rập đưa người cửa trước rước người cửa sau. Nhiều quá hóa nhầm. Các vị thấy thơ của em nào cũng giống em nào. Mặt em nào cũng cô đồng như em nào. Chỉ tiêu mỗi vị được bỏ phiếu cho năm em. Rối. Lẫn. Nhầm. Trong cuộc hỗn chiến ở cõi hỗn mang, các vị bỏ phiếu. Thế quái nào em dịch giả chỉ được có hai phiếu trên mười.

Em giở bài cào. Mèo cào. Em làm sớ tố cáo mua cho bà thơ này váy áo trị giá năm triệu, ông văn kia đôi giày ba triệu, chú biên soạn nọ có phốt em phải giúp khoản bảo vệ văn hóa, em phải xin được học bổng nước ngoài cho con ông phê bình. Em nhấn mạnh chuyến xe du lịch cả chục triệu là tiền mồ hôi nước mắt của em, đâu phải đồ nằm ngửa ăn sẵn, em phải đi phiên dịch cho Tây, moi được tiền của Tây bao giờ cũng khó hơn của ta. Bài sớ của cô nàng nhịp nhàng biền ngẫu, nhắc đến nhiều lần câu nằm ngửa ăn sẵn và moi tiền của Tây, cuối mỗi phần lại điệp khúc hỡi ơi thương thay, cuối toàn bài thì thêm câu tiếng Anh hênô baibai.

*

Vụ ấy ông chánh và ông thơ nổi danh không dính đạn. Cô đồng thơ cũng may quá không dính. Nói cho đúng thì cô bị ông Sáng Tác vứt lại mà không dính. Không thì cô cũng bị cuốn vào cái đội ngũ rầm rập đi đường riêng vào hội ấy rồi. Ông chánh động viên thôi cô ạ, phấn đấu thêm, chưa có tài rồi sẽ phấn đấu thành tài, chưa có đức thì hơi bị khó. Khó thật đấy.

Ảnh sưu tầm
Nhưng mà khó là khó với ai thôi. Nữ dịch giả kia kìa. Vẩy tay một cái là ai cũng khiếp. Kiện cáo cho một trận là ai cũng sợ. Tóe loe cả ra. Năm sau các ông trót vướng với nữ dịch giả năm trước phải bỏ phiếu hết, nữ dịch giả đạt số phiếu trăm phần trăm. Lễ kết nạp, cái mâm đồng và hai con cuốn chiếu cứ tưng bừng cả lên. Nàng vẫy tay với khán giả bên dưới mà sổ câu tiếng Anh. Gâu gâu. Phải hiểu là vào đi vào đi vào hết cả đi. Vào hội ấy mà. Tiếng bồi phải có dẫn giải hơi dài dòng một tí.

Cô đồng thơ nghĩ mà thương cho cái lép vế của mình. Nữ dịch giả thành phần bần cố, được nâng đỡ bế bồng lên cho đi học tiếng Tây tiếng Nga, sang học đất Nga mà tiếng Nga lại không bằng tiếng Tây, tiếng nào cũng vừa đủ dẫn đoàn đi nước ngoài khai đủ hai tờ hải quan và cửa khẩu, đủ trao đổi với taxi và đặt phòng khách sạn. Thế là chúa lắm rồi giữa cả đống những nhà không Tây không Nga. Nàng lại đi tắt qua thơ ca nước ngoài, dịch thơ Pháp thành lục bát không vần, thơ lãng mạn bị dịch thành câu Giấc mộng kê vàng sùng sục đồng quê. Ngày hội thơ, nàng nhảy lên đọc đúng câu ấy. Các nhóm khác huýt sáo đuổi xuống. Thơ dịch gì mà miêu tả cảnh đau bụng đi đồng ban đêm. Đấy thôi, những là sôi sùng sục, những là vàng khè, những là gió đồng nổi lên. Thôi đi thôi đi. Mấy nhóm khác nhảy lên thế chỗ. Thơ cũng hoăng hoắc cả lên. Ông chánh ngồi cạnh nàng lẩm bẩm tôi yêu thơ tôn thờ thơ, thấy thơ chi chít rẻ rúng thế này tôi đau lắm. Đúng lúc đến phiên cô đồng thơ lên đọc. Cô giữ vẻ đoan trang đi lên, thầm tự khen mình biết diễn một cách chuyên nghiệp trước các thể loại ống kính và các thể loại mắt nhìn. Cô mới há mồm thì nhận ra cái cờ thơ treo ngược, con cò bay lộn đầu xuống sân Văn Miếu. Thế mà cả hội thơ mê man chẳng ai phát hiện ra. Cái biểu ngữ tiếng Anh do nữ dịch giả thầu, chữ vàng rõ to Festivan of Porety sai chính tả đến mức chẳng biết đây là liên hoan gỉ gì. Thế mà chẳng một ai đủ chữ thắc mắc. Nàng bảo tôi xin đọc bài thơ ngược. Khán giả vỗ tay rầm cả lên khen bài thơ chỉ có một chữ ngược quá tài tình. Vỗ tay cho đến khi nàng phải xuống. Khen là mẹo của họ đấy. Chỉ còn có một giờ nữa mà những bảy mươi nhà thơ vẫn đang chờ đến lượt.

Ai đưa tôi đến chốn này. Ông thơ nổi danh rên lên. Ban tổ chức kính cẩn mời ông lên đọc thơ, ông nhất định không lên. Mặt quắt lại người sắt lại. Nói quàng quạc như giữa đồng trống. Thời nào ra ngõ gặp anh hùng, thời này ra ngõ gặp kẻ cố cùng làm thơ. Thơ ơi thơ hỡi thơ hời, hời thơ.

Người hay than hay trách móc dứt khoát có bệnh nội tạng. ủ lâu. Trường kỳ mai phục trong người. Chỉ chờ thời cơ là nổi lên đánh nhanh thắng lớn. Cay nghiệt chì chiết là vì mầm bệnh nó thúc nó chọc bên trong. Nhân bảo. Thần cũng bảo. Ông thơ nổi danh đi hội thơ về đến văn phòng, vừa mới bước vào toa lét thì đổ vật ngay xuống. Cấm khẩu. Nằm thin thít một lúc cho đến khi có người trông thấy đưa đi cấp cứu.

Cơn tai biến mạch máu não của bậc tiền bối lại là cứu rỗi cho sự nghiệp thơ ca của cô đồng thơ.

*

Chẳng là đúng lúc có tiếng xoe xóe rầm rập từ phía nhà vệ sinh thì ông chánh văn phòng ngó ra. Chỉ thoáng thấy bóng cậu lái xe và một người đàn bà vừa dìu vừa lôi ông thơ lên xe chở đi. Người đàn bà, ông chánh nhìn ra là cô đồng thơ. Cái cô vài năm nay thường xuyên lảng vảng ở hội xin vào làm hội viên.

Đúng ngày hôm sau xét kết nạp hội viên mới. Lại phân bổ chỉ tiêu mỗi thành viên năm nay chỉ được bảo lãnh cho sáu người có đơn. Danh sách hơn hai trăm nhà thơ đâm đơn được xướng lên. Ai đồng ý ai thì viết tên vào phiếu. Đến tên cô đồng thơ. Chẳng ai biết cô là ai, có bài thơ hay nào. Ông chánh đang định đọc tiếp sang tên tiếp theo thì chợt nhớ. A, cô này hôm qua là người phát hiện ra ông thơ nằm trong toa lét. Rào rào lên thăm hỏi. Ông thơ hôm nay tỉnh rồi. May quá liệt nhẹ. Để nằm lâu tí nữa thì chẳng biết thế nào. Lỗ tiểu lỗ đại đã xả hết ra rồi. Cơn thương cảm nổi lên. Cơn xúc động trào dâng.

Toàn bộ thành viên không ai bảo ai, hạ bút bỏ phiếu cho cô đồng thơ.

Xứ này nội dung họp kín chỉ một giờ sau ra đến thông tấn xã vỉa hè. Sau đó mười một phút cô đồng thơ gọi điện cho ông chánh. Em truyền đời báo danh từ nay bác mà đi trước thì em thờ, em mà đi trước thì em phù. Cả họ cả làng cả tổng nhà em giờ đây mới chỉ có em là một, thành danh. Bõ công cha mẹ mát mặt quê hương, quê hương em ai cũng làm thơ, ai cũng muốn thành hội viên, nhưng giờ chỉ có em là một. Công thành danh toại là nhờ bác. Bác mà không nhìn thấy em cứu ông thơ ở toa lét thì ai biết đến em mà bỏ phiếu.

Mấy ngày sau ông thơ bắt đầu hồi phục. Văn phòng vào thăm, ông mếu máo sám hối. Nổi tiếng sớm, được đồng nghiệp nể, báo chí tung hô, công chúng chiều chuộng, thành ra ông đỏng đảnh. Ông cay nghiệt. Làm như đời chỉ có mình ông là tài. Còn lại vứt hết. Từ nay mình phải biết nương nhẹ với đời trân trọng với đời. Mình tài còn có người khác cũng tài, thậm chí tài hơn, hơn nhiều. Ông bảo thế. Cơn tai biến sơ sơ là hồi chuông cảnh báo. Từ nay ông phải học ông Sáng Tác cái câu tuyệt vời ôi tuyệt vời.

Câu ấy ông phải dành để nói với cô đồng thơ, cứu tinh của ông. Ông chánh nhắc. Lập tức cô tạp vụ chen vào tru tréo. Cứu tinh nào, tôi đây này, tôi vào dọn toa lét thì thấy ông ấy nằm như chuối đổ, tôi mới gọi chú tài lôi ông ấy ra xe.

Sự thật đôi khi đến muộn. Đôi khi bất ngờ. Đôi khi nghiệt ngã.

Ông thơ mếu máo méo xệch mồm. Rồi khóc hu hu. Người tai biến não hay khóc. Ông mếu máo vì có một lần mắng cô tạp vụ để thiếu giấy vệ sinh trong toa lét. Cô này vốn là công nhân công ty vệ sinh, sau vì ốm đau, xin mất sức về làm cho hội văn nghệ.

Cô tạp vụ lại cười mà rằng từ lâu nay cô cũng làm thơ. Cô không quen vay mượn cảm xúc thương gà thương vịt khóc người nghèo khóc đất khóc quê. Cô làm thơ về cái đời công nhân vệ sinh của cô, thơ cô quét đường quét đời quét thơ. Cô sắp in một tuyển tập, dứt khoát ông thơ tỉnh lại phải viết cho cô cái lời giới thiệu, kỳ xét năm sau dứt khoát ông phải bỏ cho cô một phiếu vào hội nhà văn.

Ông chánh không nỡ đứng lại nhìn cái mồm múm méo của ông thơ. Ông bỏ ra ngoài. Thầm nghĩ. Tôi đố ông đành hanh cay nghiệt độc mồm như ngày xưa nữa đấy. Tôi đố ông không bỏ phiếu cho cô tạp vụ đấy. Lại quay ra tự mắng mình nhìn gà hóa cuốc, để cô đồng thơ cướp công cô tạp vụ. Lại thầm nghĩ. Hay là lần này mình cũng nhờ ông thơ giới thiệu cho mình vào hội luôn. Nhân tiện.

11-2-2005

Nguồn: Nhà văn Hồ Anh Thái

Không có nhận xét nào :