Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

TRỊNH THANH SƠN: Hoàng Quý - Một người thơ tài năng và lãng tử

Trịnh Thanh Sơn viết chân dung văn học như đang trò chuyện, đang được nâng ly rượu với người … Đừng tìm ở đây một lối phê bình lạnh lùng, tự cao tự đại với giọng phán quan, như con gà trống cứ ngỡ mặt trời mọc lên là nhờ tiếng gáy của mình. Cũng đừng tìm ở đây sự nghiêm cẩn của nhà khảo cứu hay phục chế di tích…Hãy lắng nghe không phải sự khải minh mà là tiếng đập của trái tim và nỗi buồn người…
                                                                            (Vũ Duy Thông)
        
1. Lần trước, khi viết bài phê bình tập thơ “Ngang qua cánh đồng”, tôi chưa gặp, chưa biết Hoàng Quý là ai. Nhà văn Hà Đình Cẩn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn gặp tôi, trao cho tôi tập thơ của Hoàng Quý - một tập thơ dày dặn, in rất đẹp - và bảo: “Ông đọc tập thơ này xem, thơ của thằng em, tôi thấy rất được. Ông chưa biết nó đâu, nếu gặp, ông sẽ thích ngay. Nếu ông thấy được, viết cho tôi một bài, in trên Tạp chí Nhà văn !”


Tôi cầm “Ngang qua cánh đồng” về nhà, đọc cả tuần mới xong, vì tập thơ dày, những 101 bài, và vì có những bài thơ phải đọc đi đọc lại hai, ba lần mới thấy hết cái hay của nó. Cảm nhận đầu tiên của tôi là, đây là thơ của một thi sĩ thứ thiệt, một thi sĩ cường tráng, có thể đi lâu dài với thơ. Và tôi đã viết một bài giới thiệu ngắn in trên Tạp chí Nhà văn, như lời hẹn với nhà văn Hà Đình Cẩn.
Sau khi bài viết in ra, nhiều người gặp tôi hỏi: “Này, Hoàng Quý là tay nào mà ông viết bài khen ghê thế ?”
.Tôi bảo, tôi mới chỉ biết thơ Hoàng Quý thôi, chứ Hoàng Quý bằng da bằng thịt là ông nào, tôi đâu có biết !
            Chừng nửa năm sau, một tối mùa đông se lạnh, có người gõ cửa nhà tôi. Vừa bước vào sân, chàng trai tóc hói oang oang:
            - Chào anh chị, em là Hoàng Quý từ Vũng Tàu ra thăm anh chị đây !
Tôi a lên một tiếng. Thì ra Hoàng Quý là anh chàng này…
Hoàng Quý là người hồn nhiên và khoáng đạt, anh không uống được rượu, bia nhưng lúc nào cũng có thể thăng hoa như người say, hơn cả người say. Anh say thơ và say nhạc, say công việc và say…kiếm tiền. Kiếm được tiền rồi anh ném vào những đâu, tôi không biết, nhưng ném vào thơ, ném vào những cuộc đi ngang dọc đất nước không phải ít. Ngay đêm đầu tiên đến nhà tôi, anh đã ôm đàn ghi ta và hát, hát những bài anh tự phổ thơ anh và thơ người khác mà anh thích.
Tôi đặc biệt yêu thích bài Buồn tường vi anh tự phổ nhạc thơ mình:
Một sáng ta về sao Tường vi chợt buồn
Cơn gió đông nào lạnh buốt trong cây
Một sáng ta về sương còn treo đầu cành
Ngõ nhỏ đường quê
Bỗng rùng mình nghe
Những ngày thơ qua
                   Mùa Tường vi …
Âm nhạc và lời ca xoắn quyện vào nhau nghe buồn nhức nhối, một nỗi buồn thẳm sâu của kẻ sầu xứ, nhưng không bi luỵ, bi quan, tôi cảm thấy trong ca khúc này một nỗi buồn sang trọng, nỗi buồn của những kẻ tử tế !

Hoàng Quý đã chinh phục tôi từ cái “đêm thơ nhạc mùa đông” chỉ có hai anh em (và một chú nhỏ lái xe ôm) ấy.
Cuối năm ngoái (2003) tập thơ “Ngang qua cánh đồng” đoạt giải nhất của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hoàng Quý có ra Hà Nội nhận giải(1). Anh đem tất cả số tiền thưởng giải nhất của mình tặng cho “Hội những nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam”. Thật là một nghĩa cử của một thi sĩ đích thực. Không phải thi sĩ nào cũng làm được như anh! Tôi biết, mình đã không nhầm khi quen thân và trân trọng Hoàng Quý.

2. Thơ Hoàng Quý là thơ trữ tình truyền thống, thuần Việt, không có nhiều cách tân trong hình thức, nhưng riêng biệt bởi một giọng điệu độc đáo, thi pháp độc đáo và một tâm tưởng độc đáo. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ Hoàng Quý là người dân tộc Mường, bởi những bài thơ anh viết về Mường hay và nhuần nhuyễn tới mức chỉ có thể là người Mường mới viết được như vậy. Thơ về Mường của Hoàng Quý khác hẳn với thơ Mường của Vương Anh và những nhà thơ khác. Từ những am tường của một nhà Dân tộc học, Văn hoá học, Hoàng Quý hoá thân vào dân tộc Mường để hát lên khúc hát của họ với tất cả đắm say và nồng nhiệt, suy tưởng và hồn nhiên:
… No xôi, no thịt rồi thì cứ chơi liền liền đi
Trên đều lắc lư con ma rượu rồi có đứa trốn
                         ra nương, hai đứa khéo mà thành một đứa !
Ơ ! Cái Hội Tú Mường là chiếc cầu bẳng
                                      từ nhà anh sang nhà em
Đừng run cái chân trèo cầu, đừng ngại rát
                         cái vai, bỏng cái lưng cõng em về làm vợ
Đây này, cái má em nó đang cháy
                                     vì ống sáo ai thổi
Đây này, cái ngực em nó nảy phập phồng
                                                  bởi tiếng đàn ai réo …
                                                              (Ngẫu hứng qua Mường)
hoặc:
Em ơi ! Cái bụng anh thèm nói lời yêu
                                     mà sao không nhìn thấy em đâu
Cái ruột cái gan anh đang gào
                                     hoài hơi trên ống sáo
Có thích nhau thì mới đi tìm nhau
Sao không thấy mùa này em về chơi hội
Em để cho dây đàn anh thiếu nốt vợ, nốt chồng…
                                    (Bài trên)
Thơ Hoàng Quý viết về Mường, về những dân tộc thiểu số khác thật nhuần nhuyễn, không cố tình “giả giọng” ngô nghê, không hề “pha tiếng”. Sự nhuần nhuyễn có được nhờ ở công phu tìm hiểu, học hỏi, quan sát một phần, phần quan trọng hơn là nhờ ở cái tâm, ở tình yêu chân thành trong trẻo:
Lách cách leng kheng xà tích xà tang
Vòng cổ vòng tay chói sáng lấp loáng
Vừa nhịp Ống ép khung khinh lên tiếng
Đã rộn ràng Đuống chọi cắc cung khoang…
…Tôi đã đi qua rất nhiều vùng quê
Đã lội sông Vèo, đã trèo đèo Cóc
Một thoáng hội Mường mà tôi đã gặp
Vẫn dường say lơi lả ở trong tôi !
                                                            (Một thoáng hội Mường)
hoặc:
Dứt mưa tôi sẽ lên Xuân Sơn
Tôi không lên thì anh sẽ buồn
…Tôi mơ hang Lạnh với hang Lòn
Ngửa mặt hít hà sương đá buông…
                                                                        (Lên Xuân Sơn)
Với những hiểu biết tường tận và cặn kẽ về văn hoá cùng phong tục tập quán của các dân tộc ít người, với những thành công rất đáng ghi nhận, tôi tin Hoàng Quý sẽ còn viết nữa, viết càng hay về Mường và những miền đất khác, những đề tài vẫn còn đau đáu và đắm đuối trong anh.

(ảnh sưu tầm)

3. Hoàng Quý có những câu thơ thật ấn tượng, thoạt đọc đã giật mình, như kẻ đang đi bỗng vấp vào hòn đá, toé cả máu chân. Và phải nhớ:
Ta đi trong cuộc cờ đời
Khi thì khóc, lúc lại cười ha ha
Có lần ta đối diện ta
Ngây ngô tự hỏi : ta là ai đây?
Cái tâm thế nghi hoặc hốt hoảng mà lãng tử tràn ngập và làm nên dòng chảy chủ đạo trong suốt cả tập thơ “Ngang qua cánh đồng” !
Hơn hai trăm trang thơ, tập hợp 100 bài thơ và  một đoạn trích trường ca, có thể coi “Ngang qua cánh đồng” là một tuyển tập sớm của thơ Hoàng Quý, nó vẽ được bức chân dung một người thơ và một giọng thơ vâm váp, tràn đầy nội lực, có bản lĩnh, rất tự tin và đặc biệt là rất có nghề - nghề thơ, có thể ví với một “ cầu thủ chân giầy”, có thể bước thẳng vào “ sân Hàng Đẫy” chứ không còn vòng vèo ngoài “sân Long Biên” nữa.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc Hoàng Quý. Càng ngạc nhiên hơn khi bắt gặp những dòng thơ này:
Trở về từ biền biệt đi không một dòng tin, con tu hú tàn kêu mùa vải cũ.Ta gặp lại đồng bãi của ta, sông nhỏ của ta sao dửng dưng không mừng rỡ. Cây gạo đầy gai chặt đã lâu rồi còn để gốc xù sì trong cỏ lạnh.Ta co ro trong khói đốt đồng. Nhưng khói rạ rơm thật thơm mà không ăn được, không ai cầm nắm được !....
                                                                        (Ảo ảnh)
Hốt hoảng mà lãng tử tới mức:
Ao buông, khăn lạnh người ơi
Không người ta biết ai người tri âm !
                                                                        (Một mình)
Có lẽ nào không tin nông nỗi nghẹn ngào của một người về như thế này sao?:
“Đi suốt cả bon chen gặp cánh đồng mình, đồng sau gặt nước về như nước mắt . Còn nặng lòng ư cây trái của ta… ta gọi cánh đồng, đồng vang tiếng ếch…
 …Giọt mồ hôi mặn cả lốt trâu đi
Cây cau đẫm mỏi dưới vòm sương khuya
…Ta tìm ta lại
Ta tìm cố tri !
                                                                  (Ngang qua cánh đồng)
Đấy là thơ của một hồn thơ trữ tình mộng mơ và nhiều chiêm cảm. Đấy là thơ của một thi sỹ có thể song hành với thơ dài lâu. Đấy là thơ của một Người thơ mà Thơ có thể tin cậy được!
Niềm tin cậy có được trước hết nhờ ở tấm lòng chân thành và đôn hậu của nhà thơ. Thơ Hoàng Quý ăm ắp và ấm áp tình người, tình đời, tình quê hương đất nước. Giọng thơ anh mang đậm phong cách trữ tình truyền thống, nhưng đọc vẫn thấy mới, lại có ít nhiều tung phá nhờ ở cái nhìn sắc sảo, nhờ ở sự dụng công tu từ, và nhất là nhờ tứ thơ biến ảo, linh hoạt. Cũng là nói về tuổi thơ nhưng cách kể của Hoàng Quý thật khác lạ, làm rưng rưng lòng người:
Có một tuổi thơ tôi trong ngăn ngắt xa
Chợ người thì đông, chợ mẹ thì ế
 … Có một tuổi thơ tôi ở tít quê người
Đọn cói thì to, người tôi thì bé….
Và, tứ thơ phát triển theo mạch kể, càng kể càng sâu hun hút, càng thăm thẳm xa xôi:
Anh chị đi kháng chiến thật lâu
Tôi ra ngóng bãi đồng ngún khói
Ngày tiễn đưa cha, anh, chị không về
Đồng bãi lật tơi bời sương muối…
                                                                        (Có một tuổi thơ tôi)
Với hành trang là tuổi thơ như vậy, nhà thơ ra đi, nhập vào cuộc sống, trở thành một chiến sỹ, trở nên một công dân với đầy đủ lương tri cùng trách nhiệm. Cuộc sống đã đào luyện anh chín chắn dần lên, sâu sắc dần lên, từng trải trong từng suy nghĩ, rằng : Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới /Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời... / Những cánh đồng ngổn ngang và xanh tươi / Ông đã cày, cha đã cày, ta đã cày và con ta cày xới nữa / Gieo xuống những gì, gặt hái những gì / và rằng :
            Tôi đã đứng thẳng và đã khom xuống
                                                 không chỉ một ngày
            Đã đứng thẳng và khom xuống giữa
                           chấp chới  những sát na tối và sáng
            …Giữa đối nghịch và yêu thương
   Đã cho và đã xin…
            …Tôi đã nhìn đau đáu
            Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người !
                                                                        (Tự khúc)
Kẻ hốt hoảng mà lãng tử “Ngang qua cánh đồng” ấy nhiều khi suy nghĩ rất lung và biết tự tin để tự trào đến độ. Đôi khi cách nói của anh hao hao hoặc nhại theo giọng điệu của một nhà thơ nào đó mà anh ngưỡng mộ, song nhờ thế mà bỗng có duyên: “Tôi không muốn ép tôi phải làm vui lòng họ / Tiệc rượu vắng tôi chưa hẳn bữa tiệc buồn / Thôi đừng có phỉnh phờ xưng tụng nữa / Với miá đường tôi đỏ mặt thì hơn….”
Và, tự  trào được đẩy lên tới mức :
Cái mặt tôi chả cần ai chán nó
Cũng chả cần bôi trát nó nhiều thêm
Tôi gieo hạt gặp phải mùa thất bát
Cánh đồng tôi đầy đắng cỏ ưu phiền….
                                                            (Tôi thế nào như thế thì hơn )
Thơ Hoàng Quý không giống như một dòng suối róc rách mà giống như một thác nước xối xả tuôn trào. Nhiều khi có cảm giác thơ anh rậm lời hoặc vung vãi thái quá, song nếu kiệm lời hơn lại không còn là thơ Hoàng Quý nữa. Anh tỏ ra đặc biệt yêu quý và sùng kính nhà thơ Chế Lan Viên và nhại theo ông rất đạt. Tất nhiên chỉ là nhại theo giọng điệu thôi chứ hồn vía thì phải khác, rất khác. Chẳng hạn thế này :
Trước khi vẽ trời
Người hoạ sỹ phải mon men ba vạn sáu
                                    ngàn ngày  kiếp luân hồi cái đã
Trời bát ngát chín tầng cao.
Ta hữu hạn phù du . . .
… Sao anh viết lắm điều to tát quá
Cỏ vẫn nguôi ngoai, mây lớp lớp trên đầu
Hãy đọc chúa rồi hãy dò bụng chúa
Chớ khóc mãi những Nguyệt Cô
                                     hoá cáo ở trong đầu
Trời rộng lắm những ba nghìn thế giới
Hãy học yêu rồi hãy đau !
                                                            (Hãy biết yêu rồi hãy đau)


­Như trên đã nói, thơ Hoàng Quý có một nội lực rất cường tráng, bởi vậy đề tài rất rộng, giọng điệu thơ phong phú, đa thanh, đa sắc và phức điệu, rất gần với ca từ trong âm nhạc. Có những bài thơ của Hoàng Quý đọc lên  ta nghe đã rõ một giai điệu cùng tiết tấu và khúc thức, đến nỗi ngỡ anh làm lời cho bài hát của chính anh. Chẳng hạn :
Mùa đông, ơi mùa đông
Mùa đông dường như làm hoang ưu tư
Mùa đông chợt  như giọt sương vu vơ
Mùa đông hình như thương người đất lạ
Tặng vật sớm mai ngoài khung cửa gió
Chút lá bàng lên lửa thẫn thờ…
                                                            (Mang theo mùa đông)
hoặc :
Hoàng hôn ơi đừng đi !
Mái phố buồn lắm đấy !
Đường em tôi sẽ đìu hiu trong tối
Những con thuyền rồi sẽ buồn tênh
Những sóng lưới vàng kia sẽ hết
Óng ánh pha lê hoàng hôn !
                                                            (Khi hoàng hôn qua đây)
Những lời thơ giống như ca từ ấy đứng được là nhờ cảm xúc chứa chan và vẻ đẹp của thi ảnh mà câu thơ đem lại.
Đọc Hoàng Quý, có cảm giác anh làm thơ rất dễ, có cảm giác anh nói đã ra thơ, nhưng không phải thế. Bằng chứng là thơ Hoàng Quý rất dụng công trong việc tu từ. Chữ trong thơ anh vì thế mà rất mới, rất sống động:
Chiều cô liêu nắng vò võ
Nắng lênh loang, nắng hếnh lên vàng
…Từng hàng đan xiên từng làn rú rít
Luống cuống con đường xiêu vẹo áo tơi mưa…
                                                            (Có một  chiều vàng  và một chiều mưa)
Hoàng Quý ít dùng thể thơ lục bát, nhưng mỗi khi phải dùng đến thể thơ truyền thống này, anh tỏ ra rất sành điệu, và nhờ thế mà lục bát Hoàng Quý có nhiều nét mới:
Vút lên cao sợ nắng dồn
Chao xuống thấp sợ mưa tuôn sụt sùi
Hay bay…bay lưng lửng thôi
Bay lưng lửng lại sợ trời âm u…
                                                            (Một chiều chuồn chuồn bay)
hoặc :
Chào vang một sớm nhà quê
Mạ tươi rón rén như vừa nhú ra
Chào người rồi tự chào ta
Chào sư gõ mõ chào già đốt hương
…Sớm ra bến bãi ta chào !
Vừa nhoay nhoáy sóng đã chèo khuấy lên…
                                                            (Chào nhau)
Có thể nói, với “Ngang qua cánh đồng” Hoàng Quý đã tỏ rõ một tài thơ sung mãn và độc đáo. Anh đã chinh phục được người đọc bằng tâm hồn và bút pháp già dặn của một thi sỹ đích thực.
Để chứng tỏ người viết những dòng này không vì quá yêu mà quá lời, xin trích một đoạn thơ nữa để thay cho lời kết :
Vở diễn có dài rồi màn cũng khép
Dãy ghế người ra, người khác đến ngồi
Ta cứ cười ta khi màn đóng lại
Rũ phấn son đi liệu đã Con Người?
Thơ đã đọc lên rồi! Thơ đã…
Sau câu chữ loay hoay giả thật hiện hình
Xin chúc những vàng thu nhóm lửa
Cháy lên ngời sau lớp bụi tro rung!
                                                            (Trước mùa thu)

Về thơ Hoàng Quý, tưởng không cần nói thêm gì nữa !
Nhưng, có một điều mà có lẽ bạn đọc có thể biết thêm, đó là: Nhà thơ Vân Long trong chuyến Hành phương Nam khoảng đầu năm1996 chính là người phát hiện Hoàng Quý. Cũng chính ông, một nhà thơ tên tuổi, đức độ và đầy trách nhiệm là người giới thiệu đầu tiên cho tập thơ đầu tiên của Hoàng Quý-tập “Giấc phì nhiêu” với Nhà Xuất bản Văn học năm 1996. Ông nói với tôi rằng: Ông rất yêu mến tài thơ sung mãn và độc đáo này, coi cuộc gặp gỡ và phát hiện ra Người thơ lãng tử năm ấy như một “Duyên trời !”.

                                                       Hà nội, Xuân  2004

(1) Lễ trao giải thưởng VHNT 2003 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam được tổ chức ngày 09/01/2004 tại 51 Trần Hưng Đạo-Hà Nội
(2) Hoàng Quý là tác giả các tập thơ: Giấc phì nhiêu - NXB Văn học 1996, Đi bên muà lá rụng - NXB Văn học 2000, Ngang qua cánh đồng - NXB Hội Nhà văn 2002, tái bản 2004, Giả trang - NXB Văn học 2007 (chú thích của tác giả).




Không có nhận xét nào :