Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

TIẾNG KÈN PÍLÈ

Nhà văn Bùi Thị Như Lan

Nhà văn Bùi Thị Như Lan, sinh năm 1967, quê Đông Viên, Chợ Đồn, Bắc Cạn.
Tác phẩm: Tiếng chim kỷ giàng (Tập truyện ngắn), Mùa hoa mắc mật (Tập truyện ngắn), Lời Sli bay cao (Tập truyện ngắn), Bồng bềnh sương núi (Tập truyện ngắn), Cọn nước đôi (Tập truyện ngắn), Mùa hoa Bjoo phạ (Tập truyện ngắn), Tiếng kèn Pílè (Tập truyện ngắn).

Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan tập trung phản ánh những số phận con người sống trên vùng cao. Ở nơi ấy, con người mộc mạc, hào phóng như thiên nhiên, vũng chãi như núi, hồn hậu như hoa rừng, cô đơn như mây, nồng nàn như thác, trong vắt và man mê như suối. Nhân vât trong văn Bùi Thị Như Lan hiển hiện nồng ấm và gần gũi, khi ngiệt ngã, lúc hồn nhiên khoáng đạt, vui đấy, mê đắm đấy mà buồn như lá. Ở họ, cả hạnh phúc, niềm yêu hay bất hạnh đều mang vẻ đẹp nguyên sinh, vẻ đẹp Bùi Thị Như Lan gắn bó máu thịt. Văn Bùi Thị Như Lan rất nhiều ma lực, ám nhập, lôi cuốn, nhiều trang viết như tạc khắc. Chúng ta nghe thấy sau những trang văn kia cả những tiếng thở dài, cả phập phồng của khí trời, thiên nhiên, cây cỏ vùng cao, cả những buồn vui, khổ đau trong mỗi số phận người.
Nhà văn Bùi Thị Như Lan đoạt nhiều giải thưởng văn chương.
Hoàng Quý   

Bùi Thị Như Lan
                  Truyện ngắn


Ảnh sưu tầm
Nấn ná, chần chừ mãi Siển cũng về nhà. Bỏ lại sau lưng cái ồn ào, náo nhiệt của thị trấn, Siển lụi cụi vượt dốc, ngược núi về bản. Siển đi lúc sương sớm táp vào mặt người lành lạnh, ẩm ướt, đến khi trăng nằm trong nong vàng, bơi qua biển mây dàn dạt gió thì cũng về tới nơi. Thế nhưng đã mấy mùa nắng, nóng trôi qua, từ sau lần về làm lễ thôi tang cha đến nay, Siển không về bản. Biết bao lần cái chân Siển đi quá nửa đường lại quay trở lại. Không phải Siển không muốn về nơi ăm ắp tình thương yêu ấy, nhưng Siển sợ phải đối mặt với sự thật, cho dù Siển không muốn thì nó đã xảy ra rồi và đang hiện hữu. Siển lo lắng khi nhìn thấy đôi mắt buồn da diết của anh trai, cái thở dài thao thiết của chị dâu và tiếng nói thơ ngây của thằng Thản. Chẳng biết thằng Thản lớn đến đâu rồi, nó có cạy được đôi môi của anh Sính nở nụ cười không? có ngoan ngoãn làm cho nỉa (mẹ) nó vui không? biết mấy câu hỏi cứ cuộn tròn như xoáy nước trong đầu Siển. Cái chân Siển chùng chình, nặng như có khúc gỗ lớn cột chặt vào bắp chân. Mồ hôi Siển túa ra ướt dượt vai áo, cái túi chàm bên trong đựng chút quà cho thằng Thản mà sao nặng trĩu vai.

Mải mê nghĩ, đến lúc chân đi qua những nương ngô lớn xanh mướt, trượt xuống giữa bãi lanh rập rờn, loang loáng ánh trăng, rồi lún sâu vào thảm cát mềm mại trên bờ con suối Nậm de, tiếng nước róc rách thủ thỉ đan xen trong tiếng kèn réo rắt làm cho Siển chợt bừng tỉnh. Thế nhưng, khi mắt Siển lướt qua cái bóng người ngồi thu lu trên tảng đá, dưới gốc cây sắng già bên kia dòng suối, đang mê mải thổi kèn pílè thì Siển biết đấy là anh trai. Tự nhiên trong bụng Siển chợt như có ai đó cầm gai nhọn mà đâm vào. Cái đau bỏng rát từ trong bụng, nhoi nhói chảy trong máu, lan ra ngoài, nhảy ngược lên mặt Siển. Siển cúi xuống vốc nước, vã liên tục lên mặt, lên đầu để giảm cái đau rồi ào ào lội qua suối, mặt nước duềnh lên ùm oạp, đá cuội trơn truồi truội qua chân làm cho dáng cao lớn của Siển chợt liêu xiêu, nghiêng ngả. Mặc cho Siển đứng ngay trước mặt mà anh Sính vẫn mê mải thổi kèn pílè. Tiếng kèn ấy khi ủ ê, than vãn, lại có lúc nhảy nhót, thánh thót ngân dài lời nồng thắm. Nghe tiếng kèn tan trong ánh trăng đủ biết anh Sính có nhiều điều khó nói ra…Siển lí nhí chào anh trai. Lời kèn đang vi vút bỗng ngừng bặt, rồi tiếng cười như điên, như dại lan khắp mặt suối, tiếng cười của anh Sính như có ong đốt, kiến bò bấu chặt vào tai Siển từng hồi, từng chặp…

Sải chân qua bờ rào nứa, Siển đi trên khoảng sân lênh loang ánh trăng, vào trong nhà. Chị dâu đang tẽ ngô, mà hình như chị mân mê cái bắp thì đúng hơn, tay chị xoay xoay mà không có hạt ngô nào được bong ra. Xung quanh chị, bắp ngô vứt lung tung xuống nền nhà, cái còn nguyên, hạt to tròn đều tăm tắp, cái thì tẽ dở dang, lam nham như bị chuột gặm. Đôi mắt đẹp nhưng u uẩn của chị chan đầy nước, ngó đăm đắm về phía con suối, nơi tiếng pílè đang thả lời oán trách…cho đến khi Siển ngồi bệt trước mặt thì chị dâu mới giật mình, luống cuống đánh rơi bắp ngô xuống làm tụi hạt bắn tứ tung, chị kêu khe khẽ:


Ảnh sưu tầm
- Ô! Về từ bao giờ thế? Sao không đánh tiếng?

Chị dâu vẫn thế, từ ngày về nhà họ Sùng, chưa một lần gọi Siển là em chú, cứ nói trống không thế thôi. Chuyện này muốn nói ra cũng khó lắm, giống như cái khúc quanh của con suối trước nhà, mà cũng không phải vậy, tựa như bụi cây giang ken dày giấu những điều bí ẩn thì đúng hơn. Siển không trả lời chị, mắt nhìn như hút vào đôi má đỏ hây hây tựa hoa mộc miên mà giàn giụa nước mắt của chị dâu, khe khẽ thở dài… 

Lảng tránh Siển, chị dâu vội đứng lên, bê cái mẹt ngô ra chái nhà, bước chân luýnh quýnh như chạy trốn ánh mắt có lửa của Siển.

Siển ngó quanh nhà không thấy thằng Thản, liền đánh tiếng hỏi:

- Thằng bé đi đâu sao trời tối không biết lối về?

Chị dâu ở ngoài sân nói với vào: - Nó đi lấy cái chữ chỗ cô giáo Miền rồi.

Siển ngạc nhiên: - Thế a? Nhà cô giáo có xa đây không? Nó cao bằng ngần nào mà đã biết đi lấy chữ? 

- Cô giáo ở trường dưới bản mới Phiêng Luông. nó cao bằng nửa cái cánh cổng.

Dừng một lát như nuốt cái đau vào bụng, chị dâu bảo: - Mai cuối tuần nó về đấy! Giọng chị dâu nghèn nghẹn: - Cha thằng Thản không muốn nhìn thấy nó…

*

Khi Siển là thằng trẻ con, cái chân biết theo lũ trẻ trong bản chơi trò đuổi bắt nhau dưới những tán cây trong khu rừng thưa ngoài đầu bản, cũng là lúc biết được trong nhà có ba người đàn ông. Cha, anh Sính và Siển. Anh Sính với Siển là một cặp song sinh. Anh Sính nhìn thấy mặt trời trước làm anh, Siển nhìn mặt trời sau, thời khắc cách nhau bằng hai lần chớp mắt thôi cũng phải làm em. Nhìn vào khuôn mặt thì hai anh em Siển giống nhau đến kỳ lạ, tựa như hai cái muôi gỗ do tay cha đẽo gọt nên. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà đôi chân của anh Sính lại không lớn được, nó cứ mãi oặt ẹo, bé tí giống như cái ống nứa non, vì thế anh Sính phải đi bằng cái tay, chỉ quanh quẩn trong nhà, xa hơn là ra suối câu cá, không đi đâu được. Ngược lại, Siển cao lớn, vạm vỡ, chân nhảy suốt ngày không biết mỏi. 

Ngày nối ngày qua đi, giống như nhịp quay đều đặn của cái cối xay, vào mỗi chiều tối, khi từng nóc nhà trong bản mùi khói bay lên, tụi ngựa gõ móng lộp cộp trong chuồng, cũng là lúc cha Siển đi nương về. Cha xối nước ào ào, dội qua quít cho vơi bớt cái bẩn, rồi vội vàng cùng anh em Siển lo nấu cái ăn tối. Cha luôn bận rộn như thế, cái chân, cái tay chỉ được nghỉ lúc cha nằm xuống. Khi cha nằm tiếng thở cũng chật vật lắm, tiếng thở ấy như có bức vách ngăn lại trước khi thoát ra khỏi lồng ngực.

Anh Sính là người con ngoan, lúc nào cũng xoắn chặt gấu áo cha. Cha thường san cái buồn, chia cái vui cùng anh. Siển thì khác lắm, Siển vốn hiếu động, lúc cùng tụi trẻ chạy quanh bản chơi náu tìm, khi thì chui rúc khắp các cánh rừng rậm, rừng thưa hái quả, quần áo tơ tướp vì gai cào, đầu tóc lấm lem, khét lẹt.


Ảnh sưu tầm
Một chiều tháng bảy, cái nắng theo mặt trời chui vào những tầng mây trên đỉnh núi Pụ Pàn, sương chiều như ngàn sợi tơ giăng trên những cánh rừng, chạy xuống bao phủ từng mái nhà trong bản, khẽ khàng buông lơi xuống mặt suối Nậm de… cũng là lúc Siển cùng tụi trẻ rời trò chơi trượt dốc, về nhà. Bộ quần áo vải chàm của Siển đất bám một lớp dày, mặt mũi Siển đỏ gay, mồm, mũi tranh nhau thở, cha lắc đầu, buồn rầu nói:

- Siển à, cái chân mày bớt chạy rông có được không? 

Siển di di chân vào bậc đá trước cửa bảo: - Tụi nó rủ chơi, vui lắm mà. 

Cha nhìn Siển như suy nghĩ lung lắm, rồi chép miệng, bảo: 

- Nhà khác có người đàn bà dệt ra vải, khâu nên cái quần áo, nhà mình phải đi nhờ khó nhiều lắm đấy! Sao mày không như thằng Sính hả con?

Thấy cha nói thế, Siển lau tau hỏi:

- Cha à, nỉa làm sao mà phải ra núi lạnh với ông bà? Sao cha không tìm người đàn bà về ở chung nhà mình? 

Anh Sính là người hiểu cha nhiều lắm, biết Siển chạm vào cái đau từ trong bụng của cha nên mím môi, nín thít. Gương mặt cha bỗng nhăn nhó như ăn phải thứ quả chát. Sau lúc trầm ngâm, giọng cha lạc hẳn đi, cha vừa nói, vừa ngừng lại để thở. Cha bảo, khi sinh anh em Siển, không hiểu nỉa bị bệnh gì mà ngày qua ngày cứ héo hon, gầy rộc đi, cái da xanh như màu chàm. Đến lúc anh em Siển nhìn qua năm con trăng lên, trăng tàn, thì nỉa bỏ cha con Siển đi mãi. Phải khó khổ lắm, cha mới nuôi nổi hai anh em đến bây giờ. Cha bỗng thở hắt ra từng hồi, từng chập như đang kéo một vật gì nặng lắm, cái mắt cha tối lại tựa như màu xám của những hòn đá mồ côi trên bờ suối, khuôn mặt cha thẫn thờ, rầu rĩ… 

Cha bảo với anh em Siển, cha lo người khác về ở nhà mình không vui, thế nên ba cha con sống thế này cũng tốt mà. Nói đến đấy, cha bỗng im lặng, cái chân chậm chạp bước vào, mệt mỏi ngồi trên phản gỗ giữa nhà, mắt trân trân nhìn lên kèn pílè treo trên cây cột chính giữa nhà, chốc chốc đôi môi cha mấp máy, thầm thì… Siển biết là trong bụng cha có chuyện phải nghĩ nên mới thế. 

Trong nhà Siển có vật báu mà cha yêu quí lắm, đấy là chiếc kèn pílè. Kèn này có từ lâu đời lắm rồi, là vật báu linh thiêng của dòng họ, do cụ tổ họ Sùng làm từ mấy mươi đời nay. Chiếc kèn pílè này khác với kèn pílè bình thường. Kèn mẹ làm bằng đồng, trên lưng địu thêm ba cái kèn con bằng bạc. Kèn con có chân bé xíu bám chặt vào lưng kèn mẹ. Người trong họ phải có duyên với kèn thì khi đưa lên môi thổi mới ra tiếng. Qua những câu chuyện không đầu, không cuối của người trong họ, ngoài bản kể lại thì, trước đây cha Siển thổi kèn hay lắm. vào những mùa trăng, tiếng kèn pílè mượt mà, êm ái, vượt qua thung sâu, lướt trên rừng đại ngàn, bay bổng trên chín tầng mây, rủ mây trôi xuống bản gần, núi xa…

Thế nhưng, từ ngày nỉa mất, anh em Siển lớn lên, chưa một lần nghe thấy cha thổi kèn. Song, rất lạ, mùa trăng nào cũng thế, vào cái đêm trăng tròn như chiếc thau đồng, chiếu ánh vàng xuống sân nhà, cha thường mang kèn pílè ra trước thềm nhà, ngồi lau đi, lau lại cho sáng bóng lên. Nhiều lần anh em Siển được cha cho vuốt ve, chau chuốt kèn. Không biết có phải do duyên phận hay không mà hai anh em Siển thích được thổi thử xem kèn có ra lời không? Tiếng nó như thế nào, có hay không? Thế nhưng, cho dù hai anh em thích đến mê mẩn, thì mỗi lần nâng kèn đưa lên môi, chẳng hiểu sao kèn lại im lặng. Lạ hơn, trong bụng kèn như có đám cháy lớn, khiến cho thân kèn nóng rừng rực, đôi môi non nớt của anh em Siển bỗng bỏng rát. Lúc ấy, cha đưa đôi mắt ấm áp, bao dung nhìn hai anh em bảo, đừng có nóng vội như thế, chưa đến cái tuổi “gọi vía” làm thằng trai thì chưa gọi được tiếng nói của kèn.


Ảnh sưu tầm
Cho đến ngày rằm tháng giêng, cách đây mười mấy cái tết. Khi hương rượu ngô nồng nàn gọi trăng về chơi với người bản, cha dâng lễ xin đất trời, tổ tiên cho hai anh em bước qua tuổi trẻ con để làm thằng trai trưởng thành. Hương trầm được thắp lên ban thờ, cha chắp tay trước ngực, tiếng cha lầm rầm khe khẽ linh thiêng và huyền bí. Trên bầu trời ăm ắp gió xuân, trong màn sương dày đặc, không biết từ đâu đó giữa đỉnh núi Pụ Pàn, trăng nhẹ nhàng, khoan thai tỏa muôn vàn màu bạc xuống núi rừng, ánh trăng dang rộng vòng tay, tràn trề huyền ảo ôm lấy mái nhà sàn của cha con Siển. 

Cha Siển vái lạy tổ tiên, từ từ nâng chiếc kèn pílè gia bảo trên đôi tay khỏe mạnh, mang ra thềm nhà ve vuốt thầm thì… Hai anh em Siển theo cha, áp má, áp mặt vào kèn. Cha đưa kèn cho anh Sính thổi trước Siển. Tay anh Sính rung nhẹ theo tiếng kèn bay mãi, bay mãi, vi vút, hòa quyện vào tiếng gió, tan loãng trong trời đêm, làm chim rừng giật mình cất tiếng hót thảng thốt… Thế nhưng, không hiểu vì sao mà lời kèn của anh Sính không ngân được dài, nó chốc chốc ngắt quãng, đứt đoạn lịm dần, lịm dần, rồi xuất thần ngân lên lảnh lót. Cứ thế, lời kèn của anh không thành giai điệu mà tựa như người ta đang kể một câu chuyện ngổn ngang những tự sự…

Khác với anh Sính, khi Siển đón kèn từ hơi ấm của tay anh, bỗng thấy từ sâu thẳm trong bụng, có điều gì đó rất nhẹ, rất mát từ từ lan chảy, mà hình như có ai đó đang xúi giục Siển hãy đưa kèn lên đôi môi, cất tiếng hát, người Siển châng lâng, nhẹ bẫng… cứ thế, Siển mê mải, say sưa thổi. Lời kèn lúc như nước suối nhẹ nhàng trôi, khi thì mạnh mẽ, dồn dập tựa tiếng vó ngựa phi nước đại trên đường đá, có lúc thủ thỉ lời tâm tình như muốn rủ gió, mời trăng, kéo bầy chim, tụi thú ra khỏi tổ nhảy nhót…tiếng kèn miên man dòng thanh âm nhảy nhót, sống động bay qua trập trùng núi, ngút ngàn mây, đến từng nếp nhà trong bản. 

Nghe lời kèn dặt dìu, ríu rít, người bản đốt lửa kéo tới nhà Siển. Những ngọn đuốc cháy sáng, bập bùng, nhảy nhót hòa trong bóng trăng, nhẹ lách qua tán lá, lôi bầy sóc bông trong rừng nhảy múa, bám theo bóng người kéo về ngôi nhà nhỏ chênh vênh, tựa lưng vào vách đá của cha con Siển…

*

Mí thu dọn xong đống bát đĩa ngổn ngang của đám cưới thì cái tay cũng lạnh cóng. Bên ngoài tiếng gió réo ù ù, rú rít. Gió bứt lá cây ràn rạt, ào ào. Gió hà hơi đập cánh cửa ầm ầm.

Mí đưa đôi mắt nhìn khắp gian nhà rộng. Tiếng ngáy đều đều, to vang của cha và người em chú bên chiếc phản ở góc nhà, giống như tiếng người ta kéo bễ lò rèn sắt. Chiếc chăn bông to đắp trên hai người cũng rung lên. Mắt Mí dừng lại ở chiếc kèn lạ lùng đang đứng lơ lửng trên chiếc cột. Ô, nó đấy! Chính nó đã dẫn dụ Mí về làm dâu họ Sùng. Mí không vui khi gặp nó. Trong bụng Mí cái buồn cứ thế loang ra, mênh mang, vời vợi. Sống mũi Mí tưng tức, mắt cay xè, chiếc kèn trên cột nhập nhòa, chênh chao…

Cho thêm củi vào bếp, hơ tay cho vơi đi cái tái tê cũng là lúc Mí nghe tiếng trở mình từ trong buồng vọng ra… Mí biết chồng đang nóng bụng chờ Mí. 

Ngày đầu làm dâu lẽ ra Mí phải vui mới đúng chứ, tại sao Mí lại nản lòng? Bên tai Mí vang vọng lời dặn dò của mẹ, đã đi làm vợ người ta, làm dâu họ Sùng thì cái tay cố chăm chỉ làm ra hạt lúa, bắp mẩy, giỏi dệt vải, khâu vá. Lúc nào cũng phải làm người vợ ngoan, dâu hiền, mắt chỉ nhìn chồng, không được quay ngang sang người trai khác…

Mí lắc đầu như muốn nếp nghĩ xuôi đi, đừng có chảy ngược. Anh Sính dù có tật nguyền cũng là chồng Mí rồi. Cũng tại Mí thôi, sao tai Mí chỉ nghe lời kèn mà không muốn biết mặt người ta? Sao Mí mải mê nghe người già nói với nhau rằng, người trai giỏi thổi kèn nhiều cái chữ, hay cái tính, mà không biết có hai lời kèn cùng đồng hành trong đêm trăng tròn bóng. 

Ngoài trời, gió không ngừng chạy, gió lẻn vào nhà, quẩn quanh lùa hơi lạnh vào buồng. Sính kéo chăn chùm kín cổ, cái nghĩ ngóng ra ngoài. Mí làm gì lâu thế? Tiếng lạch xạch, loang xoang của bát đĩa ắng đi rồi sao Mí chưa vào? Sính không nghe thấy nhịp chân nhẹ nhàng của Mí lướt trên nền nhà nữa, mà Mí vẫn chưa đi nghỉ. Sính lật mình từ bên phải, sang bên trái. Bụng Sính nén đầy lo lắng. Lo gì thì không biết nữa. Cứ khắc nghĩ, khắc lo thôi. Tự dưng có vợ thì phải lo chứ. Người khỏe mạnh, cường tráng thì không sao, đằng này, trời bắt Sính không lành lặn. Sính trăn trở, hết thở ngắn lại thở dài thườn thượt… 

Đôi tay Mí ấm hơi lửa rồi. Mí từ từ đứng dậy, bước chân nhẹ bẫng, vô thức trôi về nơi cửa buồng thơm ngát hương bưởi và nhập nhòa ánh sáng...

Mí rón rén nhấc chiếc chăn cưới thơm mùi bông vải, nhẹ nằm xuống, người Mí chợt run bắn như đang lên cơn sốt. Mí Sợ! 

Sính xoay nghiêng người, đăm đắm nhìn Mí. Úi chao! vợ Sính mới đẹp làm sao, cứ như bông hoa đang thì khoe hương sắc mặn nồng. Sính không dám nghĩ đến chuyện có vợ, chưa nói đến lấy được người đẹp đến thế. Đây là thực hay mơ? Có phải ảo ảnh không? Sính khẽ véo vào bụng mình. Ây da! Đau quá. Thế thì thật rồi, đúng rồi. 

Từ làn da trắng ngần của Mí tỏa ra mùi thơm lạ lùng. Đó là hương nhè nhẹ, man mác của cỏ cây trên nương, nồng nàn quyến rũ từ hoa rừng trong khe núi, sự ngọt ngào, tinh khiết, thanh tao của nước suối dưới khe sâu… hương vị ấy cứ lan lan, phảng phất nhẹ bay làm Sính ngất ngây, say đắm. Bản năng của thằng trai chưa nếm yêu thương trỗi dậy, đôi môi khao khát cháy bỏng của Sính mơn man ngậm bờ môi trái tim hồng nụ. Sính ôm chằm Mí, bàn tay quờ quạng trong dục cảm giao thoa, nụ hôn dài lướt loát khắp thân thể ngà ngọc… Mí khẽ khàng nhắm mắt, cơ thể căng cứng, xốn xang, bầu ngực tròn căng cứng, vồng cao đón đợi…

Nhưng, khi cơ thể Sính nóng rừng rực, máu chảy dần dật khắp trong người, hơi thở mê mải dồn dập khát khao đong hơi thở của Mí, hai cơ thể quấn lấy nhau mà Sính không thể làm nổi cái mà người đàn ông vẫn làm với vợ. Mấy lần hì hụi ham muốn nhưng Sính không thể đi đến tột đỉnh. Sính cố thì nó vẫn oặt èo, càng cố thì càng mềm thêm thôi. 

Sính lăn sang bên thở hậm hực, bất lực.

Mí lật mình, úp mặt vào gối, hai bờ vai tròn rung lên bần bật.

Sính quay quắt nghĩ. Mà cũng tại cha, tại người trong họ thôi. Sao lại lấy vợ cho Sính chứ? Sính đâu có muốn mang cái khổ đến cho người khác? Giờ có nghĩ đến nát cả đầu ra thì cũng muộn rồi.

Hay là tại rượu mà Sính không làm nổi? Nghĩ thế, Sính bật dậy, ôm chầm lấy Mí, đôi môi đón uống từng giọt, từng hàng nước mắt của vợ. Sính vừa xoa xuýt, vừa an ủi vợ rằng, tại Sính mải vui với bạn nên uống rượu nhiều. Rượu vào thì không làm nổi điều mình ham muốn. Thế thì cả hai vợ chồng cùng ngủ thôi, để dành đêm sau.

Sính nói xong thì lăn ra ngủ, tiếng thở của Sính trôi trong tiếng gió.

Mí thao thức, mở to mắt, hết nhìn ánh lửa nhỏ bập bùng được đốt bằng hạt bưởi xâu lại trong góc buồng, lại trân trân dõi vào trời đêm, qua khuôn cửa bé bằng sáu bàn tay chụm lại, Mí thấy một vành trăng cong hình cánh cung đang nhìn Mí an ủi. 

Đêm đầu làm vợ trôi qua nhanh như người ta dội gáo nước. Cái chuyện Sính không trở thành đàn ông, Mí vẫn là thiếu nữ thì cũng không sao. Chẳng ai hỏi đâu, nhà toàn đàn ông thôi, không có đàn bà xăm xoi thì không lo. Sính không nói, Mí lặng im, dấu kín.


Ảnh sưu tầm
Đêm, nối đêm. Ngày tiếp ngày qua đi. Loáng cái mà Mí làm vợ mấy năm rồi. Cha chồng ngày một yếu đi, Mí không để cha lên nương, xuống ruộng nữa, cha ở nhà cái tay làm việc nhẹ thôi. Siển thì mê mải đi học làm nghề thầy thuốc. Việc lớn, bé trong nhà Mí gánh vác, lo toan. Mí chăm chỉ làm để quên cái buồn, cái tủi đang lớn dần lên, chất chứa, ngộp thở. 

Sính không làm được người chồng hoàn hảo thì Sính càng hằn học, cau có. Chẳng biết từ bao giờ, khi nào tính Sính lại lúc mưa, khi nắng như thế.

*

Trời đêm tràn gió. Sương nhẹ trôi, mênh mang, lãng đãng mang hơi lạnh lạc bước vào nhà. 

Hôm nay cha mặc bộ tà pủ mới, bộ quần áo này chị dâu vừa khâu xong. Cha đưa ánh mắt trăn trở, bao dung nhìn anh Sính rồi lại nhìn Siển. Tiếng cha như mượn tiếng ai đó, âm âm, chan chát lạc giọng:

- Siển à, mày đi học cái tốt, cái hay về qua mấy mùa mưa nắng rồi, đầu nhiều chữ, chữa khỏi cái bệnh cho dân bản. Thế thì tốt, nhưng để cái nghĩ một ít lo việc nhà.

Siển ngưng tay thái củ cẩu tích vừa đào trong rừng, mắt ngước nhìn cha bảo:

- Việc nhà có anh trai, chị dâu cùng lo mà. Có gì lớn đâu cha?

Cha Siển lắc đầu: - Ô! Cái thằng này, chuyện nói mãi rồi mà. Mày không muốn hiểu hay không nghe lời?

Người Siển chùng xuống, Siển biết cha muốn cái việc mà Siển không làm nổi. Siển sợ thì đúng hơn.

Mà sao việc trong nhà Siển không suôn sẻ như bao gia đình khác? Sao cái khó cứ nhằm trúng cha con Siển mà dội vào?

Siển thừ ra, mông lung nghĩ. Mắt đăm đắm nhìn vào những miếng cẩu tích thái nhỏ mà như không nhìn thấy gì.

Anh Sính lặng lẽ, đầu cúi xuống, hai cái chân tong teo, thõng thượt, nhô ra phía trước nom thật tội. Chốc chốc, anh lại thở dài. Siển thương anh nhưng không biết phải làm thế nào. Anh Sính gánh đau ốm để Siển khỏe mạnh. Anh không thể làm nổi cái việc thằng đàn ông nào cũng làm với đàn bà là đau xót lắm. Mà cái chuyện anh lấy chị dâu cũng một phần do Siển. Giá như chị dâu không say tiếng kèn ma mị ấy của anh Sính và Siển thì đâu đến nỗi? 

Dường như sự lặng im của Siển làm cha nóng bụng. Cha dừng tay vót nan, hắng giọng:

- Siển à, bây giờ cha già rồi, anh mày không khỏe, cả nhà trông vào mày thôi. Mày có để tao ngẩng cao cái mặt lên hay là cúi xuống khi nhìn người trong họ, người ngoài bản?

- Con…con…cái chuyện ấy con không làm nổi mà cha! – Siển ấp úng nói.

Siển nói xong chưa kịp thở thì cha đã bảo: - Tao không nói nhiều đâu, nhà này có còn nóc không Siển?

Cha cho củi vào trong bếp, lấy cốc to hứng những giọt rượu đầu đang tong tả chảy ra từ chiếc nồi cất rượu lớn trên bếp. Trong hương thơm nồng nàn của rượu, cha cất giọng trầm đục mà uy nghi. Cha nói nhiều, nhiều lắm, cha bảo dòng tộc, họ Sùng này, bao đời nay như thế. Cha là trưởng họ, vì thế anh Sính sẽ thay cha làm tộc trưởng. Con trai trưởng không thể không con. Mà phải có thằng con trai để hương khói tiên tổ cho cả họ. Còn chiếc kèn pílè gia bảo kia nữa, phải có người chau chuốt, gìn giữ báu vật, cho nó cất tiếng hoan ca, thanh tao nối dài tình người, tình rừng.

Cha đưa mắt về phía góc nhà, nơi tấm lưng ong của chị dâu đang cong cong, vồng lên mê mải tước lanh. Những sợi lanh trong tay chị mềm mại, uyển chuyển như đang nhảy múa. Đôi mắt chân chim của cha mang ánh nhìn đau đáu nỗi niềm.

Sau phút ngưng lời như để cho Siển suy nghĩ, cha hỏi chắc nịch: 

- Siển! Mày có còn là con tao, là em của thằng Sính không thế? Cho mày đi mang vác, nhét đầy cái chữ vào người mà mày giả ngu ngơ thế a?

- Cha…cha đừng nói thế, con hiểu cha muốn điều gì, nhưng…

- Ây da! Nhưng…nhưng nhỏ cái gì, mày phải thay thằng anh mày làm cái việc nó không làm nổi, nếu không thì bao giờ mày mới được lấy vợ? Nhà này tiệt nòi giống hay sao? Mày không làm được cái việc của thằng trai khỏe mạnh thì cầm dao đâm vào bụng tao đi. 

Nói đến đấy, cha sầm sầm đi ra ngoài sân. Bước chân thậm thịch, nặng trình trịch của cha nện vào lòng đất, làm tụi côn trùng nín thít.

Người Siển chợt run lên như đang lên cơn sốt. Sao Siển lại phải làm cái việc quá sức ấy? Cuộc sống mai này của những người đàn ông trong nhà này sẽ ra sao? Còn chị dâu nữa, Siển đã vô tình làm người con gái đẹp nhất vùng núi Pụ Pàn này khổ nhiều, Siển không muốn người ấy khổ thêm nữa. Nước mắt người con gái ấy dường như vón đá lại rồi.

Siển miên man, thả hồn lội ngược về những mùa trăng.

 … Mùa trăng về trên núi cao là mùa người bản vui lắm. Người già nhìn trăng sáng trong bụng thư thái, yên bình. Những ông bố, bà mẹ mong trăng đến cho cây lúa thêm chắc bông, bắp ngô mẩy hạt, kéo ngày dài thêm, cho đêm ngắn lại. Tụi trẻ theo ánh trăng hò hẹn, gặp nhau, hát cho nhau nghe những lời cháy bỏng thương yêu, nhung nhớ. Trẻ con thích trăng cười để cái mắt nhìn tinh, cái chân cứng cáp, cái tai nghe tiếng thở của núi, tiếng reo vui của rừng…

Đối với Siển thì khi trăng tỏ là lúc Siển vui lắm, dù có phải học chữ thì ngày trăng tròn nhất, là ngày Siển cùng anh Sính mang kèn pílè thả lời hát.

Người bản vẫn thường nói với nhau, tiếng kèn pílè của anh Sính không có hồn, còn tiếng kèn của Siển thì khác. Mỗi khi Siển cất tiếng kèn, gió ngừng thổi, mây không muốn bay, sao trời trôi xuống núi để tan vào dòng âm hưởng dạt dào, lúc tưng bừng thánh thót, khi thủ thỉ thầm thì… Có người lại bảo, tiếng kèn của Siển giống như có ma nhập, vào mùa con trăng lên, lời kèn bay bổng kéo theo tiếng lá rừng rì rào, tiếng suối róc rách ngân vang, cá tôm trong dòng nước cũng cong mình nhảy lót nhót…Không biết họ nói có đúng không, thế nhưng bầy sóc mẹ, sóc con nghe tiếng kèn của Siển, mải miết theo về trú ngụ ở cánh rừng sau sau cạnh nhà thì có thật. Chúng quen tiếng kèn rồi quen luôn hơi thở của Siển, chúng có thể bu quanh người Siển mỗi khi Siển kêu “Hu…cho… ốc…choốc…chốc”. Chuyện về tiếng kèn của Siển thì nhiều lắm, khó mà kể hết. Người bản bảo nhau, tiếng pílè của Siển làm cho họ quên đi nỗi mệt nhọc, có Siển, người bản có thêm nhiều niềm vui.


Ảnh sưu tầm
 Trăng sáng da diết, lời kèn tự sự của anh Sính, tiếng kèn bay bổng của Siển không dừng ở trong bản, nó lướt theo từng cánh gió, bay bổng trên vòm trời vời vợi, trôi qua rừng rậm, rừng thưa, lọt vào tai người con gái đẹp nhất núi Pụ Pàn. Người ấy theo tiếng kèn thao thức, đôi mắt đen huyền soi dáng ong trong bóng trăng, thả hồn bay bổng, ao ước được áp má vào lồng ngực khỏe mạnh, tựa vào bờ vai chắc chắn của người trai đang thả lời kèn vấn vít đất trời. Mà người trai ấy giỏi quá, tiếng kèn lúc nhẩn nha, thầm thì như kể chuyện làng, bản, khi lại ngân nga thánh thót. Cũng vì say giai điệu của dòng âm thanh không lời ấy, mà cô gái đẹp tên Mí nhận lời ông mối về làm dâu nhà họ Sùng. Mí vui, người bản chia vui, ai cũng mừng vì Mí lấy được người mình mong nhớ. Mí đâu biết rằng, tiếng kèn ấy là do hai anh em Siển cùng chia vui. 

Ngày cưới Mí, nhà trai đi đón dâu đông lắm. Đây là đám rước dâu bằng xe máy. Từng đôi, từng cặp nối dài đoàn người. Tiếng xe ầm ầm vượt núi, vang rừng. Thử hỏi trước Mí, có ai được đón về nhà chồng bằng xe máy như thế? Ui da! Vui quá đi! 

Thế nhưng… vào lúc đón dâu vui vẻ, nhộn nhịp ấy, Mí biết, chồng Mí không khỏe mạnh. Anh là người trai tật nguyền. Mắt Mí găm cái nhìn trân trân vào người chồng đi bằng đôi tay, Mí cắn chặt môi ghìm tiếng nấc. Đôi mắt đẹp của Mí khô khốc như nương bãi ngày cuối tháng chạp. Mí không thể khóc nổi. Nhà trai đón Mí về làm dâu hởi hả cười nói. Họ nhà gái khi Mí đi rồi, mọi người bỗng thấy hẫng hụt, thương và lo cho Mí nhiều.

Mê mải nghĩ, Siển không biết anh Sính đi đâu, chỗ anh ngồi trống hơ, trống hoải.

Cha đã về từ bao giờ Siển cũng không hay, đến lúc cha rót bát rượu đầy đặt trước mặt Siển nói: 

- Mày nghĩ kỹ chưa? Nếu mày thương cha, thương anh thì hãy uống bát rượu đầu này, nó sẽ cho mày sức mạnh đấy.

Siển uống hết bát rượu này đến bát rượu khác. Uống để quên đi mình là ai, uống để không phải nghe lời nói dằn vặt của cha.

Gió rú rít. Gió say mềm. Siển quay cuồng, lảo đảo.

Trong men say chếnh choáng, Siển thấy hai má Mí đỏ rừng rực, đôi môi Mí mềm mại, thơm nồng. Da Mí ngan ngát hương hoa rừng… 

Hai người quấn lấy nhau. Vồng ngực Mí nóng hôi hổi, căng tròn, phập phồng, dính vào lồng ngực vững vàng của Siển. Sức vóc của thằng trai khỏe mạnh chưa biết hơi đàn bà, gặp người phụ nữ làm vợ chưa một lần được nếm trái hạnh phúc, giống như thứ men say khao khát, bồng bềnh, đê mê…

Ngoài trời bỗng đổ mưa rào. Cơn mưa trái mùa trút nước xuống ào ào. Suối Nậm de chảy ầm ầm như thác réo.

*

Siển lặng lẽ ngồi trước ban thờ dòng họ, ngước nhìn những nén nhang cháy đỏ. Trong khói nhang nhè nhẹ lan tỏa, lời dặn dò ngắt quãng cùng ánh mắt trân trối trước lúc cha mất lại hiện về: “Hai anh em…thương cái Mí…đừng có để…nó khổ… chúng mày… trông nom thằng Thản, dạy nó làm thằng….trai tốt…”. 

Giờ thì, cha nằm trên núi Pụ Pàn cùng ông bà tiên tổ lâu rồi. Qua mấy lần giỗ cha Siển không về. Cái chân Siển đi xa, mải mê vùi đầu vào việc làm dưới trạm y tế thị trấn để quên đi cái đau vô hình trong bụng. Lời cha dặn Siển chưa làm tròn. Siển không biết làm thế nào để lấp khoảng trống giữa Siển với anh trai, chị dâu. Còn thằng bé Thản nữa. Nó lớn rồi, phải được học hành đến nơi, đến chốn. Siển không biết tính sao bây giờ?

Tiếng kèn pílè của anh Sính ngoài bờ suối lại ngân lên những lời trách oán. Lời kèn như sát muối, đốt lửa. Siển đâu muốn chuyện trong nhà bùng nhùng như rừng rậm thế này? Nỗi khổ âm thầm, dồn nén bấy lâu khó nói ra bằng lời thì không biết đến bao giờ anh em trong nhà mới hòa thuận? Mà nghĩ cũng tội cho chị dâu quá đi thôi. Một mình bươn bả, lo toan ruộng trên, nương dưới làm ra hạt thóc, củ khoai để nuôi chồng, nuôi con. Siển có mang tiền về chị dâu cũng không nhận, nói mãi thì cầm cất đi, để một chỗ. Khó quá! Mà lạ quá đi, vất vả nhưng chị dâu không một lời kêu ca, oán trách. Chị mang vẻ đẹp đằm thắm, mặn mòi, nhẫn nhịn.

Siển thở dài nặng nhọc. Cái đau của chị dâu cũng là cái khổ của Siển, của anh trai. Bao năm qua rồi mà sao Siển không thể nhìn người con gái nào khác? Siển vẫn một mình, một bóng lầm lũi thôi. Cái chuyện này thì chỉ mình Siển biết. Siển không thể quên cơ thể nóng sực, nồng nàn hương thơm hoa cỏ của Mí…Biết thế là có tội, là không tốt, nhưng Siển không làm khác được. Siển mong thằng Thản chóng lớn thành cây to, cột chắc. Như thế là Siển toại nguyện rồi…

Siển lững thững đi ra sân, ngồi bệt dưới gốc cây hoa mộc miên, nhìn lên khoảng trời vằng vặc ánh trăng. Trăng đổ sáng vào vòm lá, trăng rót bạc qua cánh hoa mộc miên, rơi những mảnh bạc vụn lốm đốm xuống sân, tràn lên mặt Siển. 

Ô kìa! Từ đâu đó trên cây hoa mộc miên, những tiếng kêu liên hồi, đằm đượm, miên man vui mừng của bầy sóc bông: “cho..ốc…chốc…choốc…choốc”, “cho…ốc…chốc…choốc…choốc” như muốn lướt theo tiếng kèn réo rắt ngoài bờ suối. Siển ngẩng mặt nhìn lên, từ trên vòm cây ăm ắp hương thơm và lao xao gió, những con sóc bông lớn, bé, đuôi to như bông lau, quấn quít nhảy nhót, đồng thanh cất tiếng hoan ca trong ánh trăng thao thiết.


Ảnh sưu tầm
Tháng 10/2014

Nguồn:  Nhà văn Bùi Thị Như Lan - Tiếng kèn Pílè (Tập truyện ngắn), NXB Quân đội Nhân dân, 2015


Không có nhận xét nào :