Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

TRƯỜNG CA CUTUDỐP VÀ NAPÔLÊÔNG


Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến tại nước Nga

Tôi thức hai đêm để đọc lại bản đánh máy "Trường ca Cutudốp và Napôlêông" Nguyễn Đình Chiến tặng tôi tháng 8 năm 2001 và so sánh với bản in chính thức trong tập "Nguyễn Đình Chiến, tác phẩm và chân dung văn học" do NXB Hội Nhà văn ấn hành  tháng 1 năm 2015. Rất mừng không có sự khác biệt và sai sót đáng kể do in ấn. Tôi từ lâu những muốn chuyển tới bạn đọc thiên trường ca đặc biệt này của ông. Đặc biệt, vì Trường ca đồng thời là Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất khi Nguyễn Đình Chiến mãn khóa Trường viết văn mang tên M.Gorki (Nga). Đặc biệt, vì ngay lập tức thiên trường ca đặc sắc này đã được Giáo sư - Dịch giả Marian Cachốp dịch sang tiếng Nga kèm lời nhận xét của Giáo sư - Nhà nghiên cứu văn học nước ngoài Bếch Tachiana: "Chắc chắn phải là người từng trải qua cuộc chiến tranh, phải là người có vốn hiểu biết hết sức phong phú và sâu sắc về lịch sử Nga, văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga , anh mới viết được một tráng ca tràn đầy niềm tự hào và xúc động về dân tộc Nga như vậy". Bản dịch "Trường ca Cutudốp và Napôlêông được in và có vị trí trang trọng trong Thư viện văn học Trường viết văn M.Gorki", và trong các thư viện của nước Nga rộng lớn và vĩ đại.

Tháng 8 năm 2001, tôi làm thuê sơn bảo dưỡng bên trong các bồn bể chứa xăng dầu tại Đà Nẵng. Nguyễn Đình Chiến đã vào với tôi, vừa là thăm bạn, vừa là làm một chuyến hành hương phương Nam. Trong mấy đêm ở khách sạn Bạch Đằng bên sông Hàn, Ông đã đọc cho tôi nghe và kí tặng tôi một bản đánh máy trường ca. Ông tâm sự: "Nếu ao ước, mình ao ước sẽ viết được một trường ca nữa, và nó phải là Điện Biên Phủ. Trường Sơn, nước bạn Lào, hai cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc sẽ có những nhà thơ tài năng hơn đã và sẽ viết". Và ông hào hứng, sẽ viết về Điện Biên Phủ, sẽ viết về cuộc trường chinh của những người lính chân trần áo vải, sẽ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những chỉ huy, những chiến sĩ can trường". và thực sự, những năm sau đó chúng tôi đã lên Điện Biên. Nguyễn Đình chiến đã nhiều lần ngang dọc khắp các ngả đường tiến vào Điện Biên, đã đọc hàng núi tư liệu, đã  gặp Đại tướng Tổng tư lệnh... Chương Tây Bắc, khúc dạo của Trường ca ông ao ước đã hoàn thành. Nhưng, những rủi ro trong đời sống riêng, những đảo lộn trong cuộc sống cùng bệnh tật bất ngờ giết chết ông ngay trong một chiều 30 tết - ngày tận của năm 2014, Định mệnh lấy đi một tài năng tầm cỡ và lãng tử. Định mệnh thật bất công bắt ông phải ngừng lại khi chương thứ 2 của Trường ca Điện Biên Phủ vừa xong phần ý tưởng. Xin chuyển tới bạn đọc "Trường ca Cutudốp và Napôlêông" của cố thi sĩ Nguyễn Đình Chiến. Dẫu với Nguyễn, chỉ trường ca duy nhất này là không dang dở, nhưng, hy vọng quà tặng tuyệt vời của ông không chỉ riêng cho nước Nga, nó là quà tặng cho tất cả những ai luôn luôn tôn quý những chân tài!
Hoàng Quý


   
Nguyễn Đình Chiến

Ảnh sưu tấm
                      
I.

Napôlêông dừng ngựa, nhíu đôi mày
Những tiên lượng thiên tài không nghiệm nữa
Ý Thượng đế hay trò đùa lịch sử
Đã cản đường quân Pháp trước tiền duyên
Lá cờ Người lả tả rụng bao phen
Những chiến mã chồm lên thân đẫm máu
Những dũng tướng dạn dày bao trận đấu
Giờ cúi đầu chờ lệnh đứng tôn nghiêm

Phía quân Nga tạc đạn vẫn vang rền
Xác người chết đắp cao thêm chiến lũ
Cả dân chúng cũng tràn về trận địa
Gươm tuốt trần hào khí bốc lên mây
Như cây sồi trong bão chẳng lung lay
Cutudốp ngồi lắng nghe trận đánh
Và trực giác qua tiếng gầm dũng mãnh
Người hiểu rằng con thú đã mang thương
Hoàng hôn đưa lưỡi máu liếm rừng dương
Mắt tử sĩ khép ánh ngày lần chót
Mà đại bác vẫn gầm lên từng đợt
Ôi, ý trời ai biết thắng hay thua
Phải, mắt thường sao thấu nổi thiên cơ
Trong trận đấu hai thiên tài trác việt
Chỉ có họ đã âm thầm hiểu hết
Người bần thần, kẻ đã chớm hoang mang
Nhìn trời chiều Cutudốp trầm ngâm
Người quên hết mọi vinh quang, quyền thế
Những cái lưỡi khôn ngoan, những cái đầu thấp bé
Những tị hiềm lọc lõi chốn phồn hoa
Sau lưng Người là cả nước Nga
Là băng tuyết mùa đông sắp tới
Là bếp lửa củi sồi cần mỗi tối
Là bánh mì người Mugic (2) đói no
Và máu kia đâu phải nước sông hồ
Để tưới tắm cho những vòng nguyệt quế
Sau trận đánh sẽ có bao bà mẹ
Ngồi khóc con hóa đá ở bên mồ
Những người vợ thảo hiền, những em bé ngây thơ
Sẽ trọn kiếp ôm nỗi lòng sầu muộn
Bên tượng thánh lời nguyện cầu tối sớm
Sẽ chìm đi trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Napôlêông có chi để tự hào
Khi đã đến đất này bằng máu lửa
Không phải đến theo bình an ý Chúa
Cùng khơi sông, cùng đúc tượng xây nhà
Như những người con của nước Pháp hào hoa
Những nghệ sĩ tài danh, những gia sư mẫu mực…
Nhưng than ôi bây giờ đâu phải lúc
Kìa đồng chiều ngọn lửa đã lan xa
Người quyết rồi để ngỏ Mạc Tư Khoa
Và hãy để cho kinh thành bốc cháy
Trăng đêm nay sẽ in màu máu chảy
Và quầng lên đám cháy mỗi ngôi nhà
Nhưng kinh thành từng thắng giặc Tác - ta
Sẽ trở lại màu xanh trong mắt Chúa
Người nghĩ vậy đạp bàn đinh thúc ngựa
Ngoảnh lại nhìn lần nữa, Mạc Tư Khoa
Đại bác rền theo tiếng nấc xót xa
Nghe thổn thức trái tim già mỏi mệt
Ôi trái tim chỉ Chúa trời mới biết
Sẽ chôn cùng người lính ở tiền phương.

Napôlêông chợt nhớ những chặng đường
Những vương miện sau mỗi lần chiến thắng
Những vũ hội giữa kinh thành ánh sáng
Những công hầu mệnh phụ những cô nương
Và âm vang tiếng đại bác chiến trường
Tưởng rung chuyển cả những kim tự tháp
Và cúi rạp những thần dân Ai Cập
Và vương hầu La Mã, và Luân Đôn…
Nghe tiếng Người ra trận cũng đủ run
Nào phải đợi khi tay Người phán quyết
Thì dãy núi An Pơ (3) muôn dặm tuyết
Là nắm bùn lăn lóc dưới chân thôi
Nhưng lần này ngày sắp hết, than ôi
Mây chiến địa đã rủ màu tang chế
Lính hấp hối đang nằm rên khe khẽ
Máu đỏ lầy bên vó ngựa Người qua
Ôi vinh quang có thật hay chỉ là
Mang xương máu đổi trò đùa vô nghĩa
Có phải thế mà hôm nay Thượng đế
Không cho Người trở lại giấc mơ xưa
Nghoảnh lại nhìn nước Pháp đã mù xa
Chắc lạnh lắm ngai vàng Người để vắng
Những khẩu pháo đưa Người lên chiến thắng
Đã bắt đầu xộc xệch bánh xe lăn.

Màn đêm buông, tiếng súng đã thưa dần
Tiếng ngựa hí khan hơi rồi yên lặng…
Tiếng cú rúc bên cánh rừng văng vẳng
Nhận ra mùi tử khí bốc vào đêm
Lũ diều hâu giương cặp mắt khát thèm
Quệt cặp mỏ lên cành cây đợi sáng
Chỉ bầy quạ hung hăng là táo tợn
Đã giục nhau inh ỏi đến tranh phần
Những bóng đen như đôi cánh tử thần
Chập chờn lượn trong ánh trăng nhợt tái
Đây là vương quốc của Đau Thương, Sợ Hãi
Đây là sứ thần của Bạo Lực, Lòng Tham
Kiếm niềm vui trong đổ nát, hoang tàn
Tìm lạc thú trong rừng xương, bể máu
Đây vĩnh viễn cánh đồng Nga in dấu
Thần chiến tranh đã mở tiệc một ngày
Năm vạn mạng người, thây chết trên thây


II.

Ảnh sưu tầm

Napôlêông lại thức trắng đêm nay
Người lặng ngắm cảnh chiến trường hùng vĩ
Trăng chênh chếch đang mờ soi chiến lũy
Chắc quân Nga đã rút xa rồi
Chỉ trong làng những đốm than rơi
Gặp gió lạnh lại bay lên bốc cháy
Trong ánh lửa Người dễ dàng nhận thấy
Vết đạn cày trên thân trắng bạch dương
Và ngổn ngang chi chít khắp mặt đường
Hố đại bác còn đen màu thuốc súng
Những cột nhà trong bóng đêm sừng sững
Như những hàng thập tự đứng oan khiên
Có điều gì Người khắc khoải không yên
Như ám ảnh của nỗi buồn định mệnh
Người cười cợt với Rôma thần thánh
Người xoa đầu các tướng tá thành Viên
Người giành sông giật núi đã bao phen
Nay bỗng chốc thấy nghi ngờ số phận
Hỡi Hoàng đế, trái tim Người trắc ẩn
Sẽ giúp Người chiến thắng chính Người đây
Hãy nghe lời của sông núi cỏ cây
Rằng chân lý không thuộc về kẻ mạnh
Khi bạo lực đã trở thành cứu cánh
Khi quyền uy đang chống lại luật trời
Rằng bao nhiêu binh lính dưới tay Người
Sẽ phải chết trong đọa đày gió rét
Ôi, nước Nga những nẻo đường xứ tuyết
Máu sẽ đông thành đá giữa băng dày
Rút quân về! Không! Hoàng đế xua tay
Không tin được lớp sương mù tưởng tượng
Người đã chọn có thể nào chệch hướng
Mọi nẻo đường Người đã lượng gần xa
Người sẽ vào ngự giữa Mạc Tư Khoa
Phủi bụi áo, bắt kẻ thù quỳ gối
Và cúi mặt lắng nghe Người luận tội
Đêm mênh mông, thảo nguyên Nga vời vợi
Như thách trêu trí lực kẻ anh hùng

Trăng phiêu diêu đã lặn xuống vạt rừng
Nghe rạo rực dưới chân mùa lá rụng
Nhưng trước sân, cây cột cờ sừng sững
Bỗng run lên bần bật dưới sao trời
Có điềm chi con tuấn mã của Người
Cũng hí lên những tiếng dài não ruột
Đêm sang canh gió trở chiều lạnh buốt
Lính bị thương từng đợt dìu nhau đi
Nhìn trời sao dăm ba kẻ thầm thì:
Đội ơn Chúa đã cho mình còn sống
Cũng có kẻ chưa nguôi bầu máu nóng
Lại trách trời sao sớm nỡ bị thương
Chưa xông ra ngang dọc giữa sa trường
Phơi gan ruột để đền ơn Hoàng đế
Không biết họ có thấy Người để ý
Hay lời kia đã thốt tự đáy lòng
Đức trung thành, Hoàng đế vẫn hằng mong
Hẳn có thể Người mỉm cười mãn nguyện
Nhưng có kẻ bỗng nấc lên thành tiếng
Thương bạn hiền nằm lại chốn tha hương
Phút cuối cùng còn ôm chặt thanh gươm
Có khắc tên người vợ hiền yêu quý
Thôi, vĩnh biệt trái tim nàng chung thủy
Đã theo chàng đi khắp nẻo gần xa
Từ sông Nin (4), gió cát bao la
Đến mưa nắng sông TaHô (5) dầu dãi
Nhưng chưa vượt sông Vonga (6) vĩ đại
Ngã xuống rồi, ôi người lính vô danh
Na pôlêông một thoáng lạnh rùng mình
Người chợt nhớ mối tình nàng Giô - dep(7)
Trái tim ấy cũng yêu Người tha thiết
Cũng đợi chờ ly biệt, cũng đơn côi
Và chính Người nước mắt đã từng rơi
Làm nóng bỏng khuôn mặt nàng diễm lệ
Nàng vẫn vậy chẳng mưu đồ quyền thế
Chỉ tình yêu an ủi được nàng thôi
Giô - dê - phin, Người khẽ gọi, nàng ơi
Và cảm thấy cả đất trời choáng váng
Hỡi Hoàng đế trái tim người đã cảm
Đến thẫn thờ trước thân phận tình yêu
Sao không về cho trọn vẹn sớm chiều
Muôn tổ ấm được sum vầy đoàn tụ
Hết xa cách, đợi chờ trong khói lửa
Cả Châu Âu đang mong đợi ý Người
Rút quân đi, không! Hoàng đế xẵng lời
Ta đâu phải kẻ si tình nô lệ
Antôni ngày xưa kiêu dũng thế (8)
Bởi vì ai sự nghiệp hóa thành tro
Một nhát gươm mang ân hận xuống mồ
Để miệng thế đến nay còn mai mỉa
Sao chẳng thấy Alếchxăng đại đế (9)
Từng hành binh sang Ấn Độ xa xôi
Mắt chim ưng nhìn thấu bốn phương trời
Song, chỉ tiếc dọc đường ngài mất sớm
Nếu không thế giới này chắc chắn
Dưới bàn tay sắp đặt của ngài rồi
Bôrôđinô ôi lở đất long trời (10)
Ngựa thế kỉ tưởng hất tung bàn đạp
Cương lịch sử vẫn trong tay người Pháp
Hoàng đế Nga nên biết rõ điều này
Vẫn còn nguyên đội cấm vệ trong tay
Ta sẽ đánh khiến cho ngài bở vía
À sáng mai khi bình minh sớm hé
Muôn cô hồn vạn quỷ sẽ bay đi
Toàn quân ta đội ngũ sẽ chỉnh tề
Sẽ dậy đất tiếng reo hò vạn tuế
Nước Pháp muôn năm! Muôn năm Hoàng đế!
Ôi tưng bừng tiếng trống trận vang xa
Ta sẽ vào chiếm lấy Mạc Tư Khoa.


III.

Ảnh sưu tầm
Trong cánh rừng lấp lánh lưỡi lê Nga
Cutudốp đã trở về hậu cứ
Người cũng vậy, suốt đêm qua không ngủ
Nghe lá thu day dứt rụng bên thềm
Và bây giờ nắng sớm đã bừng lên
Thắp một chùm thanh lương trà trước cửa
Ôi rừng Nga, cành phong non đượm lửa
Gốc thông già mùi nhựa quá bâng khuâng
Người quay đi lau một giọt lệ thầm
Phút tưởng nhớ những anh hùng đã khuất
Những binh lính trung thành, những sĩ quan kiệt xuất
Vì nước Nga, họ đã hiến thân mình
Ba - gra - chiông (11), ôi vị tướng lừng danh!
Cũng ngã xuống như một người lính trận
Nay vắng họ đôi vai người thêm nặng
Mà chặng đường phía trước hẳn còn xa

Mất thủ đô, đâu phải mất nước Nga
Người hiểu lắm, chiếc bẫy Người đang đặt
Ôi biết vậy cớ sao lòng quặn thắt
Khi trong quân những gương mặt đau buồn
Lính kị binh tay nắm chặt chuôi gươm
Miệng lẩm bẩm những lời như trách tội
Cánh pháo thủ vốn lầm lì ít nói
Mặt còn hoen máu bụi chẳng buồn lau
Lính bộ binh từng tốp chụm đầu
Mắt tư lự nhìn nhau qua khói thuốc
Nhưng như thế làm sao mà chịu được
Khi nỗi buồn đè nặng mãi trong tim
Vỗ tay vào báng súng ướt sương đêm
Ai đó hát một bài ca thuở trước
Một giọng hát không mượt mà chau chuốt
Nó quê mùa, chất phác nhưng hăng say
Như lão nông đang dóng diết đường cày
Từ bình minh tới hoàng hôn cháy đỏ
Như người lính dướn mình trên lưng ngựa
Gửi mất còn vào nhát búa thanh gươm

Không! Đây lời kí thác của quê hương
Rằng giặc đến thì máu xương chẳng tiếc
Ôi, nước Nga hoặc chúng ta chịu chết (12)
Hoặc dùng mũ sắt này uống cạn nước sông Đông
Cutudốp lắng nghe xúc động trong lòng
Người nhận ra vị lính già năm ấy
Bộ ria mép ngang tàng, xưa vẫn vậy
Chỉ có đều thêm đượm vẻ phong sương
Vết sẹo in trên vầng trán ngoan cường
Đủ nói hết những tháng ngày cực nhọc
Ôi đất nước có những người công bộc
Sống bình thường, giản dị xiết bao
Chẳng cần đâu, chức trọng quyền cao
Chẳng uy vũ xênh xang, chẳng rộn ràng tước lộc
Nhưng chính họ đã cứu nguy đất nước
Ôi nước Nga nhân hậu của muôn đời
Hát lên nào, hát nữa anh em ơi!
Tiếng binh lính đồng thanh tay vỗ nhịp
Ôi, nước Nga hoặc chúng ta chịu chết
Hoặc dùng mũ sắt này uống cạn nước sông Đông
Cả khu rừng bỗng hóa cơn giông
Cơn giông chuyển thành sấm gầm bão tố
Tiếng hát dứt, tất cả quỳ trên cỏ
Mắt cùng nhìn về hướng Mạc Tư Khoa.


IV.

Ảnh sưu tầm

Những thánh đường ngự trên đỉnh bao la
Đã lọt vào mắt xanh Thượng đế
Mây viễn du bạc trắng màu thế kỉ
Trên sắc vàng vương miện của thời gian
Chuông nhà thờ của Đại Ivan
Ngân dóng dả đến thôn cùng xóm vắng
Những mẫu tự Xlavơ kính cẩn
Khắc lên trời đất nước buổi thành văn!
Những quốc vương dang rộng cánh tay trần
Phạt rừng rậm vét đầm lầy mở đất
Những người lính ngày đêm không cởi giáp
Dựng hỏa đài chặn giặc đến từ xa

Hai trăm năm dưới ách rợ Tác - Ta
Bức tường đỏ tường còn nghe máu ứa
Đất giày xéo bởi muôn trùng vó ngựa
Trời rách bươm ngàn vạn mũi tên bay
Sông ưu tư khi thương nhớ dâng đầy
Lúc lặng chảy dưới băng dày mấy lớp
Thiếu nữ Nga những chiều vàng nhẹ bước
Lá phong vàng e ấp rủ trên vai
Đá trầm ngâm trong những dáng tượng đài
Ngẫm hưng phế mỗi triều cương đổi khác
Dẫu biến cải, thăng trầm nhưng chẳng mất
Vẻ huy hoàng, kiêu hãnh nước Nga xưa
Như đêm nào Lômônôxốp (13) làm thơ
Ngắm sao mọc khắp ngân hà rạng rỡ
Như những đêm Caramdin (14) chép sử
Lệ nến ròng thức đỏ đến ban mai
Người đẹp sao trong cả nỗi u hoài
Khi tam mã dừng chân bên quán lạnh
Lòng lữ thứ gửi vào li rượu mạnh
Lại lên đường khúc hát thẳng dây cương
Ôi, chiếc gầu làm bằng vỏ bạch dương
Cho ta uống đến đã lòng cơn khát
Mạch hồn Nga tự cội nguồn trong vắt
Trong lòng người, lòng đất Mạc Tư Khoa

Nhưng hôm nay vì mỗi trái tim Nga
Người tự hóa thân mình thành ngọn lửa
Lửa bắt đầu từ những căn nhà gỗ
Người dân nghèo châm bó đuốc đầu tiên
Thần tự do là những bác thợ rèn
Là bà mẹ đóng giày, là cô em dệt vải
Là cậu bé quen trèo cây hái trái
Mái tóc vàng như lúa mạch mùa thu
Phải, em thơ cũng mắt cháy căm thù
Ôi, lịch sử có chi mà nặng nợ
Mỗi dân tộc đều có quyền chọn lựa
Nhưng tự do chưa bán rẻ bao giờ
Lửa bùng lên từ những phố đầu ô
Lửa cuồn cuộn đến quảng trường đại lộ.

Lửa trùm kín những ngôi nhà thờ cổ
Chúa khổ đau thêm tuẫn nạn cùng Người
Lử bùng soi những khuôn mặt rạng ngời
Trong phút chót gục đầu trên cọc bắn
Những thân chết trên đầu dây lủng lẳng
Mắt mở trừng nhìn mãi đất quê hương
Mạc Tư Khoa tất cả đã lên đường
Để chết chóc rủa nguyền cho lũ giặc
- Này đây máu, đây mồ hôi nước mắt
Đây vàng ròng, bạc chảy hãy nhìn đi
Để xem bay sẽ được những gì
Trong lửa nóng và trong tuyết lạnh!

Đêm thác loạn, đêm chập chờn ảo ảnh
Tiếng reo hò, tiếng khóc, tiếng rên la
Gió mồ côi thổi rỗng những ngôi nhà
Trăng trắng bệch thắt vành khăn góa bụa
Lính í ới gọi nhau trên đường phố
Đi tìm vàng sục của khắp xung quanh
Những đám ma đang ám ảnh kinh thành
Mỗi dãy phố là một hàng bia mộ
Mấy con chó đi hoang còn nhớ chủ
Tru lên trời ú ớ tiếng kêu thương.


V.

Ảnh sưu tầm
Trong hành dinh ánh lửa hắt lên tường
Napôlêông ngồi một mình lặng lẽ
Những tin tức dội đến tai Hoàng đế
Người nghe ra chẳng ý vị chút nào
Đại quân Nga đang đóng ở đâu?
Cutudốp vẫn hoàn toàn im lặng
Những điều ước Người gửi đi sốt sắng
Ngày lại ngày đằng đẵng chẳng hồi âm
Giá quay về chiếm vựa lúa phương nam
Cho quân nghỉ đợi mùa xuân ấm áp
Người cay đắng nhận ra mình đi lạc
Một nước cờ tai hại với quân Nga
Để giờ đây giữa Mạc Tư Khoa
Chẳng khác nào ngồi bó tay chịu chết
Những đạo quân bị chia ra đánh giết
Khi canh phòng, đồn trú, lúc hành binh
Một cuộc chiến tranh vô dạng, vô hình
Không dự bị, chẳng tiền binh, hậu pháo
Nó xuất hiện và biến thiên kì ảo
Chẳng thèm nghe những quy phạm của Người

Hoàng đế anh minh, Người hẳn quên rồi
Phương thức ấy chẳng có gì lạ lẫm
Chính người Pháp thông minh và quả cảm
Đã từng làm trong suốt một trăm năm
Khiến quân Anh nếm trải đủ nhục nhằn
Để rốt cuộc chuốc lấy phần thảm bại
Ôi, nước Pháp của Gianđa (15) vĩ đại
Thà chịu thiêu trên ngọn lửa nhục hình
Quyết không làm vật nô lệ hy sinh
Cả điều ấy chả lẽ Người không nhớ
Nhưng xưa nay những sai lầm lịch sử
Lại bắt đầu từ những vĩ nhân
Thiên tài Người khi gửi gắm lòng dân
Cả Châu Âu tên tuổi Người rạng rỡ
Người xô đẩy mọi ngai vàng sụp đổ
Nhưng chính Người sau đó lại lên ngôi
Và chiến tranh, ách nặng của muôn đời
Người tự ý choàng lên dân tộc khác
Thì trách chi lịch sử thường trùng hợp
Dân tộc nào chả có những Gianđa
Vẻ bần thần Hoàng đế đã nhận ra
Nhưng chưa hết, chập chờn bao câu hỏi
Kẻ hầu cận đã giục Người bữa tối
Vẫn như xưa, vẻ kính cẩn trung thành
Dâng lên Người, li rượu đỏ sông Rin (16)
Chà! Rượu quý cớ sao mà đắng ngắt
Người đọc thấy qua ánh nhìn dè dặt,
Rằng trong kho lương thực đã cạn rồi
Nhưng điều làm Hoàng đế toát mồ hôi
Rằng sứ giả của mùa đông đã đến
Chúng đến như một điều hiển hiện
Vào đêm xưa trong linh cảm của Người
Những đạo quân đang sa xuống từ trời
Bay lơ lửng như những đàn ruồi trắng
Cứ tuần tự, lạnh lùng và vô cảm
Hết đợt này lại đến đợt kia
Hết ngày dài lại đến đêm khuya
Mảnh liệm trắng tuyết đem ra phủ hết
Như phép thuật của trời cao khủng khiếp
Mặt đất đang trở lại thuở băng hà
Thảo nguyên thành mặt biển bao la
Đồi núi hóa những hòn đảo nhỏ
Và cồn đất bên rừng như cổ mộ
Của những loài Ma Mút xa xưa
Trên sông băng thuyền nằm chết chơ vơ
Phơi xương cốt những cột buồm xiêu vẹo
Và bão tuyết bắt đầu gầm réo
Tiếng hú dài như khoét xuống mồ sâu
Trên cành đen từng lũ quạ bạc đầu
Vẫn ca cẩm một bài ai điếu cũ
Thành phố chết, chết thêm lần nữa
Củi lửa đâu, hỏa trận đốt xong rồi
Ăn nhằm chi, dăm ngọn khói mồ côi
Giữa chòi đất mênh mông màu lạnh buốt
- Rét, rét, rét như bào gan, thắt ruột
Như lôi tim, tróc phổi kẻ không nhà
Đợi đem đi nắm thịt gói trong da
Rồi tháo hết từng khớp xương mòn mỏi
Và cái rét vào hùa cùng cái đói
Bạn đồng hành muôn thủa của chiến tranh
Lệnh của Người giờ đã hết uy linh
Khi binh lính đang giành nhau sự sống
Họ giết nhau vì một thanh củi nóng
Vì một mảnh chăn nằm, vì một miếng bánh con
Trên căm căm những khuôn mặt không hồn
Đôi mắt xám của một loài thú dại
Quân của Người giờ chính Người sợ hãi
Lần đầu tiên Hoàng đế ngẩng kêu trời
Trời vẫn gầm bão tuyết khắp nơi nơi
Ai thắng ai thua thế sự ngỡ như rồi
Nhưng Thượng đế chẳng mấy khi nói thẳng
Người dành để bất ngờ khi đón nhận
Làm tuôn rơi bao giọt lệ vui buồn.


VI.



Ảnh sưu tầm


Và lần này lệ kẻ thắng trào tuôn
Thấm vạt áo vị tướng già đầu bạc
Cutudốp khóc khi nghe tin quân Pháp
Đã hoàn toàn rút khỏi Mạc Tư Khoa
Vì chỉ Người mới hiểu được nước Nga
Đã thực sự bước qua cái chết
Và hạt lúa ủ mầm sâu dưới tuyết
Sẽ bừng vui xanh sắc buổi xuân về
Nhưng Sa Hoàng đã lệnh xuống rồi kia
- Hãy tiêu diệt quân thù trên cả nước
Hãy bám sát không được rời nửa bước
Hãy lên đường truy kích hãy xông pha
Tiêu diệt ư, những kẻ đói không nhà
Đang run rẩy như những bầy hành khất
Truy kích ư, những đội hình chân đất
Đang dật dờ trên tuyết lạnh đường xa
- Hỡi anh em, những tướng sĩ Nga
Những kẻ đang có áo dày, ngựa tốt
Hãy vì Chúa mà mở lòng thương xót
Tinh thần Nga, như vậy có nên chăng
Nhưng than ôi, Người phật ý Sa Hoàng(17)
Vị vua trẻ háo danh và quá khích
Vốn cay mũi từ ngày Auxteclích (18)
Được dịp này ngài muốn trổ tài danh
Và quần thần không ít kẻ xung quanh
Cũng được dịp tỏ bày lòng mẫn cán
Ôi, những kẻ khi nước Nga gặp nạn
Thường rúc đầu trong chiếc áo cầu an
Nhưng giờ đây đã lớn tiếng huênh hoang
Vì danh dự Sa Hoàng, vì nước Nga muôn thuở
Rằng Bôrôđinô cần phải mở
Lần thứ hai cần kết liễu quân thù
Rằng không theo Cutudốp làm ngơ
Lão già ấy đã đến thời lẩm cẩm
Khá thương thay những cái đầu mụ mẫm
Lại ngồi đo trí lực kẻ thiên tài
Kẻ đang lo cho đất nước ngày mai
Khi canh bạc châu Âu còn sấp ngửa
Không thể đem thứ gia tài vô giá
Các cho ai như hiệu cầm đồ
Nước Nga cần một Bôrôđinô
Thế cũng đủ cần chi nhiều máu chảy
Nhưng thế thái nhân tình đâu cũng vậy
Thói tị hiềm, lòng đố kị ghét ghen
Những đưa con hư của danh vọng, bạc tiền
Những nọc độc của tị hiềm, lừa lọc
Trớ trêu thay nơi thềm vàng, bệ ngọc
Lại nhiều hơn chốn phàm tục, đời thường

Sáng nay Cutudốp lên đường
Con ngựa trắng băng mình trên tuyết trắng
Rõ phong độ của một người chiến thắng
Vẫn như xưa không một chút hợm mình
Tuyết thêu ngù trên những tán thông xanh
Như kim tuyến trên vai hàm thống chế
Mải suy nghĩ nên Người không để ý
Vẻ tưng bừng kiêu hãnh dọc toàn quân
Tiếng Ura vang dội khắp xa gần
Nghe thanh khí rộ lên niềm tin tưởng
Người ra lệnh những cờ hàng hạ xuống
Những lá cờ từng ngang dọc Châu Âu
Mang vinh quang ngạo nghễ trên đầu
Giờ chịu để ngưới lính Nga khuất phục
Và bên cạnh đám tù binh ngơ ngác
Đang nửa mừng, nửa sợ ngước nhìn lên
Vị tướng Nga rõ khuôn mặt người hiền
Vẻ nhân hậu đang lộ niềm thương xót
Đội ơn Chúa, đã cho Người cứu vớt
Những linh hồn tội lỗi tháng ngày qua
- Hỡi anh em những tướng sĩ Nga
Những kẻ đang có áo dày, mũ tốt
Hãy vì Chúa mà mở lòng thương xót
Tinh thần Nga như vậy có nên chăng?
Và các người, những kẻ đã quy hàng
Hãy gắng sống mà trở về xứ sở
Nhưng bám gót chiến tranh thì các người nên nhớ
Đừng bao giờ trở lại nước Nga

Lại Ura vang dội tiếng Ura
Con ngựa trắng băng mình trên tuyết trắng
Cutudốp nhằm tiền phương phóng thẳng
Ôi, nước Nga, xuân mới tới nơi rồi.


VII.

Nghe bạch dương đang tí tách đâm chồi
Tuyết tan chảy, cỏ giật mình thức dậy
Vừa chợp mắt, sáng nay đã thấy
Dải hoa vàng lộng lẫy trên đường quê
Chim họa mi đâu đó đã bay về
Cất tiếng hót gọi mùa xuân trong trẻo
Bên bờ sông những cây hoàn diệp liễu
Dang cánh tay ôm mặt nước tươi hồng
Gửi lời chào tạm biệt mùa đông
Cả tiếng quạ sớm nay nghe cũng khác
Nó xởi lởi hồn nhiên và thành thật
Trước thiên nhiên thơ thới buổi sang mùa
Như chưa hề chết chóc với buồn lo
Không khóc lóc kêu than, chẳng thở dài não nuột
Cỏ đã phủ những lá cờ sũng nước
Những gươm han, súng gỉ vứt bên đường
Tám vạn người đã ra khỏi biên cương
Người lính cuối cùng cởi đôi giày rách nát
Và chiếc mũ tả tơi bao trận mạc
Vứt xuống khe anh thề độc một lời
- Thôi, chiến tranh như thế đủ lắm rồi
Ôi lạy Chúa, chúng con xin cáo biệt
Vì nước Nga, những nẻo đường xứ tuyết
Một ngìn lần xin vĩnh biệt nước Nga
Anh bồi hồi nghe tiếng sóng sông Loa (18)
Tiếng xe ngựa trên cánh đồng An dát (19)
Về cày ruộng, về trồng cây gieo hạt
Sống cuộc đời còn lại tháng ngày xa
Hạnh phúc bình thường, mơ ước đơn sơ
Không biết được hay chỉ là ảo mộng…



Ảnh sưu tầm
Toán quân trước theo ngọn cờ, tiếng trống
Đã dần dần bước tới khải hoàn môn
Kẻ thẹn lòng khi thấy cột Văng Đôm(20)
Người cúi mặt trước đám đông ủ dột
Ngựa mệt mỏi dóng hàng đi bước một
Vẻ bơ phờ, xộc xệch cả đai cương
Không! Còn đây đội cấm vệ kiên cường
Vẫn gửi gắm niềm tin nơi Hoàng đế
Ôi, ánh sáng của thiên tài tái thế
Không một ngày bỗng chốc hóa tà huy
- Hoàng đế ơi, người gắng trị vì
Nước Pháp không thể thiếu Người một buổi
Chúng tôi đây nguyện theo Người mãi mãi
Dù đầu rơi, máu chảy chẳng hề chi
Hoàng đế buồn nghe lá dứt cây đi
Mấy vị tướng trung thành vừa tự sát
Cái gánh nặng đè lên đầu nước Pháp
Lẽ an nguy Người sẽ phải đi đày
Đám tùy tùng vừa dọn tiệc chia tay
Mấy thị nữ đã òa lên nức nở
Ôi biển khơi tiếng sóng buồn muôn thuở
Vỗ mỏi mòn những vách đá âm u
Thân vinh quang đày đến chốn tuyệt mù
Phận Chúa tể giờ khoác màu ẩn sĩ

- Đày ta ư? Hoàng đế cười mai mỉa
Bất hạnh ơi, bà mụ của thiên tài
Ta sẽ về trong một sớm nay mai
Sẽ dạy cả Châu Âu bài học nữa
Oenlinhtơn (21) với một bày quái gở
Ai nhắn giùm ta bảo họ hãy coi chừng
Mắt phượng hoàng nhìn mây xám dửng dưng
Đang bay lượn nhởn nhơ trên đầu ngựa
Người đâu biết có một ngày giông tố
Đám mây kia sẽ đổ xuống sa trường
Oateclô (22) ôi kết cục thảm thương
Dội tắt ngấm mọi mưu toan Hoàng đế
Rồi từ ấy chỉ còn nghe sóng bể
Vỗ triền miên ru giấc ngủ của Người.


VIII.

Và chiều nay mưa lạnh đã ngừng rơi
Một mùi hoa tử đinh hương ngào ngạt
Dã anh đào cũng đang mùa nở ngát
Trong gió xuân gieo cánh bạc khắp vườn
Những cây du cao vút, cánh tay vươn
Rắc vàng cốm phủ dày lên mặt đất
Cutudốp thấy trong mình ngây ngất
Người nhận ra Thượng đế nhắn tin về
- Ôi cuộc đời sang thế giới bên kia
Thanh thản quá, có chi mà ngần ngại
Cái gánh nặng bấy nhiêu năm từng trải
Ta đã xong giờ yên nghỉ được rồi
- Nađia, hy vọng của cha ơi!
Con yêu quý nghe lời cha dặn nhé!
Cha đã làm những gì cha có thể
Vì nước Nga…
- Không, cha ơi, sao cha nỡ rời xa
Để con sống một mình côi cút!
- Không, con ơi, cuộc đời nhiều hẫng hụt!
Cha ra đi nào phải dứt tình con
Thân xác cha xin gửi lại Sa Hoàng
Trái tim cha hãy để cùng người lính…

Nađia nức nở làm dấu thánh
Ngẩng nhìn lên, Cutudốp đi rồi
Một nụ cười còn đọng lại trên môi
Mà thăm thẳm bao nỗi niềm vô tận
Gió gào khóc, mưa hờn, cây ngơ ngẩn
Tin đau buồn lập tức đến toàn quân
Trắng khăn tang, những vạt áo ướt đầm
Nhiều vị tướng lệ đẫm chòm râu bạc
Thôi, vĩnh biệt, hỡi con Người bất khuất
Người thừa kế Suvôrốp (23) vinh quang
Thân xác Người xin gửi lại Sa Hoàng
Trái tim Người xin để cùng người lính
Lời di chúc vang vang niềm kiêu hãnh
Của cuộc đời mang nặng tấm lòng nhân
Tượng đài Người xây đắp giữa lòng dân
Không gian mở rộng thêm, thời gian không xóa nổi.



Ảnh sưu tầm


IX.

Bôrôđinô một ngày diệu vợi
Có một người lính đến từ phương xa
Mắt bồi hồi lặng ngắm cánh đồng Nga
Lòng dào dạt bao nỗi niềm cảm khái
Bởi chiến tranh anh là người từng trải
Suốt một đời tuổi trẻ gian nan
Quê hương anh xanh biếc lũy tre làng
Dân tộc anh trí nhân thay cường bạo
Như mẹ hiền anh sớm hôm tần tảo
Đôi vai gày se sắt gió heo may
Như cha anh ngay thẳng với đường cày
Khói thuốc tỏa theo ống tre làng Gióng
Như người anh yêu dịu dàng thầm lặng
Mái tóc đằm hương bưởi đợi chờ anh
Đường anh đi qua biết mấy thác ghềnh
Cơn sốt của rừng xanh mất máu
Có ngọn lửa ủ dưới lòng địa đạo
Có mưa dầm nghiêng cánh võng hành quân
Có chết đi sống lại biết bao lần
Những đồng đội của tuổi xuân mười tám
Hồn thanh thản đã hóa thành mây trắng
Ôm đỉnh ngàn, chóp núi của Trường Sơn
Thành sóng triều hôn bến bãi quê hương
Thành gió lộng ru bờ tre mát rượi
Thành tiếng gọi của tình thương, lẽ phải
Trong giờ làm giấc ngủ của anh đây
Ôi, chặng đường muôn dặm phía trời Tây
Anh đã gặp nhiều dân tộc khác
Và học lấy qua nụ cười, nước mắt
Những niềm vui, nỗi khổ của con người
Anh đã qua những cao ốc chọc trời
Những siêu thị mênh mông trong lòng đất
Nhưng ai nói giùm cho hết được
Tấm lòng anh yêu mến nước Nga
Trên đường về lịch sử sâu xa
Anh tìm đến tinh thần Nga bất tử
Tinh thần ấy không thuộc về quá khứ
Mà thuộc về hy vọng, tương lai
Thời gian đi như một vệt sao dài
Thế kỉ mới đang bừng lên trước mặt
Và chiều nay giữa thảo nguyên bát ngát
Ôm bạch dương anh khẽ hát thì thầm
Bôrôđinô ôi, một thuở súng gầm
Khói chiến trận đã thành mây huyền thoại
Những người lính đã trở về cát bụi
Thành lời ca trong hoài niệm núi sông
Tạc đạn còn như trứng khủng long
Chất rải rác quanh cánh đồng hiu quạnh
Gió hun hút nòng thần công ớn lạnh
Bên chỗ ngồi hai vị tướng năm xưa

Nhưng trông kìa, con cháu họ trong mưa
Đã vui vẻ cầm tay nhau bè bạn
Cả những người dòng Gôloa (24)cao thượng
Cả người Nga và Cadắc vinh quang.

Matxcơva, 1996

(1). Cutudốp (Mikhail Koutouzopv, 1745 – 1813):Danh tướng Nga vĩ đại. Tổng tư lệnh thới Nga Hoàng Alecxandre.
       Napôlêông (Napoleon Bonaparte, 1769 – 1821): Nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của nước Pháp, từng mưu đồ thôn tính cà châu Âu. Nhưng thất bại cay đắng trước Cutudốp, chịu cảnh lưu đày ở đảo Corse và bỏ mình nơi đảo xa.
(2). Mu - gic: Người nông dân Nga
(3). An - pơ: Dãy núi chạy dài qua nhiều nước châu Âu từ Áo, Đức, Thụy sỹ qua Pháp
(4). Sông Nin(Nil): Một trong hai con sông lớn nhất thế giới dài 6700km chảy qua 9 nước Phi Châu từ Soudan đến Ai Cập.
(5). Sông Tahô (tajo): Ở Tây ban Nha, dài 1038km
(6). Sông Vonga (Volca): Lớn nhất Châu Âu, tiêu tưới cho 1/3 nước Nga rộng lớn.
(7). Giôdêphin (Joséphine Bonaparte 1763 – 1814, vợ đầu của Hoàng đế Napoléon Bonaparte.
(8). Danh tướng La Mã người tình của Clêôpát nữ hoàng Ai Cập năm 30 trước công nguyên. Liên quân Antôni Clêôpát bị Ôctaviut đánh bại.
(9). Alếchxăng Maxêđoan (356 – 322 trước công nguyên). Thiên tài quân sự. Vị vua nổi tiếng vào bậc nhất trong lịch sử cổ Hy Lạp.
(10). Trận huyết chiến giữa quân Nga và Pháp vào ngày 7 - 9 - 1812 cách Maxcơva 100km. Trong trận này, quân Pháp thương vong 5,8 vạn người, quân nga 4,5 vạn người. Xét về mặt chiến lược quân Pháp coi như thất bại.
(11). Ba - gra - chiông (P.I. Bagration 1765 - 1812). Danh tướng xuất sắc , cánh tay phải của Cutudốp, nêu tấm gương quả cảm, bị thương nặng nơi chiến trận và hy sinh sau đó hai tuần.
(12). Trích “Bài ca về cuộc hành binh Igo”, tác phẩm cổ nhất của văn học Nga.
(13). Lômônôxốp (Lomonossov 1711 -1765), nhà bác học thiên tài Nga trên nhiều lĩnh vực: Hóa học, vật lí, thiên văn, đồng thời ông cũng là nhà thơ, sử gia.
(14). Caramadin: Nhà văn lớn của nước Nga, bạn đại thi hào Nga Pouchkine.
(15). Gian đa (Jeanne d Arc 1412 – 1441), nữ anh hùng Pháp. Năm 19 tuổi, bà thà chết trên giàn thiêu quyết không đầu hàng quân địch. Bà đi vào văn học, nghệ thuật như một biểu tượng của người con gái Pháp anh hùng.
(16). Sông Rhin dài 1233km chảy dài từ Thụy sĩ qua Đức, Hà Lan và một phần phía đông nước Pháp.
(17).Alechxăngđơrơ I. Hoàng đế Nga bị Napôlêông đánh bại trong trận Auxteclich ngày 22 - 11 - 1805. Lịch sử còn ghi Auxteclich: Trận đánh nổi tiếng Napôlêông đánh bại liên quân Áo - Nga.
(18). Loa (Loire) con sông dài nhất nước Pháp, hai bên bờ là những vườn nho trù phú, nhiều lâu đài cổ kính.
(19). An - dax (Alsace): Tỉnh phía đông nước Pháp, giáp Đức (có thời từng bị cắt cho Đức) với nhiều di tích văn hóa, lịch sử.
(20). Cột thép biểu tượng cho chiến thắng của Napôlêông được đúc bằng những khẩu đại bác chiến lợi phẩm trong những trận đánh ở Châu âu. Văng Đôm (Vendome) : Còn là tên thành phố miền trung nước Pháp, nơi có nhiều di tích cổ xưa, lâu đài lịch sử.
(21). Oenlinhton (Wellington): Napôlêông thua trận trước liên quân Nga - Áo.
(22) Oateclô (Waterloo): Năm 1815 Napôlêông thảm bại ở trận Oateclô, phải từ bỏ ngai vàng, sau đó bị đày đi đảo Corse.
(23). Suvôrốp (1730 - 1800): Đại nguyên soái Nga. Vị tường bất khả chiến bại.
(24). Go - loa(Gaulois): Người Gaulois thừng được coi là tổ tiên của dân tộc Pháp.

Nguồn: Nguyễn Đình Chiến, tác phẩm, chân dung văn học -NXB Hội Nhà văn, 2015.

Không có nhận xét nào :