Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

THƠ PHẠM NGỌC CẢNH

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh
(1934 - 2014)

Ông sinh năm 1934, quê Hà Tĩnh, từng có thời gian lấy bút danh Vũ Ngàn Chi. 13 tuổi(1947) vào Vệ quốc đoàn. Cả hai cuộc chiến lớn ông tham gia bắt đầu từ chú liên lạc, rồi làm diễn viên, hồi ấy gọi là văn công. Ông làm thơ, viết kịch bản , viết thuyết minh... Được giao việc gì ông làm việc nấy, đầy lòng yêu và trách nhiệm.
Nhớ một lần ông cùng các anh: Ngô văn Phú, Hữu Thỉnh, Phạm tiến Duật, Nguyễn Bùi Vợi, Hà Đình Cẩn lên Việt Trì. Khi ấy tôi mới kết thúc việc sưu tầm, phục dựng các bài bản đánh trống đồng cổ từ mường về chừng hai năm, sống rất tự do. Ăn cơm, lĩnh lương thì Hội Văn nghệ. Làm việc thì nửa biên tập, nửa ất ơ cho Phòng Văn nghệ lại thuộc Ty Văn hóa. Đêm nghỉ lại, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh bảo, anh có bài thơ "Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu", làm lâu rồi, nhưng người ta bảo đọc chơi thì được, chứ in thì ngại. Những ngày tháng ấy rất kỳ quái. Hễ viết viếc gì cũng phải xem có vấn đề vu vơ nào không. Thơ, thơ hay, mà đọc cho nhau nghe thì thào, dè chừng, như đám làm bạc giả. Tôi bảo, để em in. Ông bảo, nó vu cho cậu tuyên truyền làm nản lòng người lính đang đánh nhau với Tàu thì bỏ mẹ. Bài thơ in trên Tạp chí Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú, chả thấy ma nào hạch hỏi gì. Mấy cậu công an bên phòng An ninh chính trị giáp hàng kẽm gai hai Ty sang chơi, bảo tôi, số này, bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh hay nhất. Người lính đi suốt mấy cuộc chiến giữ nước xin được một đêm, ngủ dưới bóng các Vua Tổ và mơ cái thời Vua còn được dân kính vì biết chia ngọt sẻ bùi với thảo dân, với sĩ tốt thì "ngại có vấn đề " là thế nào. Anh Khanh Trưởng phòng Văn nghệ khi ấy bảo tôi, cậu biên tập cái bài của anh Cảnh được khen quá. Hồi ấy tôi trẻ, còn hăng tiết lắm, được nhời, mũi cứ phập phồng y như mình là tác giả. Sau này, tôi từ Vũng Tàu ra làm thuê sơn bảo dưỡng bồn bể xăng dầu ở Đức Giang, cứ rảnh rỗi thì bon lên Khu tập thể Gỗ cầu Đuống chơi với ông, ông rất chiều. Lên chơi khách khí không ở lại ăn vài chén cơm, ông giận đùng đùng. Ông là người yêu bạn.
Ông đã đi xa, rất xa, đi lặng lẽ vào cõi người hiền. Cõi người hiền chắc chả phải đọc thơ thì thào, chả phải in thơ tù mù. Giờ lần giở lại 12 tập thơ, 3 tập bút ký ông tặng, tôi rất nhớ ông. Nhớ một nhà thơ đọc thơ như lên đồng. Và nhớ hơn, nhớ một tấm lòng, nhớ một con Người!
Hoàng Quý    
  

Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu


Đền Thượng Nghĩa Lĩnh - Ảnh sưu tầm
Thôi đừng hỏi vi sao nữa
đêm nay giấc ngủ mới mơ màng
đừng goị tán lá cọ về che cái tứ
đất quê mà, xin cho thơ lang thang

Gần hết đời người thấp thoảng dọc rừng hoang
ôm khẩu súng giấc mơ nào chẳng lửa
thèm một câu thơ cõng gió qua làng
ve vuốt mãi bàn tay tìm liếp cửa.

Nhưng thôi, đêm nay cho mình được ngủ
cuối Phong Châu sau cuộc chiến tranh này
mai biên giới phía nào gọi tên mình đến giữ
cũng xin đừng lay động giấc đêm nay

Dễ gì mơ thấy được dáng bàn tay
nâng ốc thổi thúc voi, chầu bãi đá
dễ gì mơ thấy được quả xôi đầy
Vua Hùng đón tấm lòng dân dã

Nhưng chắc gặp cửa sông ngoài Rạch Giá
nơi chúng mình thương mấy đứa không về
chân đèo Cù Mông, chân đèo Mụ Giạ
con suối ngầu hạt máu mọi miền quê

Hay thôi, cứ ôm nhau úp thìa mà nghe
hoa đại cuối sân đền đang rụng đấy
như có một thời vua sai tán lá cọ xòe
phe phẩy quạt vòm trời dâng ráng cháy

Mí mắt cuộn dòng Thao thuở ấy
và...

1977


Tháng bảy có gì mà anh mong

Mây lặng lờ qua cửa
về núi đón giông chiều
nhãn chùm em chia lửa
ngọt gì trong nắng thiêu

Ảnh sưu tầm



nỗi nhớ giật mình theo
phía em về náo nức
đẩy làm chi thuỷ triều
lên bờ anh rạn nứt

tưởng đâu còn điệp khúc
tháng bảy lắm mưa nguồn
cầu sang em ai buộc
mỏng mảnh liềm trăng suông

gió bỗng ghé môi hôn
chỗ nụ cười mát lại
quạt sẩy hết ngày buồn
gieo xanh bờ tím bãi

Nhớ mong gì tháng bảy
bão rập rình khơi xa
lũ rập rình vũng xoáy
ướt dầm dề câu ca

đắp lên triền đê ta
bốn bàn tay dẫu hẹp
bốn bàn tay xoè ra
bốn bàn tay nắm khép

để rồi khi ta biết
đêm tháng bảy rộng dài
anh mang về tha thiết
chút huy hoàng sao mai

Sẽ yên hàn nay mai
để em tròn tuổi nhớ
thoảng gió sang thơm hoài
chia anh cầm một nửa

tháng bảy dày nắng lửa
từ phía em anh về
bồng bềnh trong gió trở
anh mỉm cười im nghe.

1972


Sông Đuống

Chiều sông Đuống - Ảnh sưu tầm
Trăng mọc cuối vùng sông mình ở
nơi xa bè bạn vẫn trông về
dấu chân in một ngày xuống cỏ
thêm một ngày xanh thêm là quê

Thêm một lần đêm anh lắng nghe
trăng mọc phía này cũng khó nhọc
duỗi chân mình đo chân con đê
ngón chạm mùi bùn cơn lũ trước

Hơn nửa đời người anh cật lực
chưa quang đãng hết để trăng rằm
ván cầu còn sít vào chân bước
thương mỗi lần bạn muốn sang thăm

Chẳng nhớ vì sao anh yên tâm
thường trú được nửa đời với sóng
với nén hương em chia cho cầm
thơm vào hội tháng Tư của Gióng

Thế thôi ư, ơi em bé bỏng
cánh buồm xoay vướng chạm mây trời
nhưng mùa nước chảy thành sông Đuống
giọt nào không từ mắt anh rơi

Bấy nhiêu là giàu sang em ơi
ăn chẳng hết cái nhìn can đảm
mặc chẳng hết lá vườn giăng phơi
áo đi hội bụt may cho Tấm

Ngày nắng tắt gót chân anh lấm
ngoài sông con nước vẫn nghiêng chờ
anh không diệu vợi mà thương lắm
con sông của mình con sông thơ


Lục bát để dành

Đêm nào trời thật tròn trăng
mẹ đem câu hát này giăng lưới chờ
bắt cho con cả mùa thơ
mấy năm mẹ hát ầu ơ một mình

Ảnh sưu tầm

Đi vòng khắp nẻo hành tinh
bói đâu ra được như tình mẹ đây
mưa dồn bão đến bao vây
mẹ che khô tạnh hết ngày chờ con

Cha quen dành dụm nỗi buồn
mẹ đem phơi với khô giòn nắng trưa
bắt con tép mại làm vua
con cáy làm giặc con cua làm hề

Bắt con sông Mã lôi về
câu huầy dô ướt dầm dề trước sân
cha ngồi ngắm lại bàn chân
thầm mong nhớ mẹ lại thầm thương cha

À ơi...xong lại..ơi à
nhắc làm chi thuở xót xa con đường
trắng trôi lạnh cóng thang giường
đêm dài mong mỏi mẹ thường ru trăng.


Lý ngựa ô ở hai vùng đất

Ảnh sưu tấm
Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu
gặp câu hát bền lòng giong ruổi mãi
đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi
Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu

Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy
bao câu hát ông cha mình gởi lại
sao em thương câu lý ngựa ô này
sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
chỉ riêng mình em hát với anh đây.

Làng anh ở ven sông
sắp vào tháng tư
mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng
mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bỗng
ai chẳng ngỡ mình đang đi trong mây
ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt
cả một vùng sông ai chẳng hát
sao không nghe câu lý ngựa ô này.

Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
qua phá rộng duềnh doàng lên dợn sóng
qua truông rậm
đến bây giờ anh buộc võng
gặp mối dây buộc ngựa gỗc lim già
suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện
suốt miền Trung núi choài ra biển
nên gập gềnh câu lý ngựa ô qua.

Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm
đêm đánh giặc mịt mù cao điểm
vạch lá rừng nhìn xuống quê em
mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
khuôn mặt ra sao mà suốt thời chống Mỹ
lý ngựa ô hát đến mê người
mỗi bước mỏi bồn chồn về đó em ơi.

Hay vì làng anh ở ven sông
những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
đã hát quen lý ngựa ô rồi
khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng
móng gõ mặt thời gian gõ trống
khen câu miền Nam như giục như mời
ngựa tung bờm bay qua biển lúa
ngựa ghìm cương nơi sông xòe chín cửa
tiếng hí chào xa khơi...
hay em biết quê anh ngoài đó
câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
có điều gì như thể ẩn vào trong?

Em muốn về hội Gióng với anh không
để anh khoe với họ hàng câu lý ấy
em muốn làm dâu thì em ở lại
lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi
đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc
cũng sắp về chia vui.

2/1976

Nguồn: Tuyển thơ Phạm Ngọc Cảnh. nxb Hội Nhà văn 2014