Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

THƠ NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến
(1952 - 2014)


Mùa khô 1971, tôi và Nguyễn Đình Chiến gặp nhau ở bìa một cánh rừng thuộc vùng An - Long - Veng (Lào). Chiến hỏi: Đi tìm nước à? Dùng tạm một ít vậy! Anh san cho tôi non nửa bidon nước. Mùa khô rừng Lào, nước quý như máu. Chúng tôi thành bạn của nhau, lại là đồng hương, tôi Tam Thanh, anh Đoan Hùng (Thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh của anh mãi sau này mới nhập về Yên Bái), đều người xứ cọ. 10 năm sau, Chiến từ mặt trận Hà Giang về, ở lại Việt Trì với tôi một đêm, hốc hác và đăm chiêu, chiếc ba lô cóc bê bết đất, bụi. Chiến đọc cho tôi nghe bản nháp bài thơ "Gặp lại các em". Cả 3 cuộc chiến tranh: Chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Chiến đều có mặt, trực diện. Đường văn Nguyễn Đình Chiến gửi lại trong các tập: Hoàng hôn nhớ, Tạm biệt nước Nga, Vầng trăng trên tuyết và Nguyễn Đình Chiến - Thơ và Chân dung văn học. Anh được trao nhiều giải thưởng thơ, bút ký và ký sự chiến tranh. Nguyễn Đình Chiến mất đột ngột ngày 30/1/2014, trùng 30 tết, bên đường, trong một ngày mưa rét. Một nhà thơ tài năng, một nhà thơ duy cảm, một nhà thơ lãng tử và tử tế ra đi. Trường ca Điện Biên Phủ còn dang dở, dang dở như cuộc đời duy cảm của chính Nguyễn Đình Chiến!
Hoàng Quý 
Rừng Lào

Chóp đỉnh Phu Tăng (Lào) -Ảnh sưu tầm
Chiều chầm chậm về trên tầng săng lẻ
Lá rì rào sau mỗi đợt chim kêu
Tôi như kẻ hành hương giờ lặng lẽ
Thả suy tư theo ngọn khói Vân Kiều

Đây biên giới chao ôi màu nắng Việt!
Gửi theo chim lớp lớp tới rừng Lào
Thương ai đó giữa rừng đi mải miết
Ngọn le vàng như phất nắng lên cao

Vẫn nguyên vẹn rừng ơi rừng chung thuỷ
Xa Trường Sơn thương nhớ đã bao ngày
Đời chiến sĩ nuôi lớn hồn thi sĩ
Người yêu rừng lại về với rừng đây

Xin được đến với cội nguồn thương nhớ
Quá khứ ư?Quá khứ đã xanh chồi
Nhưng dấu võng lặn sâu vào thớ gỗ
Thành hương trầm thơm suốt cuộc đời tôi

Thời tôi đến cái thời tươi trẻ lắm
Giữa rừng Lào nhớ mẹ, hát u ơ
Dòng lục bát bao lần tôi mắc cạn
Những câu thơ đuối sức phải lên bờ

Tôi đâu biết nơi điệp trùng hoang dã
Mỗi gốc cây hòn đá cũng tôn thờ
Mỗi ngụm suối tôi uống vào trong dạ
Cũng dậy hồn thuần phác của người xưa

Đâu phiến đá tôi vẫn ngồi tập viết
Học thuộc lòng mỗi một tiếng chim kêu
Đâu nệm lá tôi nằm nghe thiêm thiếp
Vượn ru con non nỉ cả rừng chiều

Thời vạm vỡ ngực trai tôi mười tám
Ai hương bưởi hương chanh tôi vẫn chỉ hương rừng
Người áp ngực đầu tiên người bạn
Sợi máu đầm trên mái tóc rưng rưng

Bạn còn nhắc các anh ngày Tây Tiến
Thịt xương anh gửi lại cánh rừng Lào
Ôi những buổi cây nghiêng mình tưởng niệm
Suối ngẹn lời muông thú cũng nao nao

Nghe rạo rực tiếng voi đi thác đổ
Tiếng bồn chồn con hoẵng ngại mưa sa
Tiếng rừng rậm con công buồn chẳng múa
Tiếng đầm lầy con cuốc gọi u oa

Nghe đá nhọn gập ghềnh đường Loong- Chẹng
Quân giặc về làm cỏ cánh đồng Chum
Hàng thông cụt như chân người chết chém
Tàn lửa rơi sôi đỏ nước sông Ngừm

Con chồn bay thiêu mình trong thung lũng
Cánh chim xanh cháy rụi lúc lên trời
Lửa vẫn cháy ầm ầm như biển động
Biết bao lần xương Việt, máu Lào ơi!

Ta đã khổ đến tận cùng nỗi khổ
Ta đã đau đến cùng tận niềm đau
Tưởng hết cả ta chẳng còn gì nữa
Chỉ còn lòng chung thuỷ để thương nhau

Bản Lào ơi! Có nhớ mùa mưa ấy
Một người con sốt rét vịn cây về
Em đứng lặng mẹ ngẹn ngào mừng tủi
Bữa cơm rừng muối ớt với măng le

Đến nhắm mắt chẳng thể nào quên được
Gương mặt người năm ấy khắc trong tôi
Trâm cài tóc mẹ lậy trời khấn Phật
Em thương người em lại hát Lăm Tơi

Đêm thắng trận nghe Lăm vông em gọi
Nhìn vai em thon mịn tắm trăng ngà
Tôi không muốn để em buồn chẳng nói
Đêm dỗi hờn run rẩy cánh chăm pa

Em ơi em mười lăm năm mê mải
Khi câu thơ trăn trở biết thương đời
Bao mưa nắng cuộc đời anh đã trải
Vẫn thương rừng vẫn chỉ nhớ em thôi

Giọt nước mắt chảy theo dòng thương nhớ
Xin đừng phai trên lá biếc ngày về
Để giữ lấy cho tôi từng hơi thở
Đẫm hương rừng cùng vạt áo xanh kia

Bản Lào hỡi đêm nay trăng lại sáng
Trống Lăm vông em lại gọi tôi rồi
Tôi đã múa mà sao em chẳng nói
Thấm trăng vàng từng giọt xuống vai tôi

1985 


Giấc ngủ của trẻ con làng chài

Trẻ con làng chài dễ ngủ quá đi thôi
Vừa mới chơi xong đã ngủ cả rồi
Co chân lên sàn, tựa lưng vào mạn
Có chú ngủ nghiêng có chú ngủ ngồi


Ảnh sưu tầm
Chiều nay tôi theo các chú đi câu
Được chia bao nhiêu vỏ hến vỏ hàu
Nhưng chẳng có gì tặng cho bạn nhỏ
Chỉ biết xoa đầu thế cũng thân nhau

Giờ thì ngồi trông cho giấc ngủ yên
Trẻ nhỏ thường mơ những chuyện thần tiên
Bởi quá giàu chăng nên không để ý
Trăng ném vàng cho biển đầy thuyền

Không biết trong mơ các chú thấy gì
Bao nhiêu bí mật trong giấc ngủ kia
Tôi cứ chờ nghe một lời nói mớ
Nhưng không chú nào để lộ câu chi

Vâng thế là tôi chỉ còn có cách
Xin các chú mình được ngủ kề bên
Để rồi trong mơ mách giùm các chú
Trăng ném vàng cho biển đầy thuyền

1985


Gặp lại các em

Các em nằm yên nghỉ bên sông
Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất
Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt
Trời biên cương xanh ngắt
Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi
Sông Kỳ Cùng đò đang đợi bên kia
Nước ngập cầu Khánh Khê, xe ta chưa sang được

Anh vòng qua lối tắt
Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì
Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè
Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ
Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ
Nhưng gương mặt nào anh cũng nhớ y nguyên
Anh thì thầm gọi tên mãi từng em
Như gọi tên những người thương yêu nhất
Những đứa em chung chiến hào giữ đất
Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này


Một góc Nghĩa trang Vị Xuyên - Ảnh sưu tầm
Chưa tròn tuổi quân nhưng các em sống trọn cuộc đời
Với đồng đội, với tình yêu biên giới
Các em ơi có nghe anh gọi
Cả đội hình đơn vị sắp qua đây
Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài
Nay đứng trước các em anh thấy mình rõ nhất
Thấy tan đi những suy tư vụn vặt
Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng
Cho anh về sống lại những đêm
Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc
Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất
Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em
Vẫn còn đây ôi tiếng hát hồn nhiên
Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác
Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt
Em đập sóng thìa lìa cho dậy ánh trăng vàng

Các em đi khi mười tám tuổi xuân
Và để lại những trái tim trong trắng
Ở Đồng Đăng, ở Thâm Mô, Chậu Cảnh
Bên hầm sâu, trên chiến lũy pháo đài
Đất của mình chứ đất của ai,
Phải xông lên mà giữ!
Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa
Còn cháy lòng bao chiến sỹ xung phong…

Thôi các em nằm yên
Quân ta đang tiến về Cao Lộc
Đường bình độ cả trung đoàn thầm nhắc
Phải giữ yên mảnh đất các em nằm
Lửa cháy rồi trên cao điểm Bốn trăm.

1981


Gửi Xéc-gây Êxenhin



Tượng Êxenhin
Người ra đi từng ấy năm trời
Không về lại mảnh vườn quê có biết
Thương nhớ mãi cây phong già đã chết
Trút lá vàng trong gió bạch dương đưa
Có bầy chim không nỡ dứt cành xưa
Lại chiu chít về rủ nhau xây tổ
Đây làng quê đây bến sông tuổi nhỏ
Ri-a-dan xa vẳng tiếng bao đời
Bầy ngựa về như tiếc ánh chiều rơi
Ngoảnh đầu lại nhìn cánh đồng lần nữa
Bầu vú nặng của đàn bò sữa
Nhắc một ngày mệt nhọc trôi đi
Tôi thẫn thờ bên ổ rạ đêm khuya
Nơi ấp ủ những vần thơ anh viết
Nơi âu yếm bao lần anh ngủ thiếp
Ôm vầng trăng không muốn gửi cho ngày
Để rồi khi tỉnh giấc mơ say
Nghe lúa mạch cất tiếng reo đầu bãi
Có cô gái say mùi hoa cúc dại
Mái tóc vàng nghiêng xuống cánh hoa kia
Xin trọn đời yêu mến làng quê
Nơi sinh những nhà thơ trên trái đất
Nơi quá khứ cha ông gần ta nhất
Nơi trăng sao tối tối rủ nhau về
Có thể nào cuộc sống hết say mê
Không xúc động thiêng liêng
Chẳng còn trong trắng nữa
Khi lũ trẻ vẫn nô đùa trên cỏ
Hái hoa đồng nở cạnh bước chân bê
Khi trên sông đàn sếu lại bay về
Giăng muôn cánh kéo chiều lên bát ngát
Nơi bến nước mẹ thường ngồi giặt
Chiếc áo nồng mưa nắng tuổi thơ anh
Tôi lắng nghe tiếng sóng cuộn bên ghềnh
Như tiếng vọng của tình anh muôn thuở
Như tiếng dội của lòng tôi chan chứa
Một quãng đời xin gửi lại nước Nga
Và đêm nay, xin nghỉ lại ngôi nhà
Trên ổ rạ đẫm hương chiều thương nhớ
Như anh xưa từng khát khao trăn trở
"Dùng miệng của vầng trăng mà ngậm cọng rơm này"

1990


Matxcơva 19 - 3 - 1993

Đại bác bắn vào nhà Quốc hội
Khói sát thương cuồn cuộn bốc lên trời
Chúa cứu thế cũng không cản nổi
Đành ngậm ngùi than thở nước Nga ơi!

Đây chiến thắng của tự do dân chủ
Đây hy sinh cho chân lý pháp quyền
Không ai nói nhân danh cho quyền lực
Kẻ cầm đầu và những kẻ ngồi bên

Những người lính vô danh ngã xuống
Được dựng lên thành những anh hùng
Còn bao nhiêu dân lành uổng mạng
Danh vọng gì cho đổ nát hư không

Nhà thờ Ivan gióng hồi chuông cầu nguyện
Cho những linh hồn oan khuất được yên
Ngôi nhà trắng quạ bay về chao liệng
Hiện nguyên hình như một nấm mồ đen

Mẹ Nga hỡi lau đi dòng nước mắt
Tuyết đầu mùa đang xuống Mạc Tư Khoa
Con muốn nói từ nỗi lòng quặn thắt
Chỉ còn Người con tin ở nước Nga


Nhà Quốc hội Liên bang Xô viết ngày 19/3/1993
Ảnh sưu tầm
1993

Nguồn: Nguyễn Đình Chiến - Tác phẩm và Chân dung văn học
             NXB Hội Nhà văn, 2015