Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Ông sinh năm 1957. Quê Hà Tây ( nay là Hà Nội).
Tác phẩm chính: Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Những người lính của làng (1996), Thơ Nguyễn Quang Thiều (1997), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca của những con chim đêm (2000). Ngoài ra, ông đã in 5 tập truyện, 2 tiểu thuyết và một số các tùy bút, bút ký, rất nhiều bài thuộc thể loại báo chí...
Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tiêu biểu đương đại với bút pháp hiện đại, mới, một giọng điệu rất riêng, đặc trưng Nguyễn Quang Thiều. Ông có thể trình bày bằng thơ ngay cả những điều tưởng chừng khó diễn đạt. Tính ước lệ trong thơ ông luôn luôn chuyển động. Thi ảnh lớp chồng lên lớp mà vẫn khúc triết, sáng rõ và cuốn hút. Ông thoát ra khỏi những tư duy trực quan, duy mỹ mà các nhà thơ cùng thế hệ ông hầu hết chưa thoát ra. Các yếu tố thuộc các bút pháp tượng trưng, siêu thực, ấn tương, kể cả cổ điển, kết hợp trong thơ ông hài hòa đến khó tin. Những bài thơ của ông có cấu trúc vững chãi mà tràn đầy cảm xúc . Câu và ngữ pháp trong nhiều bài thơ của ông được chủ động sắp xếp khác, làm cho câu thơ lạ đi và mới. Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều hơi "Tây". Tôi không nghĩ thế. Cấu trúc câu và cách nói chỉ là chiếc áo. Tâm hồn và thi ảnh trong thơ Nguyễn Quang Thiều là nhuần Việt. Sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều khi trái ngược, thậm chí có bài viết diễu nhại một cách hằn học. Chúng ta bị tư duy tiểu nông cuốn đi, trơn truội, gia trưởng, kiêu ngạo và bảo thủ ngay cả trong quan niệm thi ca. Thơ của hôm nay không thể mãi như hôm qua. Mọi tinh hoa của người đi trước không vì một lẽ gì bị chối bỏ. Nó đã hoàn thành kỷ nguyên của nó. Và như thế, không thể vì nó đã từng rực rỡ, thì, các nhà thơ Kỷ nguyên siêu công nghệ trở thành đối tượng của những quán tính. Họ, mà trong đó tiêu biểu là Nguyễn Quang Thiều đã và đang gieo những mùa vụ mới. Những mùa bội thu tất nhiên không thể chỉ một Nguyễn Quang Thiều. Thế - Hệ - Thơ - Mới đang chuyển động không gì cưỡng lại được và ngày một hùng hậu. Nguyễn Quang Thiều nằm trong những tiên phong, đã và đang vạch lên vòm trời thi ca những con đường mới với những luồng sinh khí mới.

Hoàng Quý   

Bóng tối

Ảnh sưu tầm


Bóng tối nuốt chửng dòng chảy mọi con sông
Tôi sợ hãi bởi ý nghĩ này
Chúng ta mang cảm giác bị xóa mất
khỏi thế gian trong sự lãng quên

Nhưng không phải lãng quên mà sự lặng im
Chúng ta từng hoảng loạn và bỏ chạy
Từ nơi chốn cuối cùng ngước lên và thấy
những cái cây vút thẳng, câm lặng ý chí vĩnh hằng

Với những bước chân trong nghi lễ trọng đại
Tôi bước tới cái cây đời sống
Mọc vượt qua bóng tối
Tán lá vĩ đại tỏa sáng

Chúng ta ngỡ bóng tối chứa đầy vũ trụ
Thực ra chỉ mỏng như màng mắt người mù
Và chỉ cần bước thêm một bước
Chúng ta sẽ sáng lên sau những hãi hùng.


Hoa hồng

Bởi nàng đã sinh ra, và nàng phải sống cuộc sống đàn bà
Bởi nàng đã đọc những cuốn sách và tìm đến thành phố này
Sao nàng không ở lại cánh đồng kia, chỉ mọc hoa cúc dại
Da thịt nàng, hơi thở nàng tỏa hương trinh bạch


Ảnh sưu tầm

Bởi nàng đã sinh ra, đã lớn lên, ngực mọc hai hạt ngọc
Hai hạt ngọc nở ra hai bầu vú của nàng
Bởi nàng đã bước đi, đã chạy, nàng đã bơi trong sông bể
Gió và nước chảy xiết hai bên thân thể nàng tạo thành những đường cong

Và nàng đã đắm mê tóc nàng, vú nàng và những bí mật đàn bà
Nàng đã đến và lộ trước mắt ta
Nàng đã từ bỏ cánh đồng hoa cúc dại và nàng không còn đất đai
Nàng chỉ còn chiếc giường bộn bề chăn chiếu
Nàng cố gieo những bông cúc thuở xưa trên áo quần ẩm ướt nhưng làm sao có thể
Bộ xương nàng là song sắt nhà tù
Da thịt nàng là cánh cửa gỗ nặng
Đã giam cầm chính nàng

Nhưng Thượng Đế đã rủ lòng thương ban cho nàng một nhà tù lộng lẫy
Bởi thế ta yêu tâm hồn nàng cùng thân xác của nàng
Ta với nàng chỉ thầm thì với nhau qua những song sắt kia, những cánh cửa kia
Và trong bất lực của khát vọng hoàn thiện và bất tử
Chúng ta đập phá những cánh cửa ấy, những song sắt ấy

Thượng Đế đã lấy một nửa quỉ dữ và một nửa thiên thần để nặn ra ta
Và Người mách nàng nửa nào của ta là thiên thần, nửa nào là quỉ
Nhưng khi nàng rồ dại băng qua mọi thử thách, mọi nhạo báng, mọi sợ hãi
Đến trước ta và nàng quên đi mọi lời dặn của Người
Bởi vậy nàng thèm khát ta,ngưỡng vọng ta,nguyền rủa ta và mơ trốn chạy khỏi ta
Và nàng đã đày đọa chính mình bằng những rối loạn

Mỗi sáng nàng thức dậy, ban mai trong suốt
Những con chim xanh như ngọc của tâm hồn nàng đang hót
Nàng thức dậy như hoa đang mở cánh buổi sớm
Cặp đùi nàng trắng như thác đổ từ trời
Vú nàng loá sáng và môi nàng được nung nóng
Những con chim xanh của tâm hồn này đập cánh không ngưng nghỉ
Tìm lối thoát ra khỏi thân xác của nàng

Sau những phút đắm mê thân xác của mình, nàng rên rỉ than khóc
Con quỉ trong ta nhảy múa thiên thần trong ta đau khổ
Nàng chạy quay cuồng trên mặt đất để tìm cách bay lên
Nhưng đời sống thế gian này là trái núi đè nặng tâm hồn nàng

Bởi nàng đã sinh ra trên thế gian này
Nàng phải đội lốt một đàn bà nhan sắc
Nàng đã ngửi hương hoa hồng, nàng đã chạm gai hoa hồng
Và thế tâm hồn nàng tỏa hương còn thân xác nàng chảy máu


Bài hát về cố hương
                    Kính dâng làng Chùa của tôi

Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt át
Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về

Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức trắng một mình

Ảnh sưu tầm
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong ánh sáng đèn dầu
Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc

Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy dòng dòng

Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi.

1991


Linh hồn những con bò

Ảnh sưu tầm
Ra đi từ đêm
Và bây giờ, những con bò bóng tối, đã đến
Cánh đồng cuối cùng

Suốt đêm tiếng rống đàn bò
Rền rĩ những cách đồng câm lặng
Suốt đêm hơi thở đàn bò
Phả nóng như một đêm mùa hạ

Chúng đã đi hết đường cày cuối cùng
Những chiếc ách biến mất gần sáng
Dấu chân chúng đã điểm chỉ
Trên những cánh đồng thế gian

Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực
Và tan vào ánh sáng
Những tiếng rống vọng lại
Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ
Đang tập buổi cuối cùng
Để đón lễ Phục sinh

Giờ chỉ còn những đám mây
Phiên bản của đàn bò
Bay trên cánh đồng
Của những con bò khác



Người thổi kèn rắn
                                Gửi một nhà thơ

Tựa tường, ngồi ngủ như đã quên thế gian
trên con đường ven biển. Chiếc kèn nằm bên đôi giày rách.
Những gì đã diễn ra khoảng khắc trước đó
giai điệu cây kèn, điệu múa con rắn, sự quyến rũ của nỗi sợ hãi.

Không trí tuệ, không pháp thuật, không phải những đồng xu,
chỉ sự điên rồ chăng? của cả hai ta, không lời nào để nói.
Không đánh lừa được ai kể cả kẻ đần độn, chỉ đánh lừa chính mình
Ôi hai ta, những kẻ biết được sự trống rỗng trong âm nhạc ấy, trong vũ điệu ấy

Ảnh sưu tầm
Cả nỗi hoảng sợ ấy cũng không có thực
Bi kịch đến quá sớm khi ngày chưa tàn
Trong chiếc giỏ nhiều màu không còn con rắn nào
Nhưng không vì thế mà mọi chuyện kết thúc

Vẫn tựa tường ngồi ngủ, hỡi người thổi kèn rắn, du khách đến rồi đi
Bóng tối phủ lên người tấm vải đen, người vẫn không thức dậy
Phải chăng chính nọc độc của kẻ trong cuộc đã tìm cách giải thoát cả hai
khỏi sự trống rỗng, dối lừa từng nhân danh những điều huyền diệu.


Karachi, tháng 10 năm 2002


Những con cá vàng

Từ bùn đen thân xác chúng ta
Những con cá vàng bơi lên
Lấp lánh
Lấp lánh

Ảnh sưu tầm
Đồ gỗ trong ngôi nhà thức dậy
Mọc xum xuê những vòm lá
Lắc lư và hát
Bài ca dâng mùi hoang dã

Những con cá vàng của đêm
Vây chạm vào bóng tối
Vang lên tiếng khánh ngọc
Và đôi mắt sáng mãi những ngọn đèn
Không tắt…
Không tắt…

Bơi trên giấc ngủ chúng ta
Như trên bùn đen
Như trên lá mục ao đầm
Giống những bàn tay nhỏ
Vẫy mãi - 
những con cá

Những con cá toả sáng
Những mảnh lửa rực rỡ bay
Giấc mơ lộng lẫy, rực nóng
Trong rét lạnh thân xác

Khi chúng ta thức dậy
Ngập tràn mọi ngả đường
Những con cá biến mất
Trên mặt chúng ta hai hốc mắt tối
Những cái hang của bầy cá.


Tháng mười

Những ngọn khói trẻ chăn trâu đốt rạ trên cánh đồng sau vụ gặt
Thở vào ta hương vị tháng mười
Sau mỗi gốc rạ khô tiếng gió ngân lên thổi qua những bẹ lá tướp
Ta nghe có người nấp sau ở đó gọi ta, và ta đi, ta đi…


Ảnh sưu tầm
Ta đi qua tháng mười, ta đi qua tiếng gọi buổi chiều của mẹ
Mây trời vun lên những đống rơm khô
Dấu chân ta xóa dấu chân chú bê vàng lạc mẹ và dấu chân chú bê vàng xóa dấu chân ta
Khi bóng đêm vụt ra đứng chặn trước mặt ta, ta vội quay lại tìm dấu chân mình
Òa khóc.
Ta tin có một mụ phù thủy đã biến ta thành một chú bê

Giờ chẳng còn tháng Mười xưa, chẳng còn ngọn khói xưa, chẳng còn…
Ta đợi mãi đợi mãi một mụ phù thủy
Từ tháng Mười một bay về để biến ta thành chú bê xưa.

Tháng mười xa quê, năm 1991


Chiếc bình gốm


Ảnh sưu tầm
Rộng mê man, sông Hồng, chảy bên kia giấc mơ
Tôi ra sông, tóc réo vang như lửa, bất tận trên cánh đồng Châu Thổ. 


Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng
Phù xa nhễu dài – MÁU - chầm chậm và rên rỉ
Vục tay xuống lòng sông, tôi dâng lên, xoè rộng, ban mai ứa đầy
mí mắt tôi - bờ thứ ba màu mỡ bóng tối chuyển động.

*


Trộn máu vào phù xa, trộn ban mai vào hòang hôn, tôi nặn chiếc bình gốm
Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù xa



Tôi ra sông lấy lòng tay múc một miền nước lớn
Sông Hồng mê man rộng, chảy bên này giấc mơ


Những người đàn bà gánh nước sông


Ảnh sưu tầm
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông

Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
Sông gục mặt vào bờ đất lần đi
Những đàn ông mang cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Những con cá thiêng quay mặt khóc
Những chiếc phao ngô chết nổi
Những người đàn ông giận dữ, buồn bã và bỏ đi

Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông và lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.

Nguồn: Thi viện
             Tienve.org
             Thơ mười năm đầu thế kỷ, NXB Hội Nhà văn, 2010