Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Người vẽ bảo tàng Tương Lai

Trịnh Sơn
(truyện ngắn)

Minh họa: Minh Sơn
Hắn thất vọng. Có gì đáng thất vọng hơn nữa?
Đứa con chưa đầy tuổi bò bò trườn trườn hoàn toàn tự do trên sàn nhà 4x4m vuông. Trước khi cưới vợ, hắn đã nói như đinh đóng cột với hai bên gia đình:
- Chỉ cần xong công trình này, con sẽ làm được nhà. Tha hồ mà ở.
Hôm đưa vợ vào phòng sinh, hắn cũng nói như đình đóng cột:
- Chỉ cần xong công trình này, anh sẽ làm được nhà. Tha hồ mà ở.
Đứa bé, con trai hay con gái, cũng khó nhận ra. Con nít đứa nào cũng vậy. Tất cả quần áo baby là của gia đình thằng bạn thân đem lại cho. Họ có con năm trước. Hắn cũng nói như đinh đóng cột:
- Chỉ cần xong công trình này, tao sẽ làm được nhà. Tha hồ mà ở.

Một cây cột, gỗ lim gỗ gụ gỗ trắc hay bất kỳ loại gỗ nào quý hiếm nhất, chịu đựng nổi bao nhiêu lần đinh đóng vào? Hắn không biết. Là một kiến trúc sư tài năng, ít nhất là trong con mắt của giới lành nghề, hắn luôn được đánh giá cao. Bằng chứng trước mắt là công trình bảo tàng Tương Lai ở trung tâm quận X – bản thiết kế của hắn được cả các kiến trúc sư hàng đầu từ Nhật Bản cũng phải trầm trồ thán phục. Họ đến từ đất nước Mặt trời mọc, họ hiểu ánh sáng hơn bất kỳ ai. Hôm trao giải “Bản thiết kế bảo tàng Tương Lai” đẹp nhất cho hắn, một lão già mặc Kimônô lễ phục trịnh trọng hỏi:
- Anh có muốn có một tên gọi theo tiếng Nhật?
Hẳn, phải trân trọng và yêu quý lắm, người Nhật vốn tinh tế và khiêm cung mới ngỏ lời như thế. Hắn chưa biết trả lời sao cả. Choáng ngợp tâm trí hắn lúc ấy là bảo tàng Tương Lai nguy ngoa bốn mặt đều mở rộng hứng ánh nắng mặt trời suốt mười hai tiếng Đông Nam Á giữa thành phố chật cứng này, với từng đường nét không Tây, không Ta, không Cổ điển, không Cách tân, không lai tạp, không lẫn vào đâu được. Hắn đã đầu tư vào bản vẽ này suốt 4 năm trời. Từ khi cuộc thi của người Nhật chưa mở ra. Vợ hắn, khi ấy mới là cô sinh viên mỹ thuật, ngại:
- Đẹp thì có đẹp. Nhưng em lại nghĩ tới hàng đống công trình vĩ đại của thế giới cổ kim vẫn còn xếp xó cho mối mọt ăn. Chắc gì ra đời được.
- Cứ nghĩ ngợi vớ vẩn. Chỉ cần xong công trình này…
Người yêu xót hắn. Bạn bè xót hắn. Gia đình xót hắn. Người ta cũng kiến trúc sư, ra trường tìm một chân vẽ vời trong biên chế hoặc đi làm cho các tập đoàn nước ngoài là có ngay lương tháng mấy ngàn đô. Sáng bảnh mắt ra xách cặp táp đi, chiều lờ mờ dư dả thời gian chè chén với bạn bè. Có đâu như hắn. Suốt ngày vùi mặt vào cái công trình vĩ đại “chỉ cần xong” ấy, lương thì không có, tất tần tật không có. Năm năm trời ít ỏi gì. Hắn bỉu môi trước lời khuyên can của bạn bè:
- Uổng công tao làm bạn học rồi làm đồng nghiệp với tụi mày. Kiến trúc sư cái con khỉ! Tụi mày chỉ ham tiền mà nai lưng ra làm thợ vẽ cho tụi tư bản. Còn tao… A, còn tao… Chỉ cần xong công trình này…
Hắn quên ăn quên mặc quên hết. Đống bản vẽ lổn ngổn trên sàn. Cái phòng trọ như lỗ mũi từ thời sinh viên, trải qua bao nhiêu lần “chỉ cần xong công trình này” vẫn là chỗ trú thân cho anh chàng kiến trúc sư kỳ dị. Cưới vợ. Đẻ con. Diện tích đếm bằng số viên gạch trước đây dành tất cả cho những bản vẽ sáng tạo có một không hai bớt dần đi. Thêm cái chõng con cho thằng bé. Thêm cái bàn con cho vợ làm sổ sách thêm khi ở nhà. Ngó đi ngó lại căn phòng nóng chảy mở mùa nắng dột lả chả mùa mưa của gia đình hắn, chỉ toàn giấy là giấy. Thứ giấy A4, A3, A0 trắng toát. Cái đã, cột thành bó chất đống sát mép tường. Cái đang, bày bừa bừa bộn bộn giăng giăng.
Vợ hắn nói đúng, “anh không thương cái thân anh thì thôi, mắc mớ gì người Nhật thương anh!”. Người Nhật văn minh, trọng tài. Và trên hết, người Nhật sòng phẳng. Họ khen hắn, trao giải thưởng cho hắn, nhưng, không chịu hiện thực hóa công trình trong mơ của hắn. Họ nói hệt như vợ hắn đã nói:
- Đẹp thì có đẹp. Nhưng…
Một dự án cho dù có tốt đẹp, hoàn hảo đến mấy mà không thành hiện thực – có khác gì hơi khói người ta rít vào rồi thả ra trước mặt? Hắn bắt đầu hút thuốc. Ban đầu là loại thuốc Con Mèo. Một gói thuốc bằng nửa hộp sữa cho con. Thôi thì chuyển sang loại khác, bình dân hơn. Cũng chỉ là khói. Khói cả ấy mà.
Hắn quyết. Lần này phải được. Lần này không thể thất bại. Người Nhật yêu cầu hắn sửa đổi bản vẽ để có thể thi công được. Bạn bè hắn gợi ý:
- Hay là, mày giao công trình này cho công ty tao hoàn chỉnh lại. Thiết kế nào cũng phải phù hợp với thực tế và túi tiền chứ. Bảo tàng Tương Lai vẫn sẽ ghi là công trình của mày. Sẽ ứng ngay tiền cho mày trang trải nuôi vợ con…
- Ôi… – hắn vò đầu bứt tai – cút mẹ cái bọn nghệ sĩ xôi thịt bọn mày đi… Ông cần gì trang trải… Ông cần gì…
Vợ hắn khóc. Cũng chỉ là khóc lén. Hoặc, cái run run nức nở thương chồng đã bị lẫn trong tiếng trẻ con u a cười khóc. Hắn trải đống bản vẽ mới nhận giải, có đóng dấu đỏ chót của người Nhật ra. Chỉnh là chỉnh làm sao? Sửa là sửa thế nào?
Có làm nghề này mới biết, sáng tạo ra một nét đã là đổ mồ hôi sôi nước mắt – Xóa đi nét sáng tạo ấy, càng khó khăn gấp trăm ngàn lần. Đường cong này, số đo này, nét thăng này, biến tấu này… hắn đã kỳ công từng li từng tí. Cầm cục tẩy trên tay mà toàn thân hắn run rẩy.
Đứa bé lại khóc.
Vợ đã đi làm. Hắn không quen dỗ con. Có ai học dỗ con đâu chứ? Nhưng tại sao cứ có bàn tay mẹ là thằng cu nín ngay và vui vẻ cười đùa. Còn hắn, hắn mềm mỏng ru hởi ru hời thế nào nó cũng cứ gương mắt lên mà nhìn rồi lại khóc. Hắn bế xốc đứa trẻ lên, nựng nịu:
- Ngoan này, kiến trúc sư ngoan này… Trán rộng thông minh, mắt to thông thái… A, con không thích khói thuốc à… Ngày xưa ba cũng có thích đâu… Thôi, ra ngoài cho thoáng nhé…
Quần tà-loỏng, áo thun ba lỗ, hắn bồng con ra cửa. Đập vào mắt hắn, dưới cái đồng hồ điện chưa bao giờ mất thẩm mỹ đến thế, là mấy tờ hóa đơn. Hắn lẩm bẩm với con:
- Tiền điện này… tiền nước này… tiền internet này… tháng ngày sao mà nhanh đến thế…
Đây là khu ổ chuột nổi tiếng nhất thành phố. Nằm kề bên con kênh đen nhẻm quanh năm. Những ngày đầu tiên mới dọn đến đây, hắn còn cả nghĩ:
- Biết đâu, ta chính là kiến trúc sư làm thay đổi bộ mặt nơi này… Dòng nước đen hôi hám kia sẽ hóa thành con nước trong xanh với hai bên là bờ cỏ và bóng cây… Nhiều lứa đôi sẽ hẹn hò và chụp ảnh… Không như ta, cứ phải ngồi nói chuyện với người yêu mà tay đẫp muỗi tay bịt mũi thế này…
Ha ha ha. Con có thấy không, đen cũng có vẻ đẹp của đen chứ nhỉ? Dưới ánh nắng sớm mai, mặt kênh như tấm gương độc nhất vô nhị, hắt cả ánh sáng mắt trời ngược trở lại không trung. Làm sao bấy lâu nay ba không phát hiện ra điều này chứ? À à à… Mình sẽ đem điều này vào bản thiết kế bảo tàng Tương Lai… Nếu thay gam màu xanh bằng màu đen huyền bí, phải thay cả những sắc màu chung quanh…
Yeah! Hắn đặt đứa bé xuống cái ghế đá xiêu vẹo bên bờ kênh. Kế đó, có đống rác cao ngất chờ đến đêm những người lao công mới dọn. Tiếng nhặng vo ve bần bật giữa ồn ào phố thị.
Bảo tàng Tương Lai là đây! Tương Lai của gia đình ta và của cả thế gian này là ở đây! Chất lỏng sền sệt mà trơn nhẩy kia mới quyến rũ làm sao! – hắn đến sát mép kênh lúc nào không hay - Tương Lai là gì chứ? Đẹp là gì chứ? Đi ngược quá khứ là Tương Lai. Soi mình trong xấu xa là Vẻ Đẹp. Nghệ thuật là tương phản. Tương phản từ cuộc đời đi vào trang giấy. Từ trang giấy lại ra cuộc đời. Đống sắt vụn bên kia để làm cái quái gì nhỉ? – hắn chỉ tay vào tòa nhà cao tầng mới khánh thành tuần trước bên kia bờ kênh. Tòa nhà này, bản thiết kế của đám bè bạn hắn – Chẳng ra thể thống gì cả! Tại sao người ta cứ tự moi sạch túi trả hàng đống tiền để ở tù trong cái nhà giam khô cứng lạnh lẽo ấy nhỉ? Phi nhân văn. Phi nghệ thuật. Ta phải đập nát nó ra. Ta phải tự tay vẽ lại nó…
Hắn bước tới.
Giá mà bờ kênh có rào chắn.
Giá mà đứa bé đừng bất chợt khóc thét.
Giá mà người qua đường cứ làm thinh đi luôn.
Trong chừng mực nào đó, giá mà người ta có thể dừng lại.
Giá mà dừng lại chỉ có nghĩa là dừng lại.


Bảo tàng Tương Lai mãi mãi còn ở trong tương lai như tên gọi của nó. Giới kiến trúc sư tiếc thương một đồng nghiệp tài ba. Người Nhật gởi hoa đến với lời chia sẻ:
“Vĩnh biệt Kiến trúc sư Tương Lai”
Người vợ trẻ kiệt sức, chẳng khóc nổi thành tiếng. Mặc thằng cu con bi bô ngậm cái bút chì vớ được đâu đó trong miệng.
Con kênh vẫn thui thủi với màu đen chẳng thể nào lặp lại khi đám tang đi qua. Đống rác vẫn cao. Lũ nhặng vẫn vo ve trên lãnh địa muôn trùng. Giá mà còn sống, hắn đã thấy được bản vẽ của mình là tất cả cuộc hiện diện này.


Núi Dinh, 20/01/2013
TS.

Nguồn: Tùy luận

Không có nhận xét nào :