Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Tây tiến và những bài thơ khắc tạc vào năm tháng của Quang Dũng



Nhà thơ Quang Dũng
(1921 - 1988)

Ông tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm) người làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây (Hà tây), nay là Hà Nội. Tham gia cách mạng từ 19 - 8 - 1945. Cuối mùa xuân 1947, ông ra nhập đoàn quân Tây Tiến với cấp bậc đại đội trưởng. Ngay sau đó chưa đầy một năm, 1948, tại Phù Lưu Chanh, ông viết bài thơ Tây tiến bất hủ. Và, cũng chỉ thời gian sau không lâu, những anh chính trị viên "răng đen mắt toét gọi lựu đạn là nựu đạn" trường kỳ khảng định  cái anh đại đột trưởng - nhà thơ viết nên những Tây tiến, Lính râu ria, Mắt người Sơn Tây... đích thị cần lên án, cần gột rửa cho cái tư tưởng tiểu tư sản nó... tiệt nọc. Thôi, cái quãng lịch sử văn chương nhớp nhúa này biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Ông chết tại Bện viện E, Hà Nội đêm 13 tháng 10 năm 1988, thọ 67 tuổi. Xin trích nguyên văn đôi dòng trong "Lời giới thiệu" Tuyển tập Quang Dũng của Nhà thơ Trần Lê Văn - một (trong những) người bạn thân thiết của ông tả về mấy ngày cuối cùng của người viết nên Tây tiến bất tử và nhiều bài thơ đã tạc khắc vào năm tháng:

"Những ngày nằm ở Bệnh viện E, anh trầm lặng không cười, không nói. Thế mà có hôm đến thăm anh, tôi thấy anh:
Cười như thủa hài nhi
Bắt đầu được "mụ dạy"...

Rồi từ đấy anh hay cười, cười không thành tiếng, thu nhận và thưởng ngoạn sự đầm ấm thương yêu của những người ở gần, và những người ở xa, rất xa..."


(
Hoàng Quý)
 
Quang Dũng


Tây tiến
Ảnh sưu tầm
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

                                    Phù Lưu Chanh, 1948


Mắt người Sơn Tây

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì


Ảnh sưu tầm

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trằng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?

Me tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

                                               1949


Lính râu ria

Khua khoắt sông bờ vắng
Lửa hồng quán tản cư
Lính mấy chàng vất vả
Tìm sống một đêm thơ

Một người kêu cà phê
Một anh gọi thuốc lá
Một người nhìn sau trước...
- Chị ơi! Ly rượu nhỏ!
Rượu nhỏ một ly thôi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời


Nhà thơ Quang Dũng - Ảnh sưu tầm


- Chị ơi! Cháu ngủ đâu
Rồi anh bế con chị
Anh lim dim cúi đầu

Cô bé cười chúm chím
Mắt non nhìn như sao
Đôi mắt nhìn như sao
Má hồng như trái mận
Mùa đang độ ngọt ngào!

Bàn tay như rễ cây
Bộ râu hơn bàn chải
Anh ôm con người ta
Anh ôm ghì nó mãi

Cô bé năm tháng trời
Tuổi anh vừa ba mươi
Vợ anh giờ này đâu?
Anh mỉm cười rười rượi

Khi anh về đã xa
Chị dọn hàng đi ngủ
Chép miệng trong hơi chăn
Chị buồn chi không rõ

Khua khoắt sông bờ vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính mấy chàng phanh ngực
Hát nhẹ lên bài ca...

                                               1949


Thu

I
Gió heo nổi sớm nắng thơ về
Chuồn chuồn cánh mỏng lại bay đi
Rỡn từng gọn cỏ may khô úa
Cánh nhạn tung trời thêu biệt ly

Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu
Lá múa rì rào trên bãi vắng
Mái nhà ai đó nắng xiêu xiêu?

Ngồi đây vơi tưởng đường quê hương
Lá đã xanh xanh mấy nẻo làng
Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín
Ao sau vườn cũ nước xanh trong

Cữ này bưởi đào đang chín cây
Mía đỏ vườn hoang mang bóng ngày
Bướm nhẹ cánh vàng mơ lá cải
Trời thu không rượu cúc mà say


Ảnh sưu tầm
II
Nhẹ tóc khô da hồn trong xanh
Rộng vời tầm mắt dáng vàng hanh
Nghe nhạc muôn đời trong gió lá
Vào thu khói biếc đã xây thành

Long lanh bóng núi in sóng biếc
Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu?
Quạnh quẽ sắn nương rờn nắng ấm
Ngõ trúc người ơi! Tịch mịch chiều!

Diều sáo vang không hồn ấu thơ
Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ?
Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ
Mùa thu xào xạc lá tre khô.

                                                  1950


Tôi viết chiều nay


Ảnh sưu tầm

Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi lòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

Ôi! Nhớ thương người, im lặng quá
Những linh hồn nhỏ chúng ta ơi!
Nào ai biết được niềm u uẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời

Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai

Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình

Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh.

                                              1951


Nguồn: Tuyển tập Quang Dũng, NXB Văn học, 2000

Không có nhận xét nào :