Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

THƠ HỮU THỈNH


Nhà thơ Hữu Thỉnh

Người ta viết về ông, về thơ ông bằng rất nhiều sự kính trong và tử tế. Nhưng không ít kẻ viết về ông bằng bịa đặt, hằn học, đểu giả và tị hiềm. Trên cây thánh giá Thi ca và cây thánh giá trường đời, điều này không có gì lạ, và càng không đáng để bận tâm.
Tôi nhớ, năm 1979, ông cùng các nhà thơ: Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật, Hà Đình Cẩn, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Đình Chiến về Nghĩa Lĩnh thắp hương Giỗ Tổ. Tháng ba âm năm ấy rét đậm. Chúng tôi đốt một đống củi lớn trong sân Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú cho bớt rét. Ông choàng tay ôm một bên là tôi, một bên là Hoàng Hữu. Hình như đêm ấy chúng tôi hát một vài bài hát gì đó, rất tùy hứng, rất ấm cúng. Nguyễn Hữu Nhàn hát rất to, giọng chênh lanh lảnh, rất kinh khủng, rất đáng yêu. Khi biết tôi vừa hoàn thành việc sưu tầm các bài bản đánh trống đồng Mường cổ và phục dựng thành công kịp phục vụ Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ, ông cứ ôm tôi, rồi bảo, về Hà Nội thì ghé chỗ anh.
Năm 1983, ông cùng đoàn nhà văn từ mặt trân Hà Giang về. Lúc ấy, bọn "Giặc đồng chí" vẫn còn chiếm một số cao điểm và chưa để chúng ta yên. Đêm dừng chân ở Việt Trì, chúng tôi nghe các ông đọc thơ. Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc "Qua cầu Tràng Hương". Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi vừa khóc vừa đọc bài thơ viết về sự hy sinh của nhà văn Bùi Nguyên Khiết trong một trận đánh lớn ở biên giới. Tất cả chúng tôi lặng đi. Cuộc chiến tranh giữ nước vẫn còn bao mất mát, máu xương và chưa kết thúc.
Tháng Chạp 1983 tôi về Hà Nội. Công trình sưu tấm và phục dựng các bài bản đánh trống đồng cổ đã xong. Người ta không cần tôi nữa. Tôi lêu têu, ở thì Hội Văn nghệ, lương thì Ty Văn hóa Thông tin, rất nhố nhăng. Trong lần về Hà Nội thăm nhạc mẫu tôi ở phố Vân Hồ 3, tôi chui qua bức tường vỡ Khu Mĩ thuật quân đội thăm nhà thơ Hữu Thỉnh ở lụp sụp trong dãy nhà cấp 4. Ông, chà biết bằng cách nào kiếm được một ít củi, một ít thanh giát giường cũ, gãy. Và nhờ đó, một đống lửa nhỏ được đốt lên, ngay trong phòng của ông. Nếu tôi nhớ đúng, thì đêm ấy còn có mấy nhà văn, trong đó có chị Ngô Thị Kim Cúc cùng quây quần sưởi lửa. Rét thấu da thịt, Những ngày tháng ấy đói, thiếu, nên càng rét hơn. Ông bắt tôi đọc một truyện cổ mường in trong Tạp chí Sáng tác mới của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú mới gửi xuống. Ông bảo, em đọc đi, đọc truyện của mình đi, cho bạn bè anh cùng nghe. Ông giải thích với xung quanh, phải coi đây là một cách viết truyện cổ bằng tư duy và phong vị Hoàng Quý, không hề là chép truyện như cách của Nguyễn Đổng Chi. Và tôi đã đọc "Chàng Sáo nàng Hoa" đêm ấy. Thật lạ, các nhà văn tên tuổi không ai bỏ đi, tất cà đều chăm chú. Khi đoạn vĩ thanh vừa dứt, ông ôm lấy tôi, hay lắm, cách viết rất lạ, rất thơ nữa. Hôm tiễn tôi ngược Việt Trì, ông bảo, hồi còn sống Hoàng Hữu dự báo và nói với anh em sẽ là một nhà thơ. Bây giờ thì anh tin. Hãy đọc thật nhiều, hãy viết đi, đừng chán nản. Có lẽ, tôi bước vào con đường đầy bất trắc và chênh vênh này có thể một phần là sau cái đêm đáng nhớ ấy.
Về Hữu Thỉnh, nếu tôi viết thêm vài lời về Thơ ca ông, sẽ rất buồn cười, và có khi ngô nghê. Mọi cách nhìn về thơ của ông dù cố thống kê cũng khó mà đầy đủ. Với tôi, thì các đánh giá về ông, về thơ của ông vẫn chỉ là những phác thảo, chưa có hồi kết. Ông đã buông bút đâu. Thời gian, vâng, thời gian sẽ định đoạt còn mất giả thật. Thời gian sẽ phán xét tất cả!

Hoàng Quý

Phan Thiết có anh tôi


Chiều biển Phan Thiết - Ảnh sưu tầm
Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng Chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mất chỉ còn cách nước một vài gang

Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sà Thầy
Đắc Pét
Đắc Tô
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe
Cánh rừng còn kia trận mạc còn kia
Vài bước nữa thì tới đường số Một
Vài bước nữa
Thế mà
Không thể khác
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi
Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì
Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng
Anh chưa biết đã tan cơn báo động
Chưa biết tin nhà không nhận ra em.

Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ
Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em
Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm
Đèn thành phố soi người đi câu cá
Anh không ngủ người đi câu không ngủ
Biển đêm đêm trò chuyện với hai người
Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi.


Sang thu

Ảnh sưu tầm
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi 


Xa vắng

Ảnh sưu tầm









Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát
Đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em
Xa vắng quá một mình đi hỏi bến
Người sang đò có dặn sóng gì thêm
Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ
Người mua gương dạo ấy có hay về?
Người mua gương đã một lần trở lại
Soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi.


Đêm chuẩn bị

Ngày mai chúng ta đòi lại phù sa
ngày mai chúng ta về cười rung bè rau muống...
đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Ảnh sưu tầm
Sau một chặng đường dài
đêm nay chúng ta ngồi trong hầm chật hẹp
súng với người ủ trong lòng đất
trận đánh ngày mai thức dậy với mầm cây.

Qua một chặng đường dài
chính khẩu súng đã làm ta tươi tốt
hạt gạo vẫn thường ăn mà người trồng không biết mặt
sao ta nhớ những ai đang ở đâu!

Ta nhìn lên trời, trời dậy ta khát khao
ta đi trong rừng, rừng nuôi ta dài rộng
mẹ dõi theo ta thức khuya dậy sớm
nắm cơm chiến hào xúc động quá, sao mai!

Xúc động quá, quê ơi!
nỗi căm giận không cứ chờ phải máu
mẹ ta ốm, húp bát canh rau dệu
chị ta hay ngồi khóc dưới bếp một mình
em ta ngủ hầm, sinh thấp khớp
ta nghe người ta nói đết bút, tưởng bút để mà ăn
chợp mắt mơ thấy người cho khoai, cho sắn.
Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Mưa choang choang như đá đập trên đầu
đất đẫm ướt gian nan không định trước
rừng cảm thấy điều gì không nói ra không được
ta nóng lòng ôm súng ngóng ngày lên.

Mưa bão liên miên, giặc giã cũng liên miên
ta nhạy cảm với trái tim chiến sĩ
cuộc chiến đấu nên thơ mà cũng khe khắt thế
để sống một nghìn năm, ta gắng vượt một ngày 

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?

Ta đi trong rừng suốt một thời trai trẻ
đánh giặc là ước mơ vạm vỡ như rừng
quen nhớ nhà, quen nhạt muối
khúc dân ca hát đi hát lại
qua nhịp cầu, chân ta bước so le
măng lên sáng dọc đường đi
ôm bó chông dài săn thú dữ
đêm ngủ hầm, thèm sách vở
nghe tiếng chim hồi hộp chân trời
sao ta nhớ mùa, nhớ mùa quá, mùa ơi!
qua nương rẫy, ngẩn ngơ từng gốc rạ
sao ta yêu ta quá!
núi ngất quanh ta, đội ngũ đã xong rồi

Đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai?
Sau một chặng đường dài
đêm nay chúng ta ngồi trong hầm chật hẹp
ngày mai chúng ta về
chúng ta về
cho con trai cày vỡ những bình minh
con gái đứng bên thềm hong tóc
cho chị lấy chồng xa về giỗ tết
cho mẹ già nhận mặt đứa con dâu.

Ngày mai chúng ta về gọi những cánh đồng bằng cái tên rất cổ
đất giấu những lá cờ như cây khô giấu lá
chúng ta về làm cơn mưa tự do...

Chiến khu Cù Đinh 1974


Sức bền của đất

Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ
Mẹ ở nhà đã cất áo bông
Mẹ có ra bờ sông
Qua bến đò tiễn con dạo trước
Đường xuống bến có mười sáu bậc
Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu...

Ảnh sưu tầm

Trận địa của con nối tới bến sông
Có cái khát của nhiều trận đánh
Có niềm vui trước mỗi cơn mưa
Khum bàn tay vốc đom đóm bay ra
Kỷ niệm lập lòe những đêm bám chốt
Kẻ thù trước mặt
A.R.15 xả đạn liên hồi
Cối cá nhân kêu dóng một
Pháo tầm xa cố tình thay quy luật
B.52 hay nhè trước mỗi bữa ăn
Cây cối thưa dần
Màu ngụy trang cuối cùng là màu của đất.
Và mẹ là người chúng con thương nhớ nhất
Đất nước ngày có giặc
Mẹ vẫn đỏ miếng trầu
Ấm một vùng tin cậy phía sau.

Sóng đánh cao trên mặt nước Sa Thầy
Pháo giặc hầm hầm Đắc Siêng, Đắc Mót
Đường Mười Tám như dây bị đứt
Rơi rụng hai bên những ung nhọt quân thù

Chúng con ở đây hai mươi tám ngày qua
Vừa im lặng vừa ồn ào trên chốt
Phơi chiếc khăn sương sớm mai rửa mặt
Ngủ nhát gừng giữa hai đợt tấn công
Tay thêm chai mỗi bận moi hầm
Ném cho nhau những khẩu phần khô khốc
Mười sáu bận quân thù bắn truyền đơn xin nhặt xác
Mặt chúng nó rung lên những chữ nghĩa đen xì...
Mây trôi trước mặt Đắc- Bờ- Si
Ai đốt rẫy cỏ thơm như mía nướng
Đất chiến hào như một người hay chuyện
Ta chưa một lần được thư thả đất ơi
Ta chưa một lần nói được nên lời
Lòng của ta với mẹ!
Xanh xao nước trời mùa khô rất trẻ
Hầm hập quanh người đất đổ mồ hôi

Đưa mắt cho nhau trò chuyện không lời
Đồng đội của ta
Người giữ A.K, người ghìm B.41
Đồng đội hay cười qua hàm răng cắn chặt
Nụ cười mát lành như mây trắng bay qua

Ta đi từ đầu sông Lô đến cuối sông Thương
Từ thung lũng Sa Thầy ra sông Trường trắng cát
Đất vẫn đất của dân ca và mía mật
Gió thổi rừng lồ ô xao xuyến biết bao nhiêu

Vẫn chiếc cối xay cười ra hạt trắng tinh
Vẫn cây chuối cuối vườn hay ngẫm nghĩ
Con dao băm bèo, cái xa cuốn chỉ
Phấp phới buồm nâu chiều mỏng tang
Đất bận quanh năm điệp khúc mùa màng
Chị búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó
Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ
Quá nữa những cánh đồng dành cho đứa con xa
Sức lực nào từ mạch đất ông cha
Chuyền đến tận chiến hào hăm hở thế
Ánh sáng nào từ mênh mông lòng mẹ
Soi cho ta qua khe ngắm đầu ruồi
Ta lớn lên kịp đến chiến trường này
Để đối địch với quân thù đang quẫy cựa
Này đồng đội, này nhân dân, bè bạn nữa
Mẹ ở nhà cứ yên tâm về con

Kẻ thù lẩn nhanh hơn, thụt đầu trong vỏ cứng
Lấy pháo và bom để xua cơn hốt hoảng
Tung truyền đơn trắng dã âm mưu
Dây thép gai cuốn dài bao nhiêu
Đối với chúng ta lại còn quá trống

Kẻ thù hô hào gia tăng quần áo mỏng
Lại rất thích dày vỏ thép chiến xa
Phòng thủ bê tông, bao cát, mìn chờ
Chưa yên dạ, tiêm thêm liều kích thích...
Kẻ thù không ưng ta gọi anh em
Đừng chú bác ông bà gì ráo
Muốn phá vỡ những giọt quê hương lặn sâu trong máu
Chúng nhổ làng đi, dồn vô “ấp dân sinh”

Kẻ thù làm cho ta thương nhớ nhiều hơn, sôi sục gấp trăm lần
Con gái con trai nhớ nhau qua bãi bom tọa độ
Màu mạ xanh thành màu che chở
Hang đá không đèn nuôi trí tạo thời cơ

Ta hoãn cưới một năm rổi lại hai năm
Đi đánh giặc chân trời in màu thiếp
Có miếng cao nai không sao gửi được
Mẹ ta đã ngoài sáu mươi
Nguyên nỗi nhớ thương này
Đủ nuôi lớn cho ta thành dũng sĩ

Xin cảm ơn những khu rừng thiêng
Tán lá rợp cho ta trầm tĩnh lại
Chông tẩm thuốc sau nhà, đá mài dao dưới suối
Con đường mòn nung đỏ dưới ngàn cây
Một cọng rau gợi nhớ về xuôi
Củ chuối chát ghi mối thù canh cánh
Đêm bên suối sao trời rơi óng ánh
Nhắc ta hoài biển đang vỡ dưới kia
Con đường tấy lên như một lời thề
Đất gọi ta, làng gọi ta, nóng bỏng
Vịn vào cây ven đường nhẵn bóng
Ngỡ như đồng đội đỡ ta lên

Những đứa con quen ném bã trầu lấy cớ để yêu nhau
Giờ biết xả trung liên và quăng U.S
Cưa ống bom đi làm ca làm bát
Ngâm giá làm dưa trong thùng đạn bốn mươi li
Giàn mướp ngụy trang lúc lắc xe đi

Lúc nghỉ ngơi chui vào cua - mang - cá
Diệt cứ điểm bắt đầu bằng bóc vỏ
Phục kích bất ngờ bắn giặt xóc xâu
Đánh bộc phá theo đội hình cuốn chiếu
Đột kích xe tăng đạp rắn trúng đầu...

Kim nhể gai kim càng phải nhọn
Mẹ dạy con như thế tự bao giờ
Xa mẹ chúng con vỡ nhẽ trăm điều
Ăn trông nồi là nhường nhịn anh em
Ngồi trông hướng là biết thù bóng tối
Chúng con làm ra những bài hát mới
Chiếc võng, con cua... ngôn ngữ của ông bà

Biết đào hào chữ Z, khoét hầm chữ A
Vách nứa hoa chanh cửa xoè nan quạt
Sợi dây rừng cũng làm nên bền chặt
Tiếng gọi gà rất cổ mỗi chiều hôm

Gió trẻ trung rung động những khu rừng
Chúng con hát trong giọng trầm đại đội
Đắp nắm đất cho người ở lại
Trận đánh hiểm nghèo: tất cả giơ tay!

Quần áo màu rừng, đôi mắt màu mây
Trái tim thả diều về thăm mẹ
Nỗi nhớ người yêu thêm vào đêm chuẩn bị
Lại những rừng châm, lại những đồi lau...

Chiến dịch mở ra thời vụ bắt đầu
Mang cái rét giêng hai đi bám giặc
Mang chất thép định hình trên bàn cát
Qua những cánh đồng đang sủi tăm phù sa
Ta chao chân trên những mảnh bờ
Lặng lẽ nhận sức bền của đất
Đạp cứ điểm
Lần theo từng dấu dép
Ta nhận ra màu bùn qua những cánh đồng chiêm.

Tây Nguyên - Tết Ất Mão (1975)


Chiều sông Thương

Ảnh sưu tầm
Đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương

Nước vẫn nước đôi dòng
chiều vẫn chiều lưỡi hái
những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên

Đám mây trên Việt Yên
rủ bóng về Bố Hạ
lúa cúi mình giấu quả
ruộng bời con gió xanh

Nước màu đang chảy ngoan
giữa lòng mương máng nổi
mạ đã thò lá mới
trên lớp bùn sếnh sang

Cho sắc mặt mùa màng
đất quê mình thịnh vượng
những gì ta gửi gắm
sắp vàng hoe bốn bên

Hạt phù sa rất quen
sao mà như cổ tích
mấy cô coi máy nước
mắt dài như dao cau

Ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc
dâng cho mùa sắp gặt
bồi cho mùa phôi phai

Nắng thu đang trải đầy
đã trăng non múi bưởi
bên cầu con nghé đợi
cả chiều thu sang sông.


Chuyến đò đêm giáp ranh

Tiếng bìm bịt bập bềnh trong đêm nước lên
cỏ lác, cỏ lăn cứa vào đêm ram ráp
ếch nhái nghiến răng sao mà sốt ruột
chớp nhì nhằng lô cốt méo bên sông

bến đò chìm trong đêm mênh mông
con đò vớt lên phù sa đong một nửa
người lái đò trẻ hay già? Chúng tôi không rõ
chỉ nghe "các anh lên" rồi vội vã quay đi

Ảnh sưu tầm
gió thổi dài ẩm ướt về khuya
con sóng nói nhịp chèo cũng nói
tiếng thì nghe mà mặt người chẳng thấy
đêm căng như tờ giấy
chia đều sang hai trang
người lái đò cố giấu đi hình dáng thật của mình
ý nghĩ chúng tôi sẫm dầm thành kỷ niệm
cánh lính trẻ lại tha hồ được dịp
tưởng tượng bằng cái vốn mang theo
tất cả bắt đầu bằng nhịp chèo cắt nước
đồng chí quê mạn ngược
quả quyết người lái đò có vạt áo chàm tươi

các đồng chí dưới xuôi
ngỡ gặp lại mẹ già đon đả
đêm giáp ranh ngặt chuyện trò tâm sự
chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình

bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau
tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại
đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ấy
tất cả là ru, tất cả là mơ

con đò rướn cao, sực đã tới bờ
chúng tôi bước lên. Cát buổi chiều còn ấm
đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm
ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da

đêm qua sông không nhìn rõ con đò
và người lái, dồn bao nhiêu câu hỏi
chúng tôi đi còn tần ngần ngoái lại
chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên

chúng tôi đi với một niềm tin
vầng trăng ấy chở chúng tôi cập bến.

Đắc Tô 21-3-1975


Văn xuôi một người lính


Chúng tôi có những kỷ niệm riêng, những bài học, những điều để nghĩ
Chúng tôi đầy rừng, tắm giặt, hái rau, đào hầm, mơ mộng, sống đời thường suốt cuộc chiến tranh, yêu đời lính yêu luôn gian khổ.
Lính Sáu chín, lính Bảy hai, lính tái ngũ còn giữ nguyên chức vụ quân hàm, ríu rít giọng Nam, giọng Bắc; lính xe tăng đột phá, lính pháo binh cõng lửa qua sông, làm sao anh quen, làm sao anh nhớ hết;
Làm sao có thể gọi tên hàng vạn người trong một chữ nôm na như cây rìu cây rựa khi chúng tôi cắm chân giữa ba mặt kẻ thù; điện thoại chôn ngầm dưới đất, chằng chịt rễ cây chiến dịch, mệnh lệnh truyền qua suối, qua nương
Dù hăm hở đến đâu, bước chân anh cũng không sao đến được các trung đoàn. Trung đoàn hành quân, trung đoàn tăng gia, trung đoàn vây lấn, trung đoàn luồn sâu vu hồi đánh úp, xé kẻ thù trong thế cài răng lược khắp Tây Nguyên.
Chẳng cần phép gì đâu, anh vẫn đến được từng người, làm quen và trò chuyện, chỉ cần anh có mặt đúng giây phút chẳng bao giờ lặp lại, đến đúng nơi những người quyết đoán không ngờ
Nhưng đừng viết về chúng tôi như cốc chén đứng trên bàn; xin hãy viết như dòng sông chảy xiết.
Và chúng tôi với chiếc bi đông bẹp dúm kia là một, cả những hòn đá kê nồi cũng có bao điều ấm lạnh liên quan
Cứ như thế dần dà từng giọt, âm thầm như thạch nhũ trong hang (phải có gan mới có thể âm thầm), chính kiên nhẫn sẽ cho anh đến sớm
Tư lệnh nói: Nếu phải vứt thì phải vứt quần áo chứ cấm ai vứt chỉ
Tư lệnh nói: Một nắm cỏ ngụy trang có thể làm người đào hầm bị chết
Tư lệnh nói: Một đại đội thám báo dò đường không tinh bằng viên thuốc đánh rơi
Nếu anh bắt đầu từ đó
Chẳng còn dòng sông nào ngăn anh gặp chúng tôi.


Đi dưới cây

Tôi lặng bước dưới cây
Sinh nhật của cánh buồm
Lá rơi lá buồn bã
Đất đón nhận những ân nhân của mình
Tưng bừng rồi ăn hết

Ảnh sưu tầm

Từng tốp từng tốp gió
Kéo qua tôi
Về thăm những thân rùa đội hạc
Về thăm trong đầm một bông sen
Về thăm cuốc cày than thở

Tôi lặng bước dưới cây
Chiều đã làm tan chợ
Những lời ngon ngọt bày bán khắp nơi
Con chim đói phải bay về mùa cũ

Tôi lặng bước dưới cây
Hồi hộp với món quà lạ mặt
Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt
Ngõ đứng trông người...

1990


Buổi sáng thức dậy

Ảnh sưu tầm
Buổi sáng thức dậy
Bắt gặp tình thương đi đưa đám hận thù
Qua con đường những đám mây bị nhiều phen rượt đuổi

Buổi sáng thức dậy
Mùa đã qua, mùa đã qua
Những khung cây hoang vắng
Đi qua nhiều mũ áo
Để tìm một bàn tay

Thấm mệt tôi ngồi nghỉ
Bóng mát một chùm gai

1989


Cuối năm

Cuối năm rơm rạ nằm mơ ngủ
Tôi bước đi như có bao người
Chiều đông áo thắm ai vừa sắm
Sông nhớ người xa thưa thớt trôi

Đời khi chợt thấy năm trôi vụt
Cá quẫy lòng ao cũng giật mình
Cây không đủ trái đền ơn đất
Mượn của trời thêm một chút hanh.

1992

Ảnh sưu tầm
Lời thưa


Tôi vẫn thường hay lẫn với mồ hôi
Xin bạn cứ hình dung một mảnh đời lấm láp
Những gì hay để quên, những gì hay bỏ sót
Tôi ấy mà, xin bạn cứ hình dung

Tôi thường bị đám gai của hoa hồng xua đuổi
Không có cách chi lọt vào mắt vô tình
Trong tiệc lớn rượu nào ai cũng nhớ
Tôi ấy mà, những chiếc cốc vô danh

Trời thấp xuống tìm lời an ủi đất
Tôi ấy mà, cánh diều nhỏ cô đơn
Với hạnh phúc tôi đứng ngoài song cửa
Với chia tan tôi là khúc ca buồn

Lũ trẻ thích tôi là bong bóng
Bay đung đưa trong hạnh phúc không ngờ
Họ lần lượt rủ nhau để trở thành người lớn
Tôi ấy mà, một cuống ra bơ vơ.

1987


Qua cầu Tràng Hương

Mây mải lên với Mã - pí - lèng
Bỏ quên dòng Nho Quế
Tôi bước lên cầu Tràng Hương
Nắng chang chói bên Thượng Phùng, Sơn Vĩ

Tôi bắt gặp lần đầu Nho Quế
Nước vắt ra từ núi đá dựng bờm
Cuối dòng sông là non nước Cao Bằng
Trên đỉnh núi đồng đội tôi đang khát.

Sông Nho Quế - Ảnh sưu tầm
Đồng đội tôi thay nhau đi cõng nước
Chiếc "can" cao quá đầu chằng chéo những bi-đông
Nước dồn lại từ những đôi tay ấy
Mấy năm qua đủ tưới cả cánh đồng

Đồng đội nhìn thắc thỏm xuống dòng sông
Nắng gay gắt khi mình còn quá trẻ
Gió thỉnh thoảng đưa mây về chiếu lệ
Rồi tan mau
Hơi đá lại nung người

Khăn mặt xếp hàng trên dây phơi
Khô như mẻ bánh đa nỏ nắng
Những cánh tay trần hai mươi, mười tám
Bao năm rồi khỏa nước trong mơ

Xin cám ơn những hàng cây sa-mu
Ngả bóng xuống căn hầm của bạn tôi khi ấy

Bên này Giàng-chú-phìn
Bên kia là Sín-Cái
Tôi bước lên cầu Tràng Hương
Mang trang thơ lên cùng đồng đội
Có lá dong lá chít ở Trường Sơn
Đêm xua muỗi tắt đèn âm ỉ hát

Tôi ao ước thơ mang dù chỉ ít
Dòng Nho Quế ngọt ngào lên với các anh.

Hà Tuyên, 1979-1983



Tạp cảm
Ảnh sưu tầm
Chưa viết giấy đã cũ
Chưa viết sông đã đầy
Đám cưới đi qua có người đứng khóc

Chưa viết chợ đã đông
Chưa viết đồng đã bạc
Người than thở vì mất mùa nhân nghĩa

Câu thơ đứng giữa trời
Vó nhện cất sương rơi

1988


Trước tượng Bay - on

Ở đây Trời bị bỏ quên
Hoa biếng nở, đá đá chen hết người

Đá đang rợn ngợp trước tôi
Cánh tay đeo ngấn bao đời còn say
Quân kia, voi đấy, võng này
Mặt người với giọng đắng cay thuở nào
Tài tình chất một núi cao
Tài không che kín khổ đau kiếp người
Bay - on quay mặt vào tôi
Còn ba mặt nữa? Với người đâu đâu...

Ảnh sưu tầm
Trời đang chớp gió trên đầu
Nụ cười ẩn giữa binh đao, nói gì?
Ngất cao ấy một thành trì
Cửa nào? Ai mở? Bước đi chập chờn
Tự mình là cả núi non
Vẫn không thoát khỏi cô đơn giữa trời

Bốn phương với bốn mặt cười
Gần xa mờ tỏ sự đời Bay-on.

Phnôm-pênh, 10-1986


Bất chợt

Bất chợt
được sưởi ấm
từ những ai không quen biết qua đường

Bất chợt
đọc tiểu sử của dòng sông
trên đất lấm cuốc cày chưa kịp rửa

Bất chợt
những cánh chim vụt hiện
vẽ đường đi vô định của con người

Hà Nội, 31-12-2004

Ảnh sưu tầm

Năm tháng trên vai

Chiều như là chờ đợi
Em như ngày hôm qua
Cây như ai thêu dệt
Gió như kẻ không nhà

Núi cao đường vẫn lội
Bếp nguội biển còn đầy
Sau mỗi lần chạm cốc
Biết đời còn mấy ai.

Xuân 1993


Nha Trang ngày em đến

Nha Trang ngày em đến
Mùa xuân cũng trở về
Có gì không rõ rệt
Như mưa phùn theo đi

Ảnh sưu tầm

Bãi biển bước sang chiều
Nắng về thưa trên lá
Bờ mặc sóng dào đêm
Không nói gì thêm cả

Một đầu ghế bỏ không
Quay về vùng cách biệt
Biển thì rộng vô cùng
Không đỡ gì em được

Trời thách trăm ngọn núi
Đành chỉ biết cao thôi
Người đi qua nhiều lắm
Nhưng người đi có người

Gió vơi những hoa dừa
Rơi vàng nơi đầu ghế
Mùa xuân không nở tẻ
Dẫu chỉ một mình em 


Lời mẹ
Ảnh sưu tầm
I.
Mẹ đã sinh ra tôi
Đặt tên cho tôi nữa
Một cái tên nôm na
Hồn nhiên như sỏi nhỏ

Cái cối và cái chày
Con mèo và con cún
Yêu mấy vẫn chưa vừa
Thoắt trở thành người lớn

II.
Tôi bước ra ngoài ngõ
Gió thổi. Nước triều lên
Đi hoài không gặp tiên
Đành quay về hỏi mẹ

- Hãy yêu lấy con người
Dù trăm cay nghìn đắng
Đến với ai gặp nạn
Xong rồi, chơi với cây!

III.
Tôi lại bước dưới trời
Không tiếc mòn tuổi trẻ
Đi hoài không gặp tiên
Lại quay về hỏi mẹ

- Hãy yêu lấy con người
Dù trăm cay nghìn đắng
Đến với ai gặp nạn
Xong rồi chơi với cây!

Số 4 - Lý Nam Đế, 1989


Sang thế kỷ

Sang thế kỷ với con tàu quá rộng
Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang

Tay vun cây và bão dập mùa màng
Sông ôm sóng cả bên bồi bên lở
Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ
Vé trên tay thanh thản bước lên tàu

Kẻ chậm chân có thể là mây nõn
Mải ngu ngơ với chim mới ra ràng
Kẻ chậm chân có thể là anh nữa
Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang

Cuối năm 1999


Ngẫu cảm

Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng
Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc
Bao nhiêu kỳ quan che không kín những gì lầm lạc
Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người

Ảnh sưu tầm
1988-2005

Nguồn:  Nhà thơ Thơ Hữu Thỉnh

Không có nhận xét nào :