Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Chỉ có thơ ca mới cứu được thơ ca

Georges Jean
Georges Jean
Chuyển ngữ: Huy Tưởng


Dưới đây, thực ra chỉ là một bài DẪN NHẬP trong tác phẩm nghiên cứu Thơ Ca (La Poésie) của Georges Jean, cuốn sách viết vào những thập niên cuối thế kỷ XX, trong đó vẫn còn có nhiều những hiện tượng thơ ca lẫn xã hội (Pháp và phương Tây, nói chung) gần gũi với những sinh hoạt văn nghệ của chúng ta ngày hôm nay.
Nếu thấy phù hợp và cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục lược chọn để gửi đến quý bạn đọc một số chương đoạn, chỉ viết riêng về Thơ Ca, trong đó. (Huy Tưởng) 

Phần đông, một số người có ý niệm mơ hồ về thơ ca đến nỗi họ cho rằng sự mơ hồ đó cũng chính là ý niệm của thơ ca.
(Paul Valéry)
Nhưng, người ta nói gì khi đề cập đến “Thơ Ca”?
Tôi tán thành việc đây chẳng hề là lãnh vực cho trí tò mò của chúng ta, trong đó ngay cả việc quán sát sự vật càng là điều chẳng mấy chi là thiết yếu.
(Paul Valéry)



Cái nhìn, muốn được coi là cái nhìn mới về Thơ Ca, tất phải hướng về “ việc quán sát chính những sự vật”.

Do vậy, tôi nhìn Thơ Ca như nó là, với đầy đủ nhiệt tình và kiên nhẫn, và rồi cũng rất nhanh chóng tự cảm nhận thấy sự phi lý của thái độ đó.

Thơ Ca là một nữ thần có muôn ngàn khuôn mặt, nếu có thể tiếp cận được với chỉ một trong muôn ngàn đó thì cũng đủ hài hước nếu như tự cho rằng, chỉ cần quán sát một lần là thấu suốt hết mọi góc cạnh chân diện của nó.
Nhưng dẫu sao, tôi vẫn quyết một lòng quán sát cho hết lẽ.
Trong những năm đầu mơ tưởng đến việc chấp bút cho cuốn sách này, đâu khoảng từ 1955 đến 1960, người ta bàn tán, tranh luận rạt rào và sôi nổi trên các phương tiện truyền thông, và hầu hết đều mơ hồ và nhiễu loạn vô cứ.
Những khách nhàn du, những sinh viên của chúng tôi, những người ưu ái và quan hài đến Thơ Ca, họ gặp gỡ, hội thảo, nhàn đàm các thứ, nhưng tất thảy đều như chưa nắm được cốt lõi của vấn đề.
Trong những thư viện, trên các kệ sách, … cũng ít ỏi những tác phẩm nói về thơ ca, cho dù trên những nguyệt san hay trong vài khu phố ở Paris, hoặc dăm ba trung tâm những thành phố tỉnh lẻ vẫn duy trì và tiếp tục sinh hoạt Thơ Ca, các bạn trẻ luôn là những diễn giả gây sôi nổi nhất khi tranh biện về những bài thơ trong những thi phẩm mỏng mảnh, rời rạc.
Chúng tôi cũng còn nhớ nhiều lắm, vai trò của một số thi nhân trong thời chiến nơi chốn bưng biền hay một cõi lưu đày mịt mùng nào đấy. Những tên tuổi lẫy lừng, những xướng danh như Éluard, Breton, Aragon, Cocteau, Claudel,…Tuy các vị này vẫn giữ nguyên uy tín, nhưng rất nhanh người ta cũng nhận ra rằng, con người còn quan trọng hơn cả thơ, và những độc giả chân chính biết tường tận cũng như nồng nhiệt say đắm về một thi phẩm cũng vô cùng hiếm hoi.
Người ta nhận được những tín hiệu óng ánh của Thơ Ca qua những ca từ phát ra trong những tửu quán, hoặc bất giác nghe một bài hát của Brassens hay của Ferré làm ta hồi nhớ đến Rutebeuf, Villon hay Apollinaire…
Một ngày kia, vào cái lúc mà tôi rơi vào trạng thái trì trệ mỏi mệt nhất, muốn bỏ dở dự án viết cuốn sách này, tôi may mắn có và khám phá ra tập sách nhỏ của Georges Mounin : cuốn Poésie et Sociéte[1] ( Thơ Ca và Xã Hội ). Cuốn sách nhỏ này đã đem lại cho tôi niềm tin để nhận thức rõ hoàn cảnh nghịch lý của Thơ Ca ngày nay. Mounin viết : “ Chắc chắn chưa bao giờ lại có nhiều người viết về thể loại này nhiều đến như thế, vậy mà…chẳng ai chịu đọc! “. Ông đã minh chứng tỏ tường rằng trong xã hội hiện nay, Thơ Ca không ít thì nhiều đã bị khai tử. Vậy mà nó vẫn cứ sống !
Trong việc này, tất cả mọi người đều có lỗi, đặc biệt là các thi sĩ, vì họ tự nhốt mình trong thinh lặng quạnh hiu, nhưng không phải hoàn toàn là như vậy. Do đó, việc phục sinh Thơ Ca từ đống tro tàn chẳng phải là điều bất khả.
Cũng trong thời điểm này, trên Peuple et Culture (Dân Chúng và Văn Hóa) chúng ta bắt đầu chú trọng tới vấn đề tinh luyện sự nhạy cảm, cung cấp cho con người những phương tiện để thông đạt với môi trường xã hội – kinh tế, hiểu rõ thế giới là chưa đủ ; đã đến lúc phải trả lại cho con người niềm khát vọng của ước mơ và hạnh phúc.
Và điều đáng ngạc nhiên là, trong khối quần chúng phức hợp mà chúng ta tiếp xúc được đó, đều có nhu cầu tha thiết với Thơ Ca, với giới giáo dục cũng như với tầng lớp dân dã, thợ thuyền các thứ…
Nhưng, nền giáo huấn phong phú nhất về những kinh nghiệm đầu tiên này là niềm tin bền vững trong tôi : Chỉ có Thơ Ca mới cứu được Thơ Ca !
Và tất cả những lời bàn ra tán vào, chú giải chú thích này nọ, tất thảy những bài thơ tồi mọc lôm chôm quanh vài bài thơ hay, viện cớ sẽ làm chúng dễ hiểu, hoặc là…đều vô ích và sẽ bị vượt qua dễ dàng.
Vậy nên, tôi sẽ gắng để không phải lảm nhảm “nói về” Thơ Ca, mà rất cẩn trọng khi đề cập đến. Hãy quét sạch khỏi Thơ Ca những hoa hòe hoa sói rởm đời, hãy dựng lên một bản thống kê tạm thời về những sắc thái đặc biệt của Thơ Ca. Chính đó là những gì tôi đã dày công, tự hạn chế theo năm quan điểm khác biệt nhau nhưng tương túc bổ sung cho nhau :
Một quan điểm Xã Hội Học : Điều ta phải làm không phải là điều mà Georges Mounin đã hoàn toàn thành công, mà là những thông tin chính xác về cái mà chúng ta có thể mệnh danh là sự khủng hoảng của Thơ Ca trong thời hiện đại.
Một quan điểm lịch sử : Thơ Ca đã thay đổi tác dụng theo từng niên kỷ. Thơ Ca là trí nhớ của con người: Thơ Ca đã trở thành nơi trú ẩn cho một vài cá thể; Thơ Ca đã trở thành bút chứng. Theo một nghĩa khác, Thơ Ca ( poésie ) nhường chỗ lại cho Thi phẩm ( poème ).
Hãy thu giản lại những chặng chuyển biến đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những gì đã làm cho Thơ Ca ngày một suy họai, và cái gì đã ứng cứu cho Thơ Ca thoát khỏi vũng lầy mai một đó.
Một quan điểm thủ công nghiệp : Thơ Ca, chính là một cái gì tự nó kiện toàn và hình thành mà nên. Từ lâu lắm rồi, người ta chú giải sự sáng tạo Thơ Ca bằng những quá trình đầy bí nhiệm, bằng những cảm hứng khác thường cùng với những thần nữ ngời ngời ẩn mật…Đó là phương cách để đẩy các nhà thơ lên cao xa hơn so với nhân quần đang la đà chen chúc lâm lụy dưới kia.
Các nhà thơ lớn có tầm cỡ như Virgile, Dante, Ronsard, Goethe, Hugo, Baudelaire, Rimbaud, Maiakowski,…cho phép ta có thể nói rằng : Sáng tạo Thơ Ca không xuất phát từ một ma thuật nào, một tiềm ẩn phép lạ nào khác cả.
Trong Thơ Ca, chỉ có con người đối diện với chính mình, với cơ năng, trí lực và cảm xúc của chính mình, cũng như những hoài vọng, mơ ước trong niềm vui nỗi khổ riêng tư, kết dồn nó thành những con chữ quyền uy có khả năng “khởi đầu lại cuộc đời của mình”.
Chỉ một cách duy nhất giúp chúng ta hiểu thêm một chút về Thơ Ca đối với nhà thơ là gì : Đó là chúng ta hãy gắng nắm bắt những phút giây trọng yếu giữa mối liên hệ phức tạp đa chiều giữa con người với chính hắn ta, với vũ trụ vạn vật, và với ngôn ngữ. Đấy là một cuộc sáng tạo Thơ Ca hơn là khâu sản xuất. Nhà thơ có thể tự kiến giải bằng thứ ngôn ngữ đơn mộc, như những người thợ thủ công chân chất. Thái độ khiêm cung ấy sẽ tự nó hướng dẫn tốt cho nhà thơ. Còn với các nhà thơ, niềm bí ẩn của Thơ Ca ở vào những chiều kích giữa con người với sự tác chiến trầm trọng của hắn cùng với ngôn ngữ linh ứng để có thể đạt được quyền năng sống còn.
Và, trong chương này, chúng ta hãy tìm hiểu tại sao và như thế nào, con người lại chuyển thành nhà thơ, ngôn ngữ của chàng thăng hóa nên Thơ Ca ra sao.
Một quan điểm tài tử về Thơ Ca : Sau khi đã gắng định nghĩa Thơ Ca bằng những gì làm nên Thơ Ca, đương nhiên chúng ta phải tự đặt mình vào vị trí của kẻ tiếp nhận Thơ Ca. Rất nhanh, chúng ta thấy dường như niềm vui Thơ Ca của người này cũng lan truyền giống như những người khác. Yêu Thơ Ca là làm lại cuộc hành trình của nhà thơ và cũng là yêu cái bát ngát của tự do. Sau, lại cũng chính là tìm cách chạy trốn, muốn thoát khỏi hình thức bất lực của những mô phạm rởm, trong đó sự kết hợp kiểu cách rởm đời cộng thêm sự tối nghĩa ngụy tạo không thể lẫn với những “ tiếng nói xa lạ “ mà rồi mai kia sẽ trở thành sáng nghĩa dễ thấu đạt.
Một quan điểm khích lệ : Điểm sau cùng dành cho cách kiểm điểm thấu đáo, kỹ càng tất cả những gì trong xã hội hiện đại, có thể hoặc là khuếch trương, khích lệ hoặc ngược lại là trù dập, là ngăn cấm phổ biến Thơ Ca.
Học đường là nơi duy nhất có thể giúp con người được tiếp cận, hoặc tốt hoặc xấu với Thơ Ca bằng cái mà người ta gọi là bài học thuộc lòng. Và sự tham gia rộng rãi nhất của công chúng với đời sống Thơ Ca lệ thuộc vào những gì đã được thực hiện tại nhà trường.
Kể từ khi rời ghế nhà trường, các bạn trẻ thường gặp được nhiều hình thức diễn đạt khác nữa, đáp ứng những nhu cầu mơ mộng riêng tư hoàn hảo hơn nhiều so với Thơ Ca đã đươc rao giảng khô cứng và từ chương. Đây là lúc xuất hiện những bài ca nhang nhác những lời lẽ nửa vời, và đứng trước sư lạm phát đương thời đó thì, tốt nhất hãy tách bạch và định rõ phân ranh giữa Thơ Ca với những bộ môn kế cận khác. Sở dĩ phải nói vậy, là vì sự lẫn lộn, sự pha tạp ngày nay đã lớn tới mức giữa những ca từ và Thơ Ca đã bị nhận dạng sai lệch đến có thể mất hẳn đi những nét độc sáng của riêng mình.
Những dây liên hệ phức tạp giữa Thơ Ca với các ngành nghệ thuật cổ truyền như kịch nghệ, hay những ngành nghệ thuật mới như điện ảnh và vô tuyến truyền hình, đã khuôn ép mọi hành động mà một số nhà cổ vũ đã tìm cách phát minh để giữ vững nền Thơ Ca giữa chúng ta, trong khi chờ đợi tương lai có thể thực hiện được lời tiên tri của Lautréamont vẫn hằng ám ảnh chúng ta : “THƠ CA PHẢI ĐƯỢC TẠO TÁC CHO TẤT CẢ !”

[1] Paris, P.U.F.1962
Nguồn: Da màu

Không có nhận xét nào :