Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Người đánh xe ngựa của Cần Chánh Điện Học Sĩ

Hà Đình Cẩn
(truyện ngắn)

Có người bảo, bản gốc truyện Kiều do Phạm Quý Tích cho khắc in năm 1820 (bản Kinh), ngay sau ngày mất của Nguyễn Du là do bác đánh xe ngựa của đại thị hào dâng trình. Quanh kiệt tác thất lạc có nhiều đồn đoán, đúng sai khó định là chuyện thường tình, ai không tin cứ bỏ ngoài tai, còn tin thì xin nghe ngọn ngành...
(Ảnh sưu tầm)

Dịp ấy, Cần chánh điện học sĩ được cử làm Chánh sứ dẫn sứ đoàn Đại Việt đi Nam Kinh triều cống và mở mang hòa hiếu với nhà Thanh. Từ Huế ra Bắc sứ đoàn đi ngựa trạm, nhưng Chánh sứ vẫn đùng xe của bác Mộc vì chỗ thân quen, đường dài cho vui chuyện. Đoàn ra đến Hà Nội phải dừng mươi ngày để Tổng trấn Bắc thành lo đồ triều cống. Chánh sứ cũng mong có mươi ngày chờ để cùng bác Mộc đò tìm tung tích đào Cầm. Hai người có duyên với nhau từ thuở Chánh sứ mới thi đậu tam trường, về ở nhà Nguyễn Khản, anh trai cùng cha khác mẹ ở phường Bích Câu chờ đi nhận một chân quan võ ở Thái Nguyên. Bấy giờ Thượng thư Nguyễn Khản đang là trụ cột của nhà Chúa, chỉ dưới một Trịnh Tông, nhưng trên cả thiên hạ, dinh thự đêm nào đèn cũng sáng như ban ngày mở tiệc hát cho văn nhân Thăng Long. Thư sinh Nguyễn Du không tham gia tiệc hát nhưng để mắt đến cô đào trẻ, mặt hoa da phấn, môi đỏ như son, giọng hát trong vắt nên đón đường làm quen. Chẳng mấy hai người phải lòng nhau, bữa nào không gặp thì đêm dài như đói cơm. 

Em trai bà Thái, vợ cả của Quận công Nguyễn Khản ngấm ngầm dò xét mối tình đang chớm của thằng em. Một tối, bắt gặp trai tài gái sắc tình tự, hắn nhìn thư sinh Nguyễn Du như cái gảy trong mắt, thô lỗ chửi, tao đang theo đuổi con Cầm, sao mày dám bóp vú nó? 

Máu uất chạy bỏng dọc sống lưng, bốc hỏa lên mặt, Nguyễn Du hét, đồ tượi, rồi nhắm mắt lao thẳng đầu vào ngực anh chàng cao lớn kềnh càng như cái xe bò chở cứt đứng chạng háng trước mặt.

Đại thi hào Nguyễn Du, 1765-1820
Cú ra đòn bất ngờ của thư sinh làm chàng thô lỗ ngã văng xuống cống thối giữa lúc có đám lính nhà Chúa đi tuần ngang qua. Thấy việc gây lộn ngay trước cửa nhà Thượng thư, nhưng đám lính không những không ngăn còn vỗ tay như được xem trò xiếc thú. Sau lần ấy đào Cầm vắng mặt trong các đêm tiệc hát ở nhà Thượng thư, còn Nguyễn Du đi Thái Nguyên giữ chức Chánh thủ hiệu hiệu Quân Hùng hậu... 

Ít ngày sau đó loạn kiêu binh mù mịt khắp nơi, dinh thự tòa ngang dẫy dọc của Quận công ở Bích Câu bị đốt. Nguyễn Khản trốn lên ở với em là Nguyễn Điều đang là Trấn thủ Sơn Tây, rồi mắc bệnh chết. Nguyễn Huệ làm chủ Thăng Long, phò Lê diệt Trịnh. Ngần ngại trước thế sự xoay vần, Nguyễn Du bất trí lui về quê ngoại ở Thái Bình chờ thời. Vài lần từ quê ngoại thi sĩ trở lại Thăng Long ra tận bến Củi, nơi một thời đào Cầm từng cầm chèo chở đò ngang qua sông Cái để dò tin. Tha thẩn uống rượu với cánh vạn chài, thi sĩ chỉ nghe nói, họa hoằn có đêm ai đó chèo đò ngang qua bến cất lên tiếng hát nghe ai oán, thì đoán đó là đào Cầm, nhưng không đám chắc vì người hát giấu mặt. 

Từ bấy đến ra Thăng Long lần này, đã mười mấy năm.

Bác Mộc dẫn quan bác đi tìm đào Cầm như tìm kim đáy bể. Ở các cửa ô, hỏi tin Cầm, người già lắc đầu, người trẻ không biết. Ghé mắt vào một vài dinh thự chăng đèn, kết hoa vọng ra tiếng trống phách để dò la nhưng vẫn biệt tăm tin cô đào nhất của Thăng Long một thuở. Những tưởng mối nhân duyên giữa hai người từ nay mỗi người một ngả, thì Chánh sứ gặp lại đào Cầm ở nơi ít ai ngờ, ngay trong dinh Tổng trấn Bắc thành trong bữa Tổng trấn mở tiệc khoản đãi sứ đoàn. Ngoài tiệc rượu Tổng trấn còn mở tiệc hát. Ca nương, kép đàn khăn áo xanh đỏ phấp phới ngồi kín mấy chiếc chiếu hoa trải dọc nền dinh. Rượu vừa nhấp môi, tiệc hát đã sửa nhịp, trống tom tom, phách gõ nhoi nhói, đàn đáy trầm đục se dây ướm giọng. Rồi một giọng ca vỡ nước của đào nhất cất lên: Bất niên thân thế ủy phong trần...làm quan Chánh sứ thảng thốt, nhận ra cô đào hát câu mở đầu bài Mạn hứng của ông...Trời ơi, đào Cầm. Chỉ suýt nữa Chánh sứ kêu lên, nhưng kìm lại được, chỉ húng hắng ho lấy cớ bước ra hiên. Từ ngoài đó, thấp thoáng qua tấm màn gió, ông nhìn ...Đào Cầm đã nhận ra người tình xưa chưa mà vẫn khoanh chân ngồi hát như chẳng có chuyện gì? Hơn chục năm rồi mà đào Cầm chẳng khác là bao, vẫn gương mặt trái xoan, eo lưng mềm mại, bờ vai thanh mảnh, ngực tròn, cổ cao...toát lên vẻ dài các không chê vào đâu được. Phải nín lòng chờ đến cuối tiệc hát, lúc đào kép lục thu dọn đồ nghề ra về, Chánh sứ mới ngỏ lời với Tổng trấn xin được gặp đào nhất bởi chỗ quen biết từ trước. 

Tổng trấn cười trong hơi men, Chánh sứ có lòng thương yêu chút tài hoa, nhan sắc Thăng Long, thì tôi cho đào nhất xin hầu...

Ông cho gia nhân dọn trà ở vườn thượng uyển. Khi Chánh sứ bước lên vườn thượng uyển thì đào Cầm đã ôm đàn ngồi bên bàn trà.

Thi sĩ dừng trước mặt người ôm đàn, tiếng ngẹn lại ở ngực, chỉ gọi được câu, Cầm ơi...

Cầm đặt đàn lên mặt bàn, đứng dậy, ôi, quan bác.

Phải lâu lắm, Nguyễn Du mới bày tỏ rằng, bấy nay do muôn cách trở bởi đường đất từ Phú Xuân ra Bắc Hà không phải lúc nào cũng liền lạc, nên đến giờ mới lại gặp được ân tình... 

Cầm vê mép áo, bảo, bởi vì em vô duyên...

Nguyễn Du bảo, ra Thăng Long chuyến này, được gặp lại Cầm âu cũng là cái tình trời định, nay có chút quà mọn, xin gửi tận tay...

Ông đặt vào tay cô Cầm một phong thư. Cô cảm động, khẽ khàng mở phong bao, rút ra trang giấy viết đặc chữ. Nguyễn Du quay người, dạo trong vườn thượng uyển để Cầm đọc lá thư vừa nhận. Càng đọc, mặt cầm càng tái nhợt, môi run run, nước mắt lăn trên má.

Nguyễn Du bảo, tôi vô ý làm buồn lòng Cầm.

Cầm nín lặng hồi lâu rồi bảo, không, Cầm không buồn, chỉ tủi vì nghĩ trên đời này còn có một người là quan bác an ủi kiếp con hát của mình mà không được gần.
(Ảnh sưu tầm)

Cầm mời Nguyễn Du mà cô một lời quan bác, hai lời quan bác ngồi xuống để được hầu trà. Bên này, Nguyễn Du nâng chén trên tay. Bên kia Cầm ôm đàn se sẽ hát: Trăm năm thấm thoát là bao tá/ Đau lòng việc cũ lệ tràn mi/ Từ Nam trở lại đầu nhuốm bạc/ Trách gì nhan sắc chẳng tàn phai...

Giọng Cầm buồn trong veo. 

Hôm sau trong đám người nhà theo Tổng trấn Bắc thành tiễn sứ đoàn Đại Việt lên đường cũng có cô Cầm. Lúc chia tay, chờ Chánh sứ ngồi yên lên xe hai ngựa kéo, Cầm mới đặt vào tay Nguyễn Du chiếc khăn lụa điều, gập vuông vức, giọng như gió thoảng, có chút mọn gửi quan bác đi đường xa đất khách.

Nguyễn Du nói, đa tạ, đa tạ, cho tôi xin một miếng trầu để cầm tay đi đường...

Cầm nói, dạ thưa quan bác, trong khăn Cầm đã có miếng trầu...

Nguyễn Du đặt khăn vào túi vải, cho đến chiều tối, xe đi vào con đường kẹp giữa núi đá gần ải Bắc, gió trở lạnh, ông mở khăn để quàng, mới biết trong khăn không phải miếng trầu mà là đôi hoa tai vàng. 

Nguyễn Du quàng khăn, còn đôi hoa tai thì đưa cho bác Mộc, bảo, chốc lát sang bên kia, Bắc quốc đã sẵn sàng đội tiếp sứ đưa đón. Bác quay lại Thăng Long tìm đào Cầm trao trả giùm... Phải một đời con hát mới có một chút thiện kim này, bác ạ.

Bắc Mộc quay lại Thăng Long, dò la khắp trốn vẫn biệt tăm tích đào Cầm. Đến khi tìm về Thổ Lỗi, quê cô bên kia sông Cái hỏi tin, thì gặp một bà già, bà nhìn bác Mộc từ đầu đến chân rồi bảo, nếu không đi tu, thì người ta đã cắn răng làm lẽ rồi. Thôi, người đã giấu thân thì để người ta yên... 

Thành Thăng Long (ảnh sưu tầm)

Sau đấy bác Mộc mới không đi tìm nữa. 

Hơn một năm bốn tháng sau, bác Mộc được đón Nguyễn Du đi sứ trở về. Trên xe, trở lại Phú Xuân, bác Mộc nhắc lại chuyện đi tìm đào Cầm, rồi trả lại đôi hoa tai vàng cho quan bác. Nguyễn Du buông một tiếng thở dài, bảo, tôi nhờ bác giữ, gửi trả lại cho cô Cầm. Nay chưa gặp Cầm, bác cứ giữ, là của bác. Thăng Long với tôi nhiều ân sâu. Trời còn cho sống, mọi việc lại dễ dàng, thì sau chuyến đi này nhất định tôi lại có dịp cùng bác trở lại tìm cô đào Cầm, cũng chưa muộn.

Ai ngờ, trở lại Phú Xuân Nguyễn Du bỗng rơi vào khổ lụy, việc tìm đào Cầm lại xa vời. 

Gia Long cho thiết triều với đủ mặt văn võ bá quan lục bộ ở sân Rồng để đón sứ đoàn đi Nam Kinh trở về. Chiếu thư của Hoàng đế Đại Thanh ban lời dù cách trở ngàn trùng mà A Nam Hoàng đế vẫn không quên cho sứ thần mang đồ tiến cống, thật là trọn vẹn niềm tôn kính, nay mong hòa hiếu đôi bên và còn khen sứ thần học nhiều biết rộng, phong lễ chân tình, đúng là bậc thượng khách...làm Gia Long vô cùng cảm kích, khen chánh sứ dẫn sứ bộ làm phận sự quốc gia hoàn mãn. 

Mọi việc sẽ hanh thông nếu buổi thiết triều dừng lại đó. Nhưng lần này, mặt rồng ngời sáng, kéo dài buổi thiết triều để hỏi chuyện Chánh sứ, nên mới sinh chuyện.

Thánh thượng nhìn xuống đầu người quỳ dưới bệ rồng, khanh là người hay chữ, đường đi sứ chắc thu nhặt được nhiều điều khác lạ, nói trẫm nghe. 

Nguyễn Du thành thật tâu, thần sang Bắc quốc, chỉ lưu tâm thăm viếng các thắng tích và lục đọc sách vở. 

Thánh thượng nói, ta cần Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia Chư tử. Khanh có đem về các cuốn sách báu đó? 

Nguyễn Du tâu, hạ thần chỉ thu lượm về mấy cuốn tâm thư, nay mạo muội xin dâng Thánh thượng cuốn Kim Vân Kiều truyện, dọc đường thần đã chuyển sang chữ Nôm cho dân quê có thể đọc. 

Nguyễn Du dâng sách. 

Thánh thượng cho quan Thị độc nhận, bảo, khanh đọc trước rồi tấu lại trẫm. 

Nhìn xuống người vẫn một mực quỳ trước mặt, Thánh thượng nói, khanh vừa gian nan vạn dặm trở về, ta thăng cho chức Hữu tham chi bộ Lễ, hàm Tam phẩm. Bây giờ ta muốn khanh ngỏ lời xin một điều gì đó để ta ban thưởng luôn thể.

Nguyễn Du tâu, hạ thần lo việc của Thánh thượng, không đám cầu xin điều gì.

Nguyễn Du không cầu xin làm Thánh thượng mếch lòng.

Thánh thượng bảo, tài học của ngươi lừng danh thiên hạ, chắc nhiều

ý nghĩ trong đầu mà không nói ra. Ta muốn nghe một lời cầu xin của khanh, để ban thưởng mà khanh chỉ biết cúi đầu mà không xin làm ta khó nghĩ. Bãi triều...

Nguyễn Du như trút được ghánh nặng, nhưng đâu ngờ chỉ nửa ngày sau, gánh nặng lại quàng lên cổ.

Vẫn là cái chỗ hôm trước Chánh sứ quỳ tâu, nay không phải thiết triều, chỉ một mình quan Thị độc mặt khó đăm đăm đứng đón. 

Nguyễn Du e dè hỏi, chẳng hay có việc gì mà tôi có chỉ triệu gấp thế?

Quan Thị độc chỉ ậm ừ, bảo, mời Hữu Tham chi bộ Lễ vào vào sân sau. 

Thánh thượng ở đó, nhìn Nguyễn Du lụng thụng trong bộ đồ đại lễ vừa mới được ban hôm trước, mới mặc lần đầu, còn nguyên nếp gấp, hỏi, khanh biết vì sao trẫm gọi quay lại không? 

Nguyễn Du e dè, thần không rõ đã gây chuyện gì làm bận lòng Thánh thượng. Thần cúi xin Thánh thượng chỉ dạy. 

Thánh Thượng nói, triều đình của ta sùng kính đạo Nho, luân lý lấy cương thường làm gốc. Ta biết khanh là người có học, trọng đức hạnh, cớ sao lại dâng cho trẫm cuốn dâm thư?

Nghe Thánh thượng nói, người Nguyễn Du bỗng đông cứng lại như đá, chân gắn xuống đất, không nhấc nổi, cũng không thể quỳ lạy, mồ hôi vã như tắm. Viên quan Thị độc thấy thế, phải đến bên Nguyễn Du nhắc nhở quỳ lạy xin Thánh thượng tha tội bất kính. Rồi viên quan Thị độc phải đỡ Nguyễn Du quỳ xuống. 

Thánh thương nói, khanh vừa đi sứ mở hòa hiếu, lập công với triều đình, ta tha tội hình. Còn cuốn dâm thư chịu tội thay khanh...

Nói rồi Thánh thượng lạnh lùng quay đi. Đao phủ khiêng án thư ra đặt trước mặt Nguyễn Du. Quan Thị độc mở tập Kim Vân Kiều truyện bày lên án.

Thượng thư bộ Hình dõng dạc tuyên, Thánh thượng chí tôn, trọng sách Thánh hiền, lấy cương thường làm gốc. Nay học sĩ đi sứ đem dâm thư về Hoàng triều là mắc tội bất kính. Nhưng xét học sĩ có công mở mang hòa hiếu với triều đình Thanh, nên tha tội bất kính. Cuốn dâm thư phải chịu phạt thay chủ...                 

Hai đao phủ cầm gậy gỗ sơn đen bước lên, đứng hai bên án thư. Thượng thư bộ Hình hô, giáng tội chín trượng

Hai đao phủ vụt gậy xuống cuốn sách trên mặt án thư. Chỉ chịu được ba đòn, cuốn bản thảo dịch Kim Vân Kiều truyện đã tung ra, nhiều tờ bay lả tả. Nguyễn Du cảm thấy như mình bị đánh. Ông co rúm người, mặt méo xệch vì đau đớn. Quan Thị độc phải nắm chặt hai vai để Nguyễn Du không bị ngã xoài xuống sân Rồng...Chịu xong tội hình, lính cấm vệ phải khiêng Nguyễn Du lên xe đưa về nhà... 

Nguyễn Du ốm liền một tháng, nằm quay mặt vào tường, khách đến thăm thì bảo gia nhân chạy ra cổng xin không tiếp. Mãi cho đến khi lời cầu xin về thăm quê được Thánh thượng ưng chuẩn, ông mới nguôi ngoai tỉnh lại. Được tin nhắn đón Nguyễn Du về thăm quê, bác Mộc mừng khấp khởi, đánh xe đến cổng thành, lính cấm vệ bảo, học sĩ ra cửa từ chiều qua, chưa thấy quay lại. Bác Mộc đoán, vậy thì quan bác đã ra nơi ở trọ ở ven sông. Y rằng, bác Mộc đến đến nhà trọ thì Nguyễn Du ngồi trên chiếc chiếu trải rộng trước cửa đang sắp đặt những trang Kim Vân Kiều truyện rách bươm vì bị chịu hình phạt chín trượng hôm nào.

Nguyễn Du bảo, bác vào nhà dùng trà, tôi xong ngay bây giờ. 

Bác Mộc bước lùi ra sân, quan bác cứ việc. Tôi đâu dám bước qua góc chiếu bày chữ Thánh hiền...

Lúc lên xe, chỉ thấy Nguyễn Du tòng teng cái tay nải may bằng vải thâm, bác Mộc hỏi, đồ đạc quan bác để trong nhà phải không, để tôi đưa lên. 

Nguyễn Du xua tay, có gì đâu, chỉ hai bộ quần áo và mớ sách xếp vừa một tay nải. 

Bác Mộc còn nói thêm, chả thấy ai đi làm quan như quan bác, lần nào đi công cán cũng chỉ cái tay nải đeo vai.

Nguyễn Du nói, công cán gì đâu, chuyến này tôi về thăm nhà.

Từ lúc lên xe, hai người không nói năng gì. Đã đi đâu là đi một mạch và kiệm lời như là quy ước giữa hai người. Chỉ đôi khi quan bác có câu thăm hỏi, chẳng hạn, năm nay sao lúa chín sớm thế bác Mộc? Hoặc, bác Mộc nay đây mai đó với tôi thế này, thì bao giờ mới yên bề gia thất? Biết tính quan bác, nhiều khi người nói cứ nói, người nghe lơ ngơ như đầu óc bỏ đâu, nên bác Mộc có trả lời chủ, cũng vắn tắt. Lúa chín sớm vì bà con chọn giống khê lùn, ra mạ sớm. Còn việc gia thất, ôi dào, duyên số ai mà tính trước được, lúc nào đến, sẽ đến. Rồi giữa hai người chỉ có tiếng vó ngựa vỗ lên mặt đường lóc cóc.. 

Hôm nay quan bác phá lệ. Xe vừa ra ngoại ô quan bác đã bảo dừng. Bác Mộc ý tứ dừng xe ở ven đường có nhiều bụi cây dại. Quan bác xuống xe, không chui vào lùm cây nào cả mà đem theo be rượu, đứng nhìn về phía kinh thành, rót một chum, uống, rồi đập vỡ cái chum như một lời nguyền. Bao năm gần gũi, bác Mộc thấy quan bác là người kiệm tâm, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, nhưng nhún nhường, dụt dè trong ứng xử, khép kín, chỉ day dứt trong lòng, cho nên đây mới là lần đầu bác Mộc thấy quan bác có cái cách uống rượu một mình rồi khảng khái đập chum như thế kia.

Mỗi bước về đến gần Tiên Điền quang cảnh ruộng vườn, làng xóm càng tiêu điều. Những cánh đồng bỏ góa. Những cánh rừng xơ xác. Những tốp người lam lũ cắm cúi đi...

Một chiều, chiếc xe ngựa bụi bặm chở Nguyễn Du về đến đầu làng. Phía trước xe có đám tang đang ra đồng. Đi sau bốn người khiêng quan tài là dúm người xám xịt, chỉ cúi đầu lặng câm. Không tiếng kèn trống. Không tiếng khóc. Không hương khói. Nguyễn Du bước xuống xe ngả nón, cúi đầu, rồi cứ thế ông cắm cúi đi bộ, mặc chiếc xe ngựa lóc cóc theo sau.

Bỗng từ bụi cây ven đường có người vác gậy nhảy ra, quát, ai kia đứng lại! 

Nguyễn Du nhận ra từ đây, trên mặt đương có rải nhiều vôi bột. Ông nói, tôi người làng Tiên Điền, đi xa lâu ngày về thăm nhà...

Người gác đường bảo, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Còn ông muốn chết thì thì cứ vào làng.

Nguyễn Du kêu trời, có họa gì thế ông ơi...

Người gác đường nói, ông không nhìn thấy người ta khiêng nhau ra đồng đấy à. Dịch làm chết vãn người làng rồi, chả ai còn nước mắt mà khóc nữa.

Nguyễn Du lại kêu trời, khẩn khoản xin được vào làng,tôi xa nhà lâu rồi, cho tôi về nhà, có chết cũng cam lòng... 

Người gác đường ngần ngại, chỉ về bụi cây gần đó, bảo, ông nhìn gương kia kìa. Hôm qua có người từ xa đến, cũng nhất quyết xin vào làng như ông, không cho đi thì trốn. vào làng được một đêm, người ta khiêng trả lại đây, nằm kia, tội lắm. Sống không muốn lại muốn chết...

Nguyễn Du hỏi, người ta có tội gì mà làng ném trả?

Người gác đường bảo, nghe đâu người đàn bà này từ Thăng Long vào. Không có ai họ hàng, ruột thịt cả.

Nguyễn Du thoáng bồn chồn, cho tôi gặp người ta được không?

Người gác đường bảo, lây bệnh mà chết à?

Nguyễn Du vẫn rẽ vào bụi cây ven đường, nơi có vài người nằm đắp chiếu. Ông nhẹ nhàng mở chiếc chiếu ngoài cùng, thấy một người đàn bà nằm cong queo, mặt bịt miểng vải đen.

Ông lay gọi, bà ơi.

Người đàn bà chỉ cựa quạy mà không mở mắt. Nguyễn Du gọi bà ơi đến lần thứ ba, người đàn bà se sẽ kéo chiếc khăn bịt mặt. Hai con mắt trũng sâu bị chói nắng nhắm lại mở. Rồi đôi mắt mờ đục ấy mở thật to, ngơ ngác, kinh ngạc. Người đàn bà ngồi dậy, thẳng thốt, trời ơi, quan bác...

Nguyễn Du như bước hụt. Cuộc gặp đường đột làm ông bị choáng. Ông ngồi thụp xuống trước mặt người đàn bà đang run rẩy, cô Cầm sao lại đến nỗi này.

Lâu sau Cầm mới nói được, biết tin làng bị nạn dịch, lại ngỡ quan bác đi sứ chưa về, nên Cầm liều vào xem có thể đỡ đần gì cho các cháu...Nào ngờ...

Nguyễn Du lùi ra, lùi ra, cách Cầm tầm một sải tay thì bảo, một đời phiêu bạt tôi mới có một ân nhân. Cho tôi được cảm ta tấm lòng vàng. Sống chết chưa biết. Nhưng khi Cầm còn sống, cho tôi được lạy Cầm ba lạy rồi đưa Cầm về nhà....

Cô Cầm nắm lấy tay Nguyễn Du, quan bác đừng làm thế. Được gặp quan bác là Cầm mừng rồi, chết cũng đã mãn nguyện. Để Cầm ở đây, đừng đưa về nhà vì còn các cháu.

Nguyễn Du nói, cả đời vì tôi mà Cầm long đong...Nay gặp lại,Cầm có chết thì chết trong nhà tôi.

Nói rồi, không đợi Cầm đồng ý hay không, Nguyễn Du cùng bác Mộc đưa Cầm lên xe, rồi lấy thẻ Hữu Tham tri bộ Lễ, hàm Tam phẩm đưa cho người gác đường để ông ta không gây khó dễ mà cho đi.

Chiếc xe ngựa vào vào con đường đất cắt qua giữa cánh đồng trống, gió hun hút, bụi bốc mù mịt. Đường ổ trâu, ổ voi, xe nhảy như xóc ốc. Trên xe, hai tay Nguyễn Du phải giữ cho cầm khỏi lăn. Ông mở tay nải lấy ra bó quần áo và tập bản thảo Kim Vân Kiều truyện nhiều trang rách bươm làm cái gối cho Cầm. Gió đồng mỗi lúc càng thổi mạnh, thành lốc, thốc vào lòng xe làm tập bản thảo tuột khỏi đầu, tung ra, gió cuốn bay lả tả rồi vãi xuống đường. Có trang giấy như cánh diều, bay sang tận bên đồi...

Bác Mộc nói, để tôi dừng xe, nhặt nhạnh, kẻo giấy má của quan bác bay hết.

Nguyễn Du nói, cứu người mới là việc trọng.

Cứ đi, xe chạy gập ghềnh trong gió bụi. Phía sau xe, có vài đứa trẻ không biết từ đâu ùa ra, vừa chạy vừa nhặt những trang giấy từ xe ngựa bị gió cuốn vung vãi. 

Vào tầm chập choạng tối chỉ một mình bác Mộc đi bộ quay trở lại tìm đám trẻ. Không biết do người lớn xui, hay đám trẻ bày ra, chúng đòi đổi những trang giấy chúng nhặt được bằng gạo. Làm khó nhau quá. Trên người bác Mộc chẳng có gì đáng giá một bát gạo để đổi cả. Loay hoay mãi, bác Mộc bất ngờ nhớ ra trong cạp quần còn giấu hai cái hoa tai vàng của cô Cầm từ dạo nào. Dong duổi hầu xe từ thời Nguyễn Du còn giữ chân Cai bạ Quảng Bình bác Mộc biết, nhiều khi quan bác quý chữ còn hơn cả mạng sống. Vậy thì vàng là cái gì.

Bác móc đôi hoa tai vàng đặt vào lòng bàn tay đen đủi của đứa trẻ, ta đổi cho tụi bay đây.

Đứa trẻ trố mắt, không lấy đồ chơi.

Bác Mộc bảo, đây không phải đồ chơi, mà là vàng. Ngần này vàng nhờ người lớn đem đổi, sẽ mua được nhiều gạo.

Bác Mộc nhặt lại được Kim Vân Kiều truyện. 

Gia phả dòng họ Võ, làng Gia Điền, Bố Trạch, Quảng Bình, chép, cụ Tổ làm nghề xà ích cho quan văn, tuy không biết chữ, nhưng trọng chữ Thánh hiền, nên con cháu đời sau đỗ đạt... 

H.Đ.C

Không có nhận xét nào :