Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Điều ước của ông lão cắt tóc

                   Truyện ngắn của Hoàng Quý
           
Ảnh sưu tầm

1.

Ông lão có vẻ buồn.

- Thật xúi quẩy, già nửa buổi sáng vẫn không có cái đầu nào mà cắt. Giá có mấy cu con nói chuyện thì sướng. Ông lão lầm bầm.

Cái lũ trẻ con trong thị trấn mà lão âu yếm gọi là mấy cu con, sáng sáng đều phải đi học thầy giáo Phát, trừ chủ nhật. Hồi chưa phải đi sơ tán, đôi khi cũng có đứa trốn học. Mà đã trốn học, thì hầu như lại quanh quéo chờ cho hết buổi ở quán của lão tới lúc lũ trò bạn tan học về, hòa ngay vào, cứ như là nó cũng chăm ngoan lắm. Vào những khi có một, hai đứa như vậy, lão vừa thích lại vừa không thích. Thích, vì quẩn quanh lão cũng có tiếng con trẻ. Không thích, vì lão cảm thấy là tại lão hay chuyện, dẫu chỉ là chuyện nọ dọ chuyện kia ngày nảo ngày nào, chúng khoái, mà trốn học cũng không chừng.

Có lần bà Tành vợ lão, bảo:

- Mình cứ là hay kể những chuyện từ tám hoánh, để lũ trẻ bỏ cả học chữ nghĩa… Khéo xóm giềng họ giận đấy!

Những lúc bà Tành cằn nhằn, ông thường cãi bằng một câu bất di bất dịch:

- Chuyện ngày xưa, đến mình còn thích nữa là con trẻ.

Thực ra, không phải ông không biết là vợ ông nói đúng. Nhưng ông giữ cái lý của ông:

- Oái dào …ai bảo chúng là trẻ con…

Nếu lớn tí nữa, chúng đã biết những chuyện ông lão thường kể cũng có đến nửa phần bốc phét. Ừ thì ông cũng có bốc phét tí chút đấy. Ông bốc phét thì sao chúng mày vẫn sướng, hử? Đời người là dài lắm các con ạ. Cái đoạn được làm trẻ con là ngắn nhất. Còn cái đoạn trường người lớn thì sự sung sướng nó ẩn hiện như ma trơi, cứ suy từ đời lão ra khắc biết.

Lão không nhớ được mình quê quán ở đâu. Cái nơi thiêng liêng kia lão nhớ rất mù mờ. Rằng, lão đã chạy theo mẹ. Không tài nào với, nắm được vạt váy sồi của mẹ. Chạy. Chạy. Chạy. Vấp ngã. Vấp ngã túi bụi. Phía sau cháy dữ quá. Bụi tre tươi cũng cháy. Nổ lốp bốp. Khét.

Lão tỉnh ra hình như lúc xẩm tối. Đau khắp mình. Khát quá, cổ họng chắc cháy thành than cả.

- Nư…ước! Mẹ ơi , em… khát

Một bà răng đen đen dốc vào mồm lão – thằng bé xương xẩu và khô quắt chỉ chừng ba tuổi năm ấy một nón nước. Suýt sặc. Nước lờm lợm, chắc vục từ mấy cái ruộng mạ quanh quất đâu đó.

- Khốn nạn…lạy Trời, lạy Phật phù hộ cho con trẻ, phù hộ cho thằng bé sống sót! Bà lão khấn lầm rầm.

Rồi bỗng dưng bà gào lên và cào cấu bộ ngực lép kẹp, lại dứt tóc phừn phựt:

- Mẹ mày… con ơi…Tây nó hiếp con ơi! Chết, chết hết…khổ thân mày cu ơi là cu ơi…Hô hu…hu…

Lão thành con nuôi bà răng đen từ dạo ấy.


Mỗi khi chợt nhớ về quê quán, gốc gác, lão rất buồn. Lão vỏn vẹn chỉ nhớ được có vậy. Nhưng khổ nhất lại là những ngày thị trấn vừa mới hoà bình, người ta lập hồ sơ mọi gia đình, chú ý nhất vào đám dân ngụ cư.

Tay Dần công an tướng mạo như lục lâm thảo khấu cứ trừng trừng chiếu tướng lão như muốn ăn gỏi:

- Chỉ được cái khai láo. Liệu thần hồn. Việt gian? Đúng không? 

- Tôi chỉ nhớ có vậy…

- Làm chó gì sinh ra lại mù tịt quê quán, hả? Tay Dần quát.

- Thế đất nó nứt ra à, hả? Theo Tây khi nào, bao giờ. Khai láo ông là cứ gô cổ.

Bà lão mẹ nuôi mếu máo khóc:

- Cắn rơm, cắn cỏ em lạy ông công an chính quyền, em nó khai đúng đấy ạ. Có Trời, Phật, quỷ thần chứng giám hai vai, chả là em nó…

- Á …à! Thôi đi bà ơi . Làm chó gì có Trời, Phật, quỷ thần. Chỉ tuyên truyền mê tín. Còn bà, liệu mà bảo thằng con nó nói thật, không tôi tầm ra được cứ mà giờ hồn, nghe chưa? Tiên sư mấy thằng ngụ cư làm ông mệt . Chưa quát đã vãi đái. ông mà bực lên ghi béng chúng mày rặt gián điệp, cãi ông được à. Về đi …mệt!

Dần dà yên ổn cả. Dân ngụ cư mấy thằng đều cưới được vợ. Cấm có đứa nào chiếu lạnh buồng không. 

Thôi thì mới hoà bình đâu chả thế. Lúc đầu lộn xộn quá mà. Lão thở dài, nghĩ lại và tủm tỉm cười.

Nhớ lại cái đận tay Dần quát thì tức. Nhưng giả dụ mình “nhiệm vụ” như hắn xem, có khi lại chả bằng mấy là cái chắc. Mẹ cái thằng, tinh tướng rõ kinh, cao có dễ đến thước tám tây, tay chân cuồn cuộn những thịt là thịt, mặt đen thùi lùi, nhìn ai cứ gườm gườm, một mắt lại lác lếch lác lẹo mới gớm. Ấy, thế mà cũng tốt đáo để, chịu khó “ba cùng” phố xóm, ai khó, có đồng nào là móc cho ngay cấm có tiếc.

Lão nhìn đăm đăm ra mặt phố. Thị trấn xế trưa vắng teo. Thỉnh thoảng một chiếc Ca-mi-ông chạy qua rầm rầm, xả khói mù mịt. 

Đầu tháng chạp rồi mà trời cứ hanh heo, không vắt ra được hạt mưa phùn mấy khi.

Thinh không đục và quánh.

Cây ổi tàu trước quán của lão buông mấy chiếc lá khô. Những chiếc lá liệng loay hoay, rồi theo gió dạt vào chân thềm nghe xao xác.

Buồn.

- Bọn ranh chắc là chưa tan học! Giờ này chắc đói bụng… Ổi chín khối ra rồi…


2.

Trấn Hưng nằm phía Tây Bắc thành Hà nội.

Từ Hà nội muốn theo đường sông ngược lên trấn Hưng phải ngồi đò dọc chừng hai ngày đêm. Ấy là nói khi đò thuận gió, phồng buồm, chứ nếu không gặp con gió thuận phải nương dòng và núp gió hai bờ, chống sào và kéo nèo thì chưa biết chừng năm, sáu ngày cũng nên.

Trấn Hưng vào thời nhà Lý xây thành to lắm. Đồn rằng có ông Lý Thường Kiệt đã cưỡi thuyền rồng ngược sông Thao vào tít tịt vùng Dị thị sát trước khi quay về lập phòng tuyến sông Cầu chống quân nhà Tống. Chả biết chuyện đồn đại thực hay hư, chỉ biết thành Hưng thì có thật.

Thành Hưng cũng có năm cửa ô từa tựa Thăng Long. Có điều là nhỏ hơn. Duy có cái cột cờ so với cột cờ thành Thăng Long thì lại cao và to đến gần gấp rưỡi. Thấy nói, ngày xửa ngày xưa dù đã cố kiết đến cật lực nhưng trong một đêm trấn này cũng chỉ đào được chín mươi chín cái giếng có nước, thiếu mất một, nên đất này không được chọn dựng kinh đô. Bởi vậy các quan Lang thúc ép dân tình gom công góp của xây cái cột cờ to như đã kể, cho bõ tức. Thế mới hay cái sự cay cú hơn thua đã có từ tám hoánh! Bởi có năm cửa, nên thành Hưng được dân chúng gọi nôm là Ngũ Môn Thành. Cũng bảo còn gọi là Ngũ Quỷ Thành vì bài vị thờ ở điện chính gồm năm con hổ – tất nhiên vẽ bằng bột hoa hòe lên giấy dó và những loại màu rất cổ khác không đoán được.

Thủy Môn là cửa chính hướng ra sông Thao. Cửa cao mười tám bộ, mặt ngoài đắp hai ông Thiên lôi tay chùy, tay kiếm, râu ria ra dáng.

Từ cửa Thủy Môn muốn xuống bến sông phải theo một con dốc ngắn chừng trăm mét. Rồi băng qua bãi rộng tít hút mới đến bến nước. Thuyền buôn ngược, xuôi đều ghé bến này đổi chác, mua bán. Hàng hóa nhiều nhất là sơn ta, củ nâu, tre, nứa, gỗ và đồ thủ công.

Có lẽ ngày xưa ở thành Hưng, phía cổng Thủy Môn tiện lợi như vậy nên mở đường trục rất rộng. Lại trồng toàn cây nhội và cây phượng vĩ. Vào mùa đông giá, quả nhội chín từng chùm làm lũ trẻ con trấn này rất thèm. Còn tiết tháng năm ta, là cả một trời hoa phượng đỏ bồng bềnh như lửa.


Cái năm bà mẹ nuôi đưa ông lão cắt tóc về tá túc ở trấn này, thành Hưng bị phá rồi. Có người kể, vì tức cụ Ngô Quang Bích thà chết không chịu hàng, nên bọn Pháp đặt bộc phá cho nổ hết để xây trại binh. Có người lại kể, thời Việt Minh tiêu thổ kháng chiến phá nốt cái cột cờ trong thành nội vì e người Pháp đặt ca-nông và moọc-chê khống chế vùng núi và dọc bến sông. Chuyện này ai muốn biết đích xác xin hỏi mấy ông Lịch sử.

Nhiều năm phiêu dạt theo mẹ nuôi, khi về đến trấn Hưng ông lão đương tuổi thanh niên.

Lúc đầu cậu thanh niên loay hoay giúp mẹ buôn xổi loanh quanh dưới bến thuyền. Nhưng cái việc mua mua bán bán cậu không thạo, thế là kiếm cái kéo, cái lược hành nghề cắt tóc cho khách quê. Sở dĩ cậu chỉ dám cắt cho những khách quê ra trấn vì họ hầu hết là dễ tính. Họ còn khoái cậu loay hoay chải chải cắt cắt. Lỡ lúc cạo mặt có sớt vào da thịt tí ti họ cũng không giận, còn cười, phát vào đít cậu như là người trong họ, người anh em. Người hàng phố thì chẳng ai dại ghé đít vào chỗ cậu. Cứ trông cái cách chải bới tứ tung cũng đủ biết tay nghề của cậu rất đáng ngờ. Ấy là chưa kể cái việc chỗ cắt tóc đặt tạm bợ dưới gốc cây phượng già, gần cổng Thuỷ Môn cũ, rất vớ vẩn. Hơn nữa, trông cái tấm vải choàng đã đủ thất kinh, bằng vải buồm cũ, hôi rinh rích. Cái ghế thì đóng bằng mấy miếng gỗ mọt, ngồi vào kêu cót ca cót két, xiêu xiêu chỉ chực gãy. Lại không có gương và tông-đơ. Không có gương và tông-đơ thì chưa thể gọi là thợ được! Như đã nói, khách quê thì không chê, nên vẫn đắt hàng đáo để.

Hôm nào may mắn có độ dăm ông khách ghé vào, hoặc vài thằng nhóc là chắc chắn cầm bằng được dăm chinh tiền. Hôm ấy hai mẹ con bà lão có dư ra chút đỉnh. Được chinh nào cậu đều đưa hết cho bà.

Bà thường mắng yêu:

- Cha tiên sư nhà anh! Chứ kiếm được cho bầm ối ra.

Rồi bà bùi ngùi:

- Có dư là bầm cóp lại, hễ nhiều tiền bầm cho đi học chữ, nhỉ!

Bà lão vốn người vùng Sơn Tây. Tên thôn rất giản dị: thôi Đình. Thôn Đình là một trong gần bốn trăm thôn thuộc Tổng Thạch Thất. Quê của bà ruộng ít, người đông nên mọi người làng đều thành thạo nghề thủ công. Bà biết phất quạt. Quạt giấy bản tím châm kim hoa văn sen, cúc, cô tiên thôn Đình nổi tiếng khắp vùng. Dân Hà thành còn thích mê huống hồ nơi khác. Bà còn thành thục đan hàng nan như rổ, rá, thúng, sải. Rổ, rá, thúng, sải đúng mã thôn Đình dùng ba, bốn năm chưa hỏng.

Hồi chưa gánh kiếp sống phiêu dạt, bà đã lập gia thất. Chồng bà là người cùng làng, dáng mảnh mai, hiền, hay cười, nói năng nhỏ nhẹ, chân chỉ hạt bột. Chồng bà rất yêu bà vì bà con một, tính hay hờn dỗi. Mà cũng có thể vì thời trẻ bà đẹp, còn là con đô nhất xới vật của Tổng Thạch Thất.

Lấy chồng chưa tròn năm, Tây trên thành Sơn càn xuống. Thằng Tây nó đâm chồng bà một nhát lê. Bà rú lên lăn xả vào cào cấu và bóp cổ nó. Nó cười, răng rất trắng. Nó hiếp bà đến ngất đi. Năm sau bà sinh ra một thằng bé da nâu, tóc loăn xoăn, mắt trắng láo lơ. Bà ôm thằng bé bạt đi xứ người.

Rồi thằng bé trúng sởi chết.

Thằng bé chết tội lắm. Người nó lúc thì nóng như hòn than, lúc thì lạnh ngắt, mặt cứ bợt dần. Nó chết mà không gọi được bà tiếng nào, chỉ nhìn nhìn như là nó hối hận đã làm khổ đời bà.

Thằng bé chết rồi mà bà vẫn không dám bén mảng về làng cũ cho đến khi ông Trời cho nhặt được thằng cu con đang thoi thóp, khát và lả đi cạnh mấy doi ruộng mạ. Cho nó vào một bên quang thúng, bà quẩy theo.


Từ ngày về hẳn trấn Hưng, học lối nói vùng này, bà xưng bầm với đứa con nuôi vì bà thấy cái tiếng “bầm” rất âu yếm. Bà đặt tên cho thằng bé nhặt được là cu Hai. Khi lớn lên là anh cu Hai. Mấy bà buôn thúng ở trấn Hưng thấy bà gọi con như thế có ý không đồng tình. Gì thì cũng phải có cái tên chữ, ai lại là anh cu Hai, thế là số chứ không phải là tên được. Bà thì cứ cho rằng cứ gọi thế cho tiện, mười mấy năm gọi thế nó quen rồi, chả việc gì bà phải đặt tên chữ cho nó lôi thôi, lại thứ tự trước sau với đứa con da nâu tóc loăn xoăn ngày nào của bà cho nó có tình.

Anh cu Hai lang bạt cùng bà đến được trấn Hưng cũng trần ai.

Nếu bảo tuổi anh lúc đến trấn Hưng chừng ngót hay ngoài hai mươi không ai tin được.Người anh nhỏ choắt, da thịt cóc cáy, vừa mông mốc lại vừa dăn deo. Tướng anh cứ cằn cằn, khô khô thế nào. Mà cứ húng hắng ho nữa.

Dạo cu Hai chừng mươi tuổi đã có người bảo:

- Ho thế khéo mà ho lao! Cho nó ăn nhiều thịt cóc nó mới lại người.

Bao nhiêu năm lếch thếch khi Lai châu, khi Chợ Chu, bà mẹ nuôi hay để ý tìm bắt cóc làm thịt cho Hai ăn. Số cóc bà làm thịt cho Hai ăn có thể cộng lại được vài tạ mà anh cu Hai giờ vẫn nhỏ choắt, cóc cáy, dăn deo, mông mốc không thay đổi gì. Thế nên anh mới có tên phụ là Hai Cóc, dù khi lớn lên được trân trọng hơn tí chút là anh Hai cóc.

Bà lão thấy ai mà gọi anh Hai như thế thì ức lắm. Nhưng cũng đành, bởi tướng mạo nó như thế chứ chả ai ác ý. Mãi cũng phải chấp nhận, thành quen.

Một buổi sáng, anh cu Hai chạy chúi đầu xuống bến sông.Anh bắt bà nhắm mắt và chìa cả hai lòng tay ra phía trước. Một đấu tiền chinh. Bà lạnh người, thì thào:

- Ăn ... ăn cắp à? Đâu ... đâu nhiều tiền thế? 

- Nhặt đấy bầm ạ!

- Ơi giời ơi! Thế sao anh không trả cho người ta , hả? 

- Biết ai mà trả. Thấy tung toé ở chân cây phượng con đặt ghế cắt tóc ấy. Chờ mãi không có ai quay lại tìm. Có khi ông Bụt thương bầm cho đấy. Bầm vẫn bảo dân hàng phố họ kể gốc cây phượng có ông Bụt hay hiện về đêm là gì!

Bà xô đổ cả thúng gạo, vơ quáng quàng được mấy nén nhang và nải chuối, kéo Hai lên dốc, quỳ xuống gốc phượng già vái lạy rối rít:

- Ới giời ơi! Con lạy thánh mớ bái, con lạy ông Bụt phượng ông Bụt cây! Ông thương hai mẹ con cho nhiều tiền quá, sướng quá! Lạy ông phù hộ... Khéo chúng con không phải rúc cái xó trên chợ trấn.

Bà và anh cu Hai mua được cái nhà thật, dù chỉ là cái nhà ọp ẹp. Sướng nhất là phía sau nhà có vườn ổi và mấy cây mít non, phía trước sẵn một cái quán nhỏ và cây ổi tàu đã có hoa bói trắng lắm.

Thế là anh cu Hai có quán cắt tóc đường hoàng, sắm được cả gương và tông-đơ. 

Từ hôm có chỗ ở tươm tất và có quán cắt tóc, anh cu Hai lại đâm ra thích diện, đôi lúc con liếc, ngó ngơ ngơ.

Hai xin mẹ:

- Bầm mua cho con cái áo diềm bâu hai túi thụng, nhá! Màu vải phải nhấn nước củ nâu đầm đậm vào đấy, nhá!

- Giời ơi là giời ... Dễ mà phải lòng đứa nào bầm cuới cho, nhé!

Hai thẹn:

- Bầm cứ là hay đùa.

Bảy năm sau Hai cưới cô Tành.

Cô Tành mười sáu tuổi, người làng Dị cách trấn Hưng già nửa ngày đi bộ và đi đò. Làng có trồng rất nhiều cây sơn ta, sát một cái đầm rất lắm cá và vịt le.

Cô Tành mồ côi, không có anh em. Cô làm nghề quẩy nước mướn cho dân trong trấn. Ở vạ vật lại trấn chứ không về làng Dị.

Cô lành tính, xởi lởi, hay cười, mắt lá răm rất sáng, hàm răng hạt na ruộm đen rưng rức, tóc dài đến khoeo, rất mượt và như có ánh nước. Cô biết đánh vần nhưng không biết viết. Thế mới lạ! Đại để có thể tóm tắt về cô như thế.

Tất nhiên lấy được cô Tành, Hai khoái lắm. Cho dù không có cha, mẹ, anh em, nhưng so về sắc diện thì anh Hai vẫn cứ là đũa mốc.

Bốn năm sau khi đã lấy nhau, cô Tành đẻ luôn một bận cho anh cu Hai hai thằng con trai, rất kháu và bụ. Bà lão như bắt được vàng. Khi hai cu con biết ăn cơm mớm, bà đặt cả vào hai bên quang thúng quảy ra chợ bến sông để lúc nào chúng cũng ở bên bà. Thằng cu ra trước bà đặt tên là Minh. Thằng cu ra sau đặt tên là Sinh. Minh, Sinh nghĩa rất hay nên cô Tành đồng ý ngay với mẹ chồng.

Cô hớn hở:

- Minh là bình minh bầm nhỉ! Còn Sinh là ...là… con còn đẻ cho bầm với cả anh Hai năm đứa liền, cứ là một “ngũ” thằng cu cho bầm và anh Hai sướng, cho nhà mình nó đông vui…


Đang ngóng ra mặt phố, ông lão bỗng cười ngất, nói thành tiếng:

- Chóng thế! Vừa đấy mà giờ già cả rồi.

Ông lão nhặt từ bậc thềm một chiếc hoa ổi.

Hoa ổi tàu trắng muốt và thơm, hương nhẹ tênh thấm đến từng chân tóc.

Trời lạnh như kim châm.

Không có mống khách nào.

Ông bỏ vào nhà sau, vừa đi vừa ho lên khùng khục.

Ảnh sưu tầm


3. 

Những năm năm mươi bảy, đến năm năm mươi chín, trấn Hưng thay đổi rất nhanh.

Có lẽ sự đổi thay của cái trấn nhỏ giáp đầu vùng thượng du này, nhận ra rõ nhất bắt đầu từ việc phá dỡ nền đường trải nhựa của trục lộ chính - con lộ có tuổi đến vài thế kỷ tạo nên hình hài phố thị của Ngũ Môn Thành cổ kính ngày xưa, với khẩu hiệu rất chi nhà binh “Tiến lên chính quy và hiện đại”.

Chả hiểu tại sao cái khẩu hiệu rất nhà binh kia lại được dùng làm khẩu hiệu chính thức mà mấy vị lãnh đạo dân sự lựa và tính toán cho việc phát động, tuyên truyền trong dân tình. Người ta háo hức kẻ nó la liệt trên tường nhà, tường công sở. Nhưng hình như vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn và dân chưa thật thông, nên người ta lại chỉ đạo cho mấy anh thông tin vừa có hoa tay, vừa tốt chữ nghĩa, vừa thừa nhiệt tình kẻ ngang, kẻ chéo lên mấy chục cái nong đại, hoặc mấy cái nia vốn thường chỉ dùng vào việc phơi phóng thóc, ngô, khoai, sắn, đậu, đỗ… rồi dựng lố nhố dưới các hiên nhà dân, ở tường rào, dọc hai ven trục lộ, trong các ngõ xóm. Đóng cả lên những cây nhội cây phượng.Thế là toàn trấn náo nức cái không khí như những thời kỳ phát động “Quyết tâm bài trừ giặc dốt”, “Toàn dân kiên quyết thi đua tham gia bình dân học vụ” hoặc cái thời rất vệ sinh “Muỗi A-nô-phen là kẻ thù số một. Ruồi và nhặng là kẻ thù số hai. Không ăn quả xanh, không uống nước lã” hay “Em ơi rửa nước giếng trong. Rửa nước đục mắt mấy vòng sơn son”.

Vân vân, và vân vân.

Một buổi sáng, dân phố thị gọi nhau dậy rất sớm, đứng rải rác ven con lộ chính, hoặc túm tụm dưới các mái hiên để xem và hoan hô bộ đội của trung đoàn công binh đóng trong khu thành cũ duyệt đội ngũ qua trấn.

Lũ trẻ con sôi nổi nhất. Vì có mấy đứa táo tợn, chui được rào vào trong doanh trại mục kích rồi trở về loan báo:

- Bộ đội công binh rất oách, nhá!  Bộ đội đeo cả súng trường tuốt lê sáng loáng. Sắp duyệt binh qua phố mình rồi.

Đứa thì khoe rối rít:

- Có cả xe tăng. Tao trông thấy bốn chiếc...

Những đứa am hiểu hơn mắng át:

- Ngu! Đấy là xe lội nước bánh xích, không phải xe tăng. Với lại ...tao trông thấy cả xe máy cày.

Anh Dần công an thấy bọn trẻ cãi vã, quát:

- Có im đi không mấy thằng nhóc. Chỉ láo. Bộ đội dùng máy cày để cày ruộng à. Chỉ được cái tuyên truyền không công cho địch. Ông thì nhốt cho chúng mày bỏ mẹ ...

Hàng ngũ của những người lính công binh rất chỉnh tề. Họ còn rất trẻ. Đội hình biểu dương đội ngũ được xếp theo từng đại đội, hàng bốn, nối tiếp nhau bước qua phố thị rất hùng dũng, đầu ngẩng cao, một tay khuỳnh ra giữ chặt quai đeo khẩu súng trường đã dương lê, tay kia vung nhịp nhàng và tăm tắp theo nhịp quân hành, nện gót giầy rầm rập lên mặt đường nhựa, miệng hát vang “Vừng đông ta hửng sáng”.

Khi đoàn quân bộ đã tiến xa lên phía trước, đến lượt hàng chục xe lội nước bánh xích có, bánh hơi có, hàng hai, tiến chầm chậm. Ở các nắp rùa đã mở trên nóc xe có gắn súng máy và có tới ba anh bộ đội lập nghiêm chào dân phố thị. Xe nào cũng cắm cờ đính huân chương lấp lánh. 

Những tưởng trẻ con nói nhảm, nhưng đúng là có máy cày thật. 

Bốn chiếc máy cày có gắn lưỡi gạt ở phía trước, cao lừng lững và được sơn cùng một màu vàng nhạt tiến dè dặt sau cùng. Trên ca-bin cũng được điều khiển bởi những tài lính, nhưng có vẻ như họ già dặn hơn những chiến sĩ trong đội ngũ duyệt binh nhiều.

Bốn chiếc xe được chia ra dọc con lộ và bắt đầu cày, xới. Lưỡi cày thép sáng loáng, vặn vỏ đỗ, găm xuống mặt đường chậm rãi, rồi đột ngột hất tung từng mảnh nhựa lẫn đá cục nghe khô và lạnh. Dưới sức mạnh cơ khí, mặt đường bê tông nhựa lì lợm bao năm đã bị những lưỡi thép lật tung không thương tiếc từng vệt lớn dài.

Dân phố hớn hở kháo:

- Nghe nói mở đường to gấp rưỡi, sẽ trải nhựa của Liên xô và Trung quốc. Nhựa đường của Liên xô và Trung quốc cứ là nhất thế giới! Thôi thì cày mẹ cái đường cũ rích cũng phải. Cái mặt nhựa cũ từ thời Pháp, rặt mùi đế quốc, báu gì.

Công việc thứ hai của “Tiến lên chính quy và hiện đại” là chặt cây.

Trong vòng chưa đầy một tháng, mấy trăm cây nhội và phượng vĩ cổ thụ dọc hai bên lộ được chặt ngổn ngang. Sướng nhất là dân phố thị, tha hồ củi đun. Củi gỗ phượng vĩ vàng ươm, dễ chẻ, phơi nỏ đun cháy lem lém và ít khói. Còn gỗ nhội chắc và quánh cực kỳ, xin được khoanh nào làm thớt là nhất hạng, các bà nội trợ hoặc các tay ba-toa cứ việc thái, chặt cả đời không hỏng.

Sau khi cày tung mặt bê tông nhựa và đốn hết cây, toàn trấn trông cứ như anh con trai đầu trọc bị lột truồng phơi dưới nắng, mưa, trông lạ hoắc và ngang ngược.

Chưa hết. Một năm sau ngày cày đường và chặt cây, người ta lại nhờ bộ đội công binh trải lên mặt đường rặt một thứ đất đỏ lẫn sỏi có bạt ngàn ở vùng đồi sau khu thành cổ. Lúc đầu đi cũng êm ái đáo để vì bộ đội lu mặt đường rất kỹ, nhất là lại làm giúp theo yêu cầu của chính quyền địa phương nên công sức của bộ đội bỏ ra gấp rưỡi bình thường. Nhưng đường đất không thể bền vững lâu dài. Mới chớm mùa mưa thứ hai ai ra đường cũng phải chịu chung cảnh bước hụt bước hẫng, trơn trượt và lép nhép bùn như thể lội trên một dải cháo khổng lồ được nấu bằng một thứ đất thó quánh, dính và đỏ sền sệt.

Thôi thì cái sự chặt cây, mở, phá, hay làm đường, cái sự dỡ tung chỗ nọ, đào bới và san lấp chỗ kia để chứng tỏ sự tài tình nhìn xa trông rộng thì thời nào chả sôi nổi và đâu có gì lạ. Điều đáng nói ở phố thị này là chỉ ngay sau những năm tháng đó không bao lâu, từ đầu đến cuối trấn loang ra úp úp mở mở tin đồn “Cái nhà tay cu Hai tưởng hiền thế mà có vấn đề”.


Các bà ngồi lê đôi mách rỉ tai nhau:

- Mẹ cái thằng ... người thì cóc ca cóc cáy, tưởng là hiền lành chỉ biết suốt ngày bấm tông-đơ tanh tách, ai ngờ lại con cường hào. Nó là nó chơi bài tù mù khi “báo cáo” quê quán với nhà cái anh Dần!

Có bà buông lời góp:

- Em thấy nó như có ý tập hợp đám trẻ con. Nó kể rặt những chuyện tào lao, cổ lỗ, những nơi ma thiêng cùng cốc tận đẩu tận đâu cứ như là chuyện bên nước Tàu! Ai đời đã đến cái tuổi nếu có phúc thì sắp có con dâu mà lại còn bắt hai ông con và tụi lỏi tì trong phố dạy viết chữ. Em ngợ thằng này không phải loại vừa. Ngần ấy tuổi còn học chữ để viết truyền đơn chắc? Chứ không à? ... Cứ là phải cấm tiệt cái đám ranh con không cho tụ tập bén mảng ...

Người thận trọng thì e dè:

- Tôi là tôi không tin. Cứ phải chờ chính quyền có kết luận. Người ta khắc “tình báo” được tất!

Một bà cãi:

- Mỗi người dân là một người công an. Cấp trên đả thông chán vạn ra mà không thuộc à. Thế nó không là con cường hào thì sao bỗng dưng lại có được nhà cửa vườn tược hả? Lại cưới được con Tành “hón” như dân hàng phố. Đích thị nó nói dối về ông cha bà mẹ nó. Các bà cứ chờ đấy mà xem, nhá! Em là cứ kiến nghị mấy ông chính quyền trị cho nó bỏ mẹ, không có thể lơ tơ mơ.

Thôi thì nở rộ các tin đồn bất thành văn.

Những chuyện thêm thắt về quê quán, thân nhân anh Hai Cóc loang nhanh như dịch cúm.


4. 

Tổ công an anh Dần chiếm trọn một gian trong chiếc nhà năm gian lẫn với nhiều bộ phận công tác khác. Tiếng là một tổ, nhưng thực tế chỉ gồm có hai người là anh Dần và anh Đấu. Họ phải lo lắng mọi công việc trên một địa bàn rộng gồm trấn Hưng và trên ngàn hộ dân của xã Trúc nằm bọc phía Tây Bắc trấn. Xã Trúc nằm đấu vào phía các vùng đồi lúp xúp, có chỗ địa thế eo óc, dân tình thuần hậu. Những sự phức tạp làm cho tổ anh Dần bận tâm chủ yếu nảy sinh trong những hành vi có ý phân rẽ giữa trên làng - xã Trúc và dưới phố - trấn Hưng. Một bên sống nhờ vào làm ruộng, làm vườn, nương, còn bên kia gạo mậu dịch, thực phẩm tem phiếu và phân phối. Hơn nữa, sự vất vả của tổ công an anh Dần càng vất hơn bởi các anh chỉ là công an tay mơ, vốn trưởng thành từ du kích, được phân công làm công tác công an chứ chưa được đào tạo chính quy. Anh Dần cũng có lần xin huyện bổ thêm cho một, hai cán bộ nghiệp vụ, nhưng tình hình chung lúc ấy chưa thể đáp ứng, còn nhiều vùng cần người và quan trọng hơn. Do đó, chỉ khi có vụ việc đặc biệt như án mạng, tự tử, hay các vụ xét thấy nghiêm trọng huyện mới cho cán bộ tăng cường.

Căn nhà mà tổ công an anh Dần đóng trụ sở vốn là một căn nhà cũ của tay Ký lục lộ phụ trách cầu đường thời Pháp chiếm. Đầu năm năm mươi tư, gia đình tay ký vội vàng thu vén vào Nam, nên hòa bình, căn nhà này được xung làm công sở. Nhà được xây dựng trên một quả đồi dốc thoai thoải, ở mạn Bắc trấn. Bao quanh nó là cả một rừng nhội cổ thụ tứ mùa vòm lá tối sẫm, âm u một cách bí hiểm, nhưng vẫn gợi cái cảm giác tìm quả để chén đối với lũ con nít. Ngày xưa, tay ký cho xây nhà ở đây vừa để ở, vừa để làm văn phòng. Nhà xây kiểu cách Pháp pha tí chút tân thời tự chế tự nghĩ và tí chút kiểu nhà đình cổ, nên trông rất lạ. Nó cao, to, rộng, lợp ngói ống, tường đá bồi toóc-xi, cửa vòm và cửa tò vò có lắp các khung hoa văn được đúc bằng gang rất bền vững. Người thợ chắc cũng chiều nhỡn quan ông chủ nên đã chế thêm vào mặt hiên trước mấy bức bình, bằng ván, trổ lỗ chỗ chim chóc, sóc, cáo và vô vàn lá nho, dóng trúc rất cầu kỳ. Hơn thế, còn xây uốn bôm-bê các góc mái, lượn và vểnh lên, na ná những đầu đao chỉ thấy ở các mái đình và chùa cổ. 

Có lẽ hình dáng ngôi nhà gây ấn tượng đặc biệt, nên một thời mấy cậu học trường Tây dưới Sơn về nghỉ hè, tặng cho căn nhà tay ký cái tên gọi ngồ ngộ là “nhà An-Nam-mít-tơ-phờ-răng-xê-Ký-lục-lộ”.

Sáng nay, ông Hai Cóc có giấy triệu của công an anh Dần .

Giấy triệu tập ghi “...để bổ sung vào lý lịch chưa đầy đủ của công dân Hai (tức Hai Cóc). Khi nhận được giấy này phải có mặt tại ... hồi giờ ... ngày ...tháng ...năm... Đã ký: Trưởng công an trấn Triệu Đình Dần” Ở lề trái giấy triệu tập còn chua thêm “công dân Hai (Hai Cóc), phải thực thi giấy triệu tập nghiêm lệnh, nếu không sẽ bị dẫn độ”.

Ông Hai lên làm việc với tổ công an anh Dần từ rất sớm vì rất sợ bị “dẫn độ” qua phố thì xấu hổ. Trong lúc chờ đợi, ông bồn chồn ngắm nghía căn nhà công quyền. Ông mân mê rờ mó mấy cái khung gang đúc và những bức bình trổ hoa văn đẹp cầu kỳ. Lại hình như muốn thử độ bền vững của các vật liệu. Ông lấy tay lắc lắc và gõ gõ lên các gióng gang, lên mặt gỗ đã xỉn màu. Ông ươm ướm hai bàn chân mốc trắng và keo cóc của mình lên lớp gạch lát hiên nhà, thích thú:

- Đúng là gạch Tây! Cứ là mát lẹm, thót cả tim.

- Táy máy gì đấy, hả? Tiếng anh Dần quát. Định phá nhà chính quyền hay sao mà lắc với gõ, hả ? Vào trong này, đợi mời chắc…

Ông Hai giật mình phân bua:

- Thưa ... thưa, đâu có dám thế. Tôi ... tôi chỉ ngắm. Đẹp thật đấy, giá được căn nhà nhỏ vững thế này cho cô Tành với cả Minh, Sinh nó ở thì sướng.

Đứng lừng lững ở cửa phòng, anh Dần quay phắt đi vào trong, nói nửa như đùa, nửa như thật:

- Xây mẹ nó một cái, hả! Khó gì ... bảo Tây nó gửi tiền sang, hả? 

Rồi nghiêm giọng:

- Thôi! Bắt đầu làm việc, ngồi xuống kia. Đấu ơi ghi biên bản.

 Anh Đấu vâng rất to, kéo ghế ngồi xuống đầu bàn, loay hoay xếp đặt giấy bút và lọ mực tím, chờ đợi.

Chừng như để tạo thêm ấn tượng cho một công việc quan trọng, đồng thời thị uy, anh Dần chậm rãi bê trong chiếc tủ gỗ kềnh càng đã long cánh, đặt uỵch xuống bàn một chồng lớn sổ sách, hồ sơ gói buộc lằng nhằng, phủ đầy bụi và hắt mùi mông mốc. Chọn lựa một hồi lâu, anh bỗng rút phắt rồi xỉa ra trước mặt ông Hai một tờ giấy chi chít chữ bằng mực tím đã bạc. Tờ giấy đã ố vàng, lại cộng vào đó là nhiều vết mực lem nhem trông càng cũ và đầy vẻ bí ẩn.

Anh Dần kéo một hơi thuốc lào, nhả khói mù mịt, nhắc Đấu ghi chép rồi hỏi dồn dập:

- Ông Hai, ông có biết vì sao cho gọi ông không?

- Không, hả? Lý lịch! Vì lý lịch không rõ ràng, hiểu không?

- Không biết giấy này ghi gì? Hứ, chóng quên nhỉ, giấy ghi lời khai của “vị” ngày hòa bình trong hồ sơ công an đấy, nhớ ra chưa, rồi hả? Dấu điểm chỉ của “vị” đây, không sai, hả, chả lẽ của ma …

Thế là chỉ bởi cái lý lịch chết tiệt với mấy dòng chết tiệt ông không thể khai báo đầy đủ vào hồ sơ rằng bố, mẹ tên gì, họ gì, ở đâu, làm gì, theo địch hay theo ta, bằng chứng vân vân, ông Hai bị anh Dần xoay đi, xoay lại liên tục trong bốn ngày, đủ mỗi ngày tám giờ vàng ngọc.

- Quê? Không biết? Giỏi. Họ và tên cha, mẹ? Không biết nốt à? Giỏi. Thế chắc cùng quê Ngọc Hoàng! Không làm gì cho địch, tốt. Chịu không nhớ được hay là không muốn nhớ? Thế là nứt ra từ đất chắc. Thế là em trai Tôn Ngộ Không, hả!

Hỏi đi, hỏi lại, ông Hai vẫn chỉ kể được láng máng cái đận bà lão răng đen mẹ nuôi cứu sống. Nếu có nhớ chăng, ông cũng chỉ nhớ khi ấy ông đã chạy, chạy thục mạng. Cháy dữ lắm. Mấy bụi tre tươi cũng cháy. Và khát. Thế thôi. Còn là chịu.

Anh Dần lúc quát tướng lên, lúc thì có ý dỗ dành:

- Ông là ngu bỏ mẹ! Thế ông khai thật thì đây ăn thịt ông à. Thì …nếu gia đình ông làm gì cho địch, cứ khai mẹ nó ra. Làm rắm gì có lắm nhà giam mà bỏ tù cơ chứ, hả, lại hòa bình đến cả chục năm rồi, hả! Ông khai thật có phải được tiếng là người thật thà? Khai thật cho xong mẹ nó đi, cứ hót mãi một bài mù mờ như thế tôi biết ghi hồ sơ thế nào. Ông “cụ thể” xong, tôi ghi cho vài dòng thân ái, thế là hết ý, hả. Không sướng hơn cứ bị tạm giam và ghi vào lý lịch là còn có điểm đáng ngờ à? Tóc trên đầu sắp đủ hai thứ rồi mà ngu bỏ mẹ.

- Nhưng, thưa …tôi đã khai tình thực và chỉ nhớ có vậy. Ông không tin, sao ngày bầm nuôi tôi còn sống ông không hỏi ạ?

- Á …à… hỏi mẹ nuôi? Hỏi cái bà lão bán gạo xổi mẹ nuôi ông á? Này … ông... ra lệnh cho đây chắc? dạy nghiệp vụ cho đây chắc? Chỉ bố láo lý toét…

Anh Đấu che miệng cười.

Anh Dần quay sang Đấu, cáu tiết:

- Này, thôi nhá, xin ông tịt ngay cái vở ấy đi, nhá! Rồi quay lại chỉ mặt ông Hai: - Tôi cảnh cáo ông. Dần này gặp khối thằng lợm bằng mấy mà chưa chịu để cho ai qua mặt bao giờ, nhá. Dối trá đừng có trách …Đây là có quyền gô cổ tắp tự.

Nhưng rồi cũng không gô cổ tắp tự được ai như lời đe của anh Dần. Bực thật. Bốn ngày cũng chả có điều gi mới. Anh Dần cho ông Hai về rồi ngao ngán lắc đầu bảo anh Đấu:

- Thôi, “bố” ghi vào là thành phần còn để tra cứu. Hồ sơ nhân thân không rõ. Họ Nguyễn cũng do bà mẹ nuôi đã chết, đặt. Xin tạm gác. Kính chuyển cấp trên chỉ đạo hoặc chờ tra cứu. Viết đi rồi tôi ký.

- Tiên sư mấy thằng vớ va vớ vẩn, chỉ làm cho tình hình thêm phức tạp. Ông mà mò ra được nhà nó có đứa theo Tây, ông là cứ trị bù cho bỏ mẹ …

Đấu e dè:

- Ghi thế có phiền cho người ta không hả thủ trưởng? Em thấy nhà cái ông này cũng hiền, hay…

Anh Dần càng cáu:

- Thôi đi, xin “bố”! “Bố” là mất lập trường cách mạng. Thế ngộ nhỡ nó gián điệp ngầm thì sao, hả? Hôm nọ phim Liên Xô phim Trung Quốc nó chiếu mấy cái bộ gì có thằng gián điệp nằm vùng, chả hiền à? Này, liệu mà giữ lấy lập trường tư tưởng đấy. Công an công pháo mà như “bố,động tí là thương, là xót, có mà loạn.

Rồi như quên ngay, anh Dần ư ử hát “Vui liên hoan, bên lửa hồng bốc cháy …”

Đấu tặc lưỡi: 

- Thì ghi. Chả mất gì của đằng này! 



Tháng chạp năm Bính Ngọ trời bỗng rét khủng khiếp.

Cả một vùng trung du rộng lớn cây cối bị sương muối táp hết lá. Những cây mơ, cây đào cữ này mọi năm đã lác đác hoa, nhưng năm nay nụ vẫn hoàn nụ. Rừng nhội trên khu đồi có cái nhà ông ký xưa lá trút vàng như suối cả triền dốc. Cái thứ cây bất chấp thời tiết như cây nhội mà cũng rũ rượi hàng lớp, hàng lớp lá vàng chờ lìa nốt thì đủ biết tiết đại hàn năm nay chỉ báo một màu buồn.

Trấn Hưng vãn dần nam thanh nữ tú vì tình hình chiến sự mấy năm qua ngày càng ác liệt. Ở miền Nam, nóng bỏng tin những trận giao chiến lớn giữa Quân giải phóng và lính Mỹ. Miền Bắc thì coi như gần hết năm thứ hai không lực Mỹ bắn phá. Đã có lần máy bay Mỹ bị trận địa phía Nhà máy su - pe Lân bên kia sông bắn rát, vọt qua trấn Hưng, quăng vung vãi bom tháo chạy, làm cho trấn Hưng càng vắng bóng người. Hầu hết dân đã sơ tán trong những vùng đồi.

Gia đình ông Hai thì vẫn ở lại trấn. Ông vẫn cọc cạch cắt tóc. Nhiều ngày không có lấy mống khách. Đôi khi, bỏ tông - đơ, kéo, lược vào chiếc hòm gỗ nhỏ, ông lọ mọ cuốc bộ dăm bẩy cây số vào khu sơ tán cắt tóc cho bọn trẻ. Chúng rất mến ông. Và ông cũng không thể thiếu chúng.

Cũng bởi lũ trẻ phải theo gia đình đi sơ tán xa nên ổi tàu, ổi mỡ, ổi đào trong khu vườn nhà ông chín rũ ra không ai buồn hái. Xưa nay, kể cả khi bà lão mẹ nuôi ông còn sống, vợ chồng ông chưa bán cho ai một đồng hào loại quả này. Có lẽ số phận của gia đình ông, kể cả bà Tành vẹt khuyết tuổi thơ nên tất cả đều quý và chiều lũ trẻ. Có ai bảo ông ngu, bán ổi cũng được khối tiền, ông chỉ cười cười không giải thích.


Ngày hai, tháng Chạp, dân từ các vùng đồi tụ về một đêm trong trấn làm lễ truy điệu anh Dần. Anh Dần có giấy báo tử ở mặt trận Xiêng - Khoảng. Anh thuộc lớp đầu tham gia chống Mỹ của trấn. Anh Đấu cũng vào chiến trường một năm sau anh Dần. Hàng loạt đứa trẻ phơi phới tuổi mười bẩy, mười tám, đã có thời quấn quanh nghe những chuyện tào lao của ông Hai, cũng lần lượt lên đường cả.

Từ chỗ truy điệu về, ông Hai nói với vợ:

- Anh Dần hy sinh rồi, tội quá! Bà mẹ anh ấy già rồi, chỉ còn trông cậy vào cô con dâu và đứa con gái lấy chồng dưới Sơn, chả biết sẽ sống thế nào!

Ông thở dài:

- Anh Dần cũng đi, cậu Đấu cũng đi, Dần thì chết rồi, cái nhà công an trấn cháy rụi vụ bom năm ngoái, mấy ông mới về mình chả dám hỏi gì, chả biết rồi ai điều tra cho cái lý lịch của mình đây.

Bà Tành thấy chồng buồn và già xọm hẳn đi, an ủi:

- Ông cứ lẩn thẩn lo con bò trắng răng

Mà ông lo cũng phải. Anh Minh, anh Sinh bị cái lý lịch còn chờ tra cứu không xin được việc làm. Đã có lần cả Minh và Sinh bấu víu vào vào những cán bộ quân đội về trấn tuyển quân, van vỉ:

- Cho chúng em đi bộ đội với, chúng em hứa…

Vị chỉ huy đơn vị tuyển quân nói lảng:

- Thôi được, được, đợt sau chúng tớ tuyển, nhá! Cứ yên tâm công tác địa phương, còn khối đợt.

Nhiều đợt vẫn vậy. Minh cáu:

- Không cho tôi đi thì tôi cắt tóc, thầy ạ. Tôi cần đếch gì. Cắt tóc càng truyền thống.

Những lần thất vọng, anh Sinh chỉ nhìn xa xôi và thở dài thườn thượt làm ông Hai thêm não lòng. Giá bà cụ mẹ nuôi còn sống, chắc đã có cách dỗ dành chúng. Ông thì chả biết giải thích thế nào. Bà Tành cũng vậy.



Ông Hai chết ngày hai mươi chín tháng Chạp.

BàTành thấy ông đổ vật trong vườn. Rá ổi hái mót ông định nhờ người gửi thầy giáo Phát chia cho đám trẻ đổ tung tóe.

Bà lao ra vườn gào thất thanh:

- Thày chết mất, Minh ơi, Sinh ơi… Ba hồn bảy vía ông Hai ơi là ông Hai ơi…

Ông khách đang cắt tóc ngoài quán trước nhà cùng Minh, Sinh chạy xô ra vườn vực ông Hai vào nhà. Mọi người quýnh quáng xức dầu, bóp rượu và gọi tên ông, lay ông, nhưng ông cứ thiêm thiếp.

Ông khách bình tĩnh hơn cả vừa lay gọi, vừa hỏi ông:

- Ông phải dặn con cháu điều gì chứ, ông ơi, ông nói đi chứ, có nghe tôi gọi không… 

Tự dưng ông lão cười, cái cười ngây ngô và đã dài dại:

- Có… chỉ ước ba điều thôi...

Minh và Sinh khóc:

- Thày ước gì thày nói đi thày ơi… hu… hu…

Bà Tành khóc ngất, nói chập chờn:

- Xem thày dặn gì hai con ơi… ông ơi là ông ơi…

Chừng chợt tỉnh dù chỉ một khoảng khắc nhỏ, ông Hai nói rành rẽ:

- Thày ước đừng để cho bầm các con khổ!

- Vâng, vâng! Cả Minh và Sinh gạt nước mắt. Chúng con nhớ lời.

- Thày ước và mong các con phải xây được mộ cho bà nội, mẹ nuôi của thày.

- Vâng, vâng, thày nói tiếp đi, thày ơi…

Bỗng ông lão nhổm dậy nhìn trừng trừng ra vườn, nhìn khắp mọi người, mọi vật trong nhà, lại ngoái nhìn cái quán cắt tóc có cây ổi tầu giờ đã già chả còn mấy lá và quả, nói lớn:

- Thôi, thế cũng đời người, sống đến bây giờ là may… Giá như trên đời này người ta cứ vui và tử tế như con trẻ, nhỉ… Hãy tìm…

Ông thở hắt ra, đầu gặt nhẹ xuống vai ông khách lạ. Lúc ấy khoảng giờ Mùi ngày tận cùng tháng Chạp.


*

Gần ba mươi năm sau ngày ông Hai chết, tôi mới có dịp về quê, về trấn Hưng.

Trấn Hưng giờ nhiều đổi thay. Khu chợ trấn ngày xưa nơi bà lão răng đen và anh cu Hai tá túc lúc chưa bắt được món tiền, nay đã mọc lên nhà Bưu điện Huyện hai tầng quét vôi xanh xanh đỏ đỏ. Đường phố thì vẫn thế. Vẫn con đường đất đỏ, ngày nắng bụi mù, ngày mưa lõng bõng bùn nước như cháo đất. Khu đồi nhà ông Kí lục lộ ngày xưa không còn bóng dáng một cây nhội nào. Đồi ấy đã xây mười mấy ngôi nhà mái bằng, mái chồng, to nhỏ đủ kiểu, của các cơ quan huyện. Tôi có ý tìm căn nhà đã từng là trụ sở công an anh Dần, nhưng đến dấu gạch dấu đá cũng không còn.

Thấy phố giờ lạ hẳn, phố đông hơn, nhà cửa quán xá nhiều, chen chúc, tôi hỏi đứa cháu gái dẫn tôi đi thăm phố:

- Có biết nhà ông Hai cắt tóc ở đây không?

Cháu cười, lắc đầu, rồi hỏi lại:

- Có phải nhà ông cụ cậu cõng cháu sang xin ổi không? Chả còn ai ở đấy đâu cậu ạ. Bây giờ chỗ ấy là quán sửa chữa và bán xe của người nơi khác đến. Quán to nhất phố.

Tôi ngó trân trân vào cái quán sửa chữa và bán xe. Đúng hơn nó là một cái cửa hàng lớn mà cháu tôi chỉ. Tay chủ thấy tôi có vẻ đáng ngờ, chắc thế, nên hỏi rất ít thiện chí:

- Gì đấy, ‘bố”?

Tôi lắc đầu, bỏ đi.

Tay chủ rủa:

- Tiên sư cái thằng, hỏi thế mà câm!

Cháu gái tôi cười:

- Tại cậu cứ đi biền biệt chẳng chịu về quê, nên họ lạ.

Bất ngờ nhất mấy ngày thăm quê, tôi gặp ông Đấu người cùng tổ công an anh Dần thuở nào. Khi nhận ra tôi, ông Đấu khoái quá, lắc lắc vỗ vỗ vào vai tôi, rối rít:

- Chết, chết thật… Thế chú mày vẫn sống đấy à? Hòa bình thống nhất cả mấy mươi năm mới về. Rõ chán quá. Vẫn bộ đội à? Không à? Ra rồi à? Bị thương ở đâu? Còn được, chắc phết, nhẩy? Có người đồn chú làm nghề viết lách? Rõ vớ vẩn. Thế có đúng không? Đúng à? Sao không đi buôn, hả? Thời mở cửa, phi thương là bất phú đấy, nhá!

- Tôi á? Chả có gì đáng kể. Tôi phục viên trước cả bảy lăm cơ, bị thương ở bụng, tí thì toi!

- Ông Hai nào? Á… à… cái lão cắt tóc nhà có cây ổi tầu trước chợ cũ lý lịch không rõ ràng chứ gì. Chết từ đời nảo đời nào. Chuyện của lão ta bằng cái móng tay, ghi chép cái đếch, vẽ!

Khi hỏi ông về anh Minh và bà cụ Tành. Ông kể. Thằng Minh đưa bà Tành đi khai hoang tít trên Yên Lập, bên kia sông Vèo ấy. Thỉnh thoảng cũng thấy bảo nó có về thăm mồ mả bà cụ mẹ nuôi ông lão và mộ ông lão. Thằng Sinh không chịu đi khai hoang với mẹ và anh nó. Nó như cái thằng khùng, chả biết bỏ đi đâu, lâu lắm rồi, bố ai mà nhớ chứ.

Tôi kể cho ông nghe, năm trước tôi có gặp anh Sinh ở Sài Gòn. Quần áo cũ, xộc xệch, nhưng sạch sẽ như ngày xưa, vẫn nhận ra được. Anh ấy chựng lại một tí, nhưng cũng nhận ngay ra tôi và mừng lắm. Tôi có cho anh Sinh mấy chục ngàn nhưng anh dứt khoát từ chối. 

Mắt ông Đấu sang lên: 

- Ới giời! Thế nó vẫn sống à? Lạ thật , nhỉ! Thế nó nói gì?

Tôi kể rằng anh ấy đã nói: Việc nuôi mẹ anh ấy đã phân công anh Minh. Sau khi xây được mộ bà nội, anh ấy đi tìm điều ước thứ ba theo trăn trối của ông cụ. Anh Sinh còn nói là, vùng Tây Nguyên chưa qua. Biết đâu chốn ấy có lũ trẻ con hoặc giống người sinh ra rặt một lũ trẻ con vô tư, hồn nhiên, anh sẽ xin về làm giống, gieo như gieo ổi cho quê hương nó đổi khác.

Ông Đấu nghe xong cười rũ ra:

- Lại thế nữa kia đấy! Mẹ cái thằng, thế là nó loạn óc.

Ông bất ngờ, hỏi:

- Thế anh định viết lại mọi sự, thật hay nói vui?

Tôi gật đầu xác nhận.

Ông Đấu nhìn trừng trừng vào mắt tôi, rồi khoát tay bỏ đi, nói như đóng đinh:

- Rặt một lũ điên!


Ngày thăm lại quê,10.1996