Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Trần Hoàng Vy bình "Đêm nghe gió qua vườn" trên vuthanhhoa.net và những trao đổi của bạn đọc

Nhà thơ Trần Hoàng Vy

Nhà thơ Trần Hoàng Vy, tên khai sinh: Trần Vĩnh. Quê Bình Sơn, Quảng Ngãi. Hiện sống và làm việc tại Gò Dầu, Tây Ninh. Ông là tác giả của các tập sách: Ca dao mẹ, Ngủ giữa vườn chim, Miền thơ ấu, Thơ gửi tuổi 17, Chuyện cổ tích gửi cho bé Sao, Đồi cỏ hát, Thằng Thu đảo nhím, Mùa nấm mới, Bóng nhớ, Chớp mắt rồi cười, Tự khúc +, Cầm nhặt tri âm.
Ngày 13/11/2012 trang vuthanhhoa.net đăng lời bình của nhà thơ Trần Hoàng Vy với bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn". Nhiều ý kiến, trao đổi, hoặc cảm xúc của bạn văn và bạn đọc sau lời bình.
Trân trọng gửi tới Quý độc giả!
Hoàng Quý


Đêm nghe gió qua vườn
                       HOÀNG QUÝ

Ảnh sưu tầm

Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai

Đêm nghe gió qua vườn
Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã
Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?

Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những – hy- vọng – rưng – rưng – xác – lá
Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!

Thì mùa thu dường thong thả mở lòng
Đêm hé cửa nghe qua vườn gió thổi
Ta hứa về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy
Nhắc những lời hoa rụng một ban mai…


05/ 11/ 2011


LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ TRẦN HOÀNG VY:

Đọc thơ Hoàng Quý, nhất là những bài viết về Hà Nội, viết về Mùa thu mà tiêu biểu là bài thơ “Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm” tôi rất thích. Một hồn thơ mang mang, man mác sương khói song lại gây dấu ấn thẩm mỹ khá đặc biệt. Theo đánh giá của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Thơ Hoàng Quý là “ Thơ trữ tình – thế sự” và được viết bởi một cây viết có tài năng đích thực!


Ảnh sưu tầm
“Đêm nghe gió qua vườn” cũng lại là một bài thơ Trữ tình – thế sự, mang cái phong vị và hơi thở của người Hà Nội. Song không có cái không khí của Hà Nội trong thơ, mà dường như cái không gian - ký - ức - kỷ - niệm lại nằm ở một không gian khác. Đó là một vùng quê, có thể là vùng quê Hưng Hóa, Tam Nông quê của Hoàng Quý. Bởi “cây gạo quen”, “khúc sông gầy”, nơi chứng kiến “ Ta đã đi không chút e dè ” thì khác xa với khung cảnh Hà Nội lắm.

Bài thơ 29 câu, chia làm 4 khổ đầy ắp tâm trạng của người xa quê. Ta hãy nghe Hoàng Quý tâm sự: “Có thể rồi ta sẽ về thăm lại/ Cây gạo quen/ Và khúc sông gầy/ Và có thể trên lối chìm hoa cỏ/ Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai”. “ Có thể” một mong ước còn lắm những lấp lững, băn khoăn chưa thể khẳng định. Nhưng thể hiện ý chí quyết tâm của tác giả khi muốn “Về thăm lại” nơi ghi dấu kỷ niệm một thời trai trẻ. Cây gạo, khúc sông chưa phải là điều tác giả mong gặp hoặc tìm kiếm. Mà chủ ý là “Cái bông rụng dưới gai”, một hình ảnh lãng mạn rớm sự nhói đau? Mà sao lại là “bông” mà không phải là hoa? Phải chăng để phân biệt cánh hoa gạo giống như cái chuông đỏ, khi rụng, để lại trái gạo, khi trái già, tự tách bung ra, và bông trong trái bay ra trắng tinh, từng cụm từng cụm rất đẹp. Thêm một tinh tế mà Hoàng Quý đã nhìn thấu: Gai của thân cây gạo nhọn sắc, những chiếc bông rụng “về cội” nhiều khi phải tự cắm vào thân gai. Đau lắm!


Tôi hiểu, chỉ có trái tim của người thi sĩ, mới cảm nhận hết được “ Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã/ Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về/ Đêm nhoi nhói/ Nghe đời thay máu/ Có bao người nghe gió trong khuya?”. Một cảm nhận bằng tất cả các giác quan, chắt lọc để có được những câu thơ hay! Những câu thơ theo tôi là rất mới, nhưng cũng rất “cổ điển” mà người ta quen gọi là “Tân cổ điển”. Cây thở, thổi tê hơi, hạc trắng bay về là những thi ảnh cồn lên bao xúc cảm, như khi ta thưởng lãm một bức họa cổ phương Đông. Và cái điều tác giả muốn trang trải, giải bày đã lồ lộ đây rồi, khi hàng lọat điệp từ “ phía trước “ được tác giả đưa vào thơ như những cái chấm của bút lông, dứt khóat, nhưng vẫn còn những sớ mực run rẩy, vương vướng. Phía trước đấy là gì? Là “con đường gió chướng” là “ Những - hy- vọng- rưng- rưng - xác - lá/ Chết - tưng- bừng - như - máu - hôm - qua”. Ẩn ức, ẩn tình, ẩn hiện chìm nổi trong từng con chữ được cố tình ngăn bởi dấu “gạch nối”, ghi cái điều khó nói, chỉ được phép gợi mà không tả, cũng giống “Kinh Kha qua sông Dịch”, và khí vị của “Thâm Tâm” khi “Đưa người ta không đưa sang sông”, bởi “Ai như ta/ Ai đã là ta/ Chao ôi đời nến sáp/ Ta đấy à, hay chưa từng ta!”. Giang hồ, hào sảng, khí phách và cả nghi ngại…trộn lẫn làm thành câu thơ khí thế của những cao nhân nhập đạo, chợt một hôm tự hỏi?


Lại là “lời hứa” của thi nhân, khi “Mùa thu dường thong thả mở lòng” để “ Đêm hé cửa nghe qua vườn gió thổi”, lòng nhủ thầm “ Ta hứa về thăm lại/ Cây gạo quen/ Và khúc sông gầy”. Bài thơ mở ra một khung cảnh của tương lai: “ Và có thể lối chìm hoa cỏ ấy/ Nhắc những lời hoa rụng một ban mai…”. Vô tình hay cố ý, câu thơ cuối lại là “hoa rụng”, không phải “ bông rụng”, mà hoa rụng với “ban mai” cảnh tình bừng sáng màu đỏ hồng của mặt trời của sắc hoa gạo. Tôi lại liên tưởng đến cái cười rạng rỡ của Hoàng Quý, mỗi khi anh kết thúc một câu chuyện…dài!


Có lẽ cũng cần nói thêm một chút về những kỳ công dụng từ trong bài thơ của Hoàng Quý để làm nên nhịp điệu và nhạc tính của bài thơ. 2 lần cụm từ “Lối chìm hoa cỏ”,3 lần sử dụng từ “Có thể”, “ Phía trước”, 4 lần từ “”, và 8 lần từ “Ta”. Liên từ “” là từ khó sử dụng, nếu đặt không đúng chỗ bài thơ sẽ lủng củng, nặng nề. Đại từ “ta” chỉ cái tôi của thi sĩ, là nhân vật trữ tình trong thơ, khó biến ảo và thường khô cứng, vậy mà Hoàng Qúy đã sử dụng linh họat, tài tình. Các từ “Lối chìm hoa cỏ”, “Rụng dưới thân gai” “Hạc trắng bay về” “Con đường chướng gió”, “Hoa rụng một ban mai” vừa có cũ, vừa có mới. Cái tài tình là đã xâu chuổi những hình ảnh để dựng nên một bài thơ đầy tâm trạng nhưng cũng rất nhân văn. Bài thơ Hay có lẽ chính là nhờ những dụng công ngôn ngữ tài tình ấy?…


12/ 11/ 2012

T. H. V
Ảnh sưu tầm

NHỮNG Ý KIẾN, TRAO ĐỔI SAU LỜI BÌNH
"Đêm nghe gió qua vườn" trên vuthanhhoa.net:


1. Nguyễn Du Tử nói:

Đọc đi rồi đọc lại, bài thơ “Đêm nghe gió qua vườn” ám ảnh và tinh diệu quá. Lời bình cũng chia sẻ được nhiều điều, gợi mở cái tinh túy của nghệ thuật Hoàng Quý. Tôi đã đọc nhiều bài thơ của ông. Ông là nhà thơ luôn tinh túy về chữ, rất tài tình dụng và chọn chữ. Thơ ông rất mới và mới hài hòa trên nền cổ điển tinh túy. Cá nhân tôi đặt “Đêm nghe gió qua vườn” trong kho tàng văn học tinh hoa cùng với “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Chiều” của Hồ Zếnh… và một số bài thơ khác.
Cám ơn bạn Vũ Thanh Hoa đã tặng bạn đọc một tuyệt tác của nhà thơ Hoàng Quý cùng lời bình hay, nhiều gợi nghĩ của Trần Hoàng Vy! Tuy nhiên, bạn Hoa cần nghiên cứu lại phần kĩ thuật của web để khi chuyển tải các tác phẩm, các chuyển đoạn được chính xác. Tôi vào web Trần Hoàng Vy thấy các khổ thơ được ngắt đoạn chính xác. Bài thơ chia khổ mà thiếu sự ngắt nghỉ cần thiết, người đọc khó nhận biết hiệu ứng của nhạc tính và sự ngắt nghỉ cần thiết mà tác giả chủ trương.

2. Phụng Yên nói:

Tiếng cây thở nói rắng thu chắc đã/ Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về”, “Những – hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá/ Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua”, ” Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy/ Nhắc những lời hoa rụng một ban mai”… Những câu thơ tuyệt kỹ, một tuyệt thi, một thi phẩm toàn bích!
Lời bình của nhà thơ Trần Hoàng Vy chắc chắn, gợi nhiều chia sẻ tinh tế. Tôi thích cái đoạn anh Vy viết về con chữ được “cố tình ngăn bởi dấu “gạch nối”, ghi cái điều khó nói, chỉ được phép gợi mà không tả”. Những hy vong rưng rưng xác lá, và/ để/ được… Chết tưng bừng như máu hôm qua thì… chỉ còn biết thở dài…chứ biết nói sao đây!

3. Diệu Linh nói:

Tôi chỉ biết nói rằng bài thơ này là một tuyệt tác!
Cám ơn Trần Hoàng Vy!
Cám ơn Vũ Thanh Hoa!

4. Huỳnh Mẫn Đạt nói:

Thi ảnh tài tình, Thi tứ hoàn hảo, Thi tâm thanh cao, Ngôn ngữ trác việt, Nhạc điệu tiêu dao. Thật tài hoa và mẫn tiệp. Càng đọc càng thấm cái nỗi người, nỗi đời mà thi sĩ gửi trong thông điệp của ông!

5. Nguyên Bình nói:

Từ com trao đổi của Du Tử, tôi vào web Trần Hoàng Vy (tác giả lời bình) đọc bài thơ với 4 khổ, 29 câu. Quả là khi post bài đúng với chủ ý ngắt khổ của tác giả tạo hiệu ứng lắng đọng hơn, sâu hơn khi đọc.
“Đêm nghe gió qua vườn ” quả là một thi phẩm tuyệt hay. Đánh giá là tuyệt tác cũng là minh chính. Bài thơ Hay từng chữ, hay từng câu, hay toàn bài. Bài thơ viết tưởng chừng không cần dụng công. “Nó” là thứ thơ đọc xong không còn chữ, chỉ dư ba dịu dàng găm lại. Thứ thơ ấy phải là của bậc tài nhân. Thứ thơ ấy chỉ kết tinh rồi thăng hoa từ những vui, buồn sống được nghiêm cẩn chiêm nghiệm sau năm tháng từng trải. Thứ thơ ấy thực chỉ sinh ra từ một nội lực rất mạnh, từ một trái tim ấm áp, mẫn cảm, từ một tâm hồn rất trong. Khi đọc hai câu: “Những – hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá/ Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua”, bỗng thấy rùng mình, bỗng thấy hiện hình cả một thời đại đã và đang qua, vui sướng, hy vọng, khổ đau và… cũng quá nhiều chua xót. Và hai câu kết: “Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy/ Nhắc những lời hoa rụng một ban mai” thật là thanh thản, thật là thanh cao. Bài thơ chan chứa cảm xúc, tao nhã, sang trọng và tràn đầy mỹ cảm!
Cám ơn web Vũ Thanh Hoa và Trần Hoàng Vy đã giới thiệu và tặng bạn đọc món quà văn quý giá!
(TB: Thưa chị Hoa, tôi là một bạn đọc hay đọc web của chị. Chị có bài thơ “Cuối năm dọn nhà” rất, rất hay!)

6. Lữ Trang Nguyên nói:

Thơ của cái ông thi sĩ này là rất ghê gớm!
Đây nhé: “Chỉ cánh chúng ta chẳng nghĩ lo nhiều/ Đi vào chiến tranh như đi chợ/ Cứ như không cánh ta chợ rất là buồn”. Hoặc là: “Khi chiến tranh đi qua cái nhớ, cái quên/ Cái nhớ đã làm duyên, cái quên không cả thẹn/ Cái nhớ, cái quên cô độc trên đời/ Như không nói ra thì không tiện, thế thôi!”. Hay: “Ôi nhân dân tôi! Nhân dân cô đơn, nhân dân khiêm cung/ Kham nhẫn và dịu dàng/ Người là nước mà luôn thiếu khát/ Người như lúa khắp ruộng nương nước Việt/ Những hạt lúa dại vụng/ Ấm và xót/ Ngoi trên nắng/ Dạt trên nước/ Xác cháy trên tay chai/ Xướp ráp tận ruột/ Lấm láp và tinh tươm/ Thơm tho sen súng/ Giấc mê mẩn người/ Thảng như ca dao/ Xum xuê như cổ tích”… Cứ nhẩn nha trích thì… bao la.
Và ở “Đêm nghe gió qua vườn” vón xót đến độ: “Những – hy – vọng – rưng – rưng- xác – lá/ Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua”, thì… Lữ Trang Nguyên xin thành tâm nói lời cảm kính!
Sao cứ phóng ngôn la lối thơ bây giờ thiếu dũng. Sao cứ phóng ngôn kêu mất mùa thơ hay. Nói thế là nói bừa. Nói thế là nói ẩu. Thơ hay, thơ vàng ròng đâu dễ nhiều như… cát!…

7. Khánh Hoài nói:

Lời bình uyển chuyển. Đoạn bình hai câu thơ có gạch nối rất khéo. Chi tiết bình “bông” ở khổ thơ đầu và “hoa” ở câu kết ý tứ.
“Đêm nghe gió qua vườn” quả là một bài thơ quá hay!

8. Phạm Phương nói:

Thơ Hoàng Quý không trộn vào đâu được. Thơ anh có giọng điệu rất riêng, nhạc điệu uyển chuyển, tứ thơ vững chãi, thi ảnh tài tình, ngôn ngữ tinh diệu, mĩ cảm tràn đầy!
Tôi đã đọc thơ anh kể từ tập”Ngang qua cánh đồng”. Dấu ấn anh in đậm ở tập thơ này là một giọng điệu như thác mà vẫn thanh trong, rất riêng, vạm vỡ, ăm ắp cảm xúc, nhiều bài ngôn ngữ ảo diệu, đầy suy nghĩ và giấu đâu đó một nụ cười buồn.
Đã rất lâu không thấy anh xuất hiện trên báo Văn. Thấy trống vắng một thi tài thực sự tài vì những tưởng anh đã âm thầm gác bút sau “Đối thoại trắng” dữ dội, quyết liệt và khác thường, gác bút trước thế sự bặm trợn, trước văn đàn nhiều nhiễu loạn. Nhưng, bỗng đọc được “Đêm nghe gió qua vườn” kèm lời bình nhiều nghĩ ngợi của nhà thơ Trần Hoàng Vy. Chợt nhận ra vẫn chan chứa và tỏa sáng một Hoàng Quý với thứ thơ sang trọng, uyển nhã, uyên ảo, tinh tế mà nội hàm đậm đặc, lực bút thâm hậu và khoảng vọng rưng rưng của tư tưởng.
“Đêm nghe gió qua vườn” thật hay, đầy tâm trạng, sang trọng, toàn bích và… như cố gìm một tiếng thở dài, một tiếng thở dài rất nhe, rất tao nhã, rất Hoàng Quý!
Mong rằng anh còn tặng bạn đọc những bài thơ đặc sắc!

9. Lê Kim nói:

Hoàng Quý tính trầm, cảm giác tiếp xúc lúc đầu tưởng như ít cởi mở!
Thơ Hoàng Quý rất nhiều bài đặc sắc. Nhà thơ Trần Hoàng Vy có nhắc nhớ “Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm”, một bài thơ sánh ngang hàng các bài thơ bậc nhất, viết về Hà Nội.
Xin phép chị Vũ Thanh Hoa được chép góp một bài thơ ngắn khác, một bài thơ tình rất khác thường, rất Hoàng Quý, theo tôi là rất đặc biệt. Đó là bài “Có Những Lúc”:

Có những lúc
Lòng khô đá
Con chim bay, bay qua khung ngỏ
Hót một tiếng không

Có những lúc
Gió, và mưa dội xiết ở bên lòng
Thèm một câu đầm đìa lá cỏ
Em! Ồ em, em có biết chăng
Nỗi câu thúc áo cơm buồn bã

Em – con chim nhỏ của tôi cánh không ngơi nghỉ
Một đời chiu chít bên tôi
Có những lúc
Tôi bỏ mặc tiếng chim rồi thiếp ngủ
Mơ cơn mơ ích kỷ, quên đời…

Nhưng dẫu thế hỡi chim yêu quý
Em vẫn đi về chở nắng cho tôi!

Chúc web Vũ Thanh Hoa mang đến cho bạn đọc nhiếu tác phẩm của các văn tài!

10. Vi Tiến Sơn nói:

Những – hy – vọng – rưng – rưng – xác – lá/ Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua”. Câu thơ bùng cháy, chất chứa và đớn đau. Câu thơ hay đến kinh ngạc!
Chợt nhớ Plato – Nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại từng viết: “Thi ca còn gần với sự thật sinh động hơn cả lịch sử”.
Chính xác và thấm thía!

11. Nguyễn Nhuận Hồng Phương nói:

Nguyễn Nhuận Hồng Phương nghĩ và nói:
Định viết một cái gì đấy về “Đêm nghe gió qua vườn” Nhưng khốn nỗi, đọc xong Bài bình của Nhà thơ Trần Hoàng Vy bỗng tịt ngắc. Bài bình viết quá hay, chân thành và trọng chữ. Tôi chợt nhớ điển tích xưa, kể về tình ái hữu giữa Bá Nha và Tử Kỳ, hiểu nhau qua cung đàn nốt nhạc. Nhà thơ thực tài hoa và người bình thật sâu sắc.

12. Nguyễn Chính nói:

“Đêm nghe gió qua vườn” là một trong những thi phẩm hay nhất của nhà thơ Hoàng Quý đóng góp cho nền văn học nước nhà trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Ở thế hệ U 60, ông đã trải qua những thăng trầm của đất nước thời trận mạc với máu và nước mắt của đồng bào mình. Có thể nói thế hệ U 60 là thế hệ “giao thời” của nhận thức về được,mất, đúng, sai , trí tuệ và ấu trĩ. Cũng là cảm nhận về nhân tình, thế thái, nhưng giọng thơ Hoàng Quý mới, khác và lạ. Không đao to búa lớn, không đại ngôn. Ngôn từ trong thơ ông bình dị mà triết lý sâu sắc, rằng : “ Ôi ! Nhân dân kiêu dũng của tôi – Người là nước mà luôn thiếu khát – Người nâng thuyền mà như lá nổi trôi …”. Hoặc “ Khi nhân dân tôi đắp luỹ Sông Cầu – Vua xuống lũy như dân – Khi nhân dân tôi họp Hội Diên Hồng – Vua ngồi giữa nhân dân…”. Thơ Hoàng Quý còn có sự liên tưởng thật bất ngờ như “ Sẽ hạnh phúc tột vời – có một lần hái lượm giữa bạt rừng rợp bóng Mẹ Tiên – Thỏa sức với Cha Rồng xuôi bể – Xăm kính mình rồi kéo mặt trời lên”( trong trường ca Đối thoại trắng). Viết về Nhân Dân mình, trên thi đàn nước ta suốt hơn nửa thế kỷ qua thật khó tìm ra những câu chữ có sức biểu cảm hay và giỏi đến như vậy.
Với bài “Đêm nghe gió qua vườn” cả “ý” và “tứ” đều rất chỉnh trong một tư duy thơ uyên thâm.
Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai
Thực ra, trong tâm tưởng hoài niệm đến da diết, đến đau đáu của mình Nhà thơ đã về với quê, với những kỷ niệm quá vãng của mình rồi. Về, để thả hồn vào lối chìm hoa cỏ . Và không phải “tìm” đâu. Nhà thơ thấy rồi. Ông chỉ …lại tìm bông rụng dưới thân gai thôi. Vâng ! bông rụng dưới thân gai hay những thân phận, những kiếp người ở cõi người dâu bể.
Theo thiển ý của tôi, các câu thơ :
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?
Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những- hy- vọng – rưng – rưng – xác- lá
Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua
Và, hai câu kết :
Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy
Nhắc những lời hoa rụng một ban mai
chính là “xương sống” của “Đêm nghe gió qua vườn”. Và, thông điệp mà Hoàng Quý muốn gửi tới người đọc đã được ông dụng công dồn vào hai câu kết này. Xin cảm ơn Nhà thơ Hoàng Quý, cảm ơn nhà thơ Vũ Thanh Hoa và cảm ơn tác giả Trần Hoàng Vy. 

13. Hoàng Việt Anh nói:

Căn cứ ngày sáng tác ghi ở cuối bài, thì thời gian “Đêm nghe gió qua vườn” được viết xong vào ngày (hoặc đêm) 5/11/2011. Tôi rất ngạc nhiên vì bài thơ hay đến vậy không xuất hiện trên Văn nghệ của Hội Nhà văn. Vào “Go”, thi phẩm có ngay trong thư viện điện tử của trí thức kiều bào ta ở Pháp, vài web trong nước, và bây giờ rất trọng thị kèm lời bình tại vuthanhhoa.net, trang web đầy màu sắc của một nữ thi sĩ trẻ.
Do có chút quen biết với nhà thơ, tôi điện thoại hỏi ông có phải vì cái “phần gai góc” dưới chữ nên Văn nghệ không in, hay ông không gửi?.Ông cho biết có gửi cho Văn nghệ, gửi ngay từ năm ngoái nhưng không thấy dùng. Ông giải thích rắng có khi nó không hay nên người ta không in, quan trọng gì đâu. Ông vẫn thế, đúng in như tôi biết.
Mà đàn văn nước mình lạ thật. Cái ấm ớ thì tíu tít cả lên. Cái thối thì hội thảo hội thiếc. Lạ, rất lạ!
Cám ơn Vũ Thanh Hoa và Trần Hoàng Vi đã đãi cát tìm vàng!

14. Hoàng Việt Anh nói:

Tôi gửi đi cái com ngắn, gửi xong chờ để xem có được tải mới biết có com của Nguyễn Chính gửi trước tôi.
Anh Nguyễn Chính minh định rất chính xác. “Đêm nghe gió qua vườn” là thi phẩm hay nhất của Hoàng Quý đóng góp cho nền văn học nước nhà trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Tôi không có bất cứ lý do gì để ca ngợi quá mức thi phẩm tinh hoa này, vả lại, Nhà thơ tôi rất kính trọng cũng không cần, nhưng phải thẳng thừng mà nói rằng, trong thành quả trên năm mươi năm của Vănhọc Nước nhà “Đêm nghe gió qua vườn” hoàn toàn xứng đáng có một vị trí và cả vị thế. Dù báo Văn nghệ vô tình “bỏ sót” hay e ngại những ám ảnh trời ơi mà “bỏ sót”, nó sẽ sống trong lòng bạn đọc thây kệ khen hay chê, loạn ngôn mới hay cũ, tính đảng tính giai cấp hay tính gì gì này nọ, vì… nó quá hay, nó nhân văn, nó chứa đựng bao nhiêu dâu bể người, dâu bể của đất nước, nó không gào thét, nó không bô lô ba la, nó không đỏ vỏ xanh ruột, nó là thứ thơ – thật – thơ – tinh – hoa – thơ!
Tôi đọc com Nguyễn Chính, anh mới chính là người hiểu đúng “Đêm nghe gió qua vườn”!

15. Minh Nguyệt nói:

Tôi đã đọc lời bình rất nhiều nghĩ ngợi và chia sẻ của Nhà thơ Trần Hoàng Vy. Trước lời bình này có một lời bình rất nhiều tinh tế của Tuệ Minh trên backantv.vn. Cả Trần Hoàng Vy, Tuệ Minh và chủ web – nữ thi sĩ Vũ Thanh Hoa đều nồng nhiệt kiếm tìm và không bỏ sót thi phẩm quả là vào bậc tinh hoa giới thiệu vơi bạn đọc.
Nhưng, dù chỉ là một cái com có lẽ chưa nói hết, chính Nhạc sĩ – Nhà báo Nguyễn Chính mới là người tinh tường chỉ ra cái ý tứ cốt lõi của thi phẩm vào hàng bậc nhất “Đêm nghe gió qua vườn”!
Theo chỗ tôi biết, anh Nguyễn Chính tuy chưa/ bị chưa “Nhà văn quốc doanh” (Chữ đùa vui của cố Thi sĩ – Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn) nhưng anh có thiên truyện ngắn đặc sắc “người ta” định mập mờ là “Nhân văn giai phẩm mới” in năm nọ trên Văn nghệ Trẻ.
Cái com của Nguyến Chính rất tuyệt!
Vụ Thanh Hoa cho Minh Nguyệt gửi lời chào anh Chính nhé!

16. Nguyễn Nhuận Hồng Phương nói:

Đọc thêm Bài bình của Nguyễn Chính, tôi lại hiểu thêm cái hay, cái đẹp, sự tinh tế của “Đêm nghe gió qua vườn” Điều đó làm tôi vui vì đã có những năm tháng dược may mắn sống cùng và sống hết mình với Hoàng Quý. Nhưng HQ ơi, “Thơ hay như con gái đẹp- đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng. CLV” Tôi tưởng cái ngụ ý thâm thúy ấy bọn mình đã nói với nhau rồi. Đâu cứ phải thế này hay thế khác. “…Thơ ở núi không đề trên giấy điệp/ Cứ để thơ xui hát khúc mục đồng/ Ta mặc kệ hồn ta tuôn chảy/ Về phía bạn bè, về phía tri âm…” (“Bài thơ không đặt tên” HQ). Đã là núi cần gì đổ thêm vài xẻng đất phải không HQ? (“Yêu có thể khóc/Yêu có thể cười/ Yêu có thể vừa cười vừa nước mắt/ Ghét có thể la lên, có thể lặng thinh/ Nhưng yêu, ghét đã tận cùng yêu, ghét/Thì trong trong lòng lại trắng như không” HQ) Với riêng tôi, đó chính là cốt cách Đời và Thơ của Hoàng Quý.

17. Thân Hữu Đường nói:

Trước 75, tôi làm nghề dạy học, dạy văn. Quê tôi ở Yên Bái. Sau 30/4 tôi về quê rồi vào hẳn Bình Phước, nơi tôi sống chết hồi chiến tranh. Tôi không làm nghề dạy học nữa, năm tháng đói kém tôi bỏ nghề, vả lại, 8 năm trận mạc chữ nghĩa vơi rụng tôi không còn tự tin với kiến thức, chữ nghĩa.
Giờ làm công nhân cao su, mờ đêm đã ra rừng, thế nhưng nhờ cái latop con cái nó cho, nên tôi vẫn tiếp cận được hơi thở của văn chương, vì yêu nó, vì từng gắn bó ít nhiều với nó.
Thưa chị Vũ Thanh Hoa! Ở Bình Phước không chỉ riêng tôi, mà có nhiều người vào trang mạng của chị. Có lẽ chúng tôi vào vuthanhhoa.net vì nó luôn vui, phong phú và có phần văn chương ngay ngắn. Tôi dài dòng cho có đầu có đũa rồi mới dám thưa chuyện văn chương.
Như trên đã thưa, tôi người Yên Bái nên có áng văn thơ nào viết về nơi ấy, có dịp là tôi sưu tầm.
Chuyện là thế này: Nhà thơ – Nhạc sĩ A Khuê tôi thân quý ông vì hồi còn sống ông năm nào cũng xuống nông trường chúng tôi giúp cho hội diễn văn nghệ. Một lần tới nhà ông, tôi thấy ông có tập thơ “Ngang qua cánh đồng”. Trong lúc chờ ông về, tôi lấy sách đọc, bị hút ngay vào vì thơ hay quá, giọng thơ khác thường, chữ nghĩa rất sâu. A Khuê về cười hà hà, bảo, thơ Hoàng Quý, hay lắm, thơ của một nhà thơ rất nhân cách.
Thấy chồng sách còn một cuốn nữa không có ký tặng, tôi hỏi cớ sao, A Khuê nói xin thêm Hoàng Quý một cuốn định tặng cho thằng bạn hay to mồm khoe thơ. A Khuê bảo không tặng nữa, ông thích cứ cầm về. Thế là tôi có tập thơ của Hoàng Quý. Đọc hết mới thấy, với tôi đây là tập thơ đáng gối đầu giường.
Đọc cái com của anh Nguyễn Nhuận Hồng Phương (xin phép được xưng hô thế, cho tiện) xin được sửa lại từ sai trong câu thơ anh trích thơ Hoàng Quý:” Thơ ở núi không đề lên giấy điệp/ Cứ để thơ vui hát khúc mục đồng/ Ta mặc kệ hồn ta tuôn chảy/ Về phía bạn bè, về phía tri âm”. “Không đề lên” chứ không phải là “Không đề trên”. “thơ vui” chứ không phải ” thơ xui”. Trích bất cẩn dù do bất cứ lý do gì làm sai nghĩa câu thơ, mà đây lại là bài thơ cực hay, nhiều chữ độc đáo của Hoàng Quý. Ví dụ: “Tôi lên đây uống mộng non ngàn/ Chớm chạp đào còn giấu nụ/ Mắt chạm Âu Lâu. Hồn khói vương/ Sông lặng lẽ trôi. Câu thề vọng tưởng”. Hay: “Ngút xanh lau cỏ/ Đàn bò nhà ai không người thả chăn/ Mê man đèo dốc/ Trời như voan choàng/ Mây lụa bạch vắt vào phố mộng/ Cố tìm tiếng khèn buồn như cỏ lau/ Lại gặp tiếng cười ngân nga như suối”.v.v.. và .v.v. Những câu thơ ăm ắp mỹ cảm, trích không kể xiết!
Thứ nữa, tôi thưa anh Nguyễn Nhuận Hồng Phương là: Núi cao, nếu thêm dù chỉ là một xẻng đất hay chút răm đá càng quý chứ ạ. Thì đấy, trái núi “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Đèo Cả”của Hữu Loan người thơ khốn quẫn cớ gì. Nhà thơ Hoàng Quý như tôi biết rất khiêm nhường. Chưa thấy ông “vung tay múa võ” trên đàn văn bao giờ. Ông hiến tặng cho những số phận không may mọi giải thưởng văn chương. Trước khi mất đường đột vài ngày, nhà thơ A Khuê tâm tình với tôi rằng; Nhà thơ Hoàng Quý tuổi em, mà tao kính trọng. Quý nó viết cái bài “Bụi và cát, và hương quyến rũ” trả cái gì của A Khuê cho A Khuê, không thì bụi cát đời kia hư hại cả. A Khuê bệnh trọng, sống thêm một năm vui, có lẽ là vui nhất. Từ bài viết của Hoàng Quý đăng trọn một trang lớn Báo Văn nghệ, bao bạn cũ của A Khuê lưu tán đất người tìm lại A Khuê! Thế thì, với một nhân cách thi nhân cỡ “Đêm nghe gió qua vườn”, Hoàng Quý chắc chắn trọng từng xẻng đất hay răm đá mà người đời dành cho thi ca ông!

18. Mạnh Trinh nói:

“Đã là núi cần gì đổ thêm vài xẻng đất”. Xin mạo muội thưa với anh NNHP vài lời. Có gì chưa hiểu thấu ý anh, anh bỏ quá cho!
Tôi có bốn tập thơ của Hoàng Quý. Nhà thơ không tặng. Vì làm nghề sách ở Hà Nội, ham đọc mà bạn hữu tặng, nên có. Tôi rất thích Thơ Hoàng Quý, vì thơ vạm vỡ mà rất trữ tình, rất đời, thi ảnh sáng trong, ngôn ngữ cẩn trọng và rất đẹp. Những tầng ngầm dưới chữ càng ngẫm càng găm bám. Tôi không có cơ hội quen biết nhà thơ, coi như chưa có duyên. Nhưng tôi được chiêm ngưỡng và nghe ông đọc thơ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Rằm tháng Giêng, 2009. Vốn mê thơ ông, nhiều bạn ở Hà Nội cho biết ông ở Nam ra đọc thơ, liền đi. Tôi nhớ ông đọc chương Nhân Dân trong trường ca “Đối thoại trắng”. Giọng đọc lịch lãm, ấm áp thật khó tả. Ông đọc mấy trăm câu mà không cầm văn bản, trí nhớ thật là bậc siêu. Tôi chưa thấy ai đọc thơ cuốn hút và rung động như ông. Hôm ấy, cả vạn người lặng phắc nghe thơ ông và không thiếu sự thán phục, kinh ngạc, phẩm bình. Mới chỉ một chương non không hơn mà đủ cả: bức thúc, dữ dội, đau xối nhưng ấm áp lạ thường. Nhiều hoa tặng ông làm người của ban tổ chức phải đỡ hộ. Tôi không có hoa, chỉ hướng ánh mắt ngưỡng mộ tặng ông. Làm sao ông biết được!
Những gì tôi được bè bạn cung cấp về nhân cách của ông, tôi không tin ông nhận mình là núi. Mặc dù “Đối thoại trắng” xứng đáng với tầm cao của nó. Nhà thơ giản dị và lịch lãm tôi đã thấy một lần kể trên, và in đậm trong hàng trăm bài thơ của ông tôi đã đọc, hành vi ông hiến tặng các giải thưởng, chắc chắn ông là người biết đón nhận con người, tình văn. Tôi nghĩ: Ông có một căn nhà văn đẹp lắm, dựng trên một cái nền văn độc đáo, riêng ông, vững như đá tảng. Không đọc được chữ nào ông khoe văn ông. Thơ với ông là cõi người, là hơi thở. Thơ ông lịch lãm và sang trọng, nhân bản. Vậy thì thưa nhà văn NNHP, Nhà thơ của những “Đối thoại trắng”, “Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc”, “Ngẫu hứng qua Mường”, “Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm”, không thể điểm danh hết, và bây giờ là “Đêm nghe gió qua vườn” sẽ dành cho tất cả, trong đó có tôi, tự nguyện mang biếu ông dù chỉ một xẻng đất hay một nắm đất tấm lòng vì yêu những thi phẩm của ông, chắc chắn ông sẽ vui lắm. Cái căn nhà thơ ông, trên cái nền kia, mặc nhiên không cần ai tôn cao, nhưng ông sẽ ân cần nhận chút quà dù không vương giả, vì ông rất con người, vì ông sẽ kính trọng được thêm vào dù chỉ một chút đất cho luống kì hoa dị thảo mà ông đã và đang dành tặng cho chính con người!
Tôi thấy tôi ôm nhúm đất này tặng ông, ông ân cần nhận và dắt vào nhà, xúc ấm, hâm nước và mời trà!. Trà thơm lắm ! Tôi sẽ gọi thứ trà ấy là Trà Thi!

19. Hữu Việt Trần nói:

Em Việt đây nhà thơ yêu quý ơi!
Đêm qua vào web Vũ Thanh Hoa nữ sĩ đọc “Đêm nghe gió qua vườn”, sướng quá bèn in ra. Chiều nay ngất ngưởng cùng Lê Liên ở ngay cái chỗ gần mười năm trước cùng anh, Trịnh Thanh Sơn, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Trần Thái sau khi thắp hương cho Phùng Quán ngồi uống chén rượu buồn. Giờ chả còn cái “Lầu câu trăng” mà anh đặt tên cho cái nơi ở không giống ai của Phùng tiên sinh nữa. Đưa cho Lê Liên bản copi “Đêm nghe gió qua vườn”, đọc xong, người ngẩn ngơ nhớ. Người bảo: Cứ Hà Nội thu chín đẫm đụng vào đâu tao cũng nhớ Hoàng Quý. Nó là nhà thơ sinh ra cho mùa thu, sinh ra cho Hà Nội. Ngước nhìn vòm cây vào thu là nhớ “Trước mùa thu”, gặp liễu là nhớ “Tặng một ngày đi qua”, “Hồn liễu”, qua Hồ Tây là nhớ “Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm”, nhớ “Bên sen nghe tiếng sâm cầm”. Lê Liên bảo anh toàn chơi thơ “đại bác” chứ không chơi thơ pạc - khọoc. Bảo, ra Văn Miếu nó “bắn” có lẽ tới ba trăm “phát” chương Nhân Dân. Năm nào nó đọc “Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức” tao và thằng Sơn suýt khóc. Bây giờ nó lại “Đêm nghe gió qua vườn” đọc sướng rung rinh…
Vài lời thăm anh. Bè bạn ngoài này vào vuthanhhoa.net ào ào và bàn rất xôm “Đêm nghe gió qua vườn” của anh đấy!

20. Hữu Việt Trần nói:

Í quên!
Lão “nghịch đất” Lê Liên bảo cái tượng đồng chân dung anh, mà lão nặn và đúc, gửi tặng cuối 2004 có còn giữ được không, hay bí tiền bán đồng nát rồi? Lão dọa thằng Hoàng Quý bao giờ ra chơi Thăng Long sẽ tóm cổ cho lão “Đia – rếch” làm thêm cái phù điêu. Lão cười khanh khách tuyên bố cái phù điêu tao sẽ tả cái đầu Hoàng Quý lửa khói tưng bừng nhưng khuôn mặt bã bời buồn nó mới ra Hoàng Quý!

21. Quỳnh Nhi nói:

Tình bạn của các “cụ” thích thật. Cháu đọc “Đêm nghe gió qua vườn” cứ nao nao buồn. Liên tưởng giữa bài này với bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, chợt bùi ngùi, cuộc kia ra đi, còn cuộc này trở lại. Để nhận rõ cuộc trở lại đã bao nhiêu trớ trêu, bao nhiêu phù du, bao nhiêu xương máu và nước mắt!

22. Thu Ba nói:

Ý kiến của Quỳnh Nhi mở một ý gợi rất hay !
Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình) sinh 1917, mất trên đường kháng chiến 1950. Ông chỉ để lại khoảng trên chục bài thơ trong đó “Tống biệt hành” là danh tác. Chỉ một “Tống biệt hành” thôi, đã đưa ông vào vị trí một nhà thơ bất tử. Theo tư liệu, “Tống biệt hành” in lần đầu trong báo Tiểu thuyết thứ bảy và ghi năm sáng tác là 1940 không rõ ngày tháng.
71 năm sau Hoàng Quý viết “Đêm nghe gió qua vườn” (5/11/2011). Nhờ con mắt xanh của Vũ Thanh Hoa, Trần Hoàng Vy, Tuệ Minh mà hôm nay chúng ta được biết một tuyệt tác của thi ca nữa bước thẳng lên vị trí các bài thơ không có tuổi.
Liên tưởng bài này với bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm tâm, chợt bùi ngùi, cuộc kia ra đi, cuộc này trở lại. Để nhận rõ cuộc trở lại đã bao nhiêu trớ trêu, bao nhiêu phù du, bao nhiêu xương máu và nước mắt!”. Quỳnh Nhi đã mở ra một vấn đề, mà là vấn đề quan yếu đấy, cho những phân tích, tìm hiểu, nghiên cứu trong phê bình văn học đối với hai bài thơ ” Tống biệt hành” và “Đêm nghe gió qua vườn” – một không gian 71 năm đã đi qua giữa 2 sáng tác của hai ông với bao nhiêu câu hỏi không chỉ thuần túy văn chương.

23. Thái Vĩnh Hồ nói:

Xin có đôi ý kiến nhỏ thân ái trao đổi lại với tác giả Thu Ba.
Thâm Tâm viết “Tống biệt hành” vào năm 1940. Bài thơ của TT là tiễn một người bạn đi chứ không phải là nhà thơ giã biệt người thân ra đi. Thi phẩm bất hủ của ông viết theo thể hành, một thể loại của thơ cổ Trung Hoa ảnh hưởng phổ biến khi ấy. Cái tình cảm ly biệt vốn là thứ tình cảm buồn muôn thủa và thường xoáy sâu vào lòng người. “Bi mạc bi hề sinh biệt ly” (Khuất Nguyên). Có thể thấy bối cảnh xã hội Việt Nam những năm tháng ấy là đêm trước của một điều gì đấy sắp bùng phát. Những trí thức, văn nhân loay hoay muốn vượt thoát những tù đọng nhưng bất lực. “Nằm đây thép rỉ son mòn/ Cái đi mất mát, cái còn lần khân” (Trần Huyền Trân). “Ta đi nhưng biết về đâu chứ/ Đã nổi phong yên lộng bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi” (Nguyễn Bính). Ngay TT, ông có tới ba bài hành trong những năm tháng ấy gồm “Can trường hành”, “Tống biệt hành” và “Vọng nhân hành”. Như chúng ta đều thừa nhận, khúc tống biệt (Tống biệt hành) với khí vị đặc biệt của nó là món quà vô giá của Thâm Tâm để lại cho muôn hậu. Xin lưu ý thêm: Nếu chọn danh tính các nhà thơ lớn sẽ không có tên Thâm Tâm. Nhưng nếu chọn những bài thơ hay nhất Thế kỷ XX thì “Tống biệt hành của ông có vị trí bất tử. Thâm Tâm mất khi mới 33 tuổi trên đường đi chiến dịch Cao Lạng năm 1950. Những bài thơ ông sáng tác khi thoát ly đi kháng chiến chỉ ở chất lượng trung bình, thậm chí không đáng nhớ.
Hoàng Quý tuổi thực 1952. Theo các bài viết của Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Chính đều cung cấp rõ. Vả lại, cuối tập thơ nổi tiếng “Ngang qua cánh đồng” cũng ghi rõ: Hoàng Quý, thực sinh: 1952. Năm 1968 tình nguyện nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ nên khai tăng hai tuổi. Như vậy, câu thơ “Ta đã đi không chút e dè” là rất rõ, đại từ nhân xưng “Ta” của “Đêm nghe gió qua vườn” là chính ông.
Thơ Hoàng Quý khác Thâm Tâm. Những nghiệm chứng, những suy nghĩ, những day dứt của ông trước thế cuộc, trước dâu bể người và dâu bể đời rất rõ. Để có được bài thơ chắc chắn sẽ là không có tuổi “Đêm nghe gió qua vườn”, ông đã gửi gắm bao nhiêu nghĩ suy của ông trong rất nhiều bài thơ cực hay trước đó. “Ta cả tin, ta rất nhiều hy vọng/ Kiên tâm trồng những tháp cát lên mưa/ Mê mải thúc những con tàu rỉ sét/ Phăm phăm hành khất – thế nhân – buồn!” (Đi bên mùa lá rụng), “Bông cúc ta từng hái ở mùa thu/ Khô xác 30 năm trong ba lô cóc cũ/ Ta cầm lại trên tay như cầm lửa chiến tranh/ Chả vàng được cho ai – Hoa cúc!”(Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức) vì ông thấy rõ đạo đức ngày mỗi suy đồi, ô tạp “Những khuôn mặt vây quanh nói cười huyên thuyên/ Bia rượu đầy mồm/ Bia rượu đầy mặt/ Bia rượu tràn trên đất/ Đất trổ đầy rong rêu/ Chả vàng được nữa đâu – Hoa cúc!” (Buổi sáng ra vườn nghe mưa ký ức). Nhiều, nhiều lắm những câu thơ rung chuyển và buốt nhói tâm can nếu ai còn chút lương tri khi đọc thơ ông. Thời cuộc đã đến độ “Trượng phu chống kiếm nhựa/ Làm sao đàn bà lúc phân ly còn dám khoác òa” (Trăng sông Trà – Một bài thơ Hoàng Quý viết tưởng nhớ 150 năm Chu thần Cao Bá Quát). Ông ở ngay tâm điểm của thời đại, đã vui, đã khao khát, đã hy vọng, đã hiến thân, đã lo lắng, đã thất vọng, đã thấy hết. Vì thế Thơ Hoàng Quý mang tâm thế của thời đại, chứ không giả trang (Giả trang – cũng là tên một tập thơ rất đáng đọc của Hoàng Quý). Ông không ăn may. Thơ ông nhất quán tư duy, nhất quán thái độ sống. ”Tôi cho rằng “Đêm nghe gió qua vườn” kết tinh những tích nghiệm thực trải của ông, của biển dâu người và biển dâu đời. Là bài thơ đỉnh cao trong những bài thơ đầy tầm vóc mà ông đã viết trước nó. “Đêm nghe gió qua vườn” xứng đáng được nhớ, xứng đáng “Bước thẳng lên hàng ngũ những bài thơ không có tuổi”.
Xin thêm ý nghĩ nhỏ: “Đêm nghe gió qua vườn” còn là bài thơ hoàn mỹ của thi pháp tân cổ điển đỉnh cao. Thi ảnh, câu chữ, nhạc tính, cốt hồn, tư tưởng đều ánh lên sức quyến rũ ma thuật.
Theo cá nhân tôi: “Đêm nghe gió qua vườn” hoàn toàn độc lập với “Tống biệt hành” dù nhìn dưới bất cứ góc độ nào.
Bài thơ này viết trong tư thế mặc khải. Tưởng như tĩnh mà có bão dưới chữ!

24. Nguyễn Chính nói:

Cùng với quan điểm như của bạn Thái Vĩnh Hồ, tôi chỉ xin được có vài ý trao đổi thêm như sau : Ai cũng biết, trong bối cảnh đất nước ở thời điểm Thi sỹ Thâm Tâm viết “Tống biệt hành” , một trở ngại lớn nhất khiến các con đường sáng đưa đất nước, dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ do hai Cụ Phan khởi xướng đều không thể thực hiện, đó là dân trí nước ta quá thấp. Ngay cả những người cầm bút xuất hiện còn rất thưa thớt lúc bấy giờ thì đa phần có “máu nghệ sỹ” nổi trội, thích phiêu du, lang bạt, chơi bời … Và, nói chung là yếm thế.
Cái “sự đi” trong Tống biệt hành có vẻ lên gân, có vẻ rất quyết liệt đấy, nhưng xem ra nó vô định lắm. Đi đâu ? Đi thế nào ? Đâu là đích đến ? Cái “chí nhớn” cũng thật mông lung. Tuy nhiên, đó lại là chuyện khác. Chỉ biết, những câu chữ giỏi, giàu hình ảnh được trải ra trong toàn bài thơ về một cuộc chia ly, giã biệt làm lay động lòng người, đã khiến bài thơ được coi là một tuyệt phẩm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là sự may mắn rất hiếm có trong đời cầm bút ngắn ngủi của Thâm Tâm. Thế thì, cái “sự đi” trong Tống Biệt hành không thể, và dứt khoát không thể trở thành logic trong cái “sự về” của Đêm nghe gió qua vườn. Ta đã trở về sau cả một đời “đi” trong ngộ nhận. Con đường “chướng gió…” đang đợi ta dấn thân, nhưng vì chí làm trai mà “ta đã đi không chút e dè…”. Với nào là :
Những- hy- vọng – rưng – rưng – xác- lá
Khi đã hết cơn ấu trĩ , mù lòa, ta đành chỉ buông một tiếng thở dài :
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta
Bởi cái thời trẻ trai trái tim cuồng nhiệt, với biết bao hy vọng đến mức rưng rưng kia đã thấy cái sự thật kinh hoàng, khó còn có thể lấp liếm, che đậy, từng lừa mị cả mấy thế hệ. Chết – tưng – bừng – như – máu – hôm – qua. Có lẽ , đây là một trong những câu thơ giỏi vào bậc nhất của văn đàn nước ta từ thời thơ mới đến nay.
Ở Trung Quốc trong mấy thập niên qua đã xuất hiện “dòng văn học vết thương”, nhận thức lại những ấu trĩ một thời đã trở thành tội ác. Những người cầm bút Trung Quốc chân chính đã và đang làm tất cả những gì thuộc thiên chức mà thượng đế đã ban cho họ. Nếu không làm, họ sẽ mãi còn món nợ lớn đối với nhân dân của mình.
Tôi nghĩ, sau chừng ấy năm cầm bút, bằng tài năng của mình cùng một trái tim nhân hậu, những thi phẩm của Hoàng Quý đã làm nên tên tuổi ông – một nhà thơ, một tên tuổi thi ca sáng giá của đất nước ở đầu thế kỷ 21. /.
Nguyễn Chính

25. Thái Vĩnh Hồ nói:

Cám ơn ý kiến của anh Nguyễn Chính! Đất nước mình đang thời loạn vĩ nhân. tìm đâu ra một tư cách thi nhân như Hoàng Quý. Hoàng Quý lớn không phải vì cứ làm nhiều thơ, ra nhiều sách. Rác chữ kinh lắm. Ấy thế mà những kẻ ném rác hát tụng ca, tụng nhau không mỏi lưỡi. Cái món thơ coktail thơm thơm đánh lừa lưỡi nhiều như rác, nhan nhản trong các quán bar văn chương ta. Rượu nguyên chất cất từ thứ nếp trời chỉ có trong thi ca Hoàng Quý và một số rất ít, rất ít thôi.
Thương thay thi đàn! Buồn thay thi đàn!
Tôi đã đọc cái bài nói về cái sự văn nô của anh rồi, anh Nguyễn Chính ạ. Hay kinh khủng!


26. Trịnh Khắc Tuấn nói:

Nếu đặt “Đêm nghe gió qua vườn” cạnh thi phẩm lớn “Đối thoại trắng” thì cũng như ngọc ở trong ngọc vậy!

27. Hoàng Tư Khánh nói:

Tôi mới đc biết nhà thơ Hòang Quý qua tập Giả Trang của anh. mặc dầu tôi ko phải nhà thơ văn nhưng qua thơ anh tôi đc thưởng thức những phút giây sảng khoái, thơ anh làm cho tôi hiểu thơ, hiểu cuộc sống hơn. Mấy tuần nay cử rỗi lại đọc thơ anh và các trang thơ đồng nghiệp của anh, tôi đc biết anh Hoàng Quý là người anh em trong gia đình tôi mới quen . Nếu anh Hoàng Quý và các bạn khác quen anh đọc được những dòng này làm cầu nối cho tôi đc liên lạc với anh ấy là điều vinh hạnh cho tôi lắm. Nếu ai biết địa chỉ của anh cho tôi biết để liên lạc tôi cám ơn vô cùng . Tôi mong ước có ngày đc gặp trực tiếp với anh hoặc anh có đi công tác, du lịch về Xứ Nghệ ghé vào gia đình tôi thì thỏa mong ước của tôi biết chừng nào. Tôi rất mong nhận đc lời hồi âm của anh và các đông nghiệp anh. kính thư

28. Hà Định Văn nói:

Tôi đã ở lứa ngoài 70, đọc lời bình của Nhà thơ Trần Hoàng Vi và ý kiến của các bạn thấy rất hay và thật là thấm thía. Sáng nay tôi lại được đọc một bài phê bình nữa cũng viết về bài thơ này của ông Hoàng Quý, tôi rất muốn các bạn cùng đọc, nhưng lại không biết cách nhập vào đây vì bài này dài quá.


Nguồn: Nhà thơ Trần Hoàng Vy
             vuthanhhoa.net

Không có nhận xét nào :