Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Tuệ Minh và Đêm nghe gió qua vườn


Nhà văn-Nhà phê bình Tuệ Minh
Sau khi bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn" lên trang, tôi nhận được rất nhiều điện thoại, email của cả bạn đọc và bạn văn bày tỏ ý kiến và cảm xúc về bài thơ này. Đáp ứng yêu cầu cùa Quý độc giả, xin được chọn đăng lần lượt 2 bài bình (lời bình) và 1 bài viết của các tác giả: Tuệ Minh, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Chính - trong số nhiều bài viết, nhiều lời bình đối với bài thơ "Đêm nghe gió qua vườn" của tôi. 
Trân trọng cảm ơn các tác giả và Quý bạn đọc!
                                                                                                                         Hoàng Quý
                                                                                                                                                                 
                                                                                                                               
                                                                              
ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY
Đêm nghe gió qua vườn 
                       HOÀNG QUÝ


Có thể rồi ta sẽ về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và có thể trên lối chìm hoa cỏ
Ta lại tìm bông rụng dưới thân gai

Đêm nghe gió qua vườn
Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã
Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về
Đêm nhoi nhói
Nghe đời thay máu
Có bao người nghe gió trong khuya?

Ở phía trước
Con đường chướng gió
Ta đã đi không chút e dè
Những- hy- vọng - rưng - rưng - xác- lá
Chết - tưng - bừng - như - máu - hôm - qua
Ở phía trước
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!

Thì mùa thu dường thong thả mở lòng
Đêm hé cửa nghe qua vườn gió thổi
Ta hứa về thăm lại
Cây gạo quen
Và khúc sông gầy
Và, có thể lối chìm hoa cỏ ấy
Nhắc những lời hoa rụng một ban mai...


LỜI BÌNH:

Ảnh sưu tầm
Đêm cùng với tiếng gió là lúc thổi dậy bao tiếng lòng của người nghe gió, nghe mình. Ấy là tiếng lòng khắc khoải từ những gì gắn bó đã đi qua khó bề gặp lại. Nó gợi nhớ gợi thương ở hình ảnh cụ thể trong ký ức “Cây gạo quen/ Và khúc sông gầy”. Nó chơi vơi trong mường tượng hư ảo “Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã/ Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về”. Cứ như thế mạch thơ ngâm ngấm vào lòng ta mà thổn thức rồi bỗng chốc trào dâng như sóng dậy “Ở phía trước/ Con đường chướng gió/ Ta đã đi không chút e dè/ Những- hy- vọng - rưng - rưng - xác- lá/ Chết - tưng - bừng - như - máu - hôm - qua / Ở phía trước/Ở phía trước nữa/ Ai như ta?/ Ai đã là ta?/ Chao ôi! Đời nến sáp/ Ta đấy à, hay chưa từng ta!”. Tiếng thơ vang dậy mà trầm tư làm nổi bật hình ảnh bi hùng của một thời đã qua, của tuổi trẻ đã qua. Nằm trong thời gian của hồi tưởng nên cụm từ “ở phía trước” dù được nhắc đến ba lần vẫn mang một nghĩa rộng là cái phía trước đã qua. Chủ thể của bài thơ liên tiếp đặt ra những câu hỏi nhân sinh đầy câu thúc về kiếp người để đời nến sáp cháy hết mình mà vẫn đau đáu mình đã thật mình chưa. Cuối bài thơ những tiếng lòng trào dâng như gió cuộn ở khổ thơ trên lắng đi và dịu lại trong tiếng gió miên man của mùa thu và lời hứa với lòng mình sẽ về nơi để nhớ để thương trong tâm hồn. Bài thơ với những hình ảnh như thực như ảo, mãnh liệt mà sâu lắng, nhịp điệu khi êm đềm như gió thoảng, khi ào ạt như gió cuốn đưa ta về một bến tâm hồn với không ít khắc khoải nhân sinh. Đó cũng là một cõi thơ đi ra từ trải nghiệm và chiêm nghiệm mà rung động người đọc.

TUỆ MINH

Nguồn: - Nhà văn - Nhà phê bình Tuệ Minh 
             - Đài PTTH Bắc Kạn

Không có nhận xét nào :