Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Rừng thức

Hà Đình Cẩn
(ký)


(Ảnh sưu tầm)

Hóa ra anh Trường, lái xe của Tổng giám đốc dự án đường Hồ Chí Minh, người dẫn đường cho đoàn nhà văn đi thực tế lại có cả một tuyển tập thơ Trường Sơn thời đánh giặc trong đầu và rất vui tính. Dừng lại ở cầu khe Tang để chụp ảnh kỷ niệm, anh Trường chỉ xuống lèn đá dưới chân cầu bảo những đàn bướm bay tít mù trong thơ Phạm Tiến Duật thời chiến tranh bây giờ không bắt gặp nữa...

(Ảnh sưu tầm)
... Có lẽ thế, tôi nhìn theo lèn đá của con sông rừng không bắt gặp một cánh bướm nào. Hay là tháng năm, chớm mưa, không phải mùa bướm bay lèn đá? Hay là đại ngàn đã hồi sinh, sông suối chan chứa, hoa trắng rừng, bướm đâu cứ phải tụ về khe cạn mới tìm được hoa và nguồn nước nên vắng bóng? Nhưng ngầm khe Tang nổi tiếng thời bom đạn thì vẫn kia, hình chữ Z, chạy kín đáo ở lưng núi bên này, bỗng nhô ra, đổ chéo sang sông rồi ngoắt vội sang vai núi bên kia. Ngầm cũ phơi một màu đá trắng ngà, tận đáy nước như ai đó còn ngâm vô vàn là sắn tươi, chưa kịp vớt lên mà nấu cơm chiều, tăng khẩu phần ăn cho lính qua binh trạm. Tôi đã được ăn những bữa cơm độn sắn ở tận khe Cò, khe Hó, điểm xuất phát lúc sẩm tối để kịp vượt trọng điểm khe Tang, khe Ve vào lúc nửa đêm, giờ thường thưa bom. Chiến tranh dù tính kỹ mấy vẫn có khi sơ sẩy. Những đêm trước thì thế, đêm nay lại khác, xe chúng tôi vừa chớm đến khe Tang đã thấy súng báo động máy bay của TNXP bắn đỏ nhoi nhói ngang trời. Lính nhảy đại xuống khu đất nhão như ruộng cấy. Bom đạn tối mắt. Chỉ thấy những bóng người chạy vun vút và tiếng phụ nữ quát tháo. Các cô TNXP tóm tay từng anh lính lôi ra khu có hầm trú ẩn hoặc vít cổ các chàng nằm bẹp xuống mỗi khi nghe tiếng máy bay bổ nhào tiếng rít khét lẹt trên đầu. Trận bom dội vào đội hình hành quân, tưởng đơn vị mất sức chiến đấu ngay ở cửa ngõ chiến trường, mà hoá ra cả hơn trăm lính đội bùn nhô lên, chỉ có hai bị thương. Hai hi sinh lại là nữ TNXP, bị bom phạt ngang người vì nằm đè trên lưng lính để che chở... Giá không phải tuân thủ một kế hoạch đã được lập trình từng chặng đi và đến với các đơn vị tôi xin nán lại khe Tang một vài ngày để tìm dấu xưa. Biết đâu sục vào cánh rừng bên kia ngầm lại chả tìm thấy cái đồng hồ Pôn-dốt tôi đánh rơi trong cái đêm bom xuống trọng điểm. Bao nhiêu lần cứ nhớ đến chuyện này, tôi lại như nghe thấy cái tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ từ trong lòng đất. Nó vẫn chạy qua năm, qua tháng, đo đếm thời gian, nhớ tuổi cho bao cô thanh niên xung phong còn yên nghỉ đâu đó trên cung đường bom đạn ngả về hai phía đông tây Trường Sơn?


(Ảnh sưu tầm)
Bây giờ ngầm đã hoá cây cầu bê tông cao hơn mặt suối vài ba chục mét, nhìn xuống mà chóng mặt. Đường lầy lội nham nhở hố bom đã thảm nhựa phẳng sạch như nền nhà.Tôi nhất quyết đòi thả bộ một đoạn để thỏa cái sung sướng vung chân vung tay trên con đường mới. Những người mở đường Hồ Chí Minh đã tính trước cho du lịch nên ngã ba khe Ve được mở rộng như một quảng trường, đủ chỗ đỗ cho cả vài trăm đầu xe. Kỹ sư Yết, Phó giám đốc đơn vị thi công cung đoạn này vốn là công nhân đảm bảo giao thông cung trọng điểm từ Hó đến Ve với kỷ niệm bảy lần bom vùi mà cũng chỉ bị vài vết thương xoàng. Hoà bình vẫn đủ sức khoẻ và minh mẫn đến trường đại học, rồi loanh quanh thế nào anh lại được quay lại làm đường Hồ Chí Minh chính trên đoạn đường từng sống chết với nó. Yết khoe, hôm mới rồi đi thăm thú vùng làng bản trên các lưng núi bên đường anh phát hiện ra cả một “mỏ” gái đẹp. Không đùa, Yết nói thật. Trên trăm năm trước, vua Hàm Nghi từng đến vùng thâm sơn này với chí dựng cờ tụ nghĩa đánh Pháp. Đoàn tuỳ tùng nhà vua có không ít cung phi. Tình thế ngàn cân, nhà vua ban cho các phi hồi hương. Đường về quê xa xôi, lại thuận tình, thuận cảnh các bà tuyệt sắc giai nhân đã ở lại với dân bản làm ăn, sinh sống. Dấu vết còn lại ở làng phi tần bây giờ, nói như Yết là mỏ người đẹp. Thiên nhiên kỳ thú, trong lành. Đất đai lưu giữ nhiều kỳ tích, còn nóng hổi chuyện chiến tranh. Lại có nhiều người đẹp. Có đường sá thuận tiện, ô tô thả sức phóng trăm ki lô mét giờ. Là những điều kiện tuyệt vời của du lịch mai kia... Tôi hỏi Yết vợ con đang ở đâu. Yết bảo, vợ cũng là lính cũ trên đường Trường Sơn. Cả hai có lẽ bị bom nện nhiều lần quá, nên bây giờ điếc... Chuyện buồn mà Yết vẫn cười. Rõ là con nhà lính, thường quên việc nhà lo đại nghĩa...

*Trước khi sang cung đường phía tây Trường Sơn, chúng tôi rẽ ngược đường 20 để thăm viếng hang Tám Cô. Con đường này từng chạy ngoằn ngoèo trong thơ Xuân Quỳnh với những gió Lào, bụi đỏ, mắt đen, da nâu và nụ cười sóng sánh. Có thể nữ thi sĩ cũng đã từng ghé vào hang K8, uống chung bi đông nước với cô Lương, cô Tỏ và các chàng lái xe, pháo thủ thường lui tới chỗ các cô để nhờ khâu vá và tán chuyện. Trận bom dội xuống đúng cái lúc có nhiều tiếng cười trong hang. Cả một góc núi đá sập xuống, lấp cửa ra vào. Địa thế treo leo. Trọng điểm bị bom dội hàng ngày. Cả đại đội công binh trần lưng phá đá giữa bom đạn suốt mươi ngày, thêm nhiều lính hi sinh. Lại lật xuống vực sâu cả hai cỗ máy xe ủi nhưng vẫn không thể nào mở được cửa hang. Cuối cùng, đơn vị TNXP đành làm lễ tế sống chị em trong hang, cầm lòng sang cung đường khác cho kịp mùa vận tải phục vụ chiến trường đánh lớn. Hơn hai mươi năm sau công việc mở cửa hang mới được nối lại. Đại đội công binh Quân khu bốn trang bị kỹ thuật tận chân răng, vừa nổ mìn, vừa đào, xúc liền một tháng mới mở được lối nhỏ vào hang. Ông Chí, nguyên đại đội trưởng của các cô thanh niên xung phong là người đầu tiên được bước vào. Ông khua bó đuốc trên đầu, gọi các em ơi, anh Chí đến đón các em đây. Tỏ ơi, Lương ơi, các em ở đâu... Hơn ba vạn bà con miền tây Quảng Bình đứng dọc mấy chục cây số ven đường đón hài cốt các em về quê trong Hòa Bình. Ngành văn hóa mới xây miếu thờ ngoài cửa hang Tám Cô, được xếp hạng di tích quốc gia giữa vùng rừng tầng tầng cây chen chúc xanh ngút ngàn. Như bom đạn chưa từng qua đây. Rừng cố làm dịu các vết thương thời trận mạc. Tôi thắp hương, gọi Tỏ ơi, Lương ơi trong tiếng gió đại ngàn, chỉ thấy nắng bỏng rát sau lưng.

Ngược lên đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây chúng tôi phải đi vòng lại về phía sông Son. Có một khúc đường uốn lượn cố tình nấn ná soi bóng xuống dòng sông nước trong như ngọc, rồi mới chịu chia tay mà ngược dần lên các bình độ năm trăm, bảy trăm, tám trăm, chín trăm . Tôi hút vào những vai núi xả xuống cho đường mười một mét chiều rộng men qua. Những ta- luy dương nối với mây trời xanh màu lá rừng phả lên. Năm trăm cây số đường phía tây giành trọn cho các đơn vị quân đội. Cung đường này dư thừa điều kiện để thử thách sức bền, sự khéo léo lòng kiên trì và óc thông minh của lính. Chàng thiếu úy tên là Nga nói, anh nhìn vỏ cây rừng mốc thếch thế kia đủ biết nơi này khó gặm. Nắng khiếp vía. Mưa cũng khiếp vía. Mưa nhiều hơn nắng. Có khi cả tháng trời, trời đất cứ ướt thũng. Phơi khô bộ quần áo cũng khó, chả nói đợi đất khô để san nền đường. Đất đỏ gắt như ruột dưa hấu, nắng thì quánh lại nhưng gặp mưa thì vữa như đất mượn. Cả mấy trăm cây số nhất loạt chọn giải pháp kỹ thuật thảm bê tông dày hai mươi hai phân, là vì nền đất không vững. Ba ngàn tấn xi măng, với gấp hai lần trọng lượng ấy là đá dăm chuyên chở bằng xe và vai lính từ xa đến để trải thảm một km đường, chưa kể mồ hôi thợ, tính căn cơ cũng phải hết tám tỉ. Tiêu cả núi tiền nhưng lính làm đường đa số con nhà quê, tính toán chi li đến từng xẻng bê tông. Tôi gặp không ít những tốp lính quét đường, gom từng viên đá dăm rơi vãi để đãi rửa lại cho mẻ bê tông sau. Suốt mấy tháng mùa khô, mặt đường bốc nóng ngùn ngụt. Nhiều ngày nóng vọt lên trên 38 độ. Việc đổ bê tông phải làm vào lúc sẩm tối để đảm bảo kỹ thuật. Tiến độ thúc ép, lính làm ba ca. Tuổi mười tám đôi mươi mà gương mặt xạm đen, hốc hác. Bao nhiêu là nặng nhọc và thiếu thốn đã qua từng anh lính suốt mấy năm qua đeo bám đường. Vậy mà suốt dọc tuyến, gặp rừng người đang hì hục vật lộn với từng mét đường không nghe một lời than thở, kể công, hỏi chuyện chỉ cười. Cười rất hiền. Họ đẹp quá. Một lớp người trẻ và đẹp đang làm đường Hồ Chí Minh, đang khoan hầm xuyên Hải Vân, đang lăn lộn trên các công trình khắp đất nước làm ta yên lòng về thế hệ mới, khoả lấp đi những phiền muộn về những cậu ấm cô chiêu vô công rồi nghề mà sinh bậy bạ nhưng khó dạy vẫn gặp nhan nhản ở phố đông.
Mà nào thảm bê tông xong đã xong. Cái lo của toàn tuyến bây giờ là chống lún sụt mặc dù nhiều nơi đã trồng cỏ ventivơ nhập giống từ Malaixia và lang rừng trên thành ta-luy. Con tính khiêm tốn là sẽ có vài chục vạn mét khối đất từ ta- luy sạt xuống đường trong trận mưa đầu mùa năm nay. Mới rồi chỉ một cơn mưa báo mùa mà đã có góc núi truồi ra làm cong vênh cả một khúc đường bê tông. Lính lại hì hục đục đường, làm lại. Mùa mưa và người mở đường sẽ đánh trận giáp lá cà trong những ngày tới...
Chín mươi nhăm phần trăm công việc trên tuyến đường đã hoàn thành. Nhiều nơi việc còn lại chỉ là làm biển báo, lan can và kẻ sơn dải phân cách. Nghĩa là đường đã tươm tất lắm rồi, xe phóng êm ru. Tôi nhìn ra cửa xe, tưởng với tay ra là có thể ngắt chiếc lá trên vòm đại thụ bên sườn ta-luy âm. Thực mà như mơ. Hai năm trước thôi có mơ cũng không thấy. Vậy mà chỉ sáu trăm ngày giấc mơ về một xa lộ băng qua đại ngàn đã thành hiện thực. Rừng ra rừng, đến sợi dây leo cũng cỡ một vòng tay ôm. Rừng như từ nguyên thuỷ còn lại. Có lẽ không nơi nào tài sản rừng quốc gia lại chưa có dấu rìu như ở đây. Ông giám đốc một đơn vị TNXP Đà Nẵng tham gia làm đường Hồ Chí Minh kể với tôi, ngày đơn vị ông mới lên Trường Sơn mở tuyến đã có lái buôn xỉa bạc tỉ ra mà móc ngoặc, xin mua hết số gỗ chặt hạ để mở đường. Bán lãi thì lại ăn chia tiếp năm mươi, năm mươi. Tất nhiên là ông giám đốc lắc đầu. Biết thế để mà đề phòng. Mai kia đường thông, bao nhiêu cái tốt đẹp sẽ theo đường lên miền Tây để làm thức dậy tiềm năng vùng rừng mênh mông này, thì cái dở cũng nhũng nhẵng bám theo. Lúc đó kiểm lâm mà không vững tay thì chả mấy kho gỗ quốc gia được gìn giữ ngàn đời nay sẽ lại nham nhở dấu rìu lâm tặc.
Xe chúng tôi vượt qua cua Đá Đẽo vào tầm nắng quái. Chơi vơi lưng núi xa kia có lấm tấm những mái nhà. Tối về ăn cơm thân mật như gia đình với Tổng công ty Trường Sơn, gặp nhóm làm phim tài liệu quân đội, nghe đại tá, NSƯT Lê Thi vừa đi ăn cỗ cưới về kể chuyện mới lại thấy tiếc giá lúc chiều cố mà leo lên bản lưng núi sẽ được hưởng một tiệc cưới của hai quân nhân mở đường xin ở rể gia đình người Sách. Chuyện tình bắt đầu từ năm ngoái. Bấy giờ hai chàng rể là hai chàng tiếp phẩm, đeo hai ống muối lên bản, tính chuyện đổi gà về nấu cháo bồi dưỡng cho lính làm đường ca đêm. Vừa chớm đến cổng bản cả hai chàng lính trẻ quăng cả túi muối mà chạy. Chạy mà tai cứ đỏ như tai chuột. Thì ra các anh va ngay phải tốp các cô người Sách, cô nào cũng ngực trần như thổ dân da đỏ. Trai mới lớn, chưa quen với hủ tục ở nơi rừng bao đời khép kín này, thấy vậy thì khiếp vía thật. Ấy là năm trước, chưa có đường. Năm nay khác rồi. Các cô người Sách đã diện chẳng khác gái công trường. Có cô còn ăn chơi, đeo hẳn nịt vú ra ngoài áo, mốt thời trang kiểu úc cho nó oách. Trong vô số lính trẻ phải lòng các cô gái Sách dong dỏng cao, da nâu, ròn tan mới chỉ có hai chàng trúng độc đắc. Một đám cưới diệu vợi. Lính thì thế nào cũng xong, miễn là gia đình hạnh phúc, quân dân đoàn kết. Nhưng lệ bản không thể không tuân. Lề thói cũ nhiều khi là vẻ đẹp của tâm hồn, chứ đâu phải là hủ tục mà vặt trụi hết. Nếu thế thì con người giống nhau quá, tẻ ngắt. Lễ cưới quân nhân mở đường thì cũng không thể bỏ qua đám rước có tính nghi lễ bắt buộc chuyện trăm năm. Đoàn nhà trai đi rước dâu vác theo chiếc chày gỗ cỡ cột nhà, trong khi nhà gái đi đón rể khiêng theo chiếc cối. Cà rịch cà tang mà đi vòng qua mấy sườn núi, cho đến khi chày gặp cối thì tiệc rượu mới được bày trên lá chuối để hai họ ăn thề sống với nhau đến tóc bạc răng long tình không phai lạt. Đường đã nối Đông với Tây, nối chằng chịt tận tế bào của xã hội mới.
Không phải cung đoạn nào của con đường mới cũng chồng khít lên đường thời chiến tranh. Qua A Lưới, đường rẽ về Đông, lên đến chừng bình độ tám trăm mét thì gặp hầm A Roàng xuyên qua núi, khởi đầu một chặng hiểm hóc, quanh co vực sâu vách dựng vào bậc nhất trên toàn tuyến. Tổng công ty Sông Đà, đơn vị nổi tiếng với việc khoét ruột cả một quả núi đá hoa cương rồi đặt vào đó nhà máy thuỷ điện Hòa Bình đồ sộ nhất nước thì khoan vài trăm mét đường qua núi là chuyện vặt. Phó giám đốc điều hành của Tổng, một kỹ sư trẻ nói vui với khách về năng lực kỹ thuật của đơn vị mình theo cách của một nhà khoa học nọ, xin cho một chỗ đặt máy, chúng tôi sẽ xuyên qua mọi lòng núi... Không quá, năng lực kỹ thuật của Tổng Sông Đà là vậy... Từ A Roàng đi A Tép là cung đường chóng mặt cả khi nhìn lên và nhìn xuống. Các cô gái làm việc trên sườn ta-luy dương cao hàng trăm mét nhìn cứ như chim. Còn ta-luy âm thì chỉ thấy hun hút mà không nhìn thấy đáy. Đoạn qua bình độ 900 mét, mây núi lùa qua cửa ô tô, như bay. Chênh vênh vậy mà Tổng công ty Sông Đà triển khai đội hình xe máy bề thế với những cỗ máy xúc, máy ủi, xe trọng tải vài chục tấn, tấn công làm rung chuyển cả một vùng rừng núi hiểm trở.
Hóa ra thách thức với người mở đường lại không phải là đá cứng mà là đất mềm. Mưa tầm tã khi chúng tôi qua dốc Lò So. Con đường trườn từ lưng núi này sang lưng núi khác. Đi mãi tưởng đã xa lắm, mà ngoảnh lại vẫn lại thấy cái chỏm nửa giờ trước bánh xe vừa thận trọng lăn qua.Từ ngày xưa, thời các đơn vị chủ lực qua đây ém quân để chuẩn bị Tổng tiến công Tây Nguyên mùa xuân 75 lính đã gọi vùng cửa thông Đông Tây Trường Sơn này là núi mưa. Đầu núi bên kia còn nắng đổ lửa mà lọt vào vùng Lò So là mưa rả rích. Núi gianh, cây lúp xúp, thiếu nơi mắc võng. Lính trùm ni lông đứng ăn lương khô với nước mưa, rồi đứng ngủ, mặc nước xối ào ào trên mũ cối... Có anh lính thời đó giờ lái máy ủi mở đường, bạn của kỹ sư trẻ Quốc Anh, phó giám đốc một công ty 576. Quốc Anh nói thi công cái đoạn cây lộc vừng già khúc giữa của túi nước là hóc nhất. Ai đời đường đã trải thảm bê tông xong,vừa gặp trận mưa nặng hạt mép ta-luy đã sủi bong bóng như cơm sôi. Bóc bỏ lớp bê tông, chiếc xe chở đá không may lấn vào, thế là cứ thế mà lún xuống, bùn ngập cả ca-bin. Cấp trên thấy đoạn này khó định chuyển giao lại cho một đơn vị có “đẳng cấp” kỹ thật cao hơn khắc phục. Kỹ sư Anh gặp cấp trên, chỉ kiến nghị có một điều nếu lãnh đạo đã tin yêu anh em trẻ thì tin yêu cho chót, xin trao cho toàn quyền cả tổ chức, cả giải pháp kỹ thuật và cả thi công thì anh em thề sẽ hoàn thành nhiệm vụ nếu không thì xin nhận kỷ luật... Cấp trên chấp nhận quyết tâm của chàng kỹ sư trẻ, nguyên sinh viên Bách khoa Đà Nẵng mới với điều kiện không có chữ nếu. Thế là trống giong cờ mở. Quốc Anh dựng lán chỉ huy thi công ngay tại hiện trường, tổ chức cuộc tuyển chọn những người xung phong tình nguyện khắc phục đường qua túi bùn. Hơn ba trăm cánh tay giơ lên, nhưng chỉ chọn 38. Ba mươi tám ngọn đuốc đùng đùng cháy. Đội quân xung phong đồng ca Sóc Bom Bo kéo ra hiện trường ngay trong đêm. Suốt ba tháng quần quật ba ca đội tình nguyện biến mặt đường cũ thành một vùng hố rồi lấp đá, tạo ra mặt đường chạy trên các lớp cốt đá dày 12 mét. Cây lộc vừng vẫn còn kia, lặng lẽ nở hoa vào ban mai, rồi rụng khi ngày mới vừa ló rạng. Tính cây sao giống người mở đường. Bao nhiêu là cái đẹp của mồ hôi và trí tuệ người thợ đổ hết vào lòng đất, rồi cẩn thận thảm bê tông lên, chỉ để lại mỗi cái mặt đường bình thường như mọi con đường quen thuộc, chả trách cả những dấu chân thờ ơ bước qua...

(Ảnh sưu tầm)
Chúng tôi dừng lại ở Kông Tum, đầu cuối của đường Hồ Chí Minh giai đoạn một chạy từ Xuân Mai - cửa ngõ Tây bắc Hà Nội vào. Đã thấy ở thị xã miền cao nguyên này cồng kềnh nhiều xe cộ của các ngành điện, viễn thông, xăng dầu tập kết để tràn lên con đường mới toanh, làm tiếp những công việc mà một con đường hoàn thiện cần phải có. Thế là con đường Trường Sơn huyền thoại thời đánh giặc đã trẻ hoá thành đường Hồ Chí Minh với tầm vóc lớn hơn, tầm vóc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Con đường sẽ thắp sáng, sẽ đánh thức dọc miền Tây oai hùng nhưng còn hoang vu. Như mọi cuộc đi, chúng tôi kiểm lại hành trang ở cuối hành trình. Ba lô, túi xách của các nhà văn đã nhẹ nhõm lại. Hàng ngàn cuốn sách, quà tặng của các nhà xuất bản chúng tôi đem theo đã gửi tận tay những người lao động trên dọc tuyến đường. Tôi bắt gặp những thợ trẻ mở những cuốn sách chúng tôi vừa đem đến dưới ánh sáng đèn dầu tù mù nơi công trường đang thi công. Cuối năm, đường Hồ Chí Minh giai đoạn một sẽ cắt băng khánh thành... 

2003
H.Đ.C










Không có nhận xét nào :