Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

SÓNG VẪN VẨN VƠ TRÔI

Nhà văn Phạm Thanh Khương

Ông sinh năm 1959 tại Đình Phùng, Kiến xương, Thái Bình.
Tác phẩm: Nước mắt thời con gái (Tập truyện ngắn). Tiếng gọi đời sau (Tập truyện ngắn). Dòng sông tật nguyền (Tập truyện ngắn). Mật danh AZET (Tiểu thuyết). Kỳ hoa dị thảo (Tiểu thuyết). Chở những mùa đi (Tập tản văn). Bốn chiều gió cả (Thơ). Men chiều (Thơ).
Nhà văn Phạm Thanh Khương đoạt nhiều giải thương văn chương và báo chí.

Văn xuôi Phạm Thanh Khương cuồn cuộn, ma ám. Đó là thứ văn bước thẳng từ đời sống lên trang giấy. Các nhân vật trong văn ông đang như sống đâu đó. Họ, có thể lam lũ, thất học, quê kệch. Nhưng trong thăm thẳm cái đời sống nhiều khi ôi chảy, nhễ nhại, quẫn bách, khê đọng, họ vẫn là những con người không hóa thú. Họ bị quăng quật tơi tả, nhưng, dưới đáy hun hút kia vẫn lấp lánh ý - thức - người. Văn xuôi Phạm Thanh Khương ám ảnh, nhiều khi rất lạnh, nhưng mạch chảy trữ tình mới là bút pháp căn cốt và dụng công. Và chính nó, tạo nên một tiếng văn rất riêng, riêng từ đề tài, riêng trong bút pháp.
Hoàng Quý     

Phạm Thanh Khương
                                       Truyện ngắn


Ảnh sưu tầm
1.
Cả tháng nay trời rét đậm rét hại lại cộng thêm có mưa phùn, con đường vào làng lúc nào cũng nhem nhép, nhem nhép. Mấy chân ruộng mới cấy, cây lúa non chết rụi. Trâu bò cũng chẳng nhà nào dám đưa ra ngoài đồng chăn dắt. Mấy nhà chủ quan khi trời lạnh vẫn dắt ra đồng chăn thả, tối về có nhiều con bị cước chân, lạnh, lăn quay ra chết cóng trong chuồng. Đàn trâu trong làng cả tháng phải nhốt, mùi phân trâu bò lâu ngày không dọn phả ra hôi hôi, khăm khắm, trùm lên các ngõ ngách. Tiếng lũ trẻ quát tháo inh ỏi mỗi chiều xua trâu cũng vắng. Tiếng lộc cộc gõ móng của bầy trâu đủng đỉnh trên đường làng cũng không còn. Tiếng xoe xoé của mấy bà mắng con mỗi sáng, mỗi chiều vì tội lười nhác không đưa trâu ra đồng chăn cũng vãn. Chỉ còn tiếng gió bấc rít từng hồi trên ngọn tre hay dẫy bạch đàn dọc theo con đường vào làng là mỗi ngày một nặng. Chiếc cầu xi măng sơn đen đầu làng cũng không còn phải chứng kiến cảnh lũ trẻ khi đưa trâu ra đồng chăn thả hay lúc lùa trâu về đứng giữa cầu, vạch quần đái tồ tồ làm mưa xuống con sông nữa.

Trời rét quá, mấy gia đình thuyền chài cũng kéo nhau đùm úm vào trong con ngòi nhỏ chọn nơi khuất gió tránh rét. Nhà nào nhà nấy lấy mảnh áo mưa rách trùm lên che chắn cửa thuyền. Trông xa, những ngôi nhà thuyền tùm hụp như chiếc áo, vá chằng vá đụp, nham nhở với các mảng màu xanh xanh, đo đỏ, nâu nâu. Mấy nhà bên con ngòi thỉnh thoảng lại ra bên búi tre ngó nghiêng, trông mấy cây trái trong vườn.

Rét thế nhưng lão Kiếm không cho vợ con đưa thuyền vào chỗ con ngòi nhỏ tránh rét mà vẫn đậu thuyền ngoài bến sông. Lão cũng không cho vợ con lấy áo mưa che gió như các nhà khác. Sáng dậy, lão vẫn một mình một ấm chè, ôm khư khư cái điếu bát. Thỉnh thoảng lão lại buông câu chửi thề. Biết tính lão thế, bà Tèo cũng mặc. Nói ra vạ rách việc. Từ ngày về ở với lão đến giờ, bà biết. Ý lão thế nào là phải đúng như thế. Nếu làm sai, lão chửi cho đến ủng óc, thối tai. Ngồi uống nước lắm, lão lại lò dò ra mui thuyền, vạch quần đái. Lão nghiêng mặt nhìn vào trong làng, tai vểnh lên nghe tiếng nước chảy xuống bong bong. Con khoang nằm ở mui thuyền, mỗi lần lão ra lại rời ổ. Mỗi lần như thế, nó vưỡn mình kéo xác theo cái thói mỏi mệt rồi ngước hai mắt lên nhìn. Xong, nó nem nép mon men ra lép tép uống nước trong lòng khoang. Khi lão Kiếm chui vào nhà thuyền, con khoang lại lặng lẽ quay vào cái ổ ở đầu mũi, nằm ghếch mõm ra ngoài, lim dim mắt.

Sáng nay, ngoài trời lạnh đến thấu da thấu thịt, lão Kiếm vẫn đánh trần, mặc chiếc quần đùi, ngồi trong lòng thuyền, đầu cúi xuống kẹp giữa hai gối kỳ cạch giũa những chiếc lưỡi câu. Giũa xong chiếc lưỡi câu nào, lão mắc trả nó vào trong kẹp tre. Thỉnh thoảng lão ngoái đầu nhìn ra ngoài sông miệng lủng bủng chửi.

- Tổ sư nó. Mưa dầm mưa dề lại rét mướt kéo dài thế này lấy cứt mà ăn à.

Lão chửi trời, chửi đất hay chửi ai. Chịu. Chửi ai chỉ có bản thân lão biết. Bà Tèo ngồi nép bên trong phên nứa chắn cuối thuyền cứ cặm cụi vá lưới, tịnh không dám lên tiếng. Nghe lão chửi luôn mồm bà cũng khó chịu nhưng mặc. Giây lời với lão lúc này chỉ tổ gặp vạ. Lão muốn chửi ai thì chửi. Miệng lão chửi thì tai lão nghe. Từ ngày gắn cuộc đời mình với lão, bà đã quen với chuyện này. Bà Tèo quen chuyện lão chửi như người ta quen khổ, quen đau. Mặc dù cái đau, cái khổ luôn làm người ta khó chịu. Miệng lão chửi nhưng trong đầu lão lại đang nghĩ cách bắt bằng được con cá măng phá lưới của lão ở khúc Rủ. Đã không bắt được nó, lão còn bị nó hất xuống sông. Lưới không bắt được thì lão dùng câu. Đời lão chưa có con cá nào thoát khỏi tay khi lão đã quyết bắt. Lão tin vào việc đó như tin chính việc đang ngồi giũa lưỡi câu vậy. Việc lão muốn dùng lưỡi câu để bắt con cá măng này là lão muốn con cá phải chịu đau đớn đến tận cùng như khi lão bị con cá chơi khăm, hất xuống sông vậy. Lão muốn con cá phải chịu cái đau cho đến khi chết. Còn nếu lão thích bắt nó thì chỉ cần lão xách cái đinh ba, lặn xuống, vùi mình trong bùn dưới lòng sông, đợi cho con cá đến gần, lao mũi lao là xong. Nhưng nếu làm thế thì con cá không biết được như thế nào là sự đau đớn. Lão vẫn nghĩ. Chỉ có sự đau đớn đến tận cùng thì mới thấy giá trị của sự sống.

Chiếc thuyền câu nhẹ nhàng lướt đến, nép sát vào cạnh thuyền nhà lão Kiếm rồi dừng lại. Do dừng đột ngột, chiếc thuyền câu bị lớp sóng phía sau trườn đến, nâng phía đuôi hơi vểnh lên rồi mới hạ xuống. Nó cứ dập dềnh trên sóng như thế. Người ngồi trên thuyền câu đưa tay bám hờ vào chiếc nhà thuyền của lão Kiếm, đỡ cho nó không va quệt vào mạn thuyền. Chẳng cần nhìn ra ngoài, lão Kiếm cũng biết đó là thuyền câu của lão Được. Lão Kiếm tay vẫn giũa lưỡi câu, miệng đánh tiếng ra ngoài.

- Lão đi đâu về sớm mấy. Lên làm chén rượu chứ?

- Hầy. Đi thả mẻ lưới kiếm con cá uống rượu cho đỡ buồn. Mưa rét nên chán lắm. Chỉ được mấy con cá mù. Thấy lão có nhà ghé qua hỏi thăm tý thôi. Trời lạnh thế này, chắc lão không phải ngâm xác nữa hả?

- Mưa nắng thế này, chắc năm nay đói rã mép ra mất.

- Lão lo xa quá. Còn nước lo gì không có cá. Khúc này hết cá ta đi khúc khác.

Bà Tèo ngồi cuối thuyền, tay vẫn đang dùng ghim vá mấy đoạn lưới bị rách. Hôm qua lão Kiếm mang lưới đi thả ở khúc Rủ. Lưới năm xen hai, loại lưới dùng để đánh bắt cá chép, trôi, rô, diếc. Không ngờ gặp con cá măng, cỡ phải mười tám hai mươi cân vào lưới, phá rách. Tiếc mà chịu. Đã không bắt được lại bị nó làm rách lưới, tiếc của giời, lão Kiếm lủng bủng chửi suốt buổi. Ngồi vá lưới, nghe chuyện của chồng và lão Được, bà Tèo nối lời.

- Các ông bảo đi đâu? Đi đâu chả sông này, nước này. Liệu có đi mãi được không?

Không để bà Tèo nói hết câu, lão Kiếm gầm gừ trong họng, giọng cáu cẳn.

- Biết cái gì mà chõ mồm vào. Lại thấy mấy nhà trên bờ có ruộng xa đồng gần tớn mắt lên. Cứ tưởng lên bờ là có nhà ngói cây mít ngay đấy. Thích. Cứ lên đi. Rồi cháo không có mà húp.

- Ơ hay hai cái ông bà này! Rõ là chán! - Lão Được vội lên tiếng - Động tý cứ ầm ầm lên là làm sao. Thôi. Tôi về đây. Tối lão sang tôi làm chén rượu nhạt nhé.

Như tiện tay, lão Được quẳng lên sạp con cá rói còn giẫy đành đạch.

- Trưa, nói mụ vợ nấu canh chua mà ăn. Cá rói khúc Trầm đấy.

Dứt lời, lão Được vung tay, nhấn sâu hai cái cặp tay chèo về phía trước, kéo mạnh xuống phía đuôi thuyền. Chiếc thuyền hơi vểnh đầu lên rồi nhẹ nhàng lướt đi. Trông hai tay lão Được bơi thuyền khoắng khoắng hai bên mạn chẳng khác gì mấy chị trong gánh hát chèo làng Đông thỉnh thoảng lại về diễn ở thôn Nang. Chèo được một quãng, lão Được lại gõ cặp tay chèo vào thành thuyền. Tiếng cặp tay chèo đập vào chỗ cạp trên của con thuyền câu lạch cạch, lạch cạch. Tiếng gõ mạn xua cá mỗi khi đi thả lưới. Phía sau chiếc thuyền câu, vệt sóng tõe sang hai bên hình rẻ quạt, táp nước vào bờ nhè nhẹ và tan đi như những vệt sao đổi ngôi hằng đêm.

Thuyền lão Được đi rồi, lão Kiếm miệng vẫn chửi lủng bủng. Cứ mỗi khi có ai nhắc xa, nhắc gần hay có ý nói, nhắc nhở đến chuyện đất liền là lão lại thấy lộn hết cả ruột. Cả đời lão, cả bố lão, thậm chí ông bà, cụ kỵ nhà lão nào có ai biết gốc gác quê quán ở đâu. Lão có nghe nhưng đấy chỉ là bắc chõ nghe nồi hơi chứ có cái gì bảo đảm. Từ ngày lão có mặt trên đời, lão chỉ thấy con thuyền nhà lão phiêu bạt nay đây mai đó. Đậu đâu là quê, nghỉ đâu là bến. Khúc sông còn cá thì ở, hết cá lại nhổ sào chèo đi nơi khác. Gạo chợ, nước sông. Bao đời nay nhà lão vẫn thế mà có thấy chết đói bao giờ đâu. Lão biết, bà Tèo, vợ lão thích lên bờ lắm. Chả gì, bà Tèo cũng một thời là người của đất liền mà. Đã đôi ba lần bà nhỏ to nhắt nhỉ, nói xa nói gần chuyện đó với lão. Chẳng lần nào lão muốn nghe. Chỉ cần nghe được câu trước câu sau là lão đã chửi. Lão muốn dẹp ngay cái tư tưởng nhăm nhe lên bờ với chả tình làng nghĩa xóm. Với lão, lối nghĩ của bà vợ chẳng khác gì chuyện mơ tưởng hão huyền. Lão nghe mà ngứa cả tai.


2.

Mụ Đoác buôn cá trong làng bảo lão Kiếm phải bệnh giời đầy. Người lão lúc nào cũng nóng rừng rực, muốn cháy. Quanh năm suốt tháng lão ở dưới nước. Vào những ngày mùa hè, lão luôn phải ngâm mình dưới nước, chỉ thò mỗi cái đầu lên trên. Hôm nào nắng nóng quá, lão còn phải ngậm ống thông hơi, lặn nằm áp xuống bùn mới chịu được. Chỉ khi nào đói, lão mới ngoi lên ăn xong rồi lại lặn xuống luôn. Vào những ngày này, có việc phải ngồi trong thuyền một hai tiếng đồng hồ, lúc đó có ai dội nước vào người lão nghe thấy rõ cả tiếng xèo xèo như que than hay thanh sắt nung nóng nhúng nước. Cũng vì cả đời phải ngâm mình dưới nước nên da lão xam xám, đen đúa, nhăn nheo, seo lại như miếng thịt bụng lợn sề. Cũng vì lão luôn phải dìm mình dưới đáy sông, áp da áp thịt với bùn mà từ người lão tỏa ra mùi tanh tanh dìu dịu của bùn, của sa. Đời lão Kiếm chỉ mong quanh năm là mùa đông. Như mấy hôm nay, trời rét xuống đến bẩy tám độ lão mới có cảm giác dễ chịu. Mọi lời ong tiếng ve của người đời lão Kiếm đều nghe thấy hết. Với lão, thiên hạ có nói vậy chứ nói nữa chẳng là cái đinh gỉ gì. Lão lấy bông đút nút lỗ tai lại. Tha hồ mà nói, tha hồ mà nghe.

Mấy hôm nay không đêm nào lão ngủ được yên. Nhắm mắt là lão lại mơ đến con cá măng phá lưới hôm trước bị lão lôi cổ lên thuyền. Cả đời sông nước, chưa có con cá nào mà vướng lưới của lão có thể thoát được. Thế mà, hôm trước, lão đem lưới đánh trên khúc Rủ lại bị con cá măng phá cho tung lưới, còn lao lên húc làm lật thuyền. Lão hận. Hận lắm. Hận tất cả. Lão hận lão vì mang tiếng là người sống dưới nước mà không bắt nổi con cá và có con cá to thế, sống cùng ngay trong lòng sông mà cũng không biết. Lão hận con cá măng vì nó khôn quá. Con cá đã biết cách thoát khỏi lưới còn có ý làm nhục lão. Lão hận tay lưới không đủ sức cuốn chặt lấy con cá để nó thoát. Lão hận cả khúc sông Rủ vì để con cá măng to thế sống cùng. Cả ngày không lúc nào là lão không hậm hụi về chuyện đó. Hôm đó để con cá măng thoát lưới, chèo thuyền về đến nhà, lão thề sẽ bắt bằng được con cá măng đó để lấy mật ngâm rượu, lấy cái bong bóng phơi khô làm đồ nhắm rượu xem lão thắng hay con cá măng đó thắng.

Ảnh sưu tầm
Đang nghĩ chuyện cá chả biết sao lão lại nghĩ xiên sang chuyện vợ con. Cũng cái khúc sông ấy lão đã lặn xuống kéo bà Tèo dìm dưới nước rồi vác lên cái điếm canh đê. Và cũng chính cái khúc sông ấy, lão chứng kiến cảnh làng đưa người đàn bà bị lão dìm sông cạo đầu bôi vôi, trói vào cọc trên bè chuối thả sông. Rồi cũng chính đoạn sông ấy lão đã nhận và đưa người đàn bà ấy về làm vợ. Và lại cũng cái khúc sông ấy lão bị con cá măng làm nhục đời sông nước. Lão nghĩ rất nhiều về cái chuyện lão làm cách nay cả chục năm. Nếu ngày đó lão không túm chân bà Tèo, lôi dọc sông rồi vác lên cái điếm canh đê thì lão có phải chịu cảnh như bây giờ không? Nếu lão không nhận và chẳng có mặt ở cái khúc sông chết tiệt này, cái lúc người làng túm đông, tụm đen như nhặng xem cảnh cạo đầu bôi vôi thả sông thì liệu lão có làm cái việc tốt mà theo lão là duy nhất lão làm trên đời này? Giời đầy hay lão tự đầy? Lão chán. Lão chả cần biết nữa. Càng cố quên thì cái chuyện ấy hình như lại càng hay làm lão phải nghĩ. Nhất là mỗi khi nhìn cái bản mặt thằng Lợi, lòng lão lại bộn lên không yên. Nó cứ giống ai chứ chả giống lão lấy chút gì gọi là.

Theo lão, sự khốn nạn nhất mà lão phải chịu là người lúc nào cũng cứ nóng như than. Người nóng như than thì lão ngâm mình dưới nước, dưới bùn nó sẽ đỡ. Lão sẽ chịu được. Cái khổ nhất, nhục nhất là mỗi khi người như thế thì cái ham muốn xác thịt đàn bà của lão lớn lắm. Lớn đến độ lão không thể làm chủ được bản thân. Cái của nợ của thằng đàn ông lúc nào cũng căng cứng, đòi hỏi. Cũng đã có nhiều lần lão phải cố chịu đựng để tự hành hạ mình bằng cách lấy dây buộc vào nó rồi chằng ngoặc về sau. Thậm chí lão tự đánh cho nó thật đau để nó hết cái thèm muốn thú vật ấy. Cái lần lão lặn xuống túm lấy chân bà Tèo, dìm, lôi dọc sông cho đến ngắc ngoải rồi đưa lên điếm canh đê cũng là một lần như thế.

Hôm ấy, vừa chập choạng chiều, người lão lại nóng như phát hoả. Lão vội nhảy xuống sông lặn sâu xuống đáy. Khốn nạn cho thân lão. Đang nằm dưới lòng sông thì lão lại nghe thấy có tiếng bước chân lội nước. Nhìn qua làn nước mờ mờ, lão thấy cái chân trăng trắng, đùng đục. Chân của đàn bà. Lão đã cố tránh nhìn đi chỗ khác nhưng cái ham muốn của thằng đàn ông nó thức dậy. Nó đòi hỏi, nó căng cứng làm cho lão không thể chịu được. Lão thấy như có cái gì cứ thúc vào người đưa lão đến gần cái bắp chân trăng trắng, đùng đục. Lão trườn người sát mặt bùn đến gần. Khi lão đã nhìn rõ cái chân. Lão ngước nhìn lên. Trong làn nước lão nhìn thấy hai quả bồng đảo nhấp nhô như mời, như gọi. Và thế là cái gì phải đến đã đến. Lão túm lấy chân có hai quả bồng đảo đang nhấp nhô ấy mà lôi. Lão cứ túm hai cái chân kéo cái thân người trắng đục ấy đi một đoạn dài. Khi đã kéo được một đoạn đủ để cái thân người có cái túm đen đen ở giữa khêu gợi, cái quả bồng đào trái cấm ấy vừa đủ ngạt thì lão trồi người lên, vác xốc lên vai, leo lên đê chạy về cái điếm canh vắng tanh vắng ngắt nơi đồng không mông quạnh. Xong việc, lão vứt người đàn bà lại điếm canh đê. Lão lại trườn người xuống bùn nằm.

Rồi lại cũng vào một chiều, lão vừa đi thả lưới về đậu bên kia bến thì thấy trong làng tiếng mõ, tiếng trống, tiếng người xôn xao. Tiếng mõ, tiếng trống, tiếng người ngày càng tiến gần về bến sông. Kẹp giữa hai người đàn ông lực điền, tay chân cuồn cuộn cơ bắp như dây thừng, dây chão là người đàn bà. Nhìn kỹ, người đàn bà bị kẹp giữa hai người lực điền không ai khác chính là người đàn bà mà lão đã túm chân chiều muộn hôm nào lôi dọc sông rồi vác lên cái điếm canh đê. Phía sau có bốn năm người đang khênh cái mảng đóng bằng cây chuối. Đến bến, họ ném mảng chuối xuống bến sông rồi đưa người đàn bà có hai lực điền kẹp giữa đặt nằm xuống tấm phản trên mảng chuối. Mấy người trên bờ cũng lao xuống theo giúp hai người đàn ông lực điền trói, gìm chặt người đàn bà vào đó. Đám người trên bờ thi nhau chửi, rủa, tay chân chỉ chỏ rỉa rói. Sau khi đã gim chặt người đàn bà vào tấm phản, có một người đàn ông mà lão nhìn không thể đoán được tuổi trèo lên cái mảng chuối, lấy tay, túm từng đám tóc của người đàn bà rồi dùng kéo cắt. Vì bị gìm chặt vào tấm phản nên người đàn bà kia không thể đụng cựa được. Mỗi khi người đàn ông không đoán được tuổi cắt từng túm tóc thì người đàn bà lại ngọăc đầu bên nọ, ngoắc đầu sang bên kia trông như con sâu bị bọn trẻ lấy gạch đánh dập một phía chỉ còn cái đầu ngọ ngoạy thia lia.

Tuy là người của sông nước, lão chả cần quan tâm đến chuyện người trên bờ làm gì. Nhưng lão biết, người đàn bà bị gìm chặt trên tấm phản ở mảng chuối bên bến kia đang bị dân làng buông trôi sông vì tội chửa hoang. Đã đôi ba lần chứng kiến cảnh như thế này nhưng lão chẳng để ý. Đất có thổ công, sông có hà bá. Đất có thổ công hay không thì lão chả biết và lão cũng đấm thèm vào biết. Còn sông, với lão, hà bá là lão chứ chả là ai khác. Đời lão cả ngày ngâm dưới nước, lão chả thấy rồng rắn, thuồng luồng nào cả ngoài mấy con cá nhép mà thích bắt thì bắt. Lão bắt cá như người đời thò tay vào túi mình thế. Sống với cá, với nước, với bùn đất nên gặp chuyện trên bờ như thế lão chỉ thấy buồn cười. Của người ta, người ta không giữ lại mang cả làng đi lo giữ. Lão thấy thật thối chuyện, rỗi hơi.

Nhìn thấy người đàn bà bị lão túm chân, lôi dọc sông rồi vác lên điếm canh đê bị hành hạ, bị chửi rủa, như con thú sa bẫy, như con cá bị lão bắt đựng trong cái vợt giẫy giụa cố tìm lối thoát thân mà bất lực. Tự nhiên, lão thấy tức ngực, thấy đau ở bên dưới bụng, thấy thương, thấy tội lỗi. Có phải người đàn bà kia bị dân làng hành hạ, xỉ nhục, xua đuổi, loại bỏ khỏi cộng đồng loài người là do lão làm không? Chút thỏa mãn dục vọng của lão đã làm cho người đàn bà kia phải chịu bao đau khổ. Tại lão? Tại lão mà người đàn bà kia mới nên nông nỗi này? Lão thấy người lão cứ nóng dần, nóng dần lên.

Lão trố mắt lên nhìn, giương mắt lên chứng kiến người ta hành hạ người đàn bà của lão ở điếm canh. Lão nghĩ. Nghĩ nhiều lắm. Càng nghĩ lão càng thấy mình tội lỗi. Lão thấy lão thật ti tiện và khốn nạn. Lão nghĩ lão không bằng con chó đực, chó cái. Khi người đàn ông không rõ mặt lấy nghiên mực đổ lên mặt người đàn bà thì lão không chịu được nữa. Lão nhảy xuống nước, lặn một hơi sang đúng bên cạnh cái mảng chuối rồi trồi người lên. Bám hai tay vào mảng chuối, lão nhảy lên. Chiếc mảng chuối bị nghiêng, hất người đàn ông đang đổ nghiên mực xuống sông. Những người trên bờ, mặt cắt không còn giọt máu, miệng há hốc, mắt trợn ngược, đứng như trời trồng. Lũ trẻ đang hò hét hùa theo đám người lớn chửi rủa, mắng mỏ người đàn bà, thét lên. Có đứa chúi đầu chui xuống chân bố mẹ, có dăm ba đứa, sợ quá, giật lùi về sau ngã dúi dụi, vài ba đứa xé háng người lớn chạy vào làng kêu khóc. Đám người đang đứng trên bờ vón lại, xô ngả nghiêng. Người đàn ông có cái bản mặt không đoán được tuổi cứ chới với giữa dòng, hai tay chới với, chân đập lõm tõm như chân chó bơi sông kêu cứu.

Quăng mình xuống nước, lão lao ra chỗ người đàn ông đang đập tòm tõm chới với kêu cứu, giơ tay túm tóc lôi sấp lên bến. Xong việc, lão giật tung sợi dây cuốn quanh người đàn bà bị gim chặt xuống chiếc mảng chuối. Lão đứng trên chiếc mảng giọng cấm cẳn.

- Người đàn bà này do tôi làm có chửa. Làng muốn bắt vạ thế nào cũng được. Tôi đem người đàn bà này về ở với tôi.

Dứt miệng, lão đẩy luôn chiếc mảng về bên thuyền rồi bế vứt người đàn bà lên sạp. Sự việc diễn ra nhanh quá, bất ngờ quá, làm cho những người đang đứng trên bờ không kịp nhận ra lão là người hay ma, lão nói cái gì, đang làm gì. Khi mọi việc đã xong xuôi, hoàn hồn trở lại thì lão đã đưa người đàn bà kia vào trong ngôi nhà thuyền rồi. Và cũng từ đó, lão có vợ, có người đàn bà bên mình. Mấy ngày lão cũng có ý chờ xem người làng có ý kiến gì không nhưng tuyệt nhiên lão chả thấy có chuyện gì. Cả làng chẳng ai bắt khoan bắt nhặt gì lão. Mà hình như họ coi như mọi cái chưa xảy ra, trên khuôn mặt mọi người làng vẫn như không. Người đàn bà khốn khó từ đó thành vợ lão. Có nhiều ngày lão nghĩ. Tại lão đã làm cho người đàn bà khổ và cũng coi như cái số trời định thế. Lão làm người đàn bà khổ thì lão phải gánh chịu nỗi khổ do lão gây ra. Lão hại người thì trời đầy lão phải chịu thế này.

Mải nghĩ chuyện của vợ, lão Kiếm không để ý, giũa trượt ra ngoài. Chiếc lưỡi câu đâm sâu vào tay.

Lưỡi câu thả được làm bằng sợi thép nhỏ. Loại thép để làm lưỡi câu loại này thường phải mua của cánh thợ cầu. Họ thường chặt trộm các đoạn dây cáp rồi đem bán. Mua về, người làm lưỡi câu phải gỡ từng sợi, đem giãn cho thẳng, cắt từng đoạn ngắn vừa tầm uốn lưỡi. Xong, một đầu uốn một vòng nhỏ chỉ đủ luồn sợi dây cước hoặc sợi ni lông để nối với dây thả, có nơi còn gọi là dây ràng. Sợi dây này, khi thả câu được kéo từ bờ bên này sang bờ bên kia. Phía đầu dây thép còn lại, dùng giũa, giũa cho nhọn, sắc. Sau khi đã làm xong các công đoạn trên, dùng kìm đặt sợi thép đó vào một cái giá, uốn lại hình chữ u. Khi uốn xong thành từng chiếc lưỡi câu, lúc đó lại phải dùng lửa than cốc, nung nóng lên, tôi vào nước muối đặc. Đến khi đó mới có thể buộc vào dây thành dây câu thả xuống sông bắt cá được.

Những chiếc lưỡi câu đã tôi xong, chúng rất cứng và giòn. Nếu ai không biết đem uốn cho thẳng lại là sẽ gãy ngay. Sau mỗi lần thả, thu dây câu về phải dùng giũa, giũa lại lưỡi cho bén, tẩy hết phần gỉ vàng bám vào lưỡi đi. Giống cá nó thính lắm. Lưỡi câu thả chỉ cần có mùi tanh tanh của thép gỉ là chúng nó tránh được hết. Lúc ấy, có đem thả câu cũng chỉ là công cốc. Sau khi đã rửa sạch lưỡi đem nhúng vào mỡ lợn cho chúng không bị gỉ, trông anh ánh sáng. Cũng vì cái màu anh ánh sáng ấy, khi thả xuống nước, loại cá có mắt mà như mù không nhìn thấy, cộng thêm mùi mỡ lợn hút cá vào đó lượn lờ để mà vướng lưỡi.

Vì lưỡi câu được giũa sắc, tôi trong nước muối đặc nên khi con cá vướng vào, đâm vào da, chúng bén và ăn rất sâu, rất buốt. Khi đó con cá càng vùng vẫy, muốn thoát lưỡi câu thì lưỡi câu càng đâm vào sâu. Càng đau, con cá càng cố giẫy làm cho dây câu căng ra. Những chiếc vỏ ốc, nắp bật lửa hỏng buộc ở hai đầu cọc dây ràng làm tín hiệu rung lên. Nghe tiếng kêu, người thả câu biết để chèo thuyền ra bắt cá.

Trong tất cả các loại động vật, lão Kiếm thường nghĩ loài cá chính là loại ngu nhất. Theo lão Kiếm, ở đời, người chết vì của, kiến chết vì mỡ, chim chết vì mồi, kẻ dốt chết vì danh, kẻ có danh lại chết vì lợi. Thì đấy, lưỡi câu lão đem thả sông có mồi đâu. Giá lão mắc mồi mà chết cho cam. Đây lão không hề mắc lấy một tý mồi gọi là. Lưỡi câu lão thả sông là lưỡi câu không, nhưng loại cá, sống dưới nước, có mắt mà cũng như mù, chết vì ngứa ngáy, đú đởn.

Nói là nói vậy thôi chứ lão thừa biết. Giống cá khi bơi theo dòng nước, gặp cái gì trôi vật vờ là ngoe nguẩy, lượn lờ cọ thân vào đó. Chính vì tội gặp cái gì vật vờ cũng nghĩ là tử tế, hiền lành, ngứa ngáy cọ mình vào đú đởn, làm dáng. Dây câu lão làm sắc là thế, bén làm vậy. Khi lão thả xuống sông, các lưỡi câu cũng trôi theo nước vật vờ, ve vẩy, chúng mới cọ mình vào. Khi cá cọ mình vào dây câu, các vẩy lại nở ra và thế là, các lưỡi câu, lưỡi hái của thần chết đã chờ sẵn. Chỉ cần chúng chạm vào, các lưỡi câu lão buộc theo dây ràng, đang đung đưa ấy sẽ vướng vào kẽ vẩy và cắm sâu vào thân. Khi lưỡi câu của lão đã cắm vào thân thì đừng nói con nào chạy thoát. Khi các vỏ ốc, vỏ bật lửa buộc đầu dây ràng rung lên, lúc ấy, lão chỉ còn mỗi việc bơi thuyền ra, lần theo dây, luồn chiếc vợt xuống dưới và thế là hết đời.

Vì lưỡi câu rất sắc và bén, khi người thả câu giũa lưỡi phải rất tập trung. Chỉ cần sơ sẩy, lưỡi câu sẽ đâm vào tay ngay. Khi bị lưỡi câu đâm vào tay, để lưỡi câu dính trong da còn đỡ buốt. Rút lưỡi câu ra thì buốt lên tận óc.

Rút chiếc lưỡi câu ra khỏi ngón tay, lão Kiếm đút luôn vào mồm mút. Lão dùng tay kia, thò vào trong quần, giật mạnh. Xoè tay cho những chiếc lông rơi xuống mặt sàn rồi xoa xoa vê cho những chiếc lông lão vừa giật ra vón lại. Lão rút ngón tay đang đút trong mồm ra, đắp đám lông ấy vào chỗ bị lưỡi câu đâm.

- Mẹ cha nó chứ. Sao mà buốt thế.

Tự làm lưỡi câu đâm vào tay mình, lão Kiếm không biết chửi ai đành chửi đổng. Vứt dây câu lại, lão đưa mắt nhìn áng chừng số lưỡi câu đã giũa xong. Với tay kéo ấm tích. Rót một bát nước đầy, lão đưa lên uống một hơi. Xong, lão lấy ống tay quệt ngang miệng.

Ảnh sưu tầm
Mưa đã tạnh, mặt sông trông sáng, những con sóng nô đùa đuổi nhau hết lớp này sang lớp khác. Nhìn các con sóng đuổi nhau, lão Kiếm lại nhớ lão Được có một lần nói với lão. Cuộc đời sông nước cũng như các con sóng, suốt đời cứ chạy đuổi theo cái điều không tưởng nhưng lại hạnh phúc. Nghe lão Được nói lão kệ. Lão chỉ thấy thật vớ vẩn. Chúng cứ đuổi nhau như thế cả một đời không biết chán. Theo lão, ở đời việc gì phải cứ tự làm khổ mình vì sự hão huyền ấy. Ai đuổi thì đuổi, chứ lão, đấm thèm vào. Lão không nói, lão Được lại tưởng lão không biết gì, cười. Đúng là dớ dẩn.


3.

Nhìn theo bóng thuyền câu của lão Kiếm cho đến khi khuất hẳn vào khúc ngoặt, bà Tèo chui vào nhà thuyền. Tự nhiên bà chán chường, không muốn làm gì cả. Bà với tay lấy chiếc ấm tích rót nước. Bà rót đến khi nước tràn ra sạp thuyền mới biết. Giật mình, bà đặt vội chiếc tích xuống rồi vơ vội chiếc áo rách mắc hờ bên mạn lau. Xong, bà ngồi thừ ra. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má.

Bà không thể ngờ rằng cuộc đời xô đẩy bà từ một cô gái trên bờ, gắn bó với bờ xôi ruộng mật lại trở thành người đàn bà của dân làng chài, dân mà người làng luôn có những cái nhìn không thiện cảm. Người làng thường cho rằng, người sông nước thường là những kẻ vô ơn bạc nghĩa, dân trộm cắp, đầu sông cuối ngòi, dân tứ chiếng giang hồ, dân vô gia cư, chết vô địa táng.

Cái ngày bà còn là con gái, mỗi khi ra đường bà sợ nhất những cái nhìn như mắt sói. Bà luôn có cảm giác những ánh mắt ấy nuốt chửng lấy bà. Thế rồi bà gặp được một người con trai không biết từ đâu dạt về làng làm thuê cho nhà Bát Song. Mỗi lần ra đồng, thấy người ấy cứ lầm lụi làm, mỗi khi gặp bà cũng không như những người khác. Giáp mặt bà đấy nhưng cũng chẳng dám ngẩng mặt lên chào. Quanh năm suốt tháng chỉ có độc một bộ quần áo bằng vải diềm bâu, nhuộm nâu, dày như mo cau.

Năm đó, nước lũ trên thượng nguồn đổ về dữ quá. Con sông chảy cuồn cuộn, đục ngầu một màu vàng vàng của sa. Rều rác trôi lều bều cuộn vào các vòng xoáy. Chiếc cầu tre bắc sang đồng chao qua chao lại, lắc la lắc lư. Buổi sáng, khi bà đưa trâu sang thả ngoài mục con sông còn trong trẻo và hiền lành. Thế mà bây giờ, mới chưa đầy nửa ngày đã đầy nước. Nhìn chiếc cầu tre bà sợ. Nếu đang đi trên cầu mà chẳng may rơi xuống thì khó lòng mà sống nổi. Những cuộn xoáy nước kia sẽ dìm chết chỉ trong nháy mắt. Nhưng bà không thể không sang. Bà phải sang để đưa trâu về. Thời gian gần đây đã có một vài nhà làng bên bị bọn trộm trâu vào tận chuồng dắt trộm. Người khôn của hiếm, đói kém dễ làm người ta sinh thói hư, sinh đạo tặc. Nhà nông, của cải, kiếm sống đều nhờ con trâu cả. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Không có con trâu rồi thành chết đói, mùa vụ lấy gì mà làm ăn, cày cấy. Nhìn dòng nước, nhìn chiếc cầu, dù sợ nhưng bà vẫn phải sang.

Dò dẫm từng bước lên cầu. Tay nắm vào cây vịn, bà lết lết từng bước một. Mới lết ra được chừng hơn hai mét, bà thấy cây cầu chao đảo, đưa qua đưa lại, tròng trành, lắc lư như muốn hất bà xuống sông. Bước lên cũng không được mà quay lại cũng không xong, bà cố bám thật chặt tay vào cây vịn. Đưa mắt nhìn xuống sông, bà thấy hoa cà hoa cải nổ trong mắt. Những xoáy nước bên dưới cứ hút bà xuống. Bỗng, chiếc cây vịn tay bị đứt lạt nối các cây với nhau. Bà nhao người. Dòng xoáy bên dưới cuốn bà đi.

Cứ mỗi lần con sóng đẩy bà lên, khi bà định kêu ai cứu nước lại tràn vào đầy miệng Bà chỉ còn giơ hai tay lên chới với cầu cứu. Dòng xoáy cứ mỗi ngày giật bà ra xa bờ hơn. Rồi bà thấy chân tay rã rời, người nhũn ra. Bà càng cố nhoai người lên mặt nước thì hình như dòng xoáy càng cố dìm chìm sâu xuống. Đúng lúc ấy, hình như bà thấy có một cái gì, không phải cá mà giống như một cái chạc cây, rất cứng, quặp chặt ngang người bà kéo đi. Chết đuối vớ được cọc, bà cứ ôm riết lấy vật đó. Rồi bà thấy cái gì đó cũng rất cứng cứ đánh vào mặt bà. Cái vật đó đánh liên tục cho đến khi bà không còn nhận ra cái gì, ngất lịm đi.

Khi tỉnh lại, bà lờ mờ nhận ra bà đang nằm trên bãi trồng mầu của làng. Ngồi cạnh bà là người đàn ông có khuôn mặt quen quen. Khuôn mặt cứ rõ dần, rõ dần. Người ngồi cạnh bà không ai khác là Được, người đàn ông làm thuê cho nhà Bát Song. Bà nhìn rõ khuôn ngực của Được vồng lên, đầy và dầy như ức con trâu mộng. Khuôn ngực có cái cơ cuồn cuồn ấy cứ phập phồng, phập phồng. Giật mình, bà nhổm dậy rồi lại vội nằm xuống ngay. Chiếc áo của bà đã không còn trên người. Phủ lên trên thân bà là chiếc áo diềm bâu, nhuộm nâu, dày như mo cau.

Bà không nghĩ Được lại khổ đến thế. Được bảo bà. Được là con trai của một gia đình thuyền chài ở trên vạn Bo, cách nơi này xa lắm. Vì nhà Được đông anh em, bao đời lênh đênh sông nước làm nghề kéo chài, thả mồi, buông lưới. Kiếp sống sông nước đầy ải vất vả. Đất không có một tấc cắm dùi, nhà không có một túp để ở. Sống ngâm da, chết ngâm xương. Được muốn lên bờ để làm thuê, tiết kiệm, tích cóp mua lấy mảnh đất cắm dùi. Được không muốn sống cuộc sống sông nước nữa.

Cho đến bây giờ, bà Tèo cũng không hiểu sao ngày đấy Được lại bỏ bà mà ra đi biệt tăm biệt tích như thế. Nhiều đêm không ngủ, nghĩ về quá khứ bà giận lão Được lắm. Khi bà báo tin có con, Được không nói một câu. Hôm sau, Được lẳng lặng bỏ đi đâu bà cũng không biết, để bà phải chịu bao nỗi cực nhục của đời. Được mong muốn rời xa kiếp sông nước mà sao khi biết bà có mang với mình lại bỏ bà mà ra đi. Nhà chỉ có hai mẹ con, có ruộng có vườn, có nhà có cửa mà sao Được lại đối xử với bà như thế. Nếu Được không thích ở rể thì mẹ bà cũng cắt đất ra cho vợ chồng bà cơ mà. Được vẫn nói với bà mỗi khi vụng trộm bên nhau chỉ mong có được mảnh đất, ngôi nhà vui vầy cùng vợ con mỗi ngày đi ra đồng vào ruộng. Bà chỉ có thể tự lý giải Được khi nghe tin bà có con, bỏ bà mà đi ấy là vì bà mẹ goá, con côi, gia sản của cả nhà chỉ có mảnh vườn với gian nhà rách nát. Ngày đó bà hận, bà giận Được lắm. Không ai khác, chính Được đã làm đời bà chịu bao vất vả, tủi nhục. Bà phải sống với lão Kiếm cũng vì Được. Và bà còn sống đến bây giờ cũng vì Được. Vì cái giòng giống của nhà Được chứ đâu có vì bản thân bà.

Hận Được, bà đi tự tử. Nhưng trời cứ bắt bà phải sống, cứ bắt bà phải chịu sự đầy ải của kiếp người. Khi bà lội xuống sông trẫm mình thì bà bị lão Kiếm túm chân, lôi dọc sông dìm cho đến gần chết rồi vác lên chiếc điếm canh đê. Ấy là khi về ở với lão Kiếm, từ khi lão lôi bà từ chiếc mảng chuối mà dân làng mang bà ra thả sông. Lão đã tự nói ra bà mới biết. Còn khi ấy, bà cứ nghĩ bà bị ba ba, thuồng luồng lôi đi. Khi bà lội ra gần giữa dòng thì tự nhiên thấy có vật gì cứng lắm, ngoạm chặt lấy chân rồi cứ thế mà lôi đi. Bà bị nó tha đi đến chết ngạt. Bà càng kêu nước lại càng ộc vào đầy miệng. Bà chỉ biết rằng, khi tỉnh lại thì bà lại nằm bên trong cái điếm canh đê ở nơi đồng không mông quạnh. Bà không muốn sống nữa nhưng lại sợ. Khi lội xuống, bà lại bị ba ba, thuồng luồng lôi đi như lần vừa rồi. Chết như thế mất xác, hồn không lên được niết bàn mà phải chịu đầy dưới chín tầng địa ngục, thả trong vạc dầu, chẳng bao giờ được đầu thai trở lại. Bà nào có biết, cái chuyện bị lôi đi dọc sông, dìm cho chết ngạt lại là lão Kiếm chịu tội giời đầy, cả đời phải sống dưới đáy sông tha bà đi như thế.

Bà cũng không thể hiểu được. Khi bà và lão Kiếm tưởng như đã an bài với số phận thì từ đâu, lão Được lại lù lù trở về. Ngày lão xuất hiện, bà lo đến thắt gan thắt ruột. Lúc đầu bà những tưởng lão trở lại dăm bữa nửa tháng rồi đi. Ai ngờ, lão mua lại của người ta chiếc thuyền câu cũ, trở lại làm nghề sông nước. Cái nghề mà theo lão, chết không có tấc đất để chôn. Phận đàn bà, mười hai bến nước. Lênh đênh phận gái theo chồng. Hạt mưa sa ra ngoài đồng, hạt sa vào trong chĩnh. Bà cũng chẳng mong ước gì hơn có được gia đình khi cái thân con gái của bà cũng không còn. Lão Được quay lại, âu cũng là trời muốn hành hạ thân bà, muốn đầy đọa bà thêm lần nữa.

Điều làm bà khó chịu và rất lấy làm xấu hổ, từ khi trở lại làm nghề sông nước, lão Được lại rất hay đến uống rượu với lão Kiếm. Nghe lão nói, chứng kiến cảnh lão giả bộ làm như không biết chuyện gì lão đã mang đến cho bà với lão Kiếm. Bà chỉ còn biết khóc thầm trong dạ. Những lúc như thế, bà lại thấy thương lão Kiếm biết bao. Dẫu lão Kiếm có cáu gắt, có tục tĩu, có chửi rủa và có gia trưởng thì bà vẫn thấy cái chân thành và thẳng thắn ở lão. Đã có những lúc, bà thầm cám ơn tạo hoá đã để lão Kiếm dìm bà xuống sông để lão gắn cuộc đời với bà. Nhưng rồi, những lần thấy lão Được long đong, vất vả kiếm miếng cơm từ con cá bà lại thấy thương. Bỏ bà đi biệt tăm biệt tích, khi quay lại cũng chỉ đủ tiền mua chiếc thuyền nan đã cũ của người ta để kiếm sống. Làm nghề sông nước mà cái thuyền, chiếc cần câu cơm cũng rách nát thì thử hỏi sống được mấy ngày. Lòng bà cứ bộn lên bao mối tơ vò. Cái bà lo nhất, sợ nhất là chuyện thằng Lợi mà bấy lâu nay lão Kiếm nuôi nấng, chăm lo. Nếu lão Kiếm biết không phải là cốt nhục của lão thì lão giết bà mất. Trời đầy lão cả đời phải ngâm mình dưới nước, phải làm bạn với bùn đất nhưng không phải vì thế mà lão không nghe, không biết chuyện gì của đời. Bà biết. Một con người như lão Kiếm, khi yêu cũng yêu hết mình mà khi đã ghét thì đào đất đổ đi. Được ngày nào lên bờ, bà lại tìm đến cửa nhà phật cầu xin đừng để chuyện ấy xảy ra. Đã có nhiều lần, đứng trước nhà phật, thấy người ta cầu tài cầu lộc, còn bà, chỉ cầu cho mình chết sớm để không phải gánh cái trái ngang cuộc đời mà không muốn khóc, nước mắt vẫn cứ lã chã rơi. Trời còn đầy đọa bà đến bao giờ nữa.

Có lần nghe mụ Đoác nói chuyện trêu đùa với lão Kiếm chuyện con cái mà bà lo thắt ruột. Mỗi lần lên bờ đi chợ, mỗi lần gặp người trên bờ là bà chỉ muốn trốn. Bà sợ từ ánh mắt của thiên hạ. Bà sợ từ cái cười, câu chuyện bông đùa của người đời. Bà sợ lão Được trở chứng lại nói nọ nói kia với lão Kiếm. Bà sợ lão Kiếm biết sự thật về việc bà bị làng trôi sông. Và bà sợ chính bà với những nỗi đau không thể nói với ai chỉ một mình gánh chịu. Mỗi khi lão Kiếm có việc vào làng là bà lo lắng mất ăn mất ngủ hàng tháng. Chỉ bao giờ, lão Kiếm dục đi chợ mua gói thuốc lào hay lạng chè thì khi ấy bà mới thấy yên tâm.

Lau xong chỗ nước đánh đổ, như tiện tay, bà lau dọn luôn cả gian nhà thuyền. Bầy cá lão Kiếm đánh về thả nuôi dưới lòng khoang thỉnh thoảng lại quẫy đuôi, kèn cựa nhau chỗ nước đáy khoang lục bục. Thở dài, bà leo ra đuôi thuyền, với tay chài tìm chỗ rách để vá. Con khoang vưỡn vẹo đi đến bên, cọ cọ sườn vào bàn chân. Vừa làm, bà Tèo vừa đưa mắt nhìn về phía khúc sông Rủ. Những tia nắng cuối ngày sáng chập chờn trên sóng. Cả khúc sông chỉ còn ánh lên màu bàng bạc, nhàn nhạt và dờn dợn.


4.

Ảnh sưu tầm
Mấy bữa nay bà Tèo không thấy lão Được qua thăm nhà bà như thói quen thường ngày. Quá trưa, ăn uống xong, lão Kiếm đã hạ chiếc thuyền câu, quẳng tay lưới rồi với tay cầm mấy bộ dây câu. Còn chân trên chân dưới lão nói, không ra nhắc mà cũng chẳng ra bảo hay dặn dò. Lão bâng quơ.

- Tối nay tôi mới về. Ở nhà bảo thằng Lợi đi mua dầu. Hết rồi đấy. Nhớ mua cho mấy lạng thuốc lào nữa. Mà mua thuốc ngon ấy. Thuốc hôm nọ, hút vào vạ thối mồm.

Lão Kiếm vừa chèo thuyền đi khuất sau khúc sông thì lão Được chèo thuyền qua. Lão làm như vô tình tạt vào thăm chứ không có ý định gì cả. Thấy lão Kiếm không có nhà, lão Được dợm dợm tay chèo định đi. Mỗi lần gặp bà Tèo, lão lại thấy mình có lỗi. Cái lỗi lão cảm thấy cũng thoáng qua nhanh lắm. Nhanh như con sóng khi mái chèo khua vậy. Chỉ loáng cái là đã tan vào sóng nước. Không biết nghĩ thế nào, lão dợm dợm chèo rồi bỏ đi không cả chào bà Tèo như thói thường ngày.

Chèo thuyền đến khúc Rủ, lão Kiếm tìm lùm cây xoà xuống nước, chèo thuyền vào đó giấu. Lão dọn tay lưới, bộ dây câu cho gọn vào dưới cái sạp tre trong lòng thuyền rồi nằm dạng chân, gác lên hai be thuyền, gối đầu vào khung ngang nằm. Lão nằm lim dim mắt như ngủ, đôi tai lão hóng về khúc sông có ý nghe ngóng. Tối qua, khi lão sang nhà thuyền của lão Được uống rượu, nghe lão nói chuyện con cá măng ở khúc Rủ mà lão bắt trượt. Nhìn mặt lão Được lúc ấy, lão Kiếm biết lão Được muốn đến đó lắm. Trông cái mặt lão khi nghe kể cứ sáng lên. Đôi mắt của lão Được nhìn lúc đó cứ long lanh, long lanh. Lúc ấy, lão Kiếm đã nghĩ lão phải kiểm tra lại một lần nữa những phán đoán của lão. Mụ vợ nghĩ lão ngu, vạn chài bảo lão khờ, lão Được cho rằng lão là kẻ kém hiểu biết. Ai nói gì lão cũng mặc. Cả đời lão phải dìm mình xuống sông, xuống nước nhưng đâu phải mắt lão mù, tai lão điếc. Lão nghe thấy hết, nhìn thấy hết. Lão nghĩ thế nhưng lão cố chịu. Lão không muốn nói. Thâm tâm lão muốn nói bằng hành động cụ thể. Lão vẫn thích thế. Với lão, chả có cái nói nào quan trọng bằng việc làm. Lão nằm tưởng tượng ra những gì sẽ diễn ra chiều nay. Lão thấy vui, cười một mình.

Nằm khểnh đến chập choạng chiều thì lão Kiếm dìm thuyền, giấu tay lưới và dây câu rồi lặn xuống nước. Lão bám sát bùn, theo con ngòi ra nằm dưới lòng sông. Lão lần ra khúc Rủ, nơi có con cá măng đã làm rách lưới và còn có ý chơi xỏ lão. Dám đâm vào chiếc thuyền hất lão xuống sông. Khi ra đến khúc Rủ, lão khoét xuống bùn một cái rãnh, nằm ép sát vào đó. Cảm thấy chưa yên tâm, lão lấy tay vét bùn phủ lên kín người, chỉ thò cái đầu lên. Mái tóc của lão bị nước sông làm vật vờ, vật vờ như đám rong, rêu. Cái ống thông hơi lão ngậm trong miệng làm bằng ống thân hoa cây súng, phía trên được lão nguỵ trang bằng nụ hoa. Khi đã nằm yên vị dưới lòng sông, lão tưởng tượng ra cảnh lão túm được chân tướng của người luôn có ý coi thường lão mà cười thầm trong bụng. Lão sướng lắm. Cái cơ ở bụng của lão cứ co cứng lại.

Lão nằm chưa đầy hai ba mươi phút thì lão nhìn thấy có lớp sóng tõe ra như đuôi con cá trên mặt nước. Rồi cái vòng sóng có cái bóng đen đen nhòe nhòe cứ vẩn vơ, luẩn quẩn ở trên chỗ lão nằm. Phía trên lão nằm có ai đang thả lưới. Mấy lần lão định đưa tay kéo lại để xem là lưới của ai nhưng rồi thôi. Người sông nước, chỉ cần nhìn tay lưới, cách kẹp chì, buộc phao, thắt dây giềng là cũng biết lưới của nhà nào. Người trên bờ có câu, người nào của nấy thì người sông nước có câu, người nào lưới đấy. Tính nết con người nó cũng thể hiện qua nét buộc, thắt dây giềng, cái phao và cách kẹp chì.

Lưới đánh cá của mấy bà buôn gai vó đem bán ngoài chợ thường là lưới hàng. Lưới làm hàng thường phao buộc bẩy hoặc mười. Cứ bẩy mắt hoặc mười mắt lưới thì lại buộc một phao. Chì cũng thế, vì làm hàng nên người ta thường kẹp chì năm hay chì bẩy. Thậm chí có nhiều người không kẹp chì sẵn mà chỉ bán lưới rồi về người làm nghề sông nước, tuỳ theo ý định sử dụng vào đánh bắt các loại cá mới kẹp chì. Việc đó chẳng qua là người bán bớt được công làm song nó cũng tiện cho người mua. Kẹp chì sẵn có khi mua lưới về lại phải tháo chì ra kẹp lại. Lúc đó rất mất thời gian. Dây lưới mảnh, miếng chì mỏng. Kẹp đi thì dễ nhưng tháo ra, kẹp lại thì phải mất thời gian bằng bẩy tám lần làm lần đầu. Chỉ riêng cái công đoạn ngồi tháo dây chì đã chết ốm. Sau khi kẹp chì, người làm thường lấy kìm bóp cho chết hai đầu miếng chì để cho miếng chì khi quấn vào dây giềng có lỏng cũng không thể chạy qua chạy lại trong đó được. Chính vì thế, khi đã kẹp chì rồi, tháo ra kẹp lại rất dễ làm cho miếng chì hỏng và làm cho rách lưới.

Nếu đánh cá ăn chìm, cá tầng đáy thì người đánh cá thường buộc chì năm. Cứ năm mắt lưới lại phải kẹp một chì. Kẹp thế để cho chì nặng, kéo lưới xuống sát mặt bùn. Lưới đánh cá tầng lửng thì kẹp chì chín hoặc mười. Lưới đánh bắt cá tầng nổi, lưới kẹp chì mười hai hay mười lăm. Cá nhỏ thì mắt lưới dầy, cá to thì mắt lưới thưa. Đánh bắt loại cá rô, cá giếc thường dùng loại lưới xen một. Tức là mắt lưới đút lọt đầu ngón tay trỏ người lớn. Cứ một ngón tay người gọi là một xen. Đánh cá to, cỡ trên một cân trở lên thường dùng lưới xen ba. Nếu to hơn phải dùng lưới xen năm. Cũng vì thế mà chỉ nhìn cách kẹp chì, buộc phao, làm dây giềng, đo mắt lưới dầy mau là có thể biết được lưới đó dùng đánh bắt loại cá nào.

Nhìn qua làn nước, lão biết đây là lưới xen năm, kẹp chì một. Lưới này là lưới dùng để đánh bắt các loại cá to và ăn tầng chìm. Lưới này phải dùng để bắt những con cá to như con măng đã làm rách lưới và hất lão xuống sông vừa rồi.



5.

Lão Kiếm vùi mình trong bùn nằm chờ. Trong khi nằm chờ, cái đầu của lão lại nghĩ đến chuyện dân trên bờ có người gặp lão bảo là ông nuôi cò. Cũng có đôi ba lần lũ trẻ trâu thấy lão là hát váng: “Công anh băt tép nuôi cò. Cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Có lần con mụ Đoác, chuyên mua cá của lão đi bán lẻ ở các chợ cũng nói xa nói gần như thế. Lúc đầu nghe mụ Đoác nói, lão không để ý. Mấy con mẹ hàng cá, hàng tôm là vua nhiều chuyện. Mấy mụ chuyên buôn dưa lê, bán dưa chuột này mà cứ nghe, để ý thì có mà nát nhà, thêm rặm bụng. Nhưng khi nghe mụ nói mãi thì lão cũng thấy có chuyện. Ừ. Có khi cũng phải xem lại cái tính phớt lờ chuyện đời của chính lão. Gặp lão, mụ thường cười tít mắt, cái đuôi mắt dài như mắt con dê cái, lúc nào cũng ươn ướt, long la long lanh. Một hôm, sau khi lần trong cạp quần mớ tiền nhầu nhĩ, còn tanh tanh mùi cá. Vừa lấy tay duỗi mấy tờ bạc cho thẳng vừa kiểm tra xem có bị dính hay không, mụ Đoác mắt nhìn lão cười cười. Nghe mụ Đoác nói mà cũng chẳng ra hỏi mà cũng không ra nói đùa.

- Nghe người ta bảo lão Kiếm là người mát tay nuôi con thiên hạ lắm.

Bố láo bố toét. Vừa nghe mụ Đoác nói thế, lão đã chửi thầm trong bụng. Nhà mụ thì con thằng nào chả được. Cá vào ao ta, ta được. Trông cái mông của nhà mụ, to như cái lồng bàn, cái eo thắt ngẫng lại, hai cái vú nần nẫn, chảy dài đến cạp quần thế kia, một ngày thiếu hơi thằng đàn ông thì mụ lồng lên quá con chó động đực. Hình như mụ Đoác không thèm để ý đến cái mặt lầm lầm lì lì của lão. Mụ cười hi hí khi vạch cái áo, để lộ làn da trắng nhờ nhờ màu nước gạo. Giọng mụ Đoác tí tởn.

- Cả ngày lão ngâm mình dưới nước, cái của nợ nó có bị teo đi không đấy? Bà vợ trông phổng phao, phốp pháp thế kia mà bị teo thì tiếc của giời nhẩy. Nó mà teo thì loạng quạng, có người đến tha đi mất đấy. Các cụ thường bảo: Trái chín chim tự tìm đến để ăn. Không biết lão có nghe thấy không?

- Chim cò cái con củ tiều nhà mụ. Chỉ được cái lắm mồm. Mụ có thích trông cái teo của lão không?

Lão chửi để át đi. Lão nghĩ, nếu lão mà không dẹp được cái miệng mụ Đoác thì chả phải đợi ba bẩy hai mươi mốt ngày câu chuyện của mụ đã vương vãi ra khắp hang cùng ngõ hẻm, lây lan nhanh hơn cỏ dại. Tránh hổ, tránh báo, xua ruồi, đuổi muỗi chứ ở đời ai tránh được miệng mấy mụ hàng cá. Bịt miệng chum, miệng vại chứ có ai bịt được miệng người.

Nghe lão chửi thế mà mặt mụ Đoác vẫn cứ nhơn nhơn. Mụ vén áo, gãi sườn sồn sột. Mụ giẩu môi, mắt đánh tanh tách, tanh tách.

- Thì em ngứa mồm nói thế. Lão thấy khó chịu thì thôi. Rưng mà. Em nói thật nhá. Lão cứ ngâm nước cả đời thế thì có khi nuôi con thiên hạ thật đấy chứ chả đùa đâu. Lão cứ nhìn mặt thằng con lão xem. Nó giống lão được mấy phần.

Mụ lấy tay đưa lên phía ngoài áo ngực. Mụ nhét cái vú khi ngồi xem cá nó chảy xuống vào cái xu chiêng. Xong, mụ lắc lắc ra ý thử xem cái vú đã nằm trong xu chiêng chưa. Trước khi quầy quả gánh cá đi, mụ Đoác nhìn lão cười tí ta tí toét.

- Khi nào lão thấy nó ngứa ngáy, không còn teo thì đến em. Em cho. He he.

Nghe mụ Đoác nói, lão rất khó chịu. Biết thế, nhưng lão chả dại ra nhời. Thiên hạ mấy người nói lại được mồm con mẹ hàng cá. Khi mua, một cân thì nói tám lạng. Khi bán, tám lạng lại tính một cân. Lúc nào, trong bị của nhà hàng cá chả có tới hai, ba quả cân. Nếu có bắt được cũng cãi xoen xoét, xoen xoét. Người mua thì chỉ có chịu thiệt. Với lão, thích lão cho cả cân. Cá dưới sông, lão thích bắt lúc nào thì bắt lúc ấy. Lão gửi giời chờ lớn mới bắt. Mặc dù không tin nhưng khi mụ Đoác đi rồi, lão vẫn ngồi thuồi luồi ra nghĩ. Bản thân lão cũng đã có lúc nghĩ đến chuyện này nhưng rồi lại cố xua nó đi. Nhưng thật khốn nạn. Lão càng cố không nghĩ thì lại càng làm cho lão nhớ chuyện của mụ Đoác đến phát ngứa ngáy. Mỗi khi nhớ đến, lão lại muốn đập phá một cái gì đó. Và những lúc ấy, lão lại chui xuống nước, nằm với bùn, với nước cho quên đi mọi chuyện ở đời.

Có một vật gì lao rất nhanh, soẹt qua người lão, suýt nữa cuốn cả ống thông hơi. Tốc độ quạt nước của nó làm lớp bùn phủ trên người cũng bị quạt cho vung vãi ra xa, để lộ thân lão trong hũm bùn. Trong màu nước lờ lờ, lão nhận ra vật vừa lao qua không gì khác là con cá măng chết tiệt đã làm rách lưới và hất lão xuống sông. Định thần nhìn lại. Chiếc lưới đang cuốn lấy con cá. Các mắt lưới mỗi ngày một mắc vào vây, vào đuôi, khoá chặt con cá lại. Rất nhanh, chỉ trong vòng vài phút, con cá đã cầm chắc cái chết. Hình như biết không thể thoát được, con cá không động cựa, kéo tay lưới chìm xuống sát đáy.

Lão Kiếm đang định thoát mình khỏi hũm bùn thì trên mặt sông, có vật gì lao đến rất nhanh. Hai vệt sóng toẽ ra hai bên thành luồng chạy dọc mặt sông. Kế tiếp là tiếng lạch cạch, lạch cạch gõ mạn xua cá. Khi đến chỗ tay lưới đang bị con cá kéo chìm xuống đáy, nó dừng lại. Phía trên mặt sông, nơi lão nằm vẫn là chiếc thuyền câu khi nãy. Chiếc thuyền câu trên kia đã đuổi con cá vào tay lưới. Đúng lúc chiếc thuyền câu dừng lại trên chỗ con cá đang bị tay lưới cuốn nằm dưới đáy sông, lão thấy tay lưới được ai đó kéo lên. Hình như chỉ chờ có thế, con cá măng lấy hết sức còn lại, đập đuôi xuống mặt bùn rồi cứ thế, kéo theo cả tấm lưới đang cuốn chặt lấy nó. Như một mũi tên, nó nhằm thẳng vào cái màu đen đen đang lập lờ phía trên mặt sông. Đám bùn dưới đáy sông quẩn lên. Lão chỉ nghe thấy ục một tiếng thì đã bị sóng ngầm giãn nước từ cú lao của nó làm bùn, nước ộc vào mắt, mũi và làm bật cả chiếc ống thông hơi lão đang ngậm trong miệng.

Nhoi lên khỏi mặt nước. Trước mắt lão Kiếm là chiếc thuyền nan đang bị nước tràn vào trôi lập lờ trên mặt sóng. Bơi lại gần. Ngay phía cuối chiếc thuyền nan, lão Được ngã vật, ngửa về sau, mặt hướng lên trời, chân mắc vào thanh ngáng ngang chiếc thuyền. Hai tay lão thả lủng lẳng sang hai bên mạn. Trên mấy ngón tay của bàn tay phải, mắt lưới còn mắc lại. Chiếc áo nâu cũ bị rách toang một mảng ngực. Máu từ bên trong chảy ra thành dòng. Các lớp sóng xô vào rồi dãn ra nhờ nhờ đỏ. Trong lòng thuyền, con cá măng vẫn bị các mắt lưới cuốn chặt lấy vây, đuôi, nằm chắn gần hết chỗ thủng của đáy thuyền. Vài ba chiếc nan gẫy rời, nổi vật vờ ở bên.

Để mặc chiếc thuyền và con cá cùng tay lưới lại khúc sông, lão Kiếm bơi về chỗ giấu thuyền. Khuôn mặt lão không biểu lộ buồn hay vui. Lão thư thả chèo thuyền về.

Không thèm mắc dây vào đầu cọc neo, lão Kiếm vứt chiếc dây một đầu buộc chiếc thuyền câu lên sạp mui. Đặt chân lên sạp, lão khom người chui thẳng vào gian nhà thuyền. Thấy hôm nay thái độ của chồng khác mọi khi, bà Tèo buông vội tay ghim vá chài đứng lên. Khi bà vừa ngoặc được sợi dây vào cọc neo ở mui thuyền, lão Kiếm buông se điếu, đẩy chiếc điếu bát ra xa, nhấm nhẳn.

- Nay không có cá đâu mà ngóng. Lên khúc Rủ mà đưa lão Được về. Nhớ gọi cả thằng Lợi đi cùng.

Ngược chiều gió mùa, bà Tèo lật đật chạy theo triền đê. Bóng bà cứ vật vờ, vật vờ trôi trên mặt sóng. Từng đợt sóng vẫn nối tiếp đuổi nhau kéo theo bóng bà Tèo cứ vẩn vơ trôi, vẩn vơ trôi rồi lẫn vào sông, vào nước. Từ trong làng, tiếng các bà re réo lũ trẻ mải chơi nhởi về bỏ thêm rơm, cỏ và che chắn cửa chuồng trâu, chuồng bò vọng lại.

Nhìn theo cái bóng te tái, lật đật chạy sấp ngửa của bà Tèo trên đê, lão Kiếm đứng lên, chui ra khỏi nhà thuyền. Đứng trên đầu mui lão gọi vóng vào trong làng. Nghe tiếng lão, thằng Lợi chạy về. Vừa nhìn thấy thằng Lợi, lão Kiếm giục.

- Đi nhanh nhanh lên. Chạy lên khúc Rủ. Mẹ mày vẫn đang chờ ở đấy đấy.

- Có việc gì thế bố?

- Cứ lên đấy rồi biết.

Đợi cho thằng Lợi chạy đi, lão chui lại vào trong nhà thuyền, ngồi ật người ra sau, dựa lưng vào vách. Trên khoé mắt lão, giọt nước cứ chảy dài trên má.

.

Trên mặt sông, các con sóng vẫn cứ vẩn vơ trôi.



Nguồn:  Rút trong tập "Dòng sông tật nguyền" của Nhà văn Phạm Thanh Khương

Không có nhận xét nào :