Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Bốn Tháng

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Bốn tháng
Gác viết
Trong đầu hạn hán chữ
Nhiều ngày ở lì trong nhà
Mà có trót ra khỏi nhà nhìn mặt ai cũng phừng phừng như thể không thế thì hấp hối
Bạn bè chào gật nhanh đi cho nhanh
Trò chuyện thấy toàn việc đất đai việc giá cổ phiếu xuống lên chuyện blog đen than vãn mù bụi
Quốc hội đánh giá tuy còn nhiều thách thức khó khăn nhưng thuận lợi thời cơ toàn xã hội đồng lòng
Đường ta rộng như thơ Tố Hữu   
Mở báo rộn ràng cướp giết hiếp
Soi gương định dạng
(Đã cách ly mặt bốn tháng vẫn đỏ xanh như chàm)
Bốn tháng
Người dưng
Ta rụng?
Hay ta ngừng tiến hóa?

Đọc tiếp

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Viết cho Tấm bây giờ

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Tóc nâu môi trầm
Tóc nâu môi trầm
Em đi hoang hoải cánh đồng
Dặm xa hài thử mưa ròng ròng sa
Môi trầm thơm môi người ta
Tóc nâu sóng sánh mẹ cha rối lòng
Đọc tiếp

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Ghi cuối chiều Hàm Luông

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Hàm Luông!
Hàm Luông!
Mênh mang trời trăng
Mênh mang dòng trăng
Lục bình tím loang
Một mình tôi đợi
Mai em có về che nhau bên trăng

Đọc tiếp

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

THƠ HỮU LOAN

Nhà thơ Hữu Loan
(1916 - 2010)

Nhà thơ Hữu Loan, tên đầy đủ là Nguyên Hữu Loan, sinh năm 1916 (có tài liệu ghi 1914) tại Vân Hoàn, Nga Lĩnh, Nga sơn, Thanh Hóa.
Tham gia cách mạng năm 1940. Trước đó ông đã tốt nghiệp tú tài và làm nghề dạy học một thời gian. Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông từng là Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga sơn, Thanh Hóa. Sau Cách mạng Tháng 8, ông là Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp ông ra nhập quân đội, phục vụ tại Đại đoàn 304. Sau 1954 ông làm việc cho Báo Văn nghệ. Những năm 1956 - 1957 ông tham gia Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Khi phong trào Nhân Văn Giai Phảm bị dập tắt, ông bỏ về quê, làng Nga Sơn, cày ruộng, đánh cá, thồ đá kiếm sống độ nhật. Ông mất ngày 18 tháng 3 năm 2010 tại quê hương ông.


Những bài viết về Nhà thơ và Thơ Hữu Loan đến nay rất nhiều, nhưng hầu hết chỉ xoáy vào cuộc đời đặc biệt, bất khuất và huyền thoại Hữu Loan. Một số bài viết về Thơ Hữu Loan lại chủ yếu xoay quanh bài thơ tình rất đẹp "Màu tím hoa sim", hoặc sâu hơn, nhiều đả động đến bút pháp, đến nghề thơ hơn và gợi tính anh hùng ca là "Đèo cả". Nói chung, những trang viết của các nhà nghiên cứu - phê bình có tính học thuật toàn diện về thơ Hữu Loan chưa có bài nào ghi được dấu son.
Thơ Hữu Loan không nhiều. Những biến cố chằng chịt và tinh thần hy hữu của ông nhiều hơn gia tài thơ mà ông gửi hậu thế. Nhưng đọc ông, có thể thấy dòng dung nham trong những trang của lịch sử bi tráng đã qua, những bệnh dịch đã và còn hoành hành, vết sẹo bỏng của hạnh phúc ông và bóng trĩu của một thời bồng bột và khắc ngiệt. Và chính vì vậy, Thơ Hữu Loan sẽ không phôi phai trước mọi nóng lạnh đời.

Hoàng Quý

Đèo Cả

Đèo cả - Ảnh sưu tầm
Đèo cả!
Đèo cả!
núi cao ngất
mây trời Ai Lao
sầu đại dương
dặm về heo hút
Đá bia mù sương
Đọc tiếp

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Đi nương ngọn gió

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Như ngọn gió thiên di trên mặt đất
Mê tơi anh đi trong cát bụi đời người
Bên lẻ chán giành
Anh gieo bên chẵn
Tiếng bạc sau cùng lộn túi ra chơi

Đọc tiếp

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Hạc trắng bay

Hoàng Quý

Ảnh sưu tầm

Hạc đã bay
Trắng đã bay
Sương nhiễu mộng
Ngày tê tái đã
Đất nghi ngợi dăm tàn khô rớt rụng
Hạc đã bay
Trắng đã bay...
Đọc tiếp

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

TIẾNG KÈN PÍLÈ

Nhà văn Bùi Thị Như Lan

Nhà văn Bùi Thị Như Lan, sinh năm 1967, quê Đông Viên, Chợ Đồn, Bắc Cạn.
Tác phẩm: Tiếng chim kỷ giàng (Tập truyện ngắn), Mùa hoa mắc mật (Tập truyện ngắn), Lời Sli bay cao (Tập truyện ngắn), Bồng bềnh sương núi (Tập truyện ngắn), Cọn nước đôi (Tập truyện ngắn), Mùa hoa Bjoo phạ (Tập truyện ngắn), Tiếng kèn Pílè (Tập truyện ngắn).

Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan tập trung phản ánh những số phận con người sống trên vùng cao. Ở nơi ấy, con người mộc mạc, hào phóng như thiên nhiên, vũng chãi như núi, hồn hậu như hoa rừng, cô đơn như mây, nồng nàn như thác, trong vắt và man mê như suối. Nhân vât trong văn Bùi Thị Như Lan hiển hiện nồng ấm và gần gũi, khi ngiệt ngã, lúc hồn nhiên khoáng đạt, vui đấy, mê đắm đấy mà buồn như lá. Ở họ, cả hạnh phúc, niềm yêu hay bất hạnh đều mang vẻ đẹp nguyên sinh, vẻ đẹp Bùi Thị Như Lan gắn bó máu thịt. Văn Bùi Thị Như Lan rất nhiều ma lực, ám nhập, lôi cuốn, nhiều trang viết như tạc khắc. Chúng ta nghe thấy sau những trang văn kia cả những tiếng thở dài, cả phập phồng của khí trời, thiên nhiên, cây cỏ vùng cao, cả những buồn vui, khổ đau trong mỗi số phận người.
Nhà văn Bùi Thị Như Lan đoạt nhiều giải thưởng văn chương.
Hoàng Quý   

Bùi Thị Như Lan
                  Truyện ngắn


Ảnh sưu tầm
Nấn ná, chần chừ mãi Siển cũng về nhà. Bỏ lại sau lưng cái ồn ào, náo nhiệt của thị trấn, Siển lụi cụi vượt dốc, ngược núi về bản. Siển đi lúc sương sớm táp vào mặt người lành lạnh, ẩm ướt, đến khi trăng nằm trong nong vàng, bơi qua biển mây dàn dạt gió thì cũng về tới nơi. Thế nhưng đã mấy mùa nắng, nóng trôi qua, từ sau lần về làm lễ thôi tang cha đến nay, Siển không về bản. Biết bao lần cái chân Siển đi quá nửa đường lại quay trở lại. Không phải Siển không muốn về nơi ăm ắp tình thương yêu ấy, nhưng Siển sợ phải đối mặt với sự thật, cho dù Siển không muốn thì nó đã xảy ra rồi và đang hiện hữu. Siển lo lắng khi nhìn thấy đôi mắt buồn da diết của anh trai, cái thở dài thao thiết của chị dâu và tiếng nói thơ ngây của thằng Thản. Chẳng biết thằng Thản lớn đến đâu rồi, nó có cạy được đôi môi của anh Sính nở nụ cười không? có ngoan ngoãn làm cho nỉa (mẹ) nó vui không? biết mấy câu hỏi cứ cuộn tròn như xoáy nước trong đầu Siển. Cái chân Siển chùng chình, nặng như có khúc gỗ lớn cột chặt vào bắp chân. Mồ hôi Siển túa ra ướt dượt vai áo, cái túi chàm bên trong đựng chút quà cho thằng Thản mà sao nặng trĩu vai.
Đọc tiếp

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Thơ bên giếng Ngọc

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Ngày ấy voi chín ngà
Gà chín cựa
Ngựa chín hồng mao
Nghiêm trang đón nàng sao nàng lại khóc?
Ừ! Hạnh phúc thánh thần làm gì có thật
Giếng Ngọc còn đây
Người ngọc đâu?!
Đọc tiếp

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

SÓNG VẪN VẨN VƠ TRÔI

Nhà văn Phạm Thanh Khương

Ông sinh năm 1959 tại Đình Phùng, Kiến xương, Thái Bình.
Tác phẩm: Nước mắt thời con gái (Tập truyện ngắn). Tiếng gọi đời sau (Tập truyện ngắn). Dòng sông tật nguyền (Tập truyện ngắn). Mật danh AZET (Tiểu thuyết). Kỳ hoa dị thảo (Tiểu thuyết). Chở những mùa đi (Tập tản văn). Bốn chiều gió cả (Thơ). Men chiều (Thơ).
Nhà văn Phạm Thanh Khương đoạt nhiều giải thương văn chương và báo chí.

Văn xuôi Phạm Thanh Khương cuồn cuộn, ma ám. Đó là thứ văn bước thẳng từ đời sống lên trang giấy. Các nhân vật trong văn ông đang như sống đâu đó. Họ, có thể lam lũ, thất học, quê kệch. Nhưng trong thăm thẳm cái đời sống nhiều khi ôi chảy, nhễ nhại, quẫn bách, khê đọng, họ vẫn là những con người không hóa thú. Họ bị quăng quật tơi tả, nhưng, dưới đáy hun hút kia vẫn lấp lánh ý - thức - người. Văn xuôi Phạm Thanh Khương ám ảnh, nhiều khi rất lạnh, nhưng mạch chảy trữ tình mới là bút pháp căn cốt và dụng công. Và chính nó, tạo nên một tiếng văn rất riêng, riêng từ đề tài, riêng trong bút pháp.
Hoàng Quý     

Phạm Thanh Khương
                                       Truyện ngắn


Ảnh sưu tầm
1.
Cả tháng nay trời rét đậm rét hại lại cộng thêm có mưa phùn, con đường vào làng lúc nào cũng nhem nhép, nhem nhép. Mấy chân ruộng mới cấy, cây lúa non chết rụi. Trâu bò cũng chẳng nhà nào dám đưa ra ngoài đồng chăn dắt. Mấy nhà chủ quan khi trời lạnh vẫn dắt ra đồng chăn thả, tối về có nhiều con bị cước chân, lạnh, lăn quay ra chết cóng trong chuồng. Đàn trâu trong làng cả tháng phải nhốt, mùi phân trâu bò lâu ngày không dọn phả ra hôi hôi, khăm khắm, trùm lên các ngõ ngách. Tiếng lũ trẻ quát tháo inh ỏi mỗi chiều xua trâu cũng vắng. Tiếng lộc cộc gõ móng của bầy trâu đủng đỉnh trên đường làng cũng không còn. Tiếng xoe xoé của mấy bà mắng con mỗi sáng, mỗi chiều vì tội lười nhác không đưa trâu ra đồng chăn cũng vãn. Chỉ còn tiếng gió bấc rít từng hồi trên ngọn tre hay dẫy bạch đàn dọc theo con đường vào làng là mỗi ngày một nặng. Chiếc cầu xi măng sơn đen đầu làng cũng không còn phải chứng kiến cảnh lũ trẻ khi đưa trâu ra đồng chăn thả hay lúc lùa trâu về đứng giữa cầu, vạch quần đái tồ tồ làm mưa xuống con sông nữa.
Đọc tiếp

Khúc ru tặng tôi

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Ru người, người về xa ấy
Trời xanh
Nắng vàng
Tôi chờ ngày dài như lá
Bờ im
Sóng tràn
Ru người bình yên của tôi
Ru xanh, xanh dấu buồn vui
Tôi ru bong bóng kiếp người
Trong những buồn vui kia
Chừng có còn xanh tôi...

Đọc tiếp

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

HÀO PHÓNG THỀM LỤC ĐỊA VÀ LỤC BÁT NGUYỄN THANH MỪNG


Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Nguyễn Thanh Mừng còn có các bút danh: Ngư Tiều, Cẩm Tú, Châu Kim.

Ông sinh năm 1960 tại Hoài Ân, Bình Định.
Tác phẩm Thơ : Rượu đắng (Tập thơ), Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân (Trưởng ca), Ngữ pháp gió (Tập thơ), Ly cà phê đại dương (Tập thơ). Riêng bài thơ "Hào phóng thềm lục địa", Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đoạt liên tiếp 2 lần Giải A của Quân chủng Hải quân về đề tài biển đảo; và Cuộc thi thơ - truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2008 - 2009.

"Sau nhà thơ Đồng Đức Bốn khoảng hơn 10 năm về trước, tôi lại tìm ra được niềm tin vững chắc, rằng thơ Nguyễn Thanh Mừng hôm nay, là một trong những nhà thơ hiếm hoi của chúng ta, hội đủ khả năng để chuyển tải thành công tâm hồn phong phú và tinh tế của mình đến với đông đảo công chúng yêu thơ, chỉ bằng một bệ phóng giản dị - một bệ phóng chuyên dụng mà hiệu nghiệm, xưa cũ mà hiện đại - đó chính là thể thơ lục bát"
(Bằng Việt)


Hào phóng thềm lục địa

Ảnh sưu tầm
Chúng tôi đã vùa rất nhiều hình ảnh sang trọng của đại dương trút vào vần điệu xôm trò của những bữa tiệc thơ
Nào yến sào ngọc trai, nào đồi mồi san hô, nào cánh buồm tung mây ra khơi vào lộng
Tuy nhiên, hoa thả xuống nghĩa trang trong lòng biển Đông
Và câu chữ dâng lên linh hồn những người lính biệt tăm giữa sóng cao gió rộng
Dường như hãy còn quá mỏng
Dù điều ấy, có thể các anh không quan trọng!
Đọc tiếp

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

THƠ NGUYỄN KHẮC THẠCH

Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

Ông sinh năm 1948 tại Thừa - Thiên - Huế.
Tác phẩm chính: Dòng sông một bờ. Trước vườn xưa. Nơi ta sẽ về.


"Nguyễn Khắc Thạch là người trầm tư trước cuộc đời, phán xét sự vật đến tận cùng bản chất, anh can đảm "hôn xác chết", tự tin, lặng lẽ đối đầu với chúng. Đứng chênh vênh một chân bên "Dòng sông một bờ", Nguyễn Khắc Thạch rụt rè tường trình lại khá sắc bén và chọn lựa những mới lạ về cõi hiện sinh, chỉ ra những nguyên cớ đang hủy hoại nhân tính làm tan rã các kỷ cương giường mối xã hội... Người ta khổ vì có trí tuệ. Thạch khổ vì biết quá nhiều! Anh gọi nỗi buồn về nhận mặt, bóc trần nó ra cho mọi người thấy. Nhà thơ không ngồi nhấm nháp tận hưởng "thú đau thương" như Lưu Trọng Lư, anh thành khẩn nhìn thẳng vào nỗi buồn để nhận diên chính mình và mọi lẽ quan thiết khác ở đời..."
(Thái Doãn Hiểu) 

Dòng sông một bờ


Ảnh sưu tầm
Có một dòng sông mang tên em
dòng sông anh tự đặt
xin mùa thu chiếc lá làm thuyền
Đọc tiếp

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Lời tạ mùa thu

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm

Đêm qua sương về ủ lên tàn cây
Tôi nghe lá buồn thở se lòng tay
Em hãy vì tôi
Em hãy cùng tôi
Tiễn mùa thu đẫm heo may
Đọc tiếp

Xin tạ lỗi Người

Hoàng Quý
            Viết tạ quê hương tôi


Ảnh sưu tầm

Tôi muốn thét to lên và muốn khóc
Rằng tôi xin được cúi lạy Người
Rằng năm tháng phong rêu rợn ngợp
Tôi đã về thăm lại Người đây

Đọc tiếp

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

THƠ HỮU THỈNH


Nhà thơ Hữu Thỉnh

Người ta viết về ông, về thơ ông bằng rất nhiều sự kính trong và tử tế. Nhưng không ít kẻ viết về ông bằng bịa đặt, hằn học, đểu giả và tị hiềm. Trên cây thánh giá Thi ca và cây thánh giá trường đời, điều này không có gì lạ, và càng không đáng để bận tâm.
Tôi nhớ, năm 1979, ông cùng các nhà thơ: Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật, Hà Đình Cẩn, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Đình Chiến về Nghĩa Lĩnh thắp hương Giỗ Tổ. Tháng ba âm năm ấy rét đậm. Chúng tôi đốt một đống củi lớn trong sân Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú cho bớt rét. Ông choàng tay ôm một bên là tôi, một bên là Hoàng Hữu. Hình như đêm ấy chúng tôi hát một vài bài hát gì đó, rất tùy hứng, rất ấm cúng. Nguyễn Hữu Nhàn hát rất to, giọng chênh lanh lảnh, rất kinh khủng, rất đáng yêu. Khi biết tôi vừa hoàn thành việc sưu tầm các bài bản đánh trống đồng Mường cổ và phục dựng thành công kịp phục vụ Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ, ông cứ ôm tôi, rồi bảo, về Hà Nội thì ghé chỗ anh.
Năm 1983, ông cùng đoàn nhà văn từ mặt trân Hà Giang về. Lúc ấy, bọn "Giặc đồng chí" vẫn còn chiếm một số cao điểm và chưa để chúng ta yên. Đêm dừng chân ở Việt Trì, chúng tôi nghe các ông đọc thơ. Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc "Qua cầu Tràng Hương". Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi vừa khóc vừa đọc bài thơ viết về sự hy sinh của nhà văn Bùi Nguyên Khiết trong một trận đánh lớn ở biên giới. Tất cả chúng tôi lặng đi. Cuộc chiến tranh giữ nước vẫn còn bao mất mát, máu xương và chưa kết thúc.
Tháng Chạp 1983 tôi về Hà Nội. Công trình sưu tấm và phục dựng các bài bản đánh trống đồng cổ đã xong. Người ta không cần tôi nữa. Tôi lêu têu, ở thì Hội Văn nghệ, lương thì Ty Văn hóa Thông tin, rất nhố nhăng. Trong lần về Hà Nội thăm nhạc mẫu tôi ở phố Vân Hồ 3, tôi chui qua bức tường vỡ Khu Mĩ thuật quân đội thăm nhà thơ Hữu Thỉnh ở lụp sụp trong dãy nhà cấp 4. Ông, chà biết bằng cách nào kiếm được một ít củi, một ít thanh giát giường cũ, gãy. Và nhờ đó, một đống lửa nhỏ được đốt lên, ngay trong phòng của ông. Nếu tôi nhớ đúng, thì đêm ấy còn có mấy nhà văn, trong đó có chị Ngô Thị Kim Cúc cùng quây quần sưởi lửa. Rét thấu da thịt, Những ngày tháng ấy đói, thiếu, nên càng rét hơn. Ông bắt tôi đọc một truyện cổ mường in trong Tạp chí Sáng tác mới của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú mới gửi xuống. Ông bảo, em đọc đi, đọc truyện của mình đi, cho bạn bè anh cùng nghe. Ông giải thích với xung quanh, phải coi đây là một cách viết truyện cổ bằng tư duy và phong vị Hoàng Quý, không hề là chép truyện như cách của Nguyễn Đổng Chi. Và tôi đã đọc "Chàng Sáo nàng Hoa" đêm ấy. Thật lạ, các nhà văn tên tuổi không ai bỏ đi, tất cà đều chăm chú. Khi đoạn vĩ thanh vừa dứt, ông ôm lấy tôi, hay lắm, cách viết rất lạ, rất thơ nữa. Hôm tiễn tôi ngược Việt Trì, ông bảo, hồi còn sống Hoàng Hữu dự báo và nói với anh em sẽ là một nhà thơ. Bây giờ thì anh tin. Hãy đọc thật nhiều, hãy viết đi, đừng chán nản. Có lẽ, tôi bước vào con đường đầy bất trắc và chênh vênh này có thể một phần là sau cái đêm đáng nhớ ấy.
Về Hữu Thỉnh, nếu tôi viết thêm vài lời về Thơ ca ông, sẽ rất buồn cười, và có khi ngô nghê. Mọi cách nhìn về thơ của ông dù cố thống kê cũng khó mà đầy đủ. Với tôi, thì các đánh giá về ông, về thơ của ông vẫn chỉ là những phác thảo, chưa có hồi kết. Ông đã buông bút đâu. Thời gian, vâng, thời gian sẽ định đoạt còn mất giả thật. Thời gian sẽ phán xét tất cả!

Hoàng Quý

Phan Thiết có anh tôi


Chiều biển Phan Thiết - Ảnh sưu tầm
Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi
Đọc tiếp

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

TRƯỜNG CA CUTUDỐP VÀ NAPÔLÊÔNG


Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến tại nước Nga

Tôi thức hai đêm để đọc lại bản đánh máy "Trường ca Cutudốp và Napôlêông" Nguyễn Đình Chiến tặng tôi tháng 8 năm 2001 và so sánh với bản in chính thức trong tập "Nguyễn Đình Chiến, tác phẩm và chân dung văn học" do NXB Hội Nhà văn ấn hành  tháng 1 năm 2015. Rất mừng không có sự khác biệt và sai sót đáng kể do in ấn. Tôi từ lâu những muốn chuyển tới bạn đọc thiên trường ca đặc biệt này của ông. Đặc biệt, vì Trường ca đồng thời là Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất khi Nguyễn Đình Chiến mãn khóa Trường viết văn mang tên M.Gorki (Nga). Đặc biệt, vì ngay lập tức thiên trường ca đặc sắc này đã được Giáo sư - Dịch giả Marian Cachốp dịch sang tiếng Nga kèm lời nhận xét của Giáo sư - Nhà nghiên cứu văn học nước ngoài Bếch Tachiana: "Chắc chắn phải là người từng trải qua cuộc chiến tranh, phải là người có vốn hiểu biết hết sức phong phú và sâu sắc về lịch sử Nga, văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga , anh mới viết được một tráng ca tràn đầy niềm tự hào và xúc động về dân tộc Nga như vậy". Bản dịch "Trường ca Cutudốp và Napôlêông được in và có vị trí trang trọng trong Thư viện văn học Trường viết văn M.Gorki", và trong các thư viện của nước Nga rộng lớn và vĩ đại.

Tháng 8 năm 2001, tôi làm thuê sơn bảo dưỡng bên trong các bồn bể chứa xăng dầu tại Đà Nẵng. Nguyễn Đình Chiến đã vào với tôi, vừa là thăm bạn, vừa là làm một chuyến hành hương phương Nam. Trong mấy đêm ở khách sạn Bạch Đằng bên sông Hàn, Ông đã đọc cho tôi nghe và kí tặng tôi một bản đánh máy trường ca. Ông tâm sự: "Nếu ao ước, mình ao ước sẽ viết được một trường ca nữa, và nó phải là Điện Biên Phủ. Trường Sơn, nước bạn Lào, hai cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc sẽ có những nhà thơ tài năng hơn đã và sẽ viết". Và ông hào hứng, sẽ viết về Điện Biên Phủ, sẽ viết về cuộc trường chinh của những người lính chân trần áo vải, sẽ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những chỉ huy, những chiến sĩ can trường". và thực sự, những năm sau đó chúng tôi đã lên Điện Biên. Nguyễn Đình chiến đã nhiều lần ngang dọc khắp các ngả đường tiến vào Điện Biên, đã đọc hàng núi tư liệu, đã  gặp Đại tướng Tổng tư lệnh... Chương Tây Bắc, khúc dạo của Trường ca ông ao ước đã hoàn thành. Nhưng, những rủi ro trong đời sống riêng, những đảo lộn trong cuộc sống cùng bệnh tật bất ngờ giết chết ông ngay trong một chiều 30 tết - ngày tận của năm 2014, Định mệnh lấy đi một tài năng tầm cỡ và lãng tử. Định mệnh thật bất công bắt ông phải ngừng lại khi chương thứ 2 của Trường ca Điện Biên Phủ vừa xong phần ý tưởng. Xin chuyển tới bạn đọc "Trường ca Cutudốp và Napôlêông" của cố thi sĩ Nguyễn Đình Chiến. Dẫu với Nguyễn, chỉ trường ca duy nhất này là không dang dở, nhưng, hy vọng quà tặng tuyệt vời của ông không chỉ riêng cho nước Nga, nó là quà tặng cho tất cả những ai luôn luôn tôn quý những chân tài!
Hoàng Quý


   
Nguyễn Đình Chiến

Ảnh sưu tấm
                      
I.

Napôlêông dừng ngựa, nhíu đôi mày
Những tiên lượng thiên tài không nghiệm nữa
Ý Thượng đế hay trò đùa lịch sử
Đã cản đường quân Pháp trước tiền duyên
Lá cờ Người lả tả rụng bao phen
Những chiến mã chồm lên thân đẫm máu
Những dũng tướng dạn dày bao trận đấu
Giờ cúi đầu chờ lệnh đứng tôn nghiêm

Đọc tiếp

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Du ca mùa đông

Hoàng Quý

Ảnh sưu tầm
Cứ loay hoay tìm mãi đốm than hồng
Cửa bỏ ngỏ
Trái tim bỏ ngỏ
Ai hát khúc du ca mùa đông
Cô xót cả vòm trời cám dỗ

Đọc tiếp

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Bắt chợt

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Ta bắt chợt em
Em bắt chợt ta
Xin bắt chợt nhau một đường hoa sữa
Đêm giá lạnh mà hoa cứ nở
Phả một trời ươn ướt mùi hương...
Đọc tiếp

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Mơ trắng

Hoàng Quý
                 Kính tặng nhà thơ Phạm Tiến Duật

Nhà thơ Phạm Tiến Duật
Cuối năm 2003, tôi ra Hà Nội dự Lễ trao Giải thưởng Văn học của năm cho tập thơ "Ngang qua cánh đồng". Anh Phạm Tiến Duật chờ tôi ở sân nhà 51 Trần Hưng Đạo. Ôm lấy tôi, anh nói: "Đồng hương của anh, đồng đội Trường Sơn của anh...". Hôm ấy, anh tặng tôi bó hoa to lắm. Sau khi nghe tôi đọc đáp từ và hiến tặng toàn bộ tiền giải thưởng cho Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam. anh rưng rưng "Yêu em lắm!". Giáo sư - Họa sĩ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam báo tin " Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh Phú Thọ điện về sẽ đón em về thăm quê". Anh Duật bảo với Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy " Để Quý ngồi với mình", rồi bắt tôi ngồi cùng xe với anh. Đoàn về đến Thành phố Việt Trì, trời đã tối. Bữa cơm có xôi nhân hạt trám, có một mâm quả cọ ỏm, đặc sản trung du. Ngày về ấy tôi không thể nào quên được. Bè bạn, tình quê theo tôi mãi.
Quay xuôi Hà Nội, anh Duật vẫn giữ tôi ngồi cùng xe với anh. Trên đường, bỗng anh trầm ngâm: "Quê hương yêu em, có khi hơn cả anh, anh sai gì nhỉ". Tôi bảo "Không phải, quê hương yêu mọi đứa con, tất nhiên những đứa con hết lòng yêu quê". Anh rầu rầu:"Mình có lỗi với quê nhiều quá".
Trưa ngày 15/ 11/ 2007 nhà thơ Nguyễn Đình Chiến gọi điện từ Hà Nội: " Anh Duật yếu lắm. Sự sống chỉ tính từng ngày". Tôi rất buồn. Tôi viết "Mơ trắng". Tôi không biết làm gì hơn.
Phạm Tiến Duật mất lúc 8 giờ 49 phút ngày 4/ 12/ 2007 tại Quân y viện 108 trong sự tiếc thương của đồng đội, của người thân, của bạn bè.
Ít năm sau, Họa sĩ Đỗ Dũng và bạn hữu xây Nhà Lưu niệm Phạm Tiến Duật trên quê hương Phú Thọ, nơi anh sinh ra, nơi anh ra đi, nơi anh trở thành "Con chim lửa của Trường Sơn"! 
Hoàng Quý
  


Bây giờ
Màu trắng dịu hơn
Màu trắng bay vòng lên không chói chang anh nữa
Ga, gối trắng xanh xao
Phòng bệnh trắng xanh xao
Những giọt dịch truyền trắng trong như lệ rỏ
Bè bạn vây quanh ai cũng khẽ khàng hơn
Nhìn trắng

Đọc tiếp

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Lời vương

Hoàng Quý

Ảnh sưu tầm
Gió lên cho sóng bạc đầu
Mưa lên cho cỏ được màu non mơ
Đọc tiếp

Tà Thiết ngày tôi đến

Hoàng Quý
                   Tặng Tà Thiết, tặng Bình Phước!

Trưa 20.7.2008 nhà nghiên cứu lịch sử Phan văn Dõng và em Thuý cán bộ khu bảo tồn đưa chúng tôi thăm rừng căn cứ kháng chiến Tà Thiết. Trước những chứng tích, lòng cảm động, tôi đề thơ ở rừng này. Nếu bài thơ chưa hay là bởi tài tôi kém cỏi. Xin cầu chúc cho lịch sử oai hùng không bao giờ bị lãng quên.


Ảnh sưu tầm

Nghe hơi gió quen thở trong rừng cây
Nghe như nắng thơm từng búp vương đầy
Tà Thiết! Tà Thiết! Trưa nay tôi đến
Người thiêng về trời!
Rừng thiêng còn đây!

Đọc tiếp

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Khèn mộng

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm

Bắt chợt tiếng khèn vắt vẻo
Vút qua vành trăng lưỡi liềm
Bỗng thấy lòng sâu quẫy cựa
Xua về những nẻo hoang thiêng

Đọc tiếp

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

DƯƠNG NGHIỄM MẬU, CON NGƯỜi NỘI SOI TRONG BẠO LỰC CHIẾN TRANH VÀ THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU


Hầu như, những bài viết chuyên khảo, những tác phẩm phê bình văn học trong nước cả trước và sau sau 1975 đến nay trống một mảng lớn, đó là sự lên tiếng, phân tích, đánh giá đối với những tác phẩm văn học của các tác gia miền Nam, nếu có cũng rất rón rén, rất nhợt nhạt. Dẫu bất cứ bào chữa hay lý do gì thì đều không thể chấp nhận được. Tôi không nghĩ bài viết của nhà phê bình văn học Thụy Khuê sẽ bổ khuyết đầy đủ vào khoảng trắng ấy. Nhưng chí ít, nó cung cấp cho chúng ta góc nhìn của ông về một, hoặc nhiều tác gia lớn bên kia vĩ tuyến 17 của một thời văn. Không ai, và không gì có thể tô vẽ hoặc xóa mờ những thành tựu văn chương trên văn đàn bi tráng của một thời kỳ lịch sử.
Hoàng Quý


Thụy Khuê

Tiểu sử

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại quê nội làng Mậu Hòa (quê ngoại làng Dương Liễu), huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. Học tiểu học ở trường Hàng Than, trung học, Chu Văn An, viết đoản văn, tùy bút cho báo trường và các báo có phụ trang văn nghệ học sinh. 1954 di cư vào Nam với gia đình, năm đầu ở Huế, năm sau ra Nha Trang, hè 1957 vào sống hẳn Sài Gòn.


Đọc tiếp

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Mùa xuân trong mắt

Hoàng Quý


Tôi ngồi uống trà dưới tán khóm trúc nhỏ trên cái ban công tí tẹo nhà tôi.  Ánh trăng hạ huyền gần sáng yếu ớt lẫn với ánh sáng đèn nhờ nhờ như máu bết. 
Thình lình đối diên tôi một bóng người ủ rũ, tóc tai xõa xượi. Tôi quát: Ai? Tiếng cái bóng trắng cất lên: Ông có phải là nhà thơ không? Tôi bảo, còn tùy cách nghĩ của người đời, nhưng ông là ai mà hỏi tôi như vậy. Cái bóng trắng rầu rĩ. Tôi nhớ cái lần ông đi với thi sĩ họ Trịnh thắp hương các vua Lê Duy tông, Lê Hiển tông, nhưng trước mộ tôi hai ông đều quay lui. Vậy là?... Tôi là Chiêu Thống. Tôi đi khắp nước non đã mấy trăm năm, đâu đâu cũng phỉ nhổ tôi, không nơi nào thèm nhìn tôi cả...
Chắc bởi tiếng thét làm vợ tôi choàng tỉnh và lay gọi. Ông ơi, ông mơ lành dữ thế nào thét lên thế. Tôi tỉnh hẳn, nhìn đồng hồ,3 giờ sáng. Không ngủ lại được.
Năm ấy, 2005, cũng cữ này, tôi theo thi sĩ Trịnh Thanh Sơn về thăm quê ông Thanh Hóa. Ông rủ tôi qua Bàn Thạch thắp hương cho các vua Lê triều Lê trung hưng. Ông chỉ cho tôi cái con sông đào từ đập Bái Thượng về xuôi do người Pháp bắt phu đào đắp cắt đôi vùng đất trù phú. Chúng tôi qua phía tả ngạn thắp hương cho vua Lê Dụ tông. Lại dừng bên hữu ngạn, nơi có lăng vua Lê Hiển tông ở cồn Mã Lăng, nhưng không ai bảo ai, thắp hương xong trong lăng Lê Hiển tông, chúng tôi trở lui. Giờ thì cái bóng ma Chiêu Thống còn vật vờ mãi kia là do chuyện ấy.
Đêm trừ tịch năm kia năm kìa, bỗng dưng hâm hâm dở dói viết viếc. Tôi chả khai bút khai biếc bao giờ. Tự dưng cái đêm 30 nọ nó hóa ra như thế. Gửi bài thơ cho nữ sĩ Vũ Thanh Hoa, ai dè đúng giao thừa bài thơ lên trang. Ít ngày sau thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng đăng. Rồi trang Chim Việt cành Nam bên Pháp cũng đăng. Rồi nhiều trang khác. Sáng nay, mấy cuộc điện thoại gần xa bảo, tìm cái "Mùa xuân trong mắt" của ông như tìm ma. Sao mới cạn thu bạn bè lại nhắc bài thơ ấy. Thì đăng vào mùa thu liệu có ai đọc cho không? Hay lại bảo, cái thằng, hâm tỉ độ. Thôi, bạn còn nhắc còn yêu thì đăng lại vậy. Thơ phú đa đoan, Ta ư, ta vốn hâm từ thủa lọt lòng!    




“Hữu thời trực thướng cô phong đính
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
                       (Không Lộ)

Tượng đài Nguyễn Huệ Quang Trung ở Hà Nội - Ảnh sưu tầm

Hôm ấy voi thiêng rầm rập tiến
Người vào chào muộn tết Thăng Long
Hỏa hổ chớp
Đào hồng bốc lửa
Giang sơn của ta đâu phải bếp người Thanh

Đọc tiếp

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Chép ở Tây Hồ

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Hình như ngày Nguyễn tới Thăng Long gặp một trời sen nở
Sen chờ Nguyễn hay Nguyễn chỉ vô tình gặp sen không sách nào chép cả
Chỉ nghe kể rằng hôm ấy đầm đìa sen trong mắt tao nhân
Nên nước hồ mới thơm đến thế!

Đọc tiếp

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Gửi Chế

Hoàng Quý


Ảnh sưu tầm
Tôi đối diện tàn đêm trang giấy trắng
Thi tứ đâu?
Thi tứ nấp đâu rồi?
Ngõ - ngách - người gió thổi tê tháng Chạp
Lại một đêm vụt trôi quá mau!

Đọc tiếp