Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

THƠ Y PHƯƠNG

Nhà thơ Y Phương

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Sinh ngày 24 - 12 - 1948 tại làng Hiếu Lễ, Trùng Khánh, Cao Bằng.
Năm 1968 ông phục vụ trong quân đội. Sau chiến tranh ông làm việc tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng. Năm 2002, ông chuyển về Hà Nội, làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện tại ông và gia đình sống tại Hà Nội.
Những tập thơ đã in: Người núi Hoa (1982), Tiếng hát tháng Giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Đàn then (1996), Ngược gió (2006), Những bài hát cho Sa (2011). Hai trường ca của ông gồm: Chín tháng  và Đò trăng. Với trường ca Chín tháng, ông đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Bài thơ Nói với con của ông được đưa vào Giáo khoa thư. Ngoài Gỉai thưởng Nhà nước, ông còn đoạt nhiều Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật khác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Hội Nhà văn.


Năm Y Phương về làm việc tại Hà Nội (2002) cũng là năm tôi lần đầu gặp ông. Hôm ấy, đang loay hoay hỏi thăm phòng làm việc của Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn Hà Đình Cẩn, một người vạm vỡ có đôi mắt "biết nói" ân cần chỉ dẫn cho tôi căn phòng trong góc của Tổng biên tập. Thấy tôi quay ra, ông bảo, vào chờ ở chỗ mình, chắc anh Cẩn về ngay thôi. Ông và gia đình khi ấy tạm ở một phòng nhỏ thuộc cơ quan Tạp chí Nhà văn 65 đường Nguyễn Du. Thế là chúng tôi chuyện trò. Cái cách tiếp xúc và sự ân cần, giản dị của ông làm cho tôi không e ngại. Khi tôi thưa tên, ông à lên vui vẻ, rồi đọc to: "No xôi no thịt thì cứ chơi liền liền đi/ Trên đầu lắc lư con ma rượu rồi, có đứa trốn ra nương, hai đứa khéo mà thành một đứa". Thơ tôi nào có ra gì mà ông thuộc. Ông bảo, ra đây là Hoàng Quý đấy, chỉ một "Ngẫu hứng qua mường" em xứng đáng đại diện cho cả một cộng đồng tộc người. Được khen thì tất nhiên ai chả thích. Tuy nhiên, đánh giá thẳng băng và có tính khích lệ của ông làm tôi bối rối. Kể từ lần gặp gỡ ấy, đến giờ, tôi được ông coi như người em. Nhiều năm làm sưu tầm Văn hóa Dân gian và lang thang vùng cao, tôi hiểu rằng, có được tình cảm ấy không vì chữ nghĩa.
Thơ Y Phương thấm đẫm dân ca Tày, đời sống Tày, bền chắc như đá núi Cao Bằng, nhẹ nhõm như mây sáng trên sông Hiến, sông Bằng và cường tráng không gian biên viễn. Nhiều bài thơ của ông có thể hát lên, có thể ngân nga. Ở nhịp, ở điệu, ở thi ảnh, thi hình,  ở cách nói, ở tình... váng vất làn sli, điệu lượn. Lối nói ví của người miền cao khi biến ảo trong thơ Y Phương luôn luôn gây ngạc nhiên, hưng phấn và thích thú. Cùng với Nông Quốc Chấn, Y Phương mang đến cho cánh đồng thơ Việt sự rực rỡ, phong nhiêu.

Trân trọng giới thiệu một chùm thơ Y Phương trong triền rừng thơ đẹp đẽ của ông! 
Hoàng Quý


     
Mùa hoa

Ảnh sưu tầm

Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.

Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ.


Lên Cao Bằng

Chúng tôi lên Cao Lù qua đèo Cô Lía
Chúng tôi đến đèo Liêu qua đèo Mã Phục
Xuyên qua rừng vầu
Luồn qua rừng trúc
Như bầy ong
Như đàn chim

Ảnh sưu tầm
Chúng tôi lên Cao Bằng Cao Bình
Bước đá
Bước mây
Bước mùa đông
Bước mùa hè
Cây đàn tính dây trong dây đục
Ăn cơm lam mấy khúc
Áo tơ tằm đi đánh giặc bền lâu
Lên Cao Bằng chưa rõ phố phường đâu
Sương tháng Chạp mịt mù sông Hiến
Chỉ lấy đường
Chỉ lấy đèo
Làm vui
Làm đẹp
Hoa cháy đỏ miền rừng Phia Bjoóc
Dòng Khuổi Sao con gái tắm cùng trăng
Hút thuốc lá Cao Bằng
Mới biết đất quê mình thơm tho đến thế
Đất sinh ra em. Đất hiền như mẹ
Đất Hòa An cho giọng nói thương sao
Đất Trùng Khánh
Giọng miền cao
Nghe hơi cứng
Câu hà lều nghiêng ngả
Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ
Mời rượu cả chum mời quả cả cây
Có thương nhau anh mới đến đây
Đi qua bản không vào người già trách đấy
Tết tháng Giêng hẹn từ tháng bẩy
Tin nhau không nói nhiều lời

Lên Cao Bình đâu cũng gọi Nàng ơi
Lên Cao Bằng đâu cũng nhớ Người ơi.


Phố xưa

Ảnh sưu tầm
Phố xưa
Bây giờ vẫn như xưa
Những mái nhà nâu
Những cột nhà đen
Đêm đêm lép bép ngọn đèn

Tôi bước đi trên con đường xưa
Tránh đứa trẻ đang bò chơi bi
Tránh ông già lim dim sưởi nắng
Tránh ngươi xưa
Đầu đường, áo trắng
Con trên vai, đi thẳng, chẳng nhìn ai

Giận nhau lâu
Nhớ nhau dài
Tôi trở về tìm người xưa ở phố
Em gọi
Nhưng tôi không ngoái cổ
Giả vờ đi.


Cơn mơ ban mai

Chưa bao giờ tôi ngủ quên
Giấc mơ đang đẹp tôi ngủ trên lưng đèo


Ảnh sưu tầm


Có một chiều
Không nhớ chiều nào
Thung lũng A Sao hoa mua ngăn ngắt tím

Chị em tôi chơi trò đuổi nhau
Tóc chị vàng như nắng rơi sau
Tôi ù té nên mồ hôi trộm đổ
Có một đêm không nhớ đêm nào
Pháo nổ
Chị về nhà chồng
Tôi níu áo
Chị ơi
Chị mang theo cả những trò chơi
Tôi tha thẩn ngã ba ngày chợ
Chị gửi quà cho tôi đỡ nhớ
Quả cam vàng chị ở cùng tôi
Đang mơ màng tận nơi xa xôi
Thấy chị dậy khẽ khàng đun cám
Cái bé Thêm vừa đầy ba tháng
Cầm ảnh tôi
Nó mút
Thương chưa

Bấy giờ tốc tác hạt mưa
Đồng đội dậy rào rào cuốn võng
Chỗ mặt trời lên ì ầm tiếng súng
Giặc bắn từ ban mai nhằm trúng cơn mơ.


Lá vàng bay lại bay

Bạn ơi
Nhìn kìa
Hiu hiu gió rồi
Tôi lại nhớ một người

Ngày ấy tóc rất dài
Trời líu xanh
Rừng ngát thơm
Con đường bỗng dưng quanh
Bỗng dưng quành
Bỗng dưng co mình trên núi vắng
Người bước trước
Tôi bước sau
Giữ khoảng cách xa nhau đều đặn.

Ảnh sưu tầm

Ngày ấy
Buồn chưa thấy
Mặt đường in rời rạc
Những dấu chân bé xinh
Đi theo những dấu chân bé xinh
Ra đến cửa rừng thì nắng
Bây giờ
Người đi qua
Tôi đi lại
Mỗi người một ngày buồn
Đêm nói mơ một mình
Cứ như thế
Mẹ tôi nghe được
Có một ngôi nhà ướt
Đêm đêm mở cửa xanh

Bạn ơi
Nhìn kìa
Hiu hiu gió rồi
Tôi lại thấy một người
Cưỡi lá vàng bay lại.


Tên làng

Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Ba mươi tuổi từ mặt trận về
Vội vàng cưới vợ

Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa
Rào miếng vườn trồng cây rau
Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu
Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi

Ảnh sưu tầm
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Mang trong người cơn sốt cao nguyên
Mang trên mình vết thương
Ơn cây cỏ quê nhà
Chữa cho con lành lặn

Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba
Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà
Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước
Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt
Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên

Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp
Bàn chân từng đạp bằng đá sắc
Trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên

Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt
Có niềm vui lúa chín tràn trề
Có tình yêu tan thành tiếng thác
Vang lên trời
Vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.


Nói với con

Ảnh sưu tầm


Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.


Lời cây đàn tính
Ảnh sưu tầm

Cây đàn này đâu phải cây đàn
Bầu nước mắt trăm năm cười khóc

Cây đàn này đâu phải cây đàn
Bọc sinh nở, lời chào ly biệt

Vụt đứng lên cây đàn dìu dặt
"Đi như thế cho đến ngày nhắm mắt"

Ngôn ngữ cổ còn vài câu tích tịch
Hãy gẩy lên bất cứ nơi nào.



Lặng lẽ đêm

Trên đầu ta
Trăng khe khẽ sáng
Sương khe khẽ lắng
Mây khe khẽ trôi

Dưới lưng ta
Chiều khe khẽ thở

Trong ngực ta
Khe khẽ người


Ảnh sưu tầm

Nguồn: - Nhà thơ Y Phương
             - Tuyển tập Thơ Việt Nam 1975 - 2000, NXB Hội Nhà văn, 2001


Không có nhận xét nào :