Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân (phần I)

Chu Văn Sơn



(Mấy suy nghĩ về thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy)
Ký họa nhà thơ Nguyễn Duy

I.
Gần đây, cứ thấy giữa đô thị bỗng mọc lên những nhà gianh, nhà sàn, nhà rông với tranh tre, nứa lá, gỗ lạt thô mộc. Người ta bỗng thích của đồng rừng, đồng bãi. Những thứ như lươn cua ốc ếch, kỳ đà kỳ nhông, rau bí rau lang... thành đặc sản tuốt. Đến nỗi người quê có thể kiêu hãnh mà định nghĩa: những thứ nhà quê chán ăn, ra phố lập tức thành đặc sản. Cái tầm tầm quê kiểng bỗng lên ngôi, bỗng thời thượng. Đã đến thời chân quê được chấn hưng chăng?
Đô thị đã ngả mũ trước gốc rễ của nó chăng? Tôi giàu trí tưởng bở. Chẳng qua là làm hàng, là một cái mốt lạ thời kinh tế thị trường thôi. Bởi thế, bước vào triển lãm thơ Nguyễn Duy, tại 29 Hàng Bài, thấy bày những xó bếp với cột kèo, đống rấm con cúi, nồi đất đen thui, thúng mủng, nong nia, rành mẹt, rổ rá, giần sàng, chum vại, thửng hũ, cóng ang... trên đó la liệt những câu thơ, trang thơ, tập thơ, tôi có thoáng nghĩ: lại một mốt lạ, một lối chơi ngông.



Nhưng không phải. Vào đây tôi gặp mình. Bao nhiêu thứ tưởng có thể quay lưng đang bày biện cả ra kia! Cái nền văn hoá đã đào luyện nên mình mà mình cứ hòng quên đấy! Cũng là con đẻ của xó bếp, của rơm rạ, của tre pheo và đất thó, chẳng nhẽ Duy lấy những cái đó chỉ để làm chơi? Không. Vừa là một cuộc chơi, lại vừa có cái gì thiêng liêng trang trọng lắm. Không thế, làm sao Duy có đủ xác tín để mang tất cả những thứ đơn sơ đến nôm na, quê kiểng đến quê mùa kia sang trưng bày một cách kiêu hãnh ở Singapore hay ở những cường quốc như Mỹ, Đức tựa như một sứ giả của nền văn hoá này được! Hay Duy đang tôn vinh xó vườn, xó bếp? đang giã ơn cái rổ cái xề? trả nghĩa cái chum cái chĩnh? Cũng không. Việc như thế một kiếp thi sĩ làm sao kham nổi! Không mặc cảm, không đùa bỡn, không kiêu bạc. Chỉ đơn giản là Duy đang trình bày mình, đang phơi trải mình, đang trưng bày cái tông tích mình, cái cội rễ thơ mình đó thôi. Và đó là cuộc trưng bày xưa nay chưa từng có. Cuộc chơi thế này anh có thể làm lúc còn trẻ không? Sao có thể làm được, phải vào cái tuổi tri thiên mệnh trở đi, người ta mới dần trở lại với tuổi thơ. Chỉ có trẻ thơ và kẻ trải tất rồi mới hiểu được Chơi là việc Nghiêm túc (còn khối việc nghiêm túc lắm khi lại là chơi).


Vậy, Nguyễn Duy là ai? Tác giả của hàng loạt thi phẩm sáng giá như Tre Việt Nam, Đò Lèn, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng, Tuổi thơ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Lời ru đồng đội, Mưa trong nắng nắng trong mưa, Sông Thao, Ông già Nam Bộ, Pháo tết, Xẩm ngọng v.v... là ai? Dù xuất thân như thế, tôi vẫn không nghĩ anh là thi sĩ thôn dân. Duy còn là một thị dân, còn là lính. Hay gọi là Thi sĩ chiến sĩ? Nghệ sĩ chân chính nào chẳng là chiến sĩ. Thi sĩ công dân?- Vẽ, ở ta ai chẳng công dân. Thi sĩ bình dân? - thì cả thi sĩ quan lại quý tộc có ai không nhận là bình dân đâu. Thi sĩ phó thường dân? E rằng sẽ khó được coi là cụm từ nghiêm túc. Thế còn nhà thơ dân đen? Nghe nó mặc cảm thế nào... Thôi, trong khi đợi phong là thi sĩ nhân dân, tôi cứ gọi Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân. Có người sẽ bảo: như manh dân, lê dân... chữ thảo dân cũng đầy mặc cảm chứ hơn gì. Phải, nó nói cái phận hèn, cái kiếp vô nghĩa, cái đời mong manh. Nhưng đấy là xưa. Tôi thích chữ ấy vì nó xưa. Và quan trọng hơn, vì cái từ xưa này đang được làm mới, với những sắc thái thú vị của thì hiện tại, bởi một phong cách ngôn ngữ mà Duy đương phải lòng - ngôn ngữ "cơm bụi". Đã đành, cánh làm thơ xứ ta đa phần là thảo dân. Nhưng thi sĩ thảo dân lại là chuyện khác.

II.
Ấy là một kiểu nhà thơ. Có thể thấy Nguyễn Duy là thi sĩ thảo dân ngay từ trong quan niệm nhân sinh và nghệ thuật. Thói thường, có được một quan niệm riêng đúng đắn, xem như có một hoa tiêu tin cậy cho hành trình sáng tạo rồi. Quan niệm của một kẻ viết, cố nhiên, không phải nhất thành bất biến. Chả hiếm gì những tâm niệm cuối đời muốn đính chính những ngộ nhận đầu đời. Song ở Duy, cái quan niệm buổi chập chững đã là một kim la bàn khá chuẩn. Càng về cuối chỉ càng sắc nét hơn. Nghĩ cũng vui, theo cái định nghĩa vĩ đại của Đêcac, đã có bao nhiêu cái khác nảy sinh. Hồi đánh Mỹ, cả Chế Lan Viên cùng Việt Phương đều nhất quyết: Ta đánh Mỹ vậy ta tồn tại. Trong tình yêu thì Lưu Quang Vũ cũng ngất ngây: Anh yêu em vậy anh tồn tại. Lời kia sắm vai triết gia của kháng chiến, lời này diễn vai triết nhân của ái tình. Còn Duy không thế. Duy nói lên cái triết lý thảo dân: Ta là dân vậy thì ta tồn tại. Thực tình, phải đến sau này, 1989, anh mới đúc thành châm ngôn tổng quát như vậy. Nhưng cái tư tưởng trọng dân thì vốn đã sẵn trong căn cốt của Duy. Không thế, làm sao hồi 68-70, cậu lính non choẹt bấy giờ đã ngộ ra và ghi lòng tạc dạ: "Một đời không thể nào quên / lòng dân - chiếc mộc vững bền che ta"? Còn đến 1993, sau hơn 30 năm, tính từ bài thơ đầu đời, thì nó đã thành hẳn một tuyên ngôn bướng bỉnh: "Cứ chìm nổi với đám đông / riêng ta xác định ta không là gì (... ) Cứ là rượu của chúng sinh / cho ai nhắm nháp cho mình say sưa"... Chìm nổi cùng chúng sinh, làm rượu của chúng sinh, thế mới là chân thảo dân. Và đáng nói nữa, theo Duy, phải thế mới xứng là đấng tài tình: "lẫn trong thập loại chúng sinh / người như thế mới tài tình làm sao". Duy nhận ra điều ấy đúng cái lúc tảo mộ Nguyễn Du rồi khắc cốt ghi tâm, hay Duy đang thầm lặng đưa ra quan niệm riêng để đánh giá tầm vóc Nguyễn Tiên Điền? Thật khó mà tách bạch. Chỉ biết cái lõi của nó chính là một chuẩn mực ngỡ như khiêm nhường, kỳ thực lại cực khe khắt về người nghệ sĩ: sống chết cùng thập loại chúng sinh, nói về họ, rồi thuộc về họ, mới là tột bậc tài tình. Hoá ra thế, thuộc về vô danh mới là vô giá. Mới là siêu danh. Đó chẳng phải thước đo cao nhất dành cho mẫu thi sĩ thảo dân hay sao?

Không có quan niệm đẻ ra tài năng. Chỉ có tài năng đẻ ra quan niệm. Vì quan niệm chân chính bao giờ cũng là sự lên tiếng của một đời văn. Nó phải được đời văn ấy bảo hành, bảo hiểm. Thực mà nói, hiểu ra sự bền vững muôn đời của dân, chả có gì mới. Dĩ dân vi bản, rồi thì quan nhất thời dân vạn đại là những tư tưởng đã xưa lắm rồi. Điều khó là anh, chính anh, có thể trở thành một định nghĩa sống hay không. Khối người có ý muốn cận dân, thân dân, muốn thành kẻ hát rong trong chúng sinh. Nhưng vẫn chỉ suông thôi. Để thành thi sĩ thảo dân xịn đâu có dễ. Chìm nổi cùng thập loại chúng sinh đã không dễ gì, làm được rượu của chúng sinh lại càng không dễ.

*
Quan niệm về nghề, dầu sao, mới chỉ là những định hướng bên ngoài. Nó nghiêng về phần ý thức xã hội của nghệ sĩ. Nó chọn mẫu nghệ sĩ và chọn hướng đi cho một cuộc dấn thân, chứ chưa hẳn là ý thức thẩm mỹ của anh ta. Nhưng ở Nguyễn Duy, nó cũng trở thành một phần của ý thức thẩm mỹ, khi được chuyển hoá vào hình tượng cái Tôi thi sĩ.

Tập thơ đầu tay "Cát trắng" in năm 73, tập thơ cuối cùng (tuyên bố sẽ bỏ thơ) in năm 97 có tên là "Bụi". Tuyển tập sắp in sẽ có bốn phần như một mạch tuần hoàn: Đường làng, Đường nước, Đường xa và Đường về. Đó là hành trình thơ Nguyễn Duy. Hành trình từ Xó bếp ra Thế giới. Từ hạt Cátđến hạt Bụi. Hành trình của "giọt nước lìa nguồn ra biển", của "giòng nước trôi đi giọt nước lại rơi về". Trên những chặng đường dài dặc ấy, Nguyễn Duy đã trình ra trọn vẹn cái tôi của mình. Là hạt nhân của một kiến trúc nghệ thuật, cái tôi trữ tình thường được hình dung như một hình tượng sống, với nhân dạng, với tư thế và tâm thế trữ tình đặc thù. Nó nảy nở từ con người thực của tác giả, nhưng đã được điển hình hoá để trở thành một hình tượng nghệ thuật toàn vẹn: hình tượng Cái Tôi. Ở Duy? Ấy là cái tôi thảo dân. Này xem, những ẩn dụ tự hoạ mới cỏ giả làm sao! Duy thường ví mình như hạt bụi bay trong cõi người, như hạt cát dạt trôi trong lòng sông Mạ, như "giọt nước nhỏ biệt tăm ngoài biển cả"... và thiết tha nhất là như cỏ dại vô danh mà hữu ích: "những mong có ích cho người / dẫu làm thân cỏ dập vùi... sá chi". Chẳng phải đó là thảo dân theo nghĩa đen của chữ hay sao!

Tôi vẫn cho rằng hình tượng sống động luôn là nhất thể toàn vẹn, nó toàn vẹn bởi sự hoà hợp của các đối cực. Tôi tin vào sự hoà hợp này. Đó là cấu trúc phổ biến của vẻ đẹp. Cái tôi Nguyễn Duy cũng thế. Các đối cực ngỡ đầy nghịch lý đã hài hoà trong một nhất thể. Một mặt, nó cực bụi: "ta nhớ ta / bụi bặm quê nhà", mặt khác, nó cực nghiêm: "xin nghe anh nói cực nghiêm / linh hồn cát bụi ở miền trong veo". Hình hài thì cát bụi, linh hồn thì trong veo. Vừa là "gã hát rong không xin tiền" vừa sẵn sàng viết "những câu thơ tuẫn tiết". Cỏ giả thôi mà Nghĩa khí đấy. Nghĩa khí đấy mà Cỏ giả thôi. Nếu thiếu sự hoà hợp của các đối cực như thế, làm sao có thể coi là một cái tôi thảo dân chân chính được?

Tuy nhiên, trong thế giới hình tượng, cái bản nguyên này vẫn thường hiện ra với hai bản tướng: thảo dân khoác áo lính và thi nhân trong kiếp thảo dân.

Là lính, thì chàng lính này vào chiến trường sẵn sàng xả hết mình vì nước gặp tai ương, chứ cóc phải vì ham súng đạn, mơ chiến tích, hay màng huân chương. Không máu mê đánh chác, không ngất ngây trước đụng độ máu lửa. Mà ngay cả lúc bị cuốn đi giữa "sục sôi bom lửa chiến trường", thì "tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng". Chủ yếu là những tâm tư ở bề sâu của cuộc chiến. Không hẳn là cái nhìn sử thi, cũng không hẳn là cái nhìn đời tư. Anh lính ngay lúc trẻ đã già này nhìn chiến tranh bằng cái nhìn của một thảo dân. Một thảo dân đích thực bao giờ cũng vừa thiết tha với số phận đất nước, vừa lo âu cho thân phận chúng sinh. Trong cái nhìn ấy, phần trăn trở nhất của chiến tranh vẫn là thân phận người, thân phận lương dân. Những lẽ Hơn - Thiệt, Được - Thua, Thắng - Bại, Vinh - Nhục, Sang - Hèn, Còn - Mất... nhất nhất phải lấy sự an nguy của dân lành làm trọng. Cái nhìn ấy khiến anh soi thấy "Cát trắng ánh lên màu đỏ". Thấy bom dội thì "nhà bà tôi bay mất / đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền / Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết / bà tôi đi bán trứng ở ga lèn". Thấy lính tráng suốt đời chỉ biết gối lên tay mình mà ngủ thì cất lên lời ru đồng đội. Đuổi theo thằng lính địch thì chỉ muốn bắt, không muốn bắn - không ham giết một kẻ thù, chỉ mong cứu một đời người - nghĩa là vì một chiến thắng cao hơn. Thấy "AQ túm tóc Chí Phèo / để hai bác lính nhà nghèo cùng thua". Thấy một tân binh thì, cái tôi đã vào sinh ra tử với nhiều lần chết hụt ấy có lời "chúc chú mày cứ đẹp như cây cảnh / và, lạy trời / không bao giờ phải ra trận". Thấy chiến tranh kết thúc thì vừa nhận ra những mảnh đời tan tác lưu lạc trên hai nửa đất đai đang sum họp, vừa thấy người bạn vĩnh viễn nằm lại bên kia cầu xa lộ vào cái lúc chót cùng của cuộc chiến. Thấy "mỗi phút thanh bình thật đắt giá / Những giọt máu nặng như chùm quả"... Và bao trùm hết thảy là nghiệm sinh này: "nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Một cái tôi như thế chẳng phải là một thảo dân mặc áo lính hay sao?

Còn là thi nhân, thì chân ướt chân ráo vào nghề đã tuyên ngôn dứt khoát "là ta ta hát những lời của ta". Những lời bập bẹ ban đầu đã khắc cốt ghi xương: phải cất lên "những tâm tình ở đằng sau tâm tình". Vào những năm 70, thời "minh họa" và "phải đạo" còn ngự trị, tâm nguyện thế này chẳng phải như một thứ tiên phong cho thức tỉnh và đổi mới sau này hay sao? Mà thơ Duy là thế, lúc nào cũng là "những tâm tình ở đằng sau tâm tình"! Điều rất đáng nói nữa là: cái tôi thi nhân kia thực là kẻ có đạo. ấy là Đạo Chân Thành - "dù có sao cũng phải chân thành". Cả trong thơ lẫn trong đời, Duy đều coi chân thành là cứu cánh và cứu tinh của mình. Không chân thành làm sao dám nói lên những tâm tình ở đằng sau tâm tình? Làm sao có thể sẵn sàng tuẫn tiết viết những lời thơ đánh thức lương tri? Sẵn sàng làm những bài thơ "hạng nặng"1 như "Nhìn từ xa... Tổ quốc", "Đánh thức tiềm lực", "Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ" để nói thật, nói thẳng, không hề tránh né những vấn đề bức xúc của thì hiện tại được? Rồi nữa: cái tôi thi nhân kia lúc cần tự họa mình thì cũng cứ chân thành đến đáy, chẳng hề làm dáng làm duyên, chẳng nề hà những nhếch nhác, bụi bặm. Là "một thằng dớ dẩn / ngồi làm thơ rưng rưng". Là "thi nhân hoá phăm phăm ngựa thồ". Là kẻ mắc bệnh thơ "Con ơi cha mắc bệnh thơ / ú a ú ớ ù ờ thâm niên /lềnh phềnh thân phận chúng sinh / lênh phênh hồn xứ thần linh tít mù". Là "gã hát rong chẳng xin tiền. Là xẩm ngọng, mà ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội "... Nghĩa là không phải cái tôi cao đạo, khoác áo tao nhân mặc khách. Không phải cái tôi triết nhân khệnh khạng táo bón. Không phải cái tôi quyền uy rao giảng phán truyền... Đừng nghĩ cái tôi này làm ra thế là muốn dị ứng với những cái tôi đó. Hoặc kị giơ với quý tộc, trí thức, thị dân, chính khách. Chẳng dại gì, mà cũng chẳng hơi đâu. Cũng đừng vội chụp mũ rằng thế là cái tôi phi chính trị. Một con người tự đáy lòng đã khắc cốt ghi tâm "dù ở đâu cũng Tổ quốc trong lòng / cột biên giới đóng từ thương đến nhớ", làm sao lại thờ ơ hay quay lưng với chính trị được? Nghe thêm Duy nói đây này, trực tiếp bằng chính luận chứ không phải gián tiếp qua thơ phú gì gì đâu: "Là một nghệ sĩ mà anh đã đứng về phe Nhân Dân, Dân Tộc thì trong bất kỳ thời đại nào anh phải có thái độ chính trị của mình... Nhà văn có thái độ chính trị nhưng nhà văn không phải là cái đuôi của chính trị"2. Vâng, cái tôi đây chỉ muốn là chính nó - một thi sĩ thảo dân, một thảo dân thi sĩ. Thế thôi. Đây, hãy xem bộ dạng tự họa (không hẳn là tự trào!) của Duy thế này: "Ta dù lếch thếch lôi thôi / mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng... Cứ bèo bọt bước thiên di / đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng... Cứ là rượu của chúng sinh / cho ai nhắm nháp cho mình say sưa / Cứ như hoa cỏ bốn mùa / giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy", chẳng phải là một thảo dân xịn sao? Cái chân - dung - tổng - quát nhìn lệch, hay là nhìn loằng ngoằng này, xem thế mà nét đáo để!

*
Lõi cốt của quan niệm thẩm mỹ vẫn là quan niệm về cái đẹp. Tôi cho rằng, về căn bản, nhân văn là thái độ trước cái Đẹp, còn nhân đạo là thái độ trước cái Khổ. Hạt nhân của thái độ nhân văn là tình yêu, còn hạt nhân của thái độ nhân đạo là tình thương. Tuỳ tạng người mà nặng về từng phía. Có lẽ không chỉ ở xứ ta, vấn đề dằn vặt dân đen nhất vẫn là cái Khổ. Khổ vì đói, nghèo, vì thiên tai, địch họa... Do Khổ là một thực tại quá phổ biến và dai dẳng, mà thơ ca dân gian than Khổ có phần đậm hơn mê Đẹp. Đến nỗi hễ ai mải mê tìm kiếm cái đẹp đơn thuần, ít nói đến khổ, thì dễ bị coi là kẻ nhởn nhơ, vô tình. Oan mà khó cãi. Đành rằng, thi sĩ phải là kẻ đồng cảm trước hết với cái khổ. Nhưng ngoài cái khổ thảo dân, còn có cái đẹp thảo dân. Không lập được một mỹ học phù hợp, đừng hòng trở thành rượu của chúng sinh.

May thay, ngay từ trong căn cốt, Duy đã sẵn mang một mỹ học như thế. Duy nhạy cảm với cái Khổ. Anh tâm sự: "Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo / quen cái thói hay nói về gian khổ / dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm". Cũng sinh ra ở xứ Thanh "ăn rau má, phá đường tàu, đục ống dẫn dầu, cắt dây điện thoại", tôi hiểu những bộc bạch thành thực kia có cội rễ từ đất nào. Nhưng anh không nỉ non than nghèo kể khổ. Chẳng mới gì, mà cũng chẳng ích chi. Hướng của Duy là tìm cái Đẹp trong cái Khổ. Cũng theo hướng này, có khối người đã thơ mộng hoá cái Khổ. Chấp nhận khổ và ráng chịu khổ từng được xem như cái Đẹp một thời. Cái Đẹp thế đồng nghĩa với chữ Nhẫn. Coi Nhẫn một bề là Đẹp, làm sao còn biết ngẩng lên! Giờ Duy cũng thi vị hoá một bề sao? Duy không vô tâm, tàn nhẫn thế. Chỉ ai muốn lừa mình, mị người mới thế. Cũng tìm cái Đẹp ngay trong cái Khổ, nhưng quan niệm của Duy khác: khắc chế cái Khổ và vượt lên cái Khổ đó chính là cái Đẹp. Một tư tưởng mỹ học như vậy thật khoẻ khoắn và thực tế. Đó chỉ có thể là mỹ học thảo dân. Hướng tới cái đẹp đó, thái độ nhân đạo và nhân văn của nghệ sĩ đã tìm thấy được tiếng nói chung để hoà giọng, hoà điệu. Duy đọc ra di chúc của người xưa giấu trong bức tranh "Lí ngư vọng nguyệt": "bùn nước rong rêu đắm chìm lặn lội / cứ lững lờ nhắm nháp một vầng trăng". Nhọc nhằn lam lũ không hề loại trừ lãng mạn thăng hoa. Đọc vào tre Việt Nam, Duy thấy cái lẽ sống của tre là vươn mình, vượt khổ: "Vươn mình trong gió tre đu / cây kham khổ vẫn hát ru lá cành". Kham khổ đắng cay nhưng đâu thiếu ngọt ngào đằm thắm... Duy nhận ra cái đẹp của hoa chắt chiu (Tôi ngờ, nguyên nó là hoa chạc chìu?): "Đồi cằn hoa cũng chắt chiu / Chắt chiu hoa muốn nói điều chi đây / Dạ thưa một chút hương này / Mồ hôi hoa đấy tháng ngày chắt chiu". Nhận ra cái đẹp của Tre Việt Nam: "Rễ siêng không ngại đất nghèo / Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù"... Khổ mà vẫn Đẹp, Đẹp bởi vượt lên Khổ, là thế. Không có quan điểm kia, làm sao Duy có thể trân trọng, chắt chiu được những vẻ đẹp này?

Tôi vẫn cho rằng niềm trăn trở nhất trong suy cảm trữ tình của một nghệ sĩ chân chính là chuyện Còn - Mất của những gì mình coi là quí giá thiêng liêng. Nghĩa là niềm canh cánh về Giá trị và Phản giá trị. Tư duy nghệ sĩ sẽ phân lập toàn bộ thực tại thành dãy tương ứng: đẹp - xấu, tốt - xấu, hay - dở, sang - hèn, thanh - phàm, thiêng - tục, thật - rởm, lành - dữ, nghiêm - chơi, hữu ích - phù phiếm, cao quí - xoàng xĩnh, cao cả - thấp hèn, vĩnh cửu - chốc lát, trường tồn - thoáng qua, bất diệt - băng hoại, vững chãi - mong manh, bền thắm - phai tàn... Cái thế giới nghệ thuật sống động của nghệ sĩ, trong chiều sâu của nó, sẽ là sự tương tranh không ngừng mà đầy biến hoá giữa các đối cực ấy. Một bản lĩnh nghệ thuật phải bộc lộ thành xác tín về sự vĩnh viễn của những gì mình coi là giá trị. Duy cũng thế. Nhiều lúc ngẩn ngơ nhận thấy: "có gì lạ quá đi thôi / khi gần thì mất... xa xôi lại còn". Và vẫn hằng tin: "Sẽ còn mãi những gì không thể mất". Vậy, giá trị nào, cái đẹp cụ thể nào đã trở thành đức tin của thi sĩ thảo dân này? Nhìn tổng thể có thể thấy: đơn sơ mà kỳ diệu chính là diện mạo bao trùm của cái đẹp Nguyễn Duy. Đơn sơ chứa đựng kỳ diệu, kỳ diệu ngay trong đơn sơ. Cái đẹp ấy sẽ chi phối ngòi bút của anh trong việc sáng tạo nên thế giới nghệ thuật của mình, từ nội dung đến hình thức, từ cảnh vật tới nhân vật... Duy sẽ đi vào cái vô danh để mang về cái vô giá. Đi vào "những cọng rơm xơ xác gầy gò" để chắt chiu thứ "hơi ấm hơn rất nhiều chăn đệm". Đi vào cái tối để mang về ánh sáng: "thình lình đèn điện tắt / phòng buyn đinh tối om / vội bật tung cửa sổ / đột ngột vầng trăng tròn". Đi vào cái lặng im mang về những cái giật mình sâu thẳm: "trăng cứ tròn vành vạnh / kể chi người vô tình / ánh trăng im phăng phắc / đủ cho ta giật mình". Đi vào cái nhỏ nhoi, mang về cái cao quí, đi tới chốn mong manh để đem về cái bất diệt: Lắng nghe câu hát đảo đèn để nhận ra trong câu hát có cái gì bất diệt, ngắm nhìn hạt cát long đong chìm nổi trôi dạt trên những ngọn triều của cuộc đời thấy hạt cát có cái gì bất diệt, đi vào cái mất để đem về cái không thể mất: "Bao triều vua phế đi rồi / người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ", "dẫu cho dòng thời cuộc cứ trôi đi / dẫu em sẽ già như bà vũ sư kia / thì còn lại muôn đời là điệu múa / Cái đẹp giương cao ngọn cờ bất diệt", "Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi / năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại / cái năm tháng mong manh mà vững chãi / con dấu đất đai tươi rói mãi đây này"... Quan điểm ấy đã giúp Nguyễn Duy vững vàng đi suốt con đường nghệ thuật của mình. 
Nguồn: VnExpress





Không có nhận xét nào :